Nga ra tối hậu thư, Ukraine trông chờ LHQ

Nga ra tối hậu thư, Ukraine trông chờ LHQ

Ngoại trưởng của Ngavà Ukraine đều đã đưa ra những tuyên bố mới về khả năng chấm dứt xung đột giữa hai nước.

 

Điều kiện của Nga

Chỉ một ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin nói ông sẵn sàng đàm phán về vấn đề Ukraine, Ngoại trưởng Sergei Lavrov của nước này đã dội gