Chúa Nhật II TN B 2024: Thân xác con người

Vì thế, ta phải tôn trọng thân xác của mình cũng như của mọi người để giúp nhau phát triển và cảm nhận được ơn cứu độ như Chúa Giêsu mời gọi trong bài Tin Mừng hôm nay (x. Ga 1,35-42).

Chúa Nhật II TN B 2024

Thân xác con người

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Trong mùa Giáng Sinh, chúng ta suy niệm nhiều về mầu nhiệm Ngôi Lời Thiên Chúa trở thành người, nghĩa là cũng mang một thân xác như ta để cứu độ toàn thể nhân loại và vũ trụ. Nhưng thân xác thật sự là gì thì hình như người ta vẫn chưa trả lời đúng được trong dòng lịch sử văn minh.

1. Những hiểu lầm về thân xác

Con người thời sơ khai chỉ nhìn vào sức mạnh thể lý: thấy mình không nhanh như hổ, không cao như núi, không rộng như biển, không dài như sông, nên tôn thờ chúng làm thần linh. Đó là thời kỳ bái vật. Chỉ mới khoảng 10.000 năm gần đây con người tinh khôn (homo sapiens) mới biết sử dụng bộ não lớn hơn các loài thú khác để thắng được các sức mạnh thiên nhiên.

Nhờ biết suy tư, con người biết rằng trời đất, trăng sao và muôn loài kỳ diệu trong vũ trụ không phải do mình làm nên. Con người nhận ra có một thế giới khác của tinh thần. Đó là thế giới các thần linh. Thế giới này cao sang, mạnh mẽ, tươi đẹp vĩnh hằng, khác hẳn với thế giới thấp hèn, yếu đuối, xấu xí, ác độc, tạm bợ và chết chóc của thân xác. Con người ao ước được hoà nhập vào thế giới đó nên đã thực hiện đủ thứ nghi lễ, đạo pháp của các tôn giáo. Đó là thời kỳ bái thần, dựa trên quan niệm nhị nguyên, nghĩa là tinh thần và thể xác đối nghịch nhau vì xuất hiện từ 2 nguồn khác nhau.

Khoảng thế kỷ thứ VII-VI trước Công nguyên, các triết gia của phái Khắc Kỷ người Hy Lạp, sau là người La Mã, cũng như các đạo sĩ của đạo Hinđu, Kỳ Na giáo cho rằng thân xác vật chất của con người là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, già nua, chết chóc và muôn điều tai hại. Vì thế, muốn cho tinh thần nhẹ nhàng, có thể vươn tới các thần linh, con người phải làm chủ được những đòi hỏi của thân xác, phải tẩy uế tội lỗi xúc phạm đến thần linh bằng việc sống khắc khổ. Tín đồ Kỳ Na giáo còn không mặc cả quần áo.

Trong hàng chục thế kỷ, nhiều tín hữu Công giáo, đặc biệt là các linh mục tu sĩ bị ảnh hưởng của phái Khắc Kỷ và thuyết Nhị Nguyên. Họ cho thân xác là 1 trong 3 kẻ thù của linh hồn, bị ma quỷ kiềm chế theo bản năng dục vọng nên đã khinh miệt thân xác. Các tín hữu Công giáo chỉ thay đổi quan niệm khắt khe về thân xác nhờ xác định của Công đồng Vaticanô II trong Hiến chế Gaudium et Spes vào năm 1965: “Con người là một với thân xác và linh hồn… Thân xác cũng bắt nguồn từ Chúa nên tốt đẹp và phải được trân trọng”.

Từ cuối thế kỷ XIX, giả thuyết “vật chất tiến hoá” ngẫu nhiên của C.Darwin (1908-1982) và thuyết vũ trụ Big Bang năm 1941 của Lemaitre đã khiến cho nhiều người tin rằng vũ trụ và con người không cần phải bắt nguồn từ Thiên Chúa Tạo Hoá. Vào năm 1940, nhờ phương pháp phân tích đồng vị phóng xạ Carbon 14 của W. Libby, người ta biết con người tinh khôn xuất hiện khoảng 50.000 năm ở châu Âu. Nhờ nền kinh tế phát triển, con người có nhiều điều kiện để chăm lo cho thể xác với nhà cao cửa rộng, ăn ngon, mặc đẹp, vui chơi, giải trí, phát triển văn hoá, nghệ thuật và nhận ra được phẩm giá cao quý của mình.

Hai cuộc thế chiến (1914-18) (1939-45) với hàng chục triệu người chết, hàng trăm triệu người mất của cải đã làm cho con người tuyệt vọng. Nhiều người chỉ muốn sống giây phút hiện tại để hưởng thụ vui chơi vì cái chết sẽ làm cho họ phải buông bỏ tất cả. Các phương tiện truyền thông đại chúng phổ biến rộng rãi các phim ảnh đồi truỵ, đời sống xa hoa, càng thúc đẩy người ta tôn thờ thân xác và quên việc phát triển đời sống tinh thần.

2. Thân xác con người thật sự là gì?

Nhờ những khám phá đặc biệt của khoa học trong khoảng 20 năm gần đây, con người bắt đầu hiểu rõ hơn về nguồn gốc, thân xác và tinh thần của mình thật sự là gì. Nhưng rất ít người biết đến điều đó vì không theo dõi các tiến bộ khoa học.

Năm 1967, nhà nhân chủng học Richard Leakey tìm thấy các hoá thạch của loài người tinh khôn ở Ethiopia, châu Phi. Năm 2005, các nhà khoa học áp dụng kỹ thuật định niên đại mới cho các lớp đá núi lửa cổ xưa ở đó để xác định loài người tinh khôn xuất hiện khoảng 195.000 năm, thay vì 50.000 năm.

Nhờ phân tích được công thức di truyền của loài người dựa trên ADN (Acid Deoxyribonucleic) mà người ta biết rằng loài người chúng ta, dù khác nhau về màu da, màu mắt, màu tóc… nhưng cấu trúc căn bản ADN lại đồng nhất. Cấu trúc này gồm 3 tỉ base được kết lại thành các chuỗi tạo nên các đơn vị chức năng gọi là gen. Vào tháng 4 năm 2022, các nhà khoa học mới giải mã được toàn bộ khoảng 20.000 gen của con người. Các gen này nằm trong 23 đôi nhiễm sắc thể, một nửa là của cha, một nửa là của mẹ, để ta có được các yếu tố di truyền của tổ tiên.

C:\Users\DELL i7\Desktop\Hinh lay ra de Bo chon\23 đôi NST.jpg C:\Users\DELL i7\Desktop\Hinh lay ra de Bo chon\23 đôi NST tt.jpg

Hình 23 đôi nhiễm sắc thể với số gen của từng đôi

Các đôi nhiễm sắc thể đó chứa trong nhân của các tế bào trong cơ thể. Bộ gen này giữa mỗi cá nhân có thể khác nhau khoảng 0,2%. Còn loài tinh tinh gần với loài người nhất, khác với chúng ta khoảng 5% (x. Bs Alice Roberts, Atlas Giải phẫu Cơ thể Người, NXB Y Học, 2016, tr.14-18). Thân xác một người trung bình có khoảng 75 ngàn tỉ tế bào và mỗi ngày hàng triệu tế bào cũ được thay mới. Điều này nhắc nhở rằng sức khoẻ có thể tốt hơn, bệnh tật có thể đẩy lùi nhờ ta biết thay đổi cách hít thở, ăn uống, sinh hoạt của mình.

Thánh Phaolô hôm nay nhắc ta rằng: “Thân xác con người không phải để gian dâm, mà để phụng sự Chúa, vì Chúa là chủ thân xác” (1Cr 6,13).

Nhiều người dựa vào khoa học chối bỏ Thiên Chúa, nhưng thật ra chính khoa học dẫn ta đến việc nhận biết Chúa là chủ qua thân xác kỳ diệu của mình. Một cây viết chỉ gồm 5,6 thành phần cũng cần người sáng tạo, sắp xếp để làm thành nó; huống chi một thân xác với 3 tỉ yếu tố phải được sắp xếp theo đúng một trật tự mới hình thành nên con người. Trong mấy chục triệu năm nay, chưa có quả dưa nào tự biến thành con bướm dù ADN của nó giống ta đến 1,5 tỉ yếu tố, cũng như chưa có con tinh tinh nào tự nhiên biến thành người. Giả thuyết Darwin bị phá sản hoàn toàn nhưng nhiều người chưa biết điều đó.

Hơn nữa, những yếu tố vật chất trong thân thể ta thay đổi không ngừng; từng giây phút ta thở hít không khí, đưa đồ ăn, thức uống vào, rồi lại bài tiết chúng. Nhưng tinh thần của con người: với tư tưởng, tình yêu, ý chí, niềm vui, hạnh phúc, sự sống vẫn tồn tại trong suốt cuộc đời. Đó là vì tinh thần tương đối của con người là một phần của tinh thần tuyệt đối là chính Thiên Chúa. Ngài chia sẻ cho ta vì ta được Ngài dựng nên và muốn ta sống dồi dào như Ngài.

Điều thứ hai được thành Phaolô nhắc nhở: “Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Kitô sao? Ai kết hợp với Chúa thì nên một tinh thần với Ngài” (1Cr 13,15-17). Chúa Cha đã cho Con Một Ngài nhận lấy thân xác loài người để cứu độ ta để ta được chia sẻ sự sống vĩnh hằng, tình yêu vô biên, hạnh phúc vô tận của Chúa.

Vì thế, ta phải tôn trọng thân xác của mình cũng như của mọi người để giúp nhau phát triển và cảm nhận được ơn cứu độ như Chúa Giêsu mời gọi trong bài Tin Mừng hôm nay (x. Ga 1,35-42). Người nói với các môn đệ của Gioan Tẩy Giả: “Đến mà xem”. Họ đã đến với Đức Giêsu và ở cả ngày với Người để xem Người sống như thế nào, chữa lành bệnh tật, nuôi sống thân xác con người như thế nào. Người cũng cầu nguyện, tha thứ tội lỗi và nuôi sống tinh thần con người bằng những lời giảng dạy để phát triển con người toàn diện.

Điều thứ ba được thánh Phaolô nhắc bảo: “Thân xác chúng ta là đền thờ của Thánh Thần”, vì Thánh Thần chính là tình yêu, là sự thật, là sự sống, Ngài nối kết chúng ta lại với Thiên Chúa và với nhau. Dù các yếu tố vật chất trong thân thể ta thay đổi, nhưng tình yêu, ý thức, tình cảm của ta càng trong sáng cao thượng, thì con người ta càng xứng đáng với phẩm giá là con cái Thiên Chúa. Vì thế, ta được mời gọi học hỏi, đào luyện tinh thần để trở nên đền thờ của Chúa Thánh Thần.

Lời kết

Giải được câu hỏi thân xác con người là gì ta mới thấy mình cao quý và kỳ diệu để từ nay yêu Chúa, yêu người hơn. Amen.

HKK