Đàng Thánh Giá và Đường Ánh Sáng

Từ mấy thế kỷ qua, tín hữu Công giáo Việt Nam hầu như chỉ biết đến Đàng Thánh Giá, mà chưa biết đến Đường Ánh Sáng. Vì thế, đời sống có vẻ hướng nhiều về những đau khổ, buồn sầu, thử thách, hơn là một đời sống tràn đầy niềm vui, hy vọng, bình an và sự sống kỳ diệu của Đấng Phục Sinh. Vì thế, để tìm lại sự quân bình trong đời sống đạo đức, chúng tôi xin giới thiệu với các bạn Đàng Thánh Giá theo thánh Têrêsa Calcutta và Đường Ánh Sáng theo thánh Ignatiô Loyola.

Quà tặng Phục Sinh

Các bạn thân mến,

Từ mấy thế kỷ qua, tín hữu Công giáo Việt Nam hầu như chỉ biết đến Đàng Thánh Giá, mà chưa biết đến Đường Ánh Sáng. Vì thế, đời sống có vẻ hướng nhiều về những đau khổ, buồn sầu, thử thách, hơn là một đời sống tràn đầy niềm vui, hy vọng, bình an và sự sống kỳ diệu của Đấng Phục Sinh. Vì thế, để tìm lại sự quân bình trong đời sống đạo đức, chúng tôi xin giới thiệu với các bạn Đàng Thánh Giá theo thánh Têrêsa Calcutta và Đường Ánh Sáng theo thánh Ignatiô Loyola.

Đàng Thánh Giá này giúp ta cảm nghiệm Đức Giêsu chịu đau khổ, đói khát, nhục nhã và chết cho tất cả để mời gọi ta cũng tích cực hành động như Người, khi biết giúp đỡ những anh chị em yếu kém trong xã hội. Còn Đường Ánh Sáng lại cho ta cảm nhận được Đấng Phục Sinh đang ở giữa chúng ta, và nếu ta tha thiết muốn làm chứng cho Người, Người sẽ hiện ra với ta như đã hiện ra với nhiều người trong suốt dòng lịch sử.

Để tìm lại sự quân bình này, chúng ta cũng được mời gọi thực hiện các việc đạo đức một cách hài hoà. Nhiều tín hữu chỉ biết lần hạt Mân Côi hay lần chuỗi lòng Chúa Thương Xót. Có người chỉ đọc Giờ kinh Phụng vụ. Giống như đời sống thể lý, đời sống đạo đức cũng cần nhiều loại thức ăn bổ dưỡng khác nhau để phát huy mọi khả năng siêu nhiên. Vì thế chúng ta cần phối hợp việc đạo đức trong một tuần theo thứ tự đề nghị sau đây.

Thứ Hai: lần hạt Mùa Vui. Thứ Ba: lần hạt Mùa Sáng. Thứ Tư: Đàng Thánh Giá. Thứ Năm: chuỗi Thương Xót. Thứ Sáu: lần hạt Mùa Thương. Thứ Bảy: lần hạt Mùa Mừng. Chúa Nhật: Đường Ánh Sáng.

Với tập sách nhỏ này, các bạn có thể đi Đàng Thánh Giá hay Đường Ánh Sáng ở bất cứ nơi nào bạn muốn thay vì phải đến nhà thờ như trước đây. Các hình ảnh mỗi chặng sẽ giúp ta kết hợp với Chúa và với nhau hơn.

Vì thế, đây là quà tặng ý nghĩa gửi đến bạn bè thay cho những quả trứng Phục Sinh để giúp nhau sống mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Cầu chúc các bạn luôn an lành và tràn đầy ơn Chúa Phục Sinh. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

 

ĐÀNG THÁNH GIÁ

Theo thánh Têrêsa Calcutta

Mẹ Têrêsa Calcutta thường nhắc nhở chúng ta rằng: Chúa Kitô làm sinh động cuộc tử nạn của Người hôm nay, trong những người nghèo khổ. Người nghèo có mặt khắp nơi, họ chờ đợi tình thương và sự giúp đỡ của chúng ta. Chúng ta hãy cầu nguyện để có một tâm hồn trong sạch, vì chỉ tâm hồn trong sạch mới có thể nhìn thấy Chúa và nhận ra Người trong những người nghèo. Hãy bước vào các chặng Đàng Thánh Giá này và nối kết các chặng đường với cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, vì cuộc khổ nạn một lần nữa lại được sinh động trong các anh chị em nghèo khổ của chúng ta.

http://res.cgvdt.vn/ckfinder/images/2016/CGTG/2064-2065/3163584987e5470aa976dcc8b29cc051.jpg

CHẶNG THỨ NHẤT

Chúa Giêsu chịu xử án

sts3-1

X. Chúa Giêsu bị kết án tử hình.

Đ. Con đóng đinh Người bằng tội của con.

X. Lạy Chúa Kitô, chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa.

Đ. Vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà chuộc tội cho thiên hạ.

X. Mẹ Maria, lòng nặng ưu sầu, nghe lời kết án tử hình: “Đóng đinh nó vào thập giá! Máu hắn cứ đổ xuống đầu chúng tôi!” (Mt 27,22.25).

Đ. Lạy Mẹ Maria, xin nghe lời con cầu nguyện. Ước gì Máu Chúa Giêsu cứu chuộc con.

Suy ngắm:

Mỗi lần Chúa Giêsu muốn chứng tỏ tình yêu của Người, Người lại bị nhân loại khước từ. Người bị khước từ bởi chính dân tộc mình. Họ không muốn tha Người nhưng lại muốn tha Baraba. Đối với Chúa, hôm qua luôn luôn là hôm nay, vì thế, trong thế giới hôm nay, Đức Giêsu đang đứng đó và bị bao phủ bởi tội lỗi chúng ta, dưới dáng vẻ tồi tàn của những anh chị em nghèo khổ. Tôi có muốn Người chịu như thế không?

X. Lạy Chúa, xin thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.

CHẶNG THỨ HAI

Chúa Giêsu vác Thánh Giá

sts3-2

X. Chúa Giêsu vác Thánh Giá khổ đau.

Đ. Xin Chúa nâng đỡ con trong cơn đau đớn và phiền muộn.

X. Lạy Chúa Kitô, chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa.

Đ. Vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà chuộc tội cho thiên hạ.

X. Mẹ Maria, không một lời than trách, nhìn thấy máu châu báu của Con Mẹ chảy từ những vết thương nơi vai Người.

Đ. Lạy Mẹ Maria, xin giúp con kiên nhẫn vác thánh giá của mình để kết hợp với Chúa Giêsu.

Suy ngắm:

Tất cả chúng ta đều phải mang thập giá theo chân Chúa Kitô đến núi Canvê nếu muốn sống lại với Người. Vì thế trước khi chết, Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta chính Mình Máu Người để chúng ta được sống, để chúng ta có can đảm, có sức sống, có khả năng vác lấy thập giá và bước theo Người.

X. Lạy Chúa, xin thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.

CHẶNG THỨ BA

Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ nhất

sts3-3

X. Chúa Giêsu ngã xuống đất trong đau đớn và nhục nhã.

Đ. Chính vì tội lỗi của con mà Chúa đã ngã xuống.

X. Lạy Chúa Kitô, chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa.

Đ. Vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà chuộc tội cho thiên hạ.

X. Mẹ Maria sầu khổ nhìn thấy đất khô cằn thấm nhanh máu của Con Mẹ.

Đ. Lạy Mẹ Maria, khi tâm hồn con bị khô cằn vì những ước muốn trần tục, xin Mẹ nhắc nhở con câu nói của Chúa Giêsu: “Ai tin vào Ta sẽ không khát bao giờ”.

Suy ngắm:

Trên đường Thánh Giá của chúng ta, chúng ta thấy Chúa Giêsu ngã như một người nghèo đói. Chúng ta có ở đó giúp đỡ Người không? Chúng ta có ở đó với những hy sinh, với cơm bánh, và là cơm bánh thật sự không? Có hàng ngàn hàng ngàn người chết vì thiếu một mẩu bánh. Có hàng ngàn hàng ngàn người chết vì thiếu một chút tình yêu, một chút hiểu biết. Chặng đàng Thánh Giá này là chặng đàng của Chúa Giêsu ngã trong cơn đói của con người.

X. Lạy Chúa, xin thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.

CHẶNG THỨ BỐN

Chúa Giêsu gặp Đức Mẹ

sts3-4

X. Hai Mẹ Con gặp nhau trong nỗi đớn đau.

Đ. Phải chăng các Ngài sầu khổ vô ích cho tôi?

X. Lạy Chúa Kitô, chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa.

Đ. Vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà chuộc tội cho thiên hạ.

X. Mẹ Maria tan nát cõi lòng khi nhìn thấy Chúa Giêsu chịu khổ hình, còn Chúa Giêsu nhìn thấy nỗi đớn đau tê tái của Mẹ mình.

Đ. Lạy Mẹ Maria, xin khơi dậy trong con lòng ăn năn đền tội vì đã gây nên sầu khổ cho Mẹ.

Suy ngắm:

Cùng với đám đông, Mẹ cũng tiến lên đồi Canvê. Mẹ đã tận mắt gặp Chúa Giêsu trên đường Thánh Giá. Mẹ đã buộc phải nhìn thấy thân thể của Con mình bị bầm dập vì đòn đánh, đầu loang máu vì mão gai nhọn, gương mặt bị nhơ bẩn bởi những khạc nhổ và sưng húp vì những cú đánh, đôi bàn tay đầy máu. Ôi, một cảnh tượng khủng khiếp! Mẹ đã hành động như thế nào? Mẹ can đảm nhìn thẳng vào Con mình và cùng chịu đau khổ với Con. Chúng ta không hề nghe tiếng Mẹ than van. Mẹ đã theo Con đến chân thập giá, với tình yêu quảng đại của một người mẹ.

X. Lạy Chúa, xin thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.

CHẶNG THỨ NĂM

Ông Simon vác đỡ Thánh Giá Chúa

sts3-5

X. Ông Simon giúp Chúa Giêsu vác Thánh Giá.

Đ. Xin hãy dẫn dắt con trên đường của Chúa.

X. Lạy Chúa Kitô, chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa.

Đ. Vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà chuộc tội cho thiên hạ.

X. Mẹ Maria thật bàng hoàng khi thấy mọi người từ chối giúp Chúa Giêsu.

Đ. Lạy Mẹ Maria, ngay cả khi con xin Chúa Giêsu giúp đỡ, ước gì Người thấy con luôn sẵn sàng hiến thân cho việc tông đồ và sứ mệnh của Giáo Hội toàn cầu.

Suy ngắm:

Ông Simon Kirênê đã đón nhận thập giá và đi theo Chúa Giêsu. Ông đã giúp Chúa Giêsu vác Thánh Giá. Còn bạn, trong năm nay, bạn đã thực hiện hàng vạn, hàng triệu điều tốt đẹp cho những người nghèo. Đây cũng chính là những dấu chứng tình yêu bạn dâng lên cho Chúa Giêsu. Như thế bạn đã là Simon Kirênê trong những ngày này, qua từng hành động mà bạn đã thực hiện. Khắp nơi có những người đói đang ngước mắt nhìn bạn. Có những người không nơi nương tựa đang ngước mắt nhìn bạn. Xin đừng ngoảnh mặt trước những người nghèo đó vì họ chính là Chúa Kitô.

X. Lạy Chúa, xin thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.

CHẶNG THỨ SÁU

Bà Vêrônica lau mặt Chúa

sts3-6

X. Chúa Giêsu in mặt Người trên tấm khăn.

Đ. Xin cũng in mặt Chúa trong tâm hồn con.

X. Lạy Chúa Kitô, chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa.

Đ. Vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà chuộc tội cho thiên hạ.

X. Mẹ Maria bình tĩnh trước đau thương, nhìn thấy bà Vêrônica bất chấp đám đông giận dữ.

Đ. Lạy Mẹ Maria, nhờ ân sủng nhận được từ bí tích Thêm Sức, xin làm cho con không bao giờ sợ hãi trước đám đông đang nghĩ hay nói gì về con.

Suy ngắm:

Bà Vêrônica là người duy nhất đã tiến đến lau mặt Chúa Giêsu. Tình yêu của bà đối với Chúa Giêsu lớn dường nào! Các binh lính có thể đẩy bà ra và làm cho bà té ngã; bà lấy chiếc khăn đội trên đầu lau mặt Chúa Giêsu. Chúa Giêsu in gương mặt đẫm máu vào khăn của bà. Hãy nhìn xem Chúa Giêsu biết ơn như thế nào, dù đang chịu đau đớn lớn lao như vậy.

Chúng ta có phải là Vêrônica cho những người nghèo, cho những ai cô độc, cho những ai chán chường không? Chúng ta có ở đó để lau nước mắt cho họ không? Hay chúng ta như những kẻ kiêu hãnh đi qua đó mà không thấy gì hết!… Chính Chúa Giêsu cần đôi tay của ta để lau những gương mặt ấy. Bạn có ở đó để làm như thế hay chỉ là khách qua đường?

X. Lạy Chúa, xin thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.

CHẶNG THỨ BẢY

Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ hai

sts3-7

X. Chúa Giêsu ngã xuống đất lần nữa vì con.

Đ. Xin giúp con trỗi dậy để bước theo Người.

X. Lạy Chúa Kitô, chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa.

Đ. Vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà chuộc tội cho thiên hạ.

X. Mẹ Maria trong cơn đau đớn khôn cùng, nhìn thấy Thánh Giá đè bẹp Chúa Giêsu, thế mà Người vẫn trỗi dậy.

Đ. Lạy Mẹ Maria, xin ban cho con sức mạnh để trỗi dậy và bước theo Chúa Giêsu như vị dẫn đường.

Suy ngắm:

Chúa Giêsu lại ngã một lần nữa. Chúng ta có gần gũi những người trẻ khi thấy họ sa ngã vì yếu đuối không? Chúng ta có ở bên họ khi họ ngã trong cô độc và chán chường không? Chúng ta có ở gần họ, có thấu hiểu họ không? Chúng ta có ở đó để nâng họ đứng dậy không?

X. Lạy Chúa, xin thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.

CHẶNG THỨ TÁM

Chúa Giêsu an ủi các phụ nữ thành Giêrusalem

sts3-8

X. Chúa Giêsu nói với các phụ nữ: “Hãy khóc vì tội lỗi các người”

Đ. Lạy Chúa Giêsu, xin cho con thật lòng sám hối ăn năn.

X. Lạy Chúa Kitô, chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa.

Đ. Vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà chuộc tội cho thiên hạ.

X. Mẹ Maria sầu bi nhìn thấy Chúa Giêsu đau khổ khi bị chính những người thuộc về mình bỏ rơi, dù vậy Chúa Giêsu vẫn đang an ủi những người khác.

Đ. Lạy Mẹ Maria, xin cho con nhiệt thành thể hiện lòng thương xót thiêng liêng bằng những hành động thiết thực.

Suy ngắm:

Người nghèo của chúng ta không cần cảm thông suông. Họ không cần chúng ta thương hại họ, nhưng họ cần tình yêu và lòng nhân từ. Chúng ta phải biết rằng họ là những người xứng đáng được yêu thương, đáng được trân trọng và điều hiểu biết này sẽ làm chúng ta yêu thương họ và thích phục vụ họ. Người nghèo là niềm hy vọng cứu rỗi của nhân loại vì chúng ta sẽ bị xét xử vào giờ chết về những gì mà chúng ta đối xử với họ và những gì chúng ta đã làm cho họ.

X. Lạy Chúa, xin thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.

CHẶNG THỨ CHÍN

Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ ba

sts3-9

X. Lần thứ ba, Chúa ngã dưới những roi đòn.

Đ. Trong Máu Thánh Người, tôi trỗi dậy và được tái sinh.

X. Lạy Chúa Kitô, chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa.

Đ. Vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà chuộc tội cho thiên hạ.

X. Mẹ Maria tan nát tâm hồn, khi nhìn thấy Chúa Giêsu ngã sấp mặt xuống đất.

Đ. Lạy Mẹ Maria, để con không bị ngã lần nữa, xin giúp con dọn mình sốt sắng và cảm tạ hết lòng mỗi khi xưng tội và rước lễ.

Suy ngắm:

Chúa Giêsu ngã lần nữa, vì bạn và vì tôi. Người đem yêu thương cũng có nghĩa là người đó mang lấy thập giá. Có thể khi chúng ta mang vác thập giá, chúng ta té ngã dọc đường. Mỗi lần chúng ta ngã, là một lần tự hạ. Mỗi lần bạn ngã, hãy đi xưng tội và nói: “Con hối hận”. Chúa là người Cha đầy lòng xót thương, Ngài sẽ tha thứ cho bạn.

X. Lạy Chúa, xin thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.

CHẶNG THỨ MƯỜI

Chúa Giêsu bị lột áo

sts3-10

X. Khi lột áo Chúa Giêsu ra, họ lột da Người.

Đ. Xin giúp con lột bỏ tội lỗi ra khỏi thân xác của mình.

X. Lạy Chúa Kitô, chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa.

Đ. Vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà chuộc tội cho thiên hạ.

X. Mẹ Maria cảm thấy lòng tan nát khi thấy Chúa Giêsu bị lột chiếc áo dài mà Mẹ đã may cho Người.

Đ. Lạy Mẹ Maria, xin lột bỏ khỏi con tất cả những gì làm cho lòng con nhơ bẩn.

Suy ngắm:

Chúa bị lột trần trụi. Tôi không những bị lột trần áo quần mà còn bị lột trần phẩm giá được làm con của Chúa.

Đối với tôi, sự bất công lớn nhất gây nên cho những người nghèo không phải là chúng ta tước đoạt những thứ vật chất, nhưng là việc chúng ta làm cho họ mất phẩm giá làm con Thiên Chúa, mất sự tôn trọng mà chúng ta phải có đối với một con người. Chúng ta nghĩ rằng họ không tốt gì cả, họ làm biếng, họ thế này, thế kia và chúng ta thêm vào đó nhiều từ ngữ nhục mạ. Đối với tôi, đó mới là bất công lớn nhất.

X. Lạy Chúa, xin thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.

CHẶNG THỨ MƯỜI MỘT

Chúa Giêsu chịu đóng đinh

sts3-11

 

X. Họ đóng đinh tay Chúa Giêsu vào thập giá.

Đ. Trong tay Người, con không thể ngã lòng.

X. Lạy Chúa Kitô, chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa.

Đ. Vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà chuộc tội cho thiên hạ.

X. Mẹ Maria lần nữa bị đâm thâu khi thấy máu tuôn trào nơi tay chân Con Mẹ.

Đ. Lạy Mẹ Maria, vì các vết thương của Chúa, xin giúp con làm mới lại những lời khấn hứa, những quyết tâm của con và nhờ những cây đinh ấy, xin kết nối con với Chúa Giêsu luôn mãi.

Suy ngắm:

Đầu của Người vẫn đội mão gai. Tay của Người vẫn còn đóng chặt vào thập giá. Chúng ta hỏi xem: “Những cây đinh ấy có phải do tôi không? Những bãi khạc nhổ trên mặt Người có phải do tôi không? Phần thân xác và tâm hồn nào của Người đã đau đớn vì tôi? Không phải với sự lo buồn hay sợ hãi, nhưng với một tâm hồn hiền lành và khiêm tốn, tôi tìm ra được phần thân thể Chúa bị tổn thương do tội lỗi của tôi.

X. Lạy Chúa, xin thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.

CHẶNG THỨ MƯỜI HAI

Chúa Giêsu chết trên Thánh Giá

sts3-12

X. Chúa Giêsu chết để trao ban tất cả.

Đ. Nhờ cái chết của Người, xin dạy con biết sống.

X. Lạy Chúa Kitô, chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa.

Đ. Vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà chuộc tội cho thiên hạ.

X. Mẹ Maria xúc động nhìn thấy Chúa Giêsu chết và các vết thương còn rỉ máu của Người vẫn van xin cho tôi.

Đ. Lạy Mẹ Maria, xin đặt một giọt máu cứu độ của Chúa vào trong tâm hồn tội lỗi của con.

Suy ngắm:

Chúa Giêsu chết trên thập giá, đó là cái giá phải trả mà Người đã trao ban để cứu chúng ta khỏi sự ích kỷ và tội lỗi. Người đã từ bỏ tất cả để làm theo ý Chúa Cha, để chỉ cho thấy chúng ta cũng phải sẵn sàng từ bỏ tất cả để làm theo ý Chúa Cha, để thương yêu nhau như Người đã thương yêu từng người chúng ta. Vì vậy, chúng ta cũng phải trao ban cho người khác đến độ việc trao ban này làm ta đau đớn.

Nói “Con yêu Chúa” thôi thì chưa đủ. Tôi còn phải yêu người thân cận nữa. Thánh Gioan nói rằng nếu ta nói mình yêu Thiên Chúa mà lại không yêu người thân cận là chúng ta nói dối, vì làm sao có thể yêu Thiên Chúa mà ta không nhìn thấy nếu không yêu được con người đang ở kề cận bên ta?

X. Lạy Chúa, xin thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.

CHẶNG THỨ MƯỜI BA

Các môn đệ hạ xác Chúa Giêsu xuống

và phó trong tay Đức Mẹ

sts3-13

X. Lạy Mẹ Maria, vì Mẹ đã nhận lại Con mình.

Đ. Xin cũng đón nhận con vào lúc cuối cuộc đời.

X. Lạy Chúa Kitô, chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa.

Đ. Vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà chuộc tội cho thiên hạ.

X. Mẹ Maria chan hoà nước mắt khi đón nhận xác thân bất động của Chúa Giêsu được tháo khỏi bàn thờ thập giá.

Đ. Xin Mẹ giúp con đón nhận Đức Kitô đang sống động trên bàn thờ thánh lễ để cùng sẻ chia sự tôn kính và tình yêu của Mẹ.

Suy ngắm:

Ta hãy tưởng tượng tình yêu dạt dào của Mẹ Maria dành cho Chúa Giêsu, Mẹ luôn ở sát bên Người: mỗi khi người ta nhục mạ, muốn ném đá Người, gọi Người là Beelzêbul. Mẹ vẫn ở sát bên Người khi cùng Người tiến đến đồi Calvê, khi Người bị đóng đinh vào thập giá, bị hành hạ, phỉ nhổ và giết như một tên tử tội. Mẹ Maria không tủi hổ đón nhận Người làm của riêng mình trong mỗi giây phút của đời Mẹ, như là tình yêu duy nhất, như thể là tất cả những gì Mẹ đã có được.

Mẹ vẫn đứng bên cạnh Người. Chúng ta có đứng bên cạnh những người nghèo khổ trong lúc họ bị đau khổ và sỉ nhục không?

X. Lạy Chúa, xin thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.

CHẶNG THỨ MƯỜI BỐN

Chúa Giêsu được an táng trong mộ

sts3-14

X. Chúa Giêsu đã chết vì con và được táng trong mộ.

Đ. Xin hãy làm cho con cuối cùng cũng luôn được ở với Chúa.

X. Lạy Chúa Kitô, chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa.

Đ. Vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà chuộc tội cho thiên hạ.

X. Mẹ Maria, trong giờ phút đau buồn này, đã an táng Người Con mà Mẹ đã sinh hạ cho đời.

Đ. Xin Mẹ hãy đổi mới lòng hiếu thảo của con đối với Mẹ, bây giờ và trong giờ chết của con.

Suy ngắm:

Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Người Con Một”. Thiên Chúa tiếp tục yêu thương thế gian bằng cách gửi cho chúng ta tình yêu và lòng cảm thông với người nghèo, để ta trở thành chứng nhân cho tình yêu của Ngài. Ly nước mà bạn trao cho người nghèo, người bệnh, thái độ mà bạn đối xử với người sắp chết, cử chỉ mà bạn nuôi dưỡng trẻ thơ, dạy dỗ các trẻ em thất học, săn sóc người phong cùi. Tất cả các thái độ và cử chỉ ấy chính là tình yêu của Thiên Chúa dành cho thế giới hôm nay. “Thực đúng là Thiên Chúa yêu thương thế gian!”.

X. Lạy Chúa, xin thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.

 

Kết thúc. Đọc 1 kinh Lạy Cha và 1 kinh Tin Kính, cầu theo ý ĐGH để nhận ơn đại xá.

 

ĐƯỜNG ÁNH SÁNG

Theo thánh Ignatiô Loyola

Thánh Ignatiô Loyôla, Linh mục (31/7)

Một việc đạo đức bình dân gắn liền với các lần hiện ra của Đấng Phục Sinh đã được nhiều dân tộc đón nhận và thực hành gọi là Đường Ánh Sáng. Đường này cũng gồm 14 chặng kể lại những lần Chúa hiện ra và những bài học đạo đức kèm theo. Việc này đã có từ rất lâu trong lịch sử Giáo Hội. Chúng ta ghi nhận trong sách Những Bài Linh Thao viết vào năm 1544, từ số 299 đến 312 của mình, thánh Ignatiô Loyola đã kể lại gần đủ các lần hiện ra của Đấng Phục Sinh.

Một số dân tộc đã có Đường Ánh Sáng nhưng chưa áp dụng được các nghiên cứu Thánh Kinh gần đây của môn Kitô học, nên chỉ kể được 8-9 lần hiện ra của Đấng Phục Sinh, vì thế họ phải chia nhỏ những lần hiện ra để tạo thành 14 nơi tương ứng với 14 chặng Đàng Thánh Giá. 

Nhờ những nghiên cứu mới nhất về Kitô học, chúng tôi giới thiệu Đường Ánh Sáng này với 14 lần Chúa Giêsu hiện ra khác nhau. Chúng tôi chỉ thay thế Lần hiện ra XII với ông Giuse Arimathia, trong sách Linh Thao của thánh Ignatiô ở số 310, kể theo lòng đạo đức bình dân, bằng lần hiện ra với “tất cả các tông đồ” theo lời tường thuật của thánh Phaolô (x. 1Cr 15,7) cho hợp với Thánh Kinh.

Cầu chúc bạn gặp được Đấng Phục Sinh.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

NƠI THỨ NHẤT

Chúa Giêsu hiện ra đầu tiên với Mẹ Maria

1

Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Kitô

+ Vì Chúa đã sống lại để chia sẻ niềm vui và sự sống tuyệt vời cho chúng con. Alleluia.

Lời dẫn

Dù không được Thánh Kinh ghi nhận, nhưng các thánh Giáo phụ vẫn tin rằng Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra đầu tiên với Mẹ Maria, vì Mẹ đã đóng góp nhiều nhất cho cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Mẹ đã theo Người trên suốt chặng đường khổ giá, đã đứng vững dưới chân thập tự và vững lòng tin tưởng vào việc Chúa Cha sẽ cho Con mình trỗi dậy từ cõi chết, như Thánh Kinh đã báo trước, nên Mẹ xứng đáng được Chúa Giêsu hiện ra trước tiên.

Lời nguyện

Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin cho chúng con luôn kếp hợp mật thiết với Chúa trong mầu nhiệm Vượt Qua và vững lòng tin tưởng vào Chúa, khi gặp thử thách, gian nan, như người Mẹ Thánh của chúng con. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

Alleluia. Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh!

+ Xin ban bình an cho chúng con. Alleluia.

NƠI THỨ HAI

Chúa Giêsu hiện ra với bà Maria Magdala

(x. Ga 20,11-18; Mc 16,9-11)

2

Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Kitô

+ Vì Chúa đã sống lại để chia sẻ niềm vui và sự sống tuyệt vời cho chúng con. Alleluia.

Lời dẫn

Vào sáng sớm tinh sương của ngày thứ nhất trong tuần, bà Maria Magdala, bà Maria mẹ ông Giacôbê và bà Salomê mang dầu đến mộ để ướp xác Đức Giêsu. Họ thấy tảng đá che cửa mộ đã được lăn sang một bên và thấy thiên thần nhắc bảo rằng: “Đức Giêsu bị đóng đinh đã trỗi dậy rồi”. Chúa Giêsu đã hiện ra với bà Maria Magdala vì bà đã ở lại cạnh mộ Chúa sau khi những người khác đi khỏi.

Lời nguyện

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, các phụ nữ là những người được Chúa tưởng thưởng vì đã yêu Chúa nồng nàn. Họ thao thức suốt đêm mong chờ trời sáng để có thể đem dầu thơm ướp xác Chúa. Họ can đảm đi tới mộ mà chẳng sợ bị quân lính bắt giam và kết án. Xin cho chúng con biết yêu thương và giúp đỡ anh chị em nghèo khổ, đang phải chịu những bất công, đang bị gạt ra ngoài lề xã hội như Chúa bằng một tình yêu can đảm, quảng đại và hiệu quả như họ. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

Alleluia. Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh!

+ Xin ban bình an cho chúng con. Alleluia.

NƠI THỨ BA

Chúa Giêsu hiện ra với các phụ nữ

(Mt 28,1-10; Mc 16,1-7; Lc 24,1-11)

3

Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Kitô

+ Vì Chúa đã sống lại để chia sẻ niềm vui và sự sống tuyệt vời cho chúng con. Alleluia.

Lời dẫn

Các bà Maria Magdala, bà Gioanna, bà Maria mẹ ông Giacôbê và nhiều bà khác đã đến viếng mộ Chúa và được thiên thần giao sứ mệnh báo tin cho các môn đệ Chúa Giêsu rằng Người đã sống lại. Đức Giêsu đón gặp và hiện ra với các bà. Các bà tiến lại gần, ôm lấy chân Người và bái lạy Người. Chúa Giêsu nói với các bà: “Chị em đừng sợ! Hãy về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó”.

Lời nguyện

Lạy Chúa Giêsu, khi Chúa hiện ra với ai, Chúa thường giao cho họ một sứ mệnh đặc biệt để họ làm chứng cho Chúa. Xin cho chúng con luôn yêu mến Chúa nồng nàn để cảm nghiệm được Chúa đang hiện diện trong đời chúng con và tận tình, tận lực hoàn thành sứ mệnh Chúa giao. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

Alleluia. Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh!

+ Xin ban bình an cho chúng con. Alleluia.

NƠI THỨ TƯ

Chúa Giêsu hiện ra với ông Simon Phêrô

(x. Lc 24,9-12; 33-34)

4

Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Kitô

+ Vì Chúa đã sống lại để chia sẻ niềm vui và sự sống tuyệt vời cho chúng con. Alleluia.

Lời dẫn

Khi nghe các phụ nữ báo tin Đức Giêsu đã sống lại, thánh Phêrô đã chạy đến mộ, nhưng chỉ thấy mộ trống và các khăn vải liệm xác Chúa Giêsu. Ông rất ngạc nhiên về sự việc đã xảy ra. Đang khi ông suy nghĩ về những sự việc này, Chúa Giêsu đã hiện ra với ông để giúp ông mạnh tin và lãnh đạo cộng đồng tín hữu. Vì thế, các tông đồ đã nói với các môn đệ trở về từ Emmaus: “Chúa đã trỗi dậy thật rồi và đã hiện ra với ông Simon”.

Lời nguyện

Lạy Chúa, trong trách nhiệm trưởng đoàn tông đồ, thánh Phêrô đã chạy đến mộ, bất chấp khó khăn nguy hiểm. Thánh nhân vẫn áy náy trong lòng vì đã chối bỏ thầy mình vài ngày trước đó. Hiện ra với Phêrô là Chúa muốn ngài bỏ hết những mặc cảm tội lỗi quá khứ vì Chúa đã tha thứ và thưởng công ngài vì lòng yêu mến thiết tha. Xin cho chúng con cũng luôn tin tưởng vào lòng thương xót và tình yêu Chúa. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

Alleluia. Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh!

+ Xin ban bình an cho chúng con. Alleluia.

NƠI THỨ NĂM

Chúa Giêsu hiện ra với hai môn đệ đi Emmaus (x. Lc 24,13-35)

5

Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Kitô

+ Vì Chúa đã sống lại để chia sẻ niềm vui và sự sống tuyệt vời cho chúng con. Alleluia.

Lời dẫn

Khi nghe tin mộ của Đức Giêsu trống rỗng, hai môn đệ sợ nhà chức trách sẽ điều tra nên vội vã đi về Emmaus. Chúa Giêsu hiện ra và cùng đi với họ như khách bộ hành. Người giải thích cho họ hiểu rằng Đức Kitô phải chịu khổ hình rồi mới vào trong vinh quang của Người. Người vào trong hàng quán theo yêu cầu của họ và họ đã nhận ra Người lúc Người bẻ bánh. Nhưng Người biến đi ngay. Hai môn đệ vội quay trở về Giêrusalem với cộng đồng tín hữu.

Lời nguyện

Lạy Chúa Giêsu, rất nhiều lần trong đời sống, vì sợ hãi và ích kỷ, chúng con đã chạy trốn và rời xa cộng đồng huynh đệ như hai môn đệ trên đường đi Emmaus. Xin cho chúng con biết lắng nghe Chúa qua những người chúng con gặp gỡ trên đường đời và nhận ra họ mang hình ảnh của Chúa để hết lòng phục vụ, yêu thương. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

Alleluia. Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh!

+ Xin ban bình an cho chúng con. Alleluia.

NƠI THỨ SÁU

Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ

ở nhà Tiệc Ly (x. Ga 20,19-23)

6

Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Kitô

+ Vì Chúa đã sống lại để chia sẻ niềm vui và sự sống tuyệt vời cho chúng con. Alleluia.

Lời dẫn

Vào buổi chiều ngày Chúa phục sinh, các môn đệ tụ họp trong nhà, cửa đóng kín vì các ông sợ nhà chức trách Do Thái. Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông trong khi cửa vẫn đóng kín, và nói: “Bình an cho anh em”. Nói xong Người cho các ông xem tay và cạnh sườn để các ông hiểu Người chính là Đấng bị đóng đinh trước đây. Rồi Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” để các ông tha thứ tội lỗi và hoàn thành sứ mệnh Người giao phó.

Lời nguyện

Lạy Chúa Giêsu, cuộc sống lại của Chúa không phải giống như cuộc hồi sinh của con gái ông Giairô, con trai bà goá thành Nain hay Ladarô, nhưng là một sự sống mới mẻ. Chúa không còn bị lệ thuộc vào định luật của thời gian, không gian và vật chất: cửa nhà đóng kín Chúa vẫn vào được. Đó là niềm vui và hy vọng cho chúng con. Xin cho chúng con luôn biết hít thở Thần Khí của Chúa để cảm nghiệm được sự sống mới mẻ này. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

Alleluia. Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh!

+ Xin ban bình an cho chúng con. Alleluia.

NƠI THỨ BẢY

Chúa Giêsu hiện ra với ông Tôma

(x. Ga 20,24-29)

7

Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Kitô

+ Vì Chúa đã sống lại để chia sẻ niềm vui và sự sống tuyệt vời cho chúng con. Alleluia.

Lời dẫn

Tông đồ Tôma vắng mặt khi Chúa Giêsu hiện đến lần trước, nên ông đòi phải trông thấy các dấu đinh ở tay Chúa và vết giáo ở cạnh sườn Chúa thì mới tin Chúa sống lại. Lần này Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ và nói riêng với Tôma theo yêu cầu của ông: “Hãy đặt ngón tay vào đây và hãy nhìn xem tay Thầy. Hãy đưa bàn tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin!”. Ông Tôma đã tuyên xưng đức tin của mình: “Lạy Chúa của con. Lạy Thiên Chúa của con”. Đức Giêsu nói với ông: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc cho những ai không thấy mà tin”.

Lời nguyện

Lạy Chúa Giêsu, nhiều lần chúng con đòi hỏi sự kiểm chứng cho những suy luận của lý trí, nên chưa cảm nghiệm được hạnh phúc của những ai không thấy mà tin. Xin Chúa ban ơn đức tin và nâng đỡ lòng tin yếu kém của chúng con. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

Alleluia. Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh!

+ Xin ban bình an cho chúng con. Alleluia.

NƠI THỨ TÁM

Chúa Giêsu hiện ra với bảy môn đệ ở bờ biển Galilê (x. Ga 21,1-17)

8

Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Kitô

+ Vì Chúa đã sống lại để chia sẻ niềm vui và sự sống tuyệt vời cho chúng con. Alleluia.

Lời dẫn

Chúa Giêsu hiện ra với bảy môn đệ ở bờ biển Galilê. Các ông đi đánh cá và vất vả suốt đêm mà không được gì. Thả lưới theo lệnh của Người đứng trên bờ, các ông đã bắt được rất nhiều cá. Phép lạ này gợi cho các ông lần đánh được nhiều cá trước đây (x. Lc 5,4-11), khi Chúa chưa chịu chết, và các ông nhận ra Người. Trên bờ, Chúa Giêsu đã chuẩn bị sẵn cho các ông bếp lửa sưởi ấm, trên để cá và có cả bánh nữa để các ông bồi dưỡng sau một đêm mệt nhọc. Chính trong bữa ăn này Chúa Giêsu hỏi thánh Phêrô 3 lần về tình yêu và giao cho ông sứ mệnh chăn dắt đàn chiên.

Lời nguyện

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, dù Chúa bước vào đời sống mới, không còn lệ thuộc vật chất, không còn bị giới hạn bởi không gian và thời gian, nhưng Chúa vẫn quan tâm đến những nhu cầu vật chất của đời sống trần thế này để cứu giúp chúng con. Xin cho chúng con, dù luôn “hướng lòng về những sự trên trời”, cũng biết quan tâm giúp đỡ anh chị em nghèo đói, lao động vất vả quanh mình. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

Alleluia. Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh!

+ Xin ban bình an cho chúng con. Alleluia.

NƠI THỨ CHÍN

Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ trên núi

(x. Mt 28,16-20; Mc 16,14-20; Cv 1,6-8)

9

Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Kitô

+ Vì Chúa đã sống lại để chia sẻ niềm vui và sự sống tuyệt vời cho chúng con. Alleluia.

Lời dẫn

Các môn đệ đi tới miền Galilê, đến ngọn núi Đức Giêsu đã chỉ trước. Chúa Giêsu hiện đến với các ông và nói: “Thầy được trao toàn quyền trên trời và dưới đất. Vậy anh em hãy đi khắp nơi để giảng dạy cho muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,18-20).

Lời nguyện

Lạy Chúa Giêsu, Chúa sai chúng con đi rao giảng lời Chúa, nhưng rất nhiều khi chúng con hiểu lời Chúa chỉ là những chữ viết trong cuốn Thánh Kinh được chúng con học hành, giải thích theo cách hiểu của con người. Chúng con quên rằng Chúa mới thật sự là Ngôi Lời sống động, mà chúng con cần tìm hiểu, yêu mến và kết hợp mật thiết. Có như thế, chúng con mới cảm nhận được quyền năng và ân sủng kỳ diệu Chúa thông ban để hoàn thành những dấu lạ minh chứng cho lời chúng con rao giảng. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

Alleluia. Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh!

+ Xin ban bình an cho chúng con. Alleluia.

NƠI THỨ MƯỜI

Chúa Giêsu hiện ra với hơn năm trăm môn đệ (x. 1Cr 15,6)

10

Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Kitô

+ Vì Chúa đã sống lại để chia sẻ niềm vui và sự sống tuyệt vời cho chúng con. Alleluia.

Lời dẫn

Vào khoảng năm 57, thánh Phaolô đã viết rằng: “Chúa Giêsu hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số ấy, phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ”. Sau khi Chúa Giêsu chết vào ngày 7 tháng 4 năm 30 và sống lại sau đó, Chúa đã hiện ra với nhiều người, vì muốn cho họ cảm nghiệm được sự hiện diện sống động của Chúa để làm chứng cho Người.

Lời nguyện

Lạy Chúa Phục Sinh, rất đông môn đệ được thấy Chúa hiện ra. Họ cảm thấy hạnh phúc vì tận mắt được thấy Đấng chịu đóng đinh nay sống lại, nên hiểu rằng đau khổ và cái chết chỉ tìm được ý nghĩa đích thực trong cuộc Phục Sinh của Chúa. Xin cho chúng con cũng cảm nghiệm được niềm vui và hạnh phúc, vì tìm ra được ý nghĩa thật sự cho những khổ đau, bất hạnh, khốn cùng và cả cái chết trong đời sống chúng con. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

Alleluia. Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh!

+ Xin ban bình an cho chúng con. Alleluia.

NƠI THỨ MƯỜI MỘT

Chúa Giêsu hiện ra với thánh Giacôbê

(x. 1Cr 15,7)

11

Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Kitô

+ Vì Chúa đã sống lại để chia sẻ niềm vui và sự sống tuyệt vời cho chúng con. Alleluia.

Lời dẫn

Thánh Phaolô còn kể lần Chúa hiện ra với thánh Giacôbê. Ngài là người anh em họ với Chúa Giêsu (x. Mt 13,55; Cv 1,14; Gl 1,19), phân biệt với Thánh Giacôbê là anh em ruột của thánh Gioan tông đồ. Ngài có địa vị lớn trong thời giáo hội sơ khai và cai quản giáo đoàn ở Giêrusalem. Thánh Phaolô đã đến chào thăm ngài (x. Gl 1,19-29) và tường trình cho ngài hoạt động tông đồ của mình (x. Cv 15,13-34; 21,18). Chúa Giêsu hiện ra riêng với thánh Giacôbê như để khích lệ và nâng đỡ ngài trong trách nhiệm quan trọng thời giáo hội sơ khai.

Lời nguyện

Lạy Chúa Giêsu, Chúa hiện ra với thánh Giacôbê để khích lệ ngài can đảm điều hành và phục vụ cộng đồng dân Chúa. Xin Chúa ban cho Đức Giáo Hoàng, các giám mục và linh mục lãnh đạo cộng đồng tín hữu, cảm nghiệm được sự hiện diện sống động của Chúa. Xin Chúa cũng nâng đỡ an ủi các ngài trong những lúc khó khăn nguy hiểm. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

Alleluia. Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh!

+ Xin ban bình an cho chúng con. Alleluia.

NƠI THỨ MƯỜI HAI

Chúa Giêsu hiện ra với tất cả các tông đồ

(x. 1Cr 15,7)

12

Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Kitô

+ Vì Chúa đã sống lại để chia sẻ niềm vui và sự sống tuyệt vời cho chúng con. Alleluia.

Lời dẫn

Thánh Phaolô ghi nhận Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với “tất cả các tông đồ”. Ngài phân biệt “Nhóm Mười Hai” với các tông đồ, dù rằng Nhóm Mười Hai cũng được gọi là tông đồ (x. Mt 10,2; Mc 6,30; Lc 6,13; 22,14; Cv 1,2.26; 2,42; 4,33.35; 5,12.18…). Tông đồ theo nghĩa chữ là “người được sai đi”. Tất cả những ai được Chúa kêu gọi, chọn lựa và sai đi đều được Chúa Phục Sinh hiện ra để giúp họ cảm nghiệm Người đã trỗi dậy từ cõi chết, đang sống với mình và ban nhiều ân phúc để họ làm chứng cho Người.

Lời nguyện

Lạy Chúa Giêsu, chúng con vui mừng và hy vọng, khi biết rằng Chúa sẽ hiện ra cho tất cả những ai là tông đồ đích thực. Chúa đã kêu gọi, chọn lựa và sai chúng con đi loan báo Tin Mừng. Xin Chúa hãy hiện ra cho chúng con ít là một lần trong đời sống, để từ đó chúng con được can đảm làm chứng cho Chúa, giữa bao gian khổ và thử thách ở trần gian. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

Alleluia. Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh!

+ Xin ban bình an cho chúng con. Alleluia.

NƠI THỨ MƯỜI BA

Chúa Giêsu hiện ra với thánh Phaolô

(x. 1Cr 15,8-10)

13

Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Kitô

+ Vì Chúa đã sống lại để chia sẻ niềm vui và sự sống tuyệt vời cho chúng con. Alleluia.

Lời dẫn

Thánh Phaolô đã xác nhận rằng: “Sau cùng, Chúa Giêsu Phục Sinh cũng đã hiện ra với tôi chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non. Tôi là người hèn mọn nhất trong số các tông đồ, tôi không đáng được gọi là tông đồ vì đã ngược đãi Hội Thánh Chúa” (1Cr 15,8-9). Chúa Giêsu Phục Sinh đã hiện ra với thánh Phaolô trên đường ngài đến Damas để tìm bắt các tín hữu giải về Giêrusalem. Chúa đã giao phó cho ngài sứ mệnh loan báo Tin Mừng cho muôn dân (x. Cv 9,1-30) để ngài thật sự xác tín về những điều mình rao giảng.

Lời nguyện

Lạy Chúa Giêsu, việc Chúa hiện ra với thánh Phaolô dạy chúng con rằng: tình yêu Chúa trải rộng cho hết mọi người, kể cả những ai bách hại Hội Thánh Chúa. Xin Chúa ban cho chúng con cũng biết tôn trọng, yêu thương và tha thứ cho tất cả những người đang ngược đãi, nói xấu, bách hại chúng con. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

Alleluia. Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh!

+ Xin ban bình an cho chúng con. Alleluia.

NƠI THỨ MƯỜI BỐN

Chúa Giêsu lên trời (x. Cv 1,1-11)

14

Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Kitô

+ Vì Chúa đã sống lại để chia sẻ niềm vui và sự sống tuyệt vời cho chúng con. Alleluia.

Lời dẫn

Trong khoảng thời gian 40 ngày, Đấng Phục Sinh đã hiện ra nhiều lần với các môn đệ, để chứng tỏ cho họ thấy là Người vẫn sống sau khi chịu khổ hình. Người nói chuyện với họ về nước Thiên Chúa, truyền cho họ ở lại Giêrusalem để nhận được sức mạnh của Chúa Thánh Thần, và rồi sẽ đi đến tận cùng trái đất để làm chứng cho Người (x. Cv 1,3-5).

Sau cùng, Người dẫn họ lên núi Oliu và Người được cất lên trời ngay trước mắt họ (x. Mc 16,19-20; Lc 24,50-51). Trong khi họ còn nhìn lên trời, các thiên thần nhắc bảo họ rằng: “Đức Giêsu sẽ ngự đến y như họ thấy Người lên trời”. Các môn đệ bái lạy Người, rồi trở về Giêrusalem, lòng đầy hoan hỷ.

Lời nguyện

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, chúng con vừa cùng nhau đi trên con Đường Ánh Sáng, ôn lại những lần Chúa hiện ra cho đủ mọi hạng người được Chúa chọn lựa và sai đi. Xin cho lòng chúng con giữ mãi niềm vui Phục Sinh, vì Chúa luôn ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế, khi chúng con cùng Chúa biến đổi trần thế này thành Nước Trời. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

Alleluia. Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh!

+ Xin ban bình an cho chúng con. Alleluia.

 

Kết thúc. Đọc 1 kinh Lạy Cha và 1 kinh Tin Kính, cầu theo ý ĐGH để nhận ơn đại xá.

 

KINH MỘT THỜI ĐỂ YÊU

VÀ MỘT THỜI ĐỂ SỐNG

(x. Gv 3,1-8)

Lạy Chúa là Thần Khí Sự Sống và Tình Yêu,

xin ban cho con một thời để yêu

và một thời để sống,

để con sống vì tình yêu Thiên Chúa,

để con yêu vì cuộc sống muôn loài.

Xin dạy con biết yêu những gì tốt đẹp, cao quý, và biết ghét những điều đê tiện, xấu xa.

Xin dạy con luôn sống vì những điều mình yêu, và dám chết vì những điều mình ghét.

Xin dạy con biết đưa tình yêu vào cuộc sống,

để mỗi giây phút sống, con đều cảm nhận được niềm hạnh phúc yêu thương.

Xin dạy con biết đưa cuộc sống vào tình yêu,

để từng giây phút yêu, con đều làm cho đời sống thêm giá trị.

Cuối cùng, xin cho con biết hoà nhập cả hai nên một: để sống là yêu và yêu là sống,

vì hiểu được rằng: Thiên Chúa Hằng Sống

cũng chính là Thiên Chúa Tình Yêu. Amen.