Chúa Nhật XV TN C 2022: Yêu là sống

Câu hỏi của người thông luật và câu trả lời xác nhận của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng (x. Lc 10,25-37) giúp ta khám phá ra một quy luật quan trọng nhất của đời sống, đó là: “Sống là yêu và yêu cũng là sống”.

Chúa Nhật XV TN C 2022

Yêu là sống

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Câu hỏi của người thông luật và câu trả lời xác nhận của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng (x. Lc 10,25-37) giúp ta khám phá ra một quy luật quan trọng nhất của đời sống, đó là: “Sống là yêu và yêu cũng là sống”. Trong đời sống thường ngày người ta nói rất nhiều đến tình yêu như yêu cha mẹ, yêu người tình, yêu nghề nghiệp, yêu tổ quốc, yêu đồng bào… nhưng tình yêu là gì, bắt nguồn từ đâu và dẫn ta đến sự sống nào thì ít người hiểu thấu.

1. Những hiểu lầm về tình yêu

Rất nhiều người hiểu lầm về tình yêu. Trước hết, người ta cho rằng tình yêu là một loại tình cảm tự nhiên của con người trong 7 thứ tình cảm thường gọi tên: “hỉ-nộ-ai-cụ-ái-ố-dục”. Nó nằm ở trong con người, sống với con người và chết theo con người. Nó chỉ tồn tại trong quảng đời tại trần thế, nên khi chết đi thì người chồng hay người vợ còn sống có thể lấy người khác, dù người ta “chỉ biển mà thề, chỉ núi mà nguyền” cho tình yêu tồn tại mãi mãi.

Nhiều người không hiểu tình yêu bắt nguồn từ đâu, hay tồn tại chỗ nào trong con người. Tình yêu không nằm ở trái tim, dù người ta vẽ trái tim như biểu tượng của tình yêu. Mổ tim ra ta chỉ thấy những sớ thịt với cấu trúc Carbon, Hydro, Oxy, Nitơ. Tình yêu cũng không nằm trong bộ não, vì với những máy móc hiện đại nhất, người ta chỉ thấy được các tế bào thần kinh chuyển những dòng xung động điện từ cơ thể về não hay từ não đến các phần thân thể, khi con người thực hiện những hành động diễn tả tình yêu như nắm tay, hôn hít, ôm ấp,… Chúng không có một dấu hiệu nào về tình yêu cao thượng hay thấp hèn, quảng đại hay hẹp hòi, trong sáng hay vẩn đục của con người.

Chính vì những cảm nhận trong thể xác mà người ta lầm lẫn tình yêu theo cảm giác, theo cảm xúc hay theo cảm tình. Giống như 1 đứa bé yêu mẹ từ những cảm giác đầu đời nó tiếp nhận qua dòng sữa ngọt ngào, làn da mát dịu, giọng nói nhẹ nhàng, gương mặt tươi vui của mẹ. Lớn lên, người ta yêu nhau vì những cảm xúc có được khi những nhu cầu được thoả mãn: nhu cầu ăn uống, nhu cầu sinh lý, nhu cầu được làm việc, được sống yên ổn… và hết yêu khi không được thoả mãn. Vì thế người ta thay đổi người tình, nghề nghiệp, quốc tịch và thậm chí cả thần linh khi có nhu cầu mới. Mức độ tình yêu cao nhất nơi con người là yêu theo cảm tình, khi người ta biết gắn bó mật thiết với người, với vật hay thần linh bằng ý thức và trách nhiệm rõ ràng. Giống như vợ chồng yêu nhau, dù đã cao tuổi và không còn những cử chỉ thân mật, nhưng hiểu rõ tại sao mình gắn kết và có trách nhiệm với nhau.

Trong ngôn ngữ văn chương, nghệ thuật và tôn giáo nhiều người đồng hoá tình yêu là tình cảm nam nữ nhằm thoả mãn những đòi hỏi của bản năng và tình dục. Vì thế người ta cho rằng: “Tu là cõi phúc, tình là dây oan”. Nhiều tôn giáo đòi hỏi các tu sĩ hay tín đồ phải xa tránh tình yêu để xứng đáng với thần linh. Những khám phán gần đây của khoa phân tâm học và nhân học còn đề cao bản năng tình dục hay “libido” này như là yếu tố quyết định cho sự tồn tại của tình yêu nơi con người. Vì thế, nhiều bạn trẻ sống thử với nhau trước hôn nhân để coi mình có thoả mãn được bản năng này không. Nếu không thì cũng hết yêu nhau và đi tìm người khác.

