Chúa Nhật XIII TN A – 2023: Nguyên tắc cho không và lý lẽ quà tặng

Chúa Nhật XIII TN A – 2023

Nguyên tắc cho không và lý lẽ quà tặng

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Các bài Thánh Kinh như mời gọi chúng ta suy nghĩ về một nguyên tắc mới trong đời sống đạo: nguyên tắc cho không và “lý lẽ quà tặng”. Đây là nguyên tắc được ĐTC Bênêđictô XVI diễn tả nhiều lần trong thông điệp Caritas in Veritate (x. Bác ái trong chân lý, số 36-39) và được sách Docat nhắc đến trong nhiều chỗ khác nhau (x. các trang 165, 181 và 300). Chúng ta muốn dành ít phút để suy niệm về đề tài này.

1. Bài học cho không và trao tặng của Thánh Kinh

Các bài Kinh Thánh hôm nay muốn dạy chúng ta biết cho không, biết tặng quà cho người khác. Cho không có nghĩa là chuyển cái thuộc sở hữu của mình thành sở hữu của người khác mà không đòi hỏi gì cả. Tặng quà là hành động để biếu tặng một vật để diễn tả tâm tình quý mến hay quan tâm đến người khác. Trong ngày sinh nhật hay lễ kỷ niệm nào đó chúng ta thường tặng quà cho nhau.

Bài đọc I (x. 2V 4,8-11.14-16) kể chuyện một bà giàu có đã giúp đỡ tiên tri Elisa: bà mời ông dùng bữa tại nhà mình, dành cho ông một phòng trên lầu để ông có thể nghỉ lại mỗi khi đến vùng đó vì ông là “người của Thiên Chúa” và bà đã được khen thưởng. Chúa đã ban cho bà có đứa con trai. Nếu đọc tiếp truyện (x. 2V 4,18-27), ta sẽ thấy đứa con trai đó bị chết và tiên tri Elisa đã cầu nguyện cho nó sống lại. Đó là phần thưởng dành cho người biết trao tặng, cho không.

Qua bài Tin Mừng (x. Mt 8,5-17), Chúa Giêsu còn nói một cách cụ thể hơn: “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy”. Khi biết đón tiếp người khác, nhất là những người nghèo khổ quanh mình, chắc chắn chúng ta sẽ được phần thưởng lớn lao vì họ là hiện thân của chính Đức Giêsu và của chính Thiên Chúa. Chúa Giêsu dạy tiếp rằng: “Ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã mà thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu”.

Tất tần tật về ý nghĩa của việc tặng quà | Quà Trao Tay

2. Bài học cho không trong lịch sử và trong đời sống thường ngày

Trong đời sống thường ngày vì quen mua bán, đổi chác, nên chúng ta giữ rất kỹ luật công bằng, nhưng lại quên luật bác ái, bỏ qua nguyên tắc cho không và lý lẽ quà tặng. Chúng ta lãnh nhận hay trao trả tiền lương mỗi ngày hay mỗi tháng vì công sức bỏ ra và muốn trao nhận sòng phẳng với nhau. Mua bán đồ vật nào đó, ta muốn được trao nhận đúng giá, đúng hàng. Hơn nữa, nếu có cho ai vật gì, người ta thường chỉ cho đi những thứ thừa thãi với hậu ý thu lợi cho mình, chứ hiếm khi biết cho không, nhất là biết trao tặng với lòng quý mến, trân trọng đối với người nhận.

Đi xa hơn trong lĩnh vực xã hội, kinh tế, người ta thường áp dụng luật công bằng, nhưng ít khi trao tặng, cho không. Một số nước giàu nói rằng mình “viện trợ không hoàn lại” cho nước nghèo, nhưng thực chất chỉ cung cấp những vật gần hết thời hạn sử dụng, những kỹ thuật lỗi thời, nhằm kéo nước nghèo vào ảnh hưởng của mình, hay muốn nước đó bán rẻ nguyên vật liệu cho mình và bắt mua lại những sản phẩm cao giá gấp nhiều lần. Ví dụ như nước nghèo phải bán mủ cao su rất rẻ, nhưng phải mua lại rất mắc những bánh xe được sản xuất từ mủ cao su.

Người Việt Nam chúng ta cũng ít áp dụng nguyên tắc cho không trong đời sống. Chúng ta đã trải qua 11 thế kỷ bị nguời Trung Quốc đô hộ, bóc lột, nên lúc nào cũng phải sống trong tình trạng thiếu thốn, khó khăn, đòi ta phải dự phòng cho tương lai. Hơn nữa, vì là nước nông nghiệp, phải chịu đựng thời tiết thất thường, dịch bệnh, thiên tai, mất mùa, giặc giã, nên ta luôn đề phòng, dự trữ đủ thứ, chứ không muốn cho không người khác, bởi vì sợ lúc nào đó chính mình sẽ đói khổ. Trải qua nhiều thế hệ, thái độ thu tích, dự trữ đó đã trở thành cá tính của dân tộc. Vì thế người Công giáo Việt Nam cần phải học lại bài học cho không, trao tặng từ chính Chúa Giêsu mới hy vọng thay đổi được cộng đồng xã hội hiện nay.

3. Học biết cho không từ chính Thiên Chúa

Quả thực, con người chúng ta chỉ có thể cho không và trao tặng khi hiểu được tình yêu của Người Cha Trên Trời luôn ban tặng cách trong sáng và quảng đại cho muôn loài tất cả những gì cần thiết trong đời sống.

Mỗi ngày, ta thở hàng trăm ngàn lít không khí mà chẳng phải trả một xu nhỏ cho ai! Chúng ta chiêm ngưỡng vạn vật tốt tươi, xinh đẹp nhờ ánh sáng mặt trời. Nhưng thử hỏi ta có đóng được một đồng bạc nào cho Chúa là Đấng dựng nên mặt trời soi sáng, trong khi ta cứ phải trả tiền điện đều đều mỗi tháng. Để làm ra một lít nước uống hay tắm giặt, người ta cần phải có một nhà máy sản xuất và tổng hợp được hai chất khí oxy và hydro với điện thế vài trăm ngàn volt, nên giá thành lên tới cả triệu đồng một lít nước. Thế mà các sông suối ao hồ vẫn cho ta nguồn nước để hưởng dùng. Rồi các giá trị tinh thần như tình yêu, tư tưởng, niềm vui, hạnh phúc và chân thiện mỹ ta cảm nhận mỗi ngày không phải tự nhiên mà có. Như thế, Chúa cho không ta bao nhiêu thứ trong từng giây phút sống, nhưng ta lại không nhận ra đó là quà tặng của Ngài, nên ta chẳng biết cảm ơn và cũng chẳng biết chia sẻ cho người khác!

Hãy nhìn vào vạn vật quanh ta, chúng hiểu được bài học tình yêu của Thiên Chúa nên cũng quảng đại cho không: bông hoa khoe sắc, toả hương hay bao sinh vật hy sinh sự sống cho ta trong bữa ăn mà không đòi ta phải trả một đồng bạc nhỏ. Dù rằng loài người tàn phá môi trường và chẳng nói được một lời cảm ơn đối với muôn loài, nhưng chúng vẫn đang yêu thương và hy sinh sự sống cho con người, bởi vì chúng hiểu được bài học tình yêu cho không của Thiên Chúa.

Để có thể hiểu sâu hơn về nguyên tắc cho không và lý lẽ quà tặng, chúng ta phải cảm nghiệm được tình yêu của Cha Trên Trời đã ban tặng Con Một Ngài cho ta, và cùng với Người Con đó, Ngài ban tặng tất cả những ân huệ lớn lao nhất, mà không đòi ta một điều kiện nào, không cần ta đáp lại bằng bất cứ lễ vật hay hành động nào. Khi ý thức được tình yêu quảng đại của Chúa, ta mới có thể hiểu rằng luật sống của người tín hữu không phải chỉ là công bình mà còn là bác ái yêu thương và nguyên tắc sống không phải chỉ là trao đổi, mua bán mà còn là cho không và trao tặng.

Thánh Phaolô hôm nay mời gọi chúng ta “hãy gắn bó với Chúa Giêsu, hãy cùng chết với Người, để sống cho Thiên Chúa trong một đời sống mới” (x. Rm 6,3-4.8-11). Chết đi cho tội lỗi là ta chết đi cho những tham vọng, dục vọng, những sở hữu mà ta ưa thích, muốn giữ riêng cho mình để cùng sống lại mãi mãi với Chúa Giêsu. Nhờ đó, ta sẽ hiểu được rằng mỗi lần cho đi hay trao tặng cách trong sáng và quảng đại, chúng ta luôn được Chúa ban thưởng. Nhất là khi chúng ta trân trọng giúp đỡ những người nghèo khổ, bệnh tật, tội lỗi quanh ta bằng những quà tặng vật chất hay tinh thần, vì họ là môn đệ và là hiện thân của Chúa Giêsu.

Lời kết

Chỉ khi nào ta sống nguyên tắc cho không và hiểu được lý lẽ quà tặng trong mối tương quan xã hội như thế, ta mới có thể xây dựng nền văn minh tình yêu trong một thế giới chỉ biết có vật chất, chỉ biết mua bán trao đổi trong nền kinh tế thị trường như hiện nay. Lúc đó nhân loại mới thật sự bình an và hạnh phúc. Amen.

HKK