09/09/2024

Học sinh lớp 9, 12 làm quen với định hướng đề thi mới

Bộ GD-ĐT yêu cầu chuẩn bị cho học sinh lớp 9 làm quen với định hướng đề thi tuyển sinh vào lớp 10, học sinh lớp 12 làm quen với định hướng đề thi tốt nghiệp THPT.

Bộ GD-ĐT vừa ban hành hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2024 – 2025, năm thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) đối với lớp 9 và lớp 12.

Đây cũng là lứa học sinh (HS) đầu tiên thi vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới với những thay đổi lớn so với trước kia cả về số môn thi cũng như cách thức ra đề thi.

Chỉ đạo về kiểm tra, đánh giá đối với cấp trung học, Bộ GD-ĐT yêu cầu: “Tăng cường xây dựng ngân hàng câu hỏi, ma trận đề kiểm tra theo yêu cầu cần đạt của chương trình môn học; chuẩn bị cho HS lớp 9 làm quen với định hướng đề thi tuyển sinh vào lớp 10, HS lớp 12 làm quen với định hướng đề thi tốt nghiệp THPT”.

Học sinh lớp 9, 12 làm quen với định hướng đề thi mới- Ảnh 1.
Học sinh lớp 11 bước vào lớp 12 năm học mới sẽ là lứa đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018

TRÁNH ĐƯA NGỮ LIỆU TRONG SÁCH GIÁO KHOA VÀO ĐỀ KIỂM TRA MÔN VĂN

Tại văn bản hướng dẫn nhiệm vụ năm học tới, Bộ GD-ĐT lưu ý: Thực hiện đánh giá HS THCS và THPT theo đúng quy định, không vượt quá yêu cầu cần đạt của chương trình, lưu ý một số nội dung như: xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá phù hợp với kế hoạch dạy học; tăng cường thực hiện việc kiểm tra, đánh giá định kỳ thông qua bài thực hành, dự án học tập.

Đáng chú ý, văn bản của Bộ GD-ĐT nêu: “Đối với môn ngữ văn, tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong SGK để làm ngữ liệu kiểm tra đánh giá năng lực đọc hiểu và viết trong các đề kiểm tra định kỳ nhằm khắc phục tình trạng HS chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn”.

Liên quan đến nội dung này, tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên ngữ văn Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), cho rằng: “Việc sử dụng các văn bản ngoài SGK làm ngữ liệu đọc hiểu và nghị luận là tất yếu để triệt tiêu tình trạng dạy và học theo văn mẫu, nhưng khi văn hoá đọc của chúng ta chưa cao thì cấu trúc, định dạng của đề thi rất cần một lộ trình thích hợp, đảm bảo tính vừa sức, tính tích hợp, sự kế thừa, tính liền mạch của tư duy…, vừa giảm áp lực cho học trò, vừa cũng làm tăng tính khoa học, tạo mối liên hữu cơ giữa các thành tố trong một chỉnh thể đề thi”.

Do vậy, cô Tuyết nêu ý kiến: Để giảm bớt áp lực cho học trò, để tạo tính liền mạch trong tư duy, tính liên kết của các thành tố trong một chỉnh thể, xin đề xuất phương án trước mắt: Dù viết đoạn văn nghị luận xã hội hay nghị luận văn học, cũng nên yêu cầu luận về một vấn đề xã hội hoặc vấn đề văn học đã đặt ra trong văn bản đọc hiểu.

Học sinh lớp 9, 12 làm quen với định hướng đề thi mới- Ảnh 2.
Năm học mới, tất cả học sinh các cấp đều theo học Chương trình GDPT 2018.- ĐÀO NGỌC THẠCH

THI HỌC SINH GIỎI, TUYỂN SINH LỚP 10 cHUYÊN RA SAO?

Trước đó, các sở GD-ĐT cũng đề nghị Bộ GD-ĐT có hướng dẫn, chỉ đạo về việc thi HS giỏi, thi vào lớp 10 THPT chuyên với các môn tích hợp. Hiện nay vẫn thi đơn môn nhưng đến năm 2025 HS lớp 9 học theo chương trình giáo dục phổ thông mới học tích hợp một số môn thì việc tổ chức thi đầu vào lớp 10 thế nào, đặc biệt là các môn chuyên trong trường chuyên, thi học sinh giỏi cấp tỉnh với lớp 9 ra sao?…

Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), từng nêu: Các kỳ thi nói trên lâu nay Bộ không hướng dẫn, chỉ đạo mà tự các địa phương quyết định. Do đặc thù của một số môn tích hợp nên Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu và có hướng dẫn để các địa phương áp dụng thực hiện từ năm 2025. Tuy nhiên, tinh thần chung là sẽ không thi đơn môn ở cả 2 kỳ thi này vì theo nguyên tắc chương trình học môn gì thì sẽ thi môn đó. Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 học môn khoa học tự nhiên chứ không phải học môn lý, hóa, sinh; lịch sử và địa lý cũng vậy, do đó các kỳ thi sẽ thi môn tích hợp chứ không thi đơn môn trong môn tích hợp.

