Chúa Nhật 21.08.2022
Gò Mình Qua Cửa Hẹp Mà Vào Nước Trời

Ý thức được như thế, chúng ta xác tín rằng đau khổ và thử thách ở trần gian hiện tại chỉ là nhất thời; còn niềm hạnh phúc và bình an đời đời trong Nước Trời mới là vĩnh cửu. 

Chúa Nhật Tuần XXI – Mùa Thường Niên

Is 66,18-21 • Tv 116,1.2 (Đ. Mc 16,15) • Hr 12,5-7.11-13 • Lc 13,22-30

Ơn cứu độ cho người tin vào Chúa Ki-tô (27.10.2021 – Thứ Tư Tuần XXX Thường Niên) – HUYNH ĐOÀN GIÁO DÂN ĐA MINH

Lời Chúa
✠ Bài trích Phúc Âm theo thánh Luca

22 Khi ấy, trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy. 23 Có kẻ hỏi Người: “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?” Người bảo họ: 24 “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được.

25 “Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khoá cửa lại, mà anh em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa và nói: ‘Thưa ngài, xin mở cho chúng tôi vào!’, thì ông sẽ bảo anh em: ‘Các anh đấy ư? Ta không biết các anh từ đâu đến!’ 26 Bấy giờ anh em mới nói: ‘Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi.’ 27 Nhưng ông sẽ đáp lại: ‘Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!’

28 “Bấy giờ anh em sẽ khóc lóc nghiến răng, khi thấy các ông Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài. 29 Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa.

30 “Và kìa có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót.”

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ)

Suy niệm
Gò Mình Qua Cửa Hẹp Mà Vào Nước Trời

Đi theo Chúa để được cứu độ, được hạnh phúc đời đời là điều ai cũng muốn. Dầu vậy, người ta phải nỗ lực chiến đấu và gò mình qua cửa hẹp mới vào được con đường dẫn tới bến bờ hạnh phúc. Trong đời sống đạo, nhiều khi chúng ta phải đối mặt với muôn vàn khó khăn và thử thách trên mọi phương diện. Điều đó khiến chúng ta chán nản, buông xuôi. Tuy nhiên, cần nhận ra rằng những đau khổ mà Kitô hữu đang gánh chịu vì niềm tin có khi là cách Thiên Chúa dùng để sửa dạy và thanh luyện nhưng kẻ Người yêu mến. Do đó, chúng ta cần đón nhận và nỗ lực hết mình chiến đấu mới có thể đạt tới Nước trời. 

Với dân Israel, đi lưu đày là tình trạng quá bi đát và đau khổ. Đó là “nguy cơ”, nhưng trong “nguy nan” lại có “cơ hội”. Bài đọc I cho thấy lưu đày là cơ hội mở ra viễn ảnh cứu độ mang tính phổ quát: Nhờ đi lưu đày ở Babylon mà dân Israel làm cho dân ngoại biết Đức Chúa. Lúc hồi hương, họ làm cho “Núi thánh của Chúa” trở thành đích đến của mọi dân nước. Trong thời Tân Ước, bài Phúc Âm cho thấy “Đức Giêsu rảo qua các đô thị và làng mạc” để rao giảng. Từ nay, ơn cứu độ mở ra cho mọi người và mọi dân tộc, như lời Ngôn sứ Isaia đã tiên báo: “Ta đến quy tụ mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ”.

Nói về ơn cứu độ phổ quát qua Đức Giêsu, có hai lối nhìn khác nhau. Con người phân vân tự hỏi về đối tượng: Ai được hưởng ơn cứu độ, và tôi có thuộc số này hay không? Trong khi đó Đức Giêsu lại nhấn mạnh đến cách thức: Cần “chiến đấu qua cửa hẹp mà vào”. Cơ hội mở ra cho mọi người, nhưng một số không muốn vào, một số khác muốn vào nhưng sai cách nên không thể vào. Đức Giêsu cho biết: “Có nhiều người sẽ tìm cách để vào mà không thể”. Tại sao? Vì họ không nỗ lực chiến đấu, hy sinh, dấn thân thì chẳng bao giờ vào được Nước Trời. 

Biết rằng, ơn cứu độ là một ân ban nhưng không, nhưng chúng ta cần nỗ lực tối đa để đón nhận ơn ban đó. Đời sống đạo của Kitô hữu không chỉ được dệt bằng màu hồng và trải bằng hoa thơm hương nồng, mà lắm lúc còn nhiều chông gai và thử thách, đầy lao nhọc và thiệt thòi, nên cần chiến đấu để vượt qua. Đó là cửa hẹp. Cửa tuy hẹp nhưng dẫn vào con đường thật đưa tới đích hạnh phúc đời đời. 

Lời khuyến cáo của tác giả thư Do Thái trong bài đọc II giúp chúng ta hiểu rõ ý nghĩa của hình ảnh cửa hẹp: “Chớ khinh thường việc Chúa sửa dạy, đừng nản chí khi Người quở trách…” Như vậy, “đau khổ quả là điều hữu ích” (Tv 119.71). Đau khổ và thiệt thòi mà Kitô hữu phải gánh chịu vì đạo như là cách Thiên Chúa dùng để sửa dạy những kẻ Người yêu mến. Ý thức được như thế, chúng ta xác tín rằng đau khổ và thử thách ở trần gian hiện tại chỉ là nhất thời; còn niềm hạnh phúc và bình an đời đời trong Nước Trời mới là vĩnh cửu. 

Lm. Giuse Ngô Ngọc Khanh, OFM

Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam