ASEAN ghi nhận quan ngại về hành động đe doạ, cưỡng ép ở Biển Đông

ASEAN ghi nhận quan ngại về hành động đe doạ, cưỡng ép ở Biển Đông

Tại Hội nghị Quan chức Cao cấp (SOM), quan chức Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận quan ngại về diễn biến phức tạp ở Biển Đông thời gian qua, trong đó có các hành động đe doạ, cưỡng ép, vi phạm luật pháp quốc tế.

 

 

ASEAN ghi nhận quan ngại về hành động đe dọa, cưỡng ép ở Biển Đông - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng tại cuộc họp Hội nghị Quan chức Cao cấp (SOM) ASEAN theo hình thức trực tuyến ngày 7-4 – Ảnh: BNG

Biển Đông và tình hình ở Myanmar nằm trong số các vấn đề quốc tế được quan tâm tại hội nghị SOM ASEAN theo hình thức trực tuyến ngày 7-4.

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết hội nghị đã ghi nhận quan ngại về diễn biến phức tạp thời gian qua ở Biển Đông, trong đó có các hành động đe doạ, cưỡng ép, vi phạm luật pháp quốc tế và Công ước của Liên HiệpQuốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, làm ảnh hưởng tới hoà bình và an ninh khu vực, đi ngược lại cam kết trong Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tạo không khí bất lợi cho đàm phán xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

“Trước tình hình này, ASEAN nhấn mạnh lập trường nguyên tắc, yêu cầu kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình, đề cao luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển của LHQ, tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, từng bước nối lại đàm phán nhằm xây dựng Bộ Quy tắc COC hiệu quả, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982”, Bộ Ngoại giao thông tin.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng chia sẻ quan ngại về những diễn biến phức tạp thời gian qua ở Biển Đông, đề nghị ASEAN giữ vững đoàn kết và lập trường nguyên tắc, nỗ lực đàm phán để xây dựng COC hiệu lực, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

Trong khi đó, trao đổi về tình hình Myanmar, các nước có sự nhất trí về những diễn biến phức tạp thời gian qua, trong đó có tình hình bạo lực, thương vong gia tăng, không chỉ ảnh hưởng tới Myanmar mà còn ảnh hưởng tới sự hợp tác, đoàn kết, hình ảnh, cũng như uy tín của ASEAN.

Trước tình hình cấp bách hiện nay, các nước nhất trí ASEAN cần tiếp tục mọi nỗ lực hỗ trợ Myanmar vượt qua khó khăn.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng khẳng định Việt Nam ủng hộ việc áp dụng các phương thức của ASEAN trong tiếp cận tình hình Myanmar. Việt Nam sẽ cùng các nước thành viên tích cực phối hợp hỗ trợ Mi-an-ma sớm vượt qua khó khăn hiện nay vì hòa bình, hòa giải và ổn định tại khu vực.

Là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Việt Nam cũng đã thông tin, cập nhật cho Hội đồng Bảo an về những nỗ lực của ASEAN trong hỗ trợ Myanmar.

Được biết, trong tháng Chủ tịch Hội đồng Bảo an (4-2021), Việt Nam cũng sẽ có những bước đi chủ động tại Hội đồng Bảo an, thông tin tích cực về các hoạt động của ASEAN.

Các nước cũng đã sơ bộ trao đổi về tổ chức cuộc gặp của Lãnh đạo Cấp cao ASEAN bàn về các vấn đề xây dựng cộng đồng, phòng chống COVID-19, quan hệ đối ngoại của ASEAN, tình hình quốc tế và khu vực. Dự kiến các bên tham gia sự kiện này cũng sẽ trao đổi về những biện pháp hỗ trợ Myanmar.

NHẬT ĐĂNG
TTO