2. Tìm về cội nguồn tình yêu để sống dồi dào

Thật ra, tình yêu là một giá trị tinh thần nên chỉ tìm thấy trong tinh thần của con người. Hơn nữa vì tinh thần con người không bị lệ thuộc vào vật chất, không gian, thời gian nên nó có thể mở ra tới vô biên và gặp được Đấng Siêu Việt mà chúng ta gọi là Thiên Chúa (x. Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình,Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, số 130). Ngài là tinh thần tuyệt đối, là nguồn của mọi hiện hữu trong đó có tình yêu của con người.

Vị Thiên Chúa này đã mạc khải cho ta biết rằng bản thể của Ngài là tình yêu (1Ga, 4,8.16). Điều đó có nghĩa là mọi hoạt động của Ngài, sự hiện hữu của Ngài và toàn thể sự sống của Ngài đều là tình yêu và để diễn tả tình yêu. Khi sinh ra Ngôi Lời là Chúa Con từ muôn thuở, Ngài đã trao ban tất cả tình yêu cho Con mình. Người Con đó “chính là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo, vì trong Người, muôn vật được tạo thành, trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình. Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người” (Cl 1,15-16).

Thiên Chúa đã đặt tình yêu vào muôn loài thọ tạo làm thành bản chất cho các thiên thần, loài người và muôn loài. Do đó ta thấy các bông hoa toả hương khoe sắc cho ta, dù ta tốt lành hay xấu xa, mà chẳng đòi ta trả một đồng xu nhỏ. Trong bữa ăn hằng ngày, tôm cá và rau cỏ hy sinh sự sống cho ta để góp phần vào sự sống con người vì yêu con người. Chính tình yêu quảng đại đó làm cho chúng được sống mãi và sống dồi dào vì được chia sẻ sự sống cao quý của con người.

Tuy nhiên, vì 2 loài có tinh thần là các thiên thần và loài người có tự do để yêu thương, nên một số thiên thần đã từ khước tình yêu, cắt đứt sự hiệp thông với Thiên Chúa là nguồn hiện hữu và tình yêu, khiến tình yêu của họ biến thành thù hận, sự thật thành dối trá, hạnh phúc thành bất hạnh. Họ trở thành quỷ dữ đi cám dỗ con người, khiến loài người và vạn vật mất đi sự sống kỳ diệu, phi thường của Thiên Chúa.

Vì thế, Ngôi Lời Thiên Chúa đã tình nguyện trở thành con người Giêsu với xác thân vật chất để cứu độ muôn loài khi chỉ cho họ con đường tìm lại sự sống đã mất bằng tình yêu quảng đại như Người. Người là tình yêu cụ thể của Chúa Cha và dạy họ “hãy yêu thương nhau như Người đã yêu thương họ”. “Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1,19-20).

Đức Giêsu nói với người thông luật: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống”. Nghĩa là: “Cứ yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn, hết trí khôn và yêu người thân cận như chính mình” là sẽ đạt được sự sống đời đời, kỳ diệu của Thiên Chúa. Đây là luật sống mới cho những ai muốn tình yêu của họ bền vững mãi mãi. Luật này không cần có ai lên trời lấy xuống cho ta, hay vượt biển đem về. Nhưng luật sống đó ở rất gần ta, ngay trong miệng, trong lòng ta để ta đem ra thực hành (x. Đnl 30,12-14).

Việc thực hành hay thể hiện tình yêu đã được dụ ngôn người Samari của Chúa Giêsu hướng dẫn. Đó là những việc làm cụ thể như băng bó vết thương, xức dầu và rượu, chở người bị nạn về quán trọ săn sóc và trả chi phí cho người đó, dù rằng dân tộc Samari và dân Do Thái thù hận nhau. Tình yêu chân thành phải vượt qua mọi rào cản của vật chất, không gian, thời gian, hệ tư tưởng, lòng ái quốc… để tìm đến nhau và yêu nhau đến cùng như Đức Giêsu.

Dụ ngôn người Samari nhân hậu (Lc 10,29-37) | Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt  Nam

Lời kết

Chỉ có tình yêu đó mới làm cho ta cảm nghiệm được sự sống lạ lùng của Thiên Chúa được Cha Trên Trời đổ vào lòng ta nhờ Thánh Thần Ngài ban cho ta (x. Rm 5,5).

HKK