Có nên ăn kiêng ‘bỏ đói khối u ung thư’?

Có nên ăn kiêng ‘bỏ đói khối u ung thư’?

Bố em bị ung thư đại tràng. Bác sĩ chỉ định phối hợp hóa trị sau mổ. Gia đình em định bồi bổ cho bố nhưng nhiều người nói chỉ nên ăn gạo lứt muối mè, kiêng thịt đỏ để khối u không được nuôi dưỡng sẽ teo dần. Điều này đúng không thưa bác sĩ? (Xuân An, Đồng Nai).

 

 

 

Trả lời:

Bác sĩ Trần Vương Thảo Nghi – Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, quan niệm “bỏ đói khối u ung thư” để tiêu diệt tế bào ung thư chỉ là những suy đoán và chưa có cơ sở khoa học chứng thực. Nếu bệnh nhân không bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ khiến cho tình trạng sức khỏe ngày càng suy yếu và kiệt quệ.

Có nên ăn kiêng ‘bỏ đói khối u ung thư’? - ảnh 1
Bệnh nhân ung thư cần bổ sung đủ các nhóm dưỡng chất cần thiết để nâng cao sức khỏe và đề kháng cho cơ thể  ẢNH: SHUTTERSTOCK

Cụ thể, theo bác sĩ Thảo Nghi, khoa Ung bướu từng tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân ung thư phát hiện bệnh ở giai đoạn khởi phát, vốn có nhiều cơ hội điều trị nhưng bỏ ngang phác đồ điều trị để theo chế độ ăn thực dưỡng, ăn kiêng. Họ cho rằng khi tế bào ung thư bị “bỏ đói”, không được cung cấp dinh dưỡng thì tế bào ung thư sẽ tự chết đi và khối u sẽ từ từ bị tiêu diệt. Điều này khiến bệnh tiến triển sang giai đoạn III, thậm chí giai đoạn IV, bỏ lỡ giai đoạn “vàng” trong điều trị.

Có nên ăn kiêng ‘bỏ đói khối u ung thư’? - ảnh 2
Nội soi tầm soát ung thư dạ dày tại BVĐK Tâm Anh  ẢNH: BỆNH VIỆN CUNG CẤP

“Hiện nay, với những tiến bộ mới trong tầm soát và chẩn đoán, nhiều bệnh ung thư có thể được phát hiện ở giai đoạn rất sớm. Bệnh ung thư được chẩn đoán và điều trị ở giai đoạn càng sớm, tỷ lệ chữa khỏi bệnh và cơ hội sống 5 năm không tái phát càng cao. Tỷ lệ này lần lượt là 92% đối với ung thư phổi; 90% với ung thư đại trực tràng; 93% với ung thư vú và ung thư cổ tử cung… Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh áp dụng xu hướng điều trị ‘cá thể hóa’ (mỗi bệnh nhân, tùy theo giai đoạn bệnh – tình trạng sức khỏe – các yếu tố nguy cơ đi kèm… sẽ được chỉ định phác đồ điều trị phù hợp) với các phương pháp điều trị như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, liệu pháp nội tiết, liệu pháp trúng đích, liệu pháp miễn dịch, ghép tế bào gốc vào tủy xương… nhằm hạn chế tái phát và nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân. Ngược lại, nếu bệnh tiến triển ở giai đoạn muộn, không chỉ gây hao mòn về sức khỏe thể chất, gây sa sút về tinh thần, làm tăng chi phí điều trị, gây nguy hiểm đến tính mạng mà còn làm mất đi cơ hội chữa khỏi bệnh cũng như giảm thời gian sống còn”, bác sĩ Thảo Nghi nhấn mạnh.

Bác sĩ Thảo Nghi giải thích, bệnh nhân ung thư khi trải qua các phương pháp điều trị như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị lại càng cần chế độ dinh dưỡng cao hơn để bồi bổ cơ thể. Chẳng hạn như chất đạm (protein) có vai trò quan trọng đối với cơ thể; thịt đỏ không chỉ chứa hàm lượng protein cao mà còn cung cấp chất sắt, giúp cải thiện tình trạng thiếu máu do hóa trị, tăng sự ngon miệng ở bệnh nhân ung thư vốn dĩ ăn uống kém. Do đó, việc ăn thực dưỡng, “nói không” với thịt đỏ là sai lầm.

“Bệnh nhân ung thư cần bổ sung đầy đủ các nhóm dưỡng chất nhằm cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể, vừa giúp hồi phục sau quá trình điều trị vừa nâng cao sức khỏe và khả năng đề kháng cho cơ thể. Tuy nhiên, không nên bồi bổ quá mức, cần cân đối các nhóm thực phẩm, tăng cường các loại chứa nhiều vitamin, khoáng chất, uống đủ nước, không ăn mặn và hạn chế thực phẩm chiên, nướng, chế biến sẵn”, bác sĩ Thảo Nghi khuyến cáo.

Có nên ăn kiêng ‘bỏ đói khối u ung thư’? - ảnh 3
Bác sĩ Trần Vương Thảo Nghi hướng dẫn người nhà bệnh nhân cách bổ sung dinh dưỡng và chăm sóc khoa học  ẢNH: BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH

Bác sĩ Thảo Nghi chia sẻ thêm, bên cạnh việc dùng thuốc và tuân thủ phác đồ điều trị, dinh dưỡng là nền tảng cơ bản không thể thiếu đối với bệnh nhân ung thư. Tại khoa Ung bướu – Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, các bác sĩ luôn tư vấn, hướng dẫn bệnh nhân và người nhà chế độ ăn uống trước – trong và sau điều trị nhằm cung cấp đủ dưỡng chất, nâng cao tổng trạng, hỗ trợ cơ thể hồi phục nhanh chóng. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng dành thời gian hỗ trợ tư vấn tâm lý cho bệnh nhân và người nhà, từ đó giúp bệnh nhân vững tâm và lạc quan, nhằm nâng cao hiệu quả điều trị.

 

Nguồn: BVĐK Tâm Anh

TNO