‘Sinh đẻ có hướng dẫn’ giúp Việt Nam hạn chế tăng thêm gần 20 triệu người

‘Sinh đẻ có hướng dẫn’ giúp Việt Nam hạn chế tăng thêm gần 20 triệu người

Số con của phụ nữ Việt trong độ tuổi sinh đẻ đã giảm mạnh trong 60 năm qua, từ 6,3 con/phụ nữ (năm 1960) hiện đạt mức sinh thay thế (2 – 2,2con/ phụ nữ).

 

 

Hôm nay 26.12, tròn 60 năm ngày truyền thống ngành dân số Việt Nam.

Theo Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (DS – KHHGĐ), 60 năm trước, ngày 26.12.1961, Thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ký ban hành Quyết định số 216/CP về việc sinh đẻ có hướng dẫn với ý nghĩa nhân văn sâu sắc: “Vì sức khoẻ của người mẹ, vì hạnh phúc và hoà thuận của gia đình, vì để cho việc nuôi dạy con cái được chu đáo, việc sinh đẻ của nhân dân cần được hướng dẫn một cách thích hợp”.

'Sinh đẻ có hướng dẫn' giúp Việt Nam hạn chế tăng thêm gần 20 triệu người - ảnh 1
Việt Nam đạt mức sinh thay thế (2 – 2,2 con/phụ nữ) trong 15 năm qua, tuy nhiên, hiện có 21 tỉnh thành mức sinh thấp dưới mức sinh thay thế   ĐỘC LẬP

Ngày 19.5.1997, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 26.12 hàng năm làm ngày Dân số Việt Nam.

60 năm qua, việc sinh đẻ mang tính tự nhiên đã chuyển sang sinh đẻ mang tính chủ động, có kế hoạch. Mỗi phụ nữ Việt Nam trung bình có 6,3 con (năm 1960) đã giảm xuống 3,74 con năm 1992; và 2,09 con năm 2006, đạt mức sinh thay thế sớm hơn 10 năm so với mục tiêu Nghị quyết T.Ư 4 (khóa VII) đề ra và duy trì vững chắc trong suốt 15 năm qua.

Kết quả giảm sinh đã hạn chế việc tăng thêm gần 20 triệu người trong những thập kỷ qua, để tiến tới ổn định quy mô dân số vào giữa thế kỷ 21, tăng GDP bình quân đầu người.

Phụ nữ TP.HCM có số con thấp

Tuy nhiên, mức sinh giữa các vùng, đối tượng đang chênh lệch khá lớn.

Hiện có 33 tỉnh có mức sinh cao (TFR trên 2,2 con/ phụ nữ), tập trung tại vùng trung du miền núi phía bắc, Bắc Trung bộ, trong đó có nhiều tỉnh có điều kiện kinh tế – xã hội còn rất khó khăn.

21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp (tổng tỷ suất sinh-TFR ở mức dưới 2 con/phụ nữ) tập trung ở khu vực Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và Duyên hải miền Trung.

9 tỉnh, thành phố có mức sinh thay thế (TFR từ 2 – 2,2 con/phụ nữ).

Đáng lưu ý, 20 năm qua, Đông Nam bộ là vùng có TFR thấp nhất, luôn dưới mức sinh thay thế, như năm 2020 là 1,62 con/phụ nữ.

Riêng TP.HCM, số con trung bình thấp nhất, chỉ ở mức 1,39 con/phụ nữ (số liệu tổng điều tra dân số 2019).

Tây Nguyên luôn là vùng có TFR cao nhất: năm 1989 là 5,98 con/phụ nữ; năm 2020 con số này là 2,41.

Mức sinh ở nông thôn luôn cao hơn ở thành thị. Trình độ học vấn của phụ nữ càng cao thì mức sinh của họ càng thấp.

Phải quan tâm đầy đủ toàn diện về số lượng dân số

“Trong giai đoạn mới, chúng ta tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, phải quan tâm đầy đủ toàn diện về số lượng dân số, chất lượng dân số và cấu trúc dân số. Công tác dân số cần chú trọng và đầu tư nhiều hơn cho hoạt động truyền thông; giải quyết đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế – xã hội trong trung và dài hạn.

Việc xây dựng chính sách dân số cần lưu ý những thách thức mới về toàn cầu hóa, vấn đề nhập cư, đô thị hóa, già hóa dân số, … Đây là vấn đề có ảnh hưởng đến tương lai và vận mệnh quốc gia. Tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ Y tế cùng các các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan ưu tiên nguồn lực, cơ chế chính sách để công tác dân số Việt Nam trong thời kỳ mới đạt hiệu quả lâu dài, lường trước mọi thách thức, đáp ứng tốt nhất mọi yêu cầu, mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Trong thời gian tới, tôi tin tưởng chắc chắn rằng các đồng chí tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, truyền thống 60 năm ngành dân số; luôn kiên định, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần to lớn cho việc hiện thực hóa khát vọng hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc của dân tộc Việt Nam trong những thập niên tới.

Chúc ngành dân số ngày càng được củng cố và phát triển. Hãy nhớ lời dặn dò của ông cha: “Một mặt người hơn mười mặt của”.

(Trích thư của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi ngành dân số Việt Nam nhân kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống 26.12.1961 – 26.12.2021)

LIÊN CHÂU

TNO