Chúa Nhật XXIX TN B, 17/10/2021: Ngày toàn quốc cầu nguyện xin ơn chữa lành trong đại dịch Covid-19

Hôm nay là ngày toàn quốc cầu nguyện xin ơn chữa lành trong cơn đại dịch Covid-19. Chúng ta cầu cho các bệnh nhân, cho các người đã qua đời, cho các y bác sĩ và nhân viên y tế, cho những người đang gánh chịu hậu quả do dịch bệnh ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Đại dịch đã gây nên thiệt hại nặng nề về kinh tế, làm xáo trộn đời sống của toàn cầu. Vì thế, hôm nay chúng ta được mời gọi cầu xin Chúa chữa lành và tin tưởng hơn vào quyền năng của Thiên Chúa.

Chúa Nhật XXIX TN B, 17/10/2021

Ngày toàn quốc cầu nguyện xin ơn chữa lành trong đại dịch Covid-19

Cầu cho bệnh nhân, cho người đã qua đời, cho các y bác sĩ và nhân viên y tế, cho những người đang gánh chịu hậu quả do dịch bệnh

(Ac 3,17-26; Rm 8,31-39; Mc 4,35-41)

Tin vào quyền năng của Thiên Chúa

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Hôm nay là ngày toàn quốc cầu nguyện xin ơn chữa lành trong cơn đại dịch Covid-19. Chúng ta cầu cho các bệnh nhân, cho các người đã qua đời, cho các y bác sĩ và nhân viên y tế, cho những người đang gánh chịu hậu quả do dịch bệnh ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Tính đến hôm qua, 16/10/2021, thế giới đã có 240,7 triệu người bị nhiễm và 4,9 triệu người bị chết. Ở Việt Nam có 860.860 ca nhiễm với 21.131 người chết. Riêng TP.HCM có 461.665 người nhiễm với hơn 18.000 người chết. Đại dịch đã gây nên thiệt hại nặng nề về kinh tế, làm xáo trộn đời sống của toàn cầu. Vì thế, hôm nay chúng ta được mời gọi cầu xin Chúa chữa lành và tin tưởng hơn vào quyền năng của Thiên Chúa.

1. Những câu hỏi trong cơn đại dịch

Đối mặt với những khổ đau, nguy hiểm, thất bại, chết chóc của bao con người trong cơn đại dịch, người ta đặt ra nhiều câu hỏi cho mình, cho chính quyền và cho cả Thiên Chúa. Không ít người nghi ngờ tình yêu, lòng thương xót và quyền năng của Chúa vì nếu Chúa yêu thương loài người, tại sao lại để xảy ra tai hoạ lớn lao như vậy. Nếu Chúa đầy lòng thương xót, tại sao lại để cho hàng triệu người chết, trong đó có rất nhiều người sống đạo đức, tốt lành. Nếu Chúa quyền năng vô biên, tại sao lại không ngăn cản được tai hoạ hay soi sáng cho con người tìm ra loại thuốc đơn giản, rẻ tiền để chữa lành người nhiễm bệnh. Có những người mất niềm tin vì cứ loay hoay không tìm được câu trả lời và không tìm được lối thoát ra khỏi những bất hạnh trong cuộc sống có vẻ như vô thường, vô nghĩa và phi lý này.

Người ta không biết rằng tất cả những tai hoạ, khổ đau, chết chóc, chiến tranh, dịch bệnh bắt nguồn từ việc con người cắt đứt mối tương quan với Thiên Chúa là nguồn của sự sống, hạnh phúc, niềm vui, hoà bình, quyền năng và chân thiện mỹ. Khi Chúa dựng nên con người có tinh thần tự do giống hình ảnh mình, Ngài không thể ép buộc con người yêu mình, gắn bó với mình như một con rối. Con người được quyền nghi ngờ Chúa, mất niềm tin nơi Chúa, thậm chí quy trách nhiệm cho Chúa, trong khi quên rằng tất cả tai hoạ đó là do chính con người gây nên.

Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn yêu thương con người. Ngài thấy rõ tai hoạ lớn lao con người đang phải chịu để gửi Con Một Ngài là Đức Giêsu đến đồng hành cùng con người, cứu chữa bệnh tật cho con người, chịu đau khổ và chịu chết nhục nhã với con người, để làm cho con người sống lại như mình.

Đức Giêsu đó, đang ở đây cũng như đã ở trên thuyền cùng với các môn đệ giữa cơn giông bão của biển đời trôi nổi. Người biết trước sóng gió làm cho chao đảo con thuyền và chao đảo cả lòng tin của các môn đệ, nhưng Người vẫn bình thản dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. “Thưa Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?”.

Dù đã thấy bao phép lạ Người làm, nhưng các môn đệ vẫn nghi ngờ tình yêu và quyền năng của Chúa Giêsu giống như rất nhiều người chúng ta. “Sao các con nhát sợ thế? Các con chưa có đức tin ư?”. Đây cũng là câu hỏi Chúa Giêsu đặt ra cho chúng ta trong cơn đại dịch. Nhưng tin hay không, thì Chúa Giêsu vẫn đang hiện diện cùng với con người giữa mọi tai hoạ, biến động của biển đời.

