Chúa Nhật V Mùa Chay C 2022: Đồng hành với Chúa Giêsu trên con đường tình yêu

Chúa Nhật V Mùa Chay C 2022

Đồng hành với Chúa Giêsu trên con đường tình yêu

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Chúng ta đang đi đến giai đoạn cuối cùng của Mùa Chay vì tuần sau chúng ta bắt đầu Tuần Thương khó để tưởng niệm cái chết của Chúa Giêsu. Trong Mùa Chay này chúng ta đã cùng nhau tìm lại sự quân bình toàn diện cho đời sống trước những biến động của thời cuộc từ cuộc xung đột ở Ucraina và cơn đại dịch Covid-19. Chúng ta cảm nhận mình đã lạc xa con đường tình yêu của Đức Giêsu nên suy nhược, mệt mỏi, tàn tạ, bất hạnh, chết chóc. Các bài Thánh Kinh hôm nay như mời gọi chúng ta quyết tâm trở về với Chúa Giêsu, để cảm nghiệm được tình yêu vô bờ của Thiên Chúa, từ đó chúng ta mới thay đổi trọn vẹn cuộc sống của mình.

1. Trở về với tình yêu Thiên Chúa

Hình ảnh người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình trong bài Tin Mừng (x. Ga 8,1-11), rồi được các kinh sư và người Pharisêu dẫn đến với Chúa Giêsu, như gợi ý cho mỗi người chúng ta suy nghĩ về tình yêu của mình. Có thể nói rằng tất cả chúng ta đều đã ngoại tình, kể từ người đầu tiên là Adam – Evà cho đến người cuối cùng sống trên mặt đất này.

Tại sao? Tại vì chúng ta đã được Thiên Chúa yêu thương, tạo dựng nên ta, ban cho ta muôn vàn ân huệ như quà tặng tình yêu từng giây phút để ta cảm nghiệm được sự hiện diện của người yêu trong đời sống và đáp lại tình yêu của Ngài. Nhưng chúng ta đã phản bội Thiên Chúa, đã chạy theo những thần tượng khác và dâng hiến tình yêu cho những người chủ mới vì họ hứa cho ta những quà tặng để thoả mãn cơn đói khát vật chất, dục vọng, quyền lực của ta. Họ chỉ hứa hẹn và lừa bịp ta vì tất cả những gì thật sự tốt đẹp đều bắt nguồn từ Thiên Chúa. Khi con người cắt đứt với nguồn sự sống, tình yêu và hạnh phúc, đương nhiên người ta cảm thấy bất hạnh, trần trụi, không còn đủ sức yêu mình, huống hồ là yêu người khác, và thật sự đáng chết.

Vì thế, những kinh sư Do Thái nói với Giêsu rằng: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt gặp đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó cho tới chết”. Quả thật, đời sống bất hạnh tận cùng với cái chết của mọi người chúng ta đã nói lên tội ngoại tình chúng ta đang phạm, đó là tội cắt đứt mối hiệp thông với Thiên Chúa.

Rồi khi ta cắt đứt với nguồn yêu thương, ta lại trở thành những thẩm phán bất lương đi xét xử người khác về chính tội mình đang phạm, thành những tên đồ tể đi giết hại người khác vì chính mình đã cắt đứt tình yêu với con người và vạn vật. Hình ảnh của những người muốn ném đá người khác kia cũng là hình ảnh của chúng ta: chúng ta xung đột, khai thác, giết hại nhau, làm cho nhau chết dần chết mòn. Ngay cả những viên đá vật chất kia, đáng lẽ được dùng để xây nên những căn nhà, lát thành những con đường tốt đẹp, để làm cho đời sống an vui, hạnh phúc, thì bây giờ lại trở thành những dụng cụ giết người, giống như những bom đạn, tên lửa, xe tăng phá huỷ đất nước Ucraina trong những ngày vừa qua, giống như những đồng đô la, đồng rúp Nga trong chiến tranh năng lượng làm cho cả thế giới khốn đốn, đau thương.

Vì thế, hôm nay chúng ta đang được mời gọi để quay trở về với tình yêu Thiên Chúa.

2. Tình yêu của Đức Giêsu đối với chúng ta

Đức Giêsu là Ngôi Lời làm người, là tình yêu cụ thể của Thiên Chúa. Vì thế, những người Do Thái tượng trưng cho giai cấp lãnh đạo, tự cho mình là đạo đức thánh thiện, và người đàn bà tội lỗi được dẫn đến trước mặt Đức Giêsu để đối diện với Người. Đó là hình ảnh của tất cả nhân loại phải tìm về với tình yêu Thiên Chúa để nhận được ơn tha thứ và cứu độ.

Những người Do Thái hỏi Đức Giêsu nhiều lần xem Người có thái độ nào đối với hạng tội nhân như thế. Nhưng Đức Giêsu chỉ lặng lẽ, cúi xuống, không nhìn vào ai, dùng ngón tay viết trên đất. Hành vi bình thản này chỉ muốn tạo nên sự trầm lắng để mỗi người chúng ta, thay vì tranh cãi, xung đột, biết quay trở về với lòng mình, nhận ra sự thật của mình hơn là tập trung vào tội lỗi của người khác. Chúa Giêsu chỉ ngẩng lên, nhìn vào người khác để đối thoại, hỏi han, tha thứ, khích lệ. Đó cũng là bài học cho hành động của ta.

Đức Giêsu vô tội nên chỉ mình Người mới có quyền xét xử kẻ sống và kẻ chết. Nhưng thay vì xét xử, Người mời gọi chúng ta nhìn lại mình: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Rất may là những người Do Thái thời đó đã trung thực với chính mình, nên họ đã lần lượt bỏ đi hết, bắt đầu từ những người lớn tuổi.

Nếu sự việc xảy ra vào thời chúng ta, chắc chắn đã có rất nhiều hòn đá ném về phía người phụ nữ và về cả Chúa Giêsu vì nhiều người nghĩ mình vô tội! Xã hội chúng ta hiện nay đầy những người nói mình trong sạch, liêm chính, chí công vô tư, nhưng tham nhũng xảy ra khắc nơi. Xã hội chúng ta đầy những người nói mình trung thực, chân thật nhưng sự dối trá biểu lộ trên những hàng hoá, trong những thông tin làm chúng ta nghi ngờ mọi thứ. Cộng đồng chúng ta đầy những người nói mình bảo vệ sự sống, bảo vệ môi trường, nhưng mỗi năm có cả triệu bào thai bị phá bỏ, hàng triệu cuộc tình tan vỡ và hàng trăm ngàn tội phạm đủ loại bị kết án.

C:\Users\tingu\Downloads\2022\Nguoi PN ngoai tinh.jpg

Đức Giêsu không bảo phải tha tội cho người đàn bà ngoại tình. Người cũng chẳng cầm đá ném vào người có tội dù Người vô tội. Nhưng Đức Giêsu không dung túng tội lỗi. Người kết án tội lỗi nhưng tha thứ cho tội nhân. Vì thế Đức Giêsu nói với người phụ nữ rằng: “Tôi không lên án chị đâu. Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”.

Người không kết án bất cứ ai và không muốn huỷ hoại sự hiện hữu của bất cứ vật nào bởi vì Người là tình yêu cụ thể của Thiên Chúa. Hơn nữa muôn loài được dựng nên nhờ Người và cho Người, nên Người đã yêu thương tất cả đến cùng. Tình yêu ấy thúc đẩy Người tự nguyện hy sinh đến chết nhục nhã trên thập giá để hoà giải muôn loài với Chúa Cha và nhờ đó mà chúng ta được tha thứ mọi tội lỗi và trở thành con cái yêu quý của Ngài.

Vì thế, thánh Phaolô, qua Bài đọc II (x. Ph 3,8-14), đã mời gọi chúng ta hãy trở về với Chúa Giêsu để “nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết”. Chúng ta cần phải cảm nhận được giá trị tuyệt vời của Chúa Giêsu để nói được rằng: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Giêsu Kitô, Chúa của tôi, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác để được Đức Kitô và được kết hợp với Người” (Ph 3, 8-11).

Lời Kết

Trở về với Đức Giêsu là chúng ta đồng hành với Người trên con đường tình yêu của Người. Chúng ta được mời gọi “quên đi chặng đường đã qua” với quá khứ tội lỗi như người phụ nữ ngoại tình hay với quá khứ tự mãn về những thành công, đạo đức của người Biệt Phái Do Thái “để lao mình về phía trước và chạy thẳng tới đích”. Đích điểm đó là chính Đức Giêsu với mầu nhiệm Vượt Qua sẽ thực hiện trong Tuần Thánh này.

HKK