Theo ông Thành, việc thi HS giỏi lớp 9 theo môn tích hợp cũng giúp các nhà trường, địa phương đánh giá học sinh mình có năng lực tổng hợp thế nào, phù hợp với mục tiêu khi thiết kế môn học.

Tương tự, với việc thi vào lớp 10 THPT chuyên, có thể tuyển HS vào lớp chuyên lý, hoá, sinh riêng rẽ nhưng khi thi từ lớp 9 lên lớp 10 vẫn phải làm bài thi khoa học tự nhiên, trong đó tùy vào mục đích tuyển môn chuyên nào thì có thể đề thi sẽ tập trung chuyên sâu kiểm tra đánh giá năng lực của thí sinh về môn chuyên đó.

Các môn thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025

Theo quyết định của Bộ GD-ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, năm đầu tiên HS tốt nghiệp theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018, TS sẽ chỉ thi 4 môn. Trong đó, có 2 môn thi bắt buộc là ngữ văn, toán; 2 môn lựa chọn (trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 gồm: ngoại ngữ, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ).

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ chỉ có duy nhất môn ngữ văn thi theo hình thức tự luận với thời gian làm bài 120 phút. Đề thi gồm 2 phần: đọc hiểu (4 điểm) và viết (6 điểm). Các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm; trong đó môn toán có thời gian làm bài 90 phút, những môn còn lại có thời gian làm bài 50 phút.

Tuệ Nguyễn

Hiểu thế nào về việc không dùng ngữ liệu trong SÁCH GIÁO KHOA ra đề văn?

Trước hết cần hiểu những “văn bản, đoạn trích đã học trong SGK” theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT là gì? “Văn bản” ở đây có thể là một truyện ngắn, một văn bản thông tin, một bài thơ được trích tương đối trọn vẹn vào đề. Còn “đoạn trích” chỉ là một phần của văn bản thuộc thể loại nào đó khá dài. Như vậy, với yêu cầu trên, đề kiểm tra môn văn không được lấy ngữ liệu đã trích để học ở SGK. Tuy nhiên, vẫn được lấy đoạn khác của văn bản được học. Ví dụ, với Truyện Kiều, người ra đề không được lấy các đoạn trích đã học trong sách, nhưng có thể lấy một đoạn khác. Điều này thể hiện rất rõ ở đề thi minh họa môn văn của Bộ GD-ĐT cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sắp tới, khi đề cho một đoạn trích trong sử thi Đăm Săn. Sử thi này được học trong chương trình, và đoạn đề minh họa cho không có trong SGK (của cả 3 bộ sách).

Việc không dùng văn bản trong SGK cho đề kiểm tra môn văn đã được các trường từ THCS đến THPT áp dụng nhiều năm nay. Từ năm học 2022 – 2023, 2023 – 2024, ở cấp THCS và THPT đã thực hiện kiểm tra định kỳ môn ngữ văn bằng ngữ liệu ngoài SGK cho cả phần đọc hiểu và viết. HS học chương trình 2018 (lớp 6, 7, 8, 10, 11) trong 2 năm học vừa qua khá quen thuộc với dạng đề này.

Những chỉ đạo của Bộ GD-ĐT mới đây về việc tránh đưa văn bản trong SGK vào đề kiểm tra môn ngữ văn tuy không mới nhưng sẽ là thách thức rất lớn cho HS lớp 9 và lớp 12 trong năm học 2024 – 2025 tới đây. Bởi 2 năm qua, cho dù đề kiểm tra định kỳ môn ngữ văn lấy ngữ liệu ngoài SGK nhưng phần lớn là đề trường ra, nhưng với kỳ thi tuyển sinh 10 và tốt nghiệp THPT năm 2025 thì các sở GD-ĐT và Bộ GD-ĐT ra đề.

Đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT, HS lớp 12 đủ chín để suy nghĩ, cảm nhận một tác phẩm văn học hoàn toàn mới (cho dù là chưa thấu đáo) nhưng HS lớp 9 tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 là một thách thức.

Lâu nay, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 chỉ có hơn chục tác phẩm văn học VN, thầy trò ôn đi ôn lại mà khi thi một số em còn không làm được bài, nhiều em bị điểm liệt, điểm 0. Từ kỳ thi năm tới, HS phải làm quen với tác phẩm hoàn toàn xa lạ thì thách thức càng lớn hơn.

Hiện nay, Bộ GD-ĐT đã công bố cấu trúc đề thi ngữ văn cho năm 2025. Riêng kỳ thi lớp 10 phần lớn các địa phương vẫn chưa thông báo có những đổi mới. Để có sự chuẩn bị chu đáo cho HS, ngành giáo dục các địa phương cần sớm có kế hoạch định hướng đề thi lớp 10.

Trần Ngọc Tuấn – Nguyễn Cao

Nguồn: thanhnien.vn