2. Câu trả lời cho đau khổ, tai hoạ của con người

Chúa Giêsu không trả lời cho những ai nghi ngờ tình yêu và quyền năng của Người, vì Người đã yêu cho đến cùng, cho đến chết trên thập giá. Người chứng tỏ quyền năng cứu độ bằng cách ra lệnh cho gió yên, biển lặng. Người đồng hành với chúng ta trong từng giây phút của cuộc đời như đã nói: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”. Vì thế, câu trả lời cho tai hoạ, đau khổ không phải đến từ Chúa mà từ phía con người, từ mỗi người chúng ta, qua thái độ của chúng ta trong cơn đại dịch này.

Thái độ đầu tiên là chúng ta hãy hy vọng, trông cậy hoàn toàn vào Chúa giữa bao đau khổ, bất hạnh như tác giả bài sách Ai Ca hôm nay: “Nhưng tôi luôn còn hy vọng vì điều tôi vẫn ghi nhớ trong tâm hồn: đó là lòng Chúa thương xót không hề chấm dứt và lòng từ bi Chúa không bao giờ vơi cạn” (Ac 3,21-22). Thật vậy, khó khăn thử thách là cơ hội để con người thêm xác tín vào quyền năng và lòng thương xót của Thiên Chúa, vì “Thiên Chúa đối xử tốt lành với những kẻ trông cậy Chúa, với những tâm hồn luôn kiếm tìm Ngài” (Ac 3,26).

Thái độ tiếp theo là tình yêu chung thuỷ của mỗi người đối với Đức Giêsu giữa bao gian truân, buồn khổ, đói khát, trần truồng, hiểm nguy, bắt bớ, gươm đao. Như Phaolô tông đồ nói: “Tôi chắc chắn rằng dù sự chết hay sự sống, không có gì có thể tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 8,35-39).

Thái độ thứ ba cần có là chúng ta tích cực đối mặt với hiểm nguy, bão tố, biến động trong cuộc đời như Đức Giêsu, thay vì co rúm sợ hãi, than thân trách phận, ngồi yên nghi ngờ như các môn đệ và bao người khác trong cơn đại dịch này. Chúng ta hãy nhìn những điểm tích cực và tốt đẹp của bao người quanh ta, như hàng trăm ngàn bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, tình nguyện viên ngày đêm săn sóc bệnh nhân không sợ bị lây nhiễm, không ngại bẩn thỉu thối tha. Chúng ta hãy nhìn những đồng bào nghèo trong các vùng quê hay rừng núi gửi về thành phố Sài Gòn và các tỉnh có dịch những nông sản mà họ chắt chiu. Chúng ta hãy cảm ơn những nhà hảo tâm dành nhiều tiền bạc, tài sản để mua thuốc men, máy thở, đồ xét nghiệm, khăn tã, thực phẩm cho những người bệnh. Những cây ATM gạo, ATM Oxy, những siêu thị 0 đồng, khách sạn 0 đồng, xe cứu thương 0 đồng, mai táng 0 đồng, hàng trăm ngàn phần cơm 0 đồng mỗi ngày đã biến Sài Gòn này thành Thành phố của tình người, của tình yêu sẻ chia, thành chứng tích lịch sử của lòng nhân ái.

Chúng ta cảm tạ Chúa Giêsu, vì nhờ cơn đại dịch này mà hàng ngàn linh mục, tu sĩ thay vì ẩn thân trong nhà thờ, tu viện đã trở thành những tình nguyện viên trong các bệnh viện dã chiến, các khu cách ly để dọn rác, đút cơm, lau rửa vệ sinh cho người bệnh. Chính họ đã cảm nhận được quyền năng và tình yêu của Đức Giêsu trong ơn gọi và sứ mệnh của mình. Nhờ đó Giáo hội Công giáo Việt Nam sẽ thay đổi tốt đẹp hơn nhiều.

Từng người chúng ta cảm tạ Chúa vì quyền năng của Đức Giêsu đã gìn giữ và cứu thoát chúng ta trong cơn đại dịch để không còn bám víu vào tiền bạc, danh vọng, địa vị. Không còn sống ích kỷ, bon chen chỉ biết có mình, nhưng đã biết sống cho người khác và hy sinh cho người khác.

Đấy là những phép lạ của tình yêu và quyền năng mà Đức Giêsu đã thực hiện nơi chúng ta, để dẹp yên những cơn sóng dữ của vật chất đang muốn dìm chúng ta vào vực thẳm tội lỗi. Đó là phép lạ của Đức Giêsu đã dẹp yên những trận cuồng phong của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ đang cuốn hút chúng ta chiều theo dục vọng thấp hèn.

Lời kết

Vì thế, khi cầu nguyện xin ơn chữa lành trong cơn dịch bệnh, chúng ta hãy tạ ơn Chúa và xin Ngài giúp chúng ta trung thành trong tình yêu đối với Chúa và với con người để không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Amen.

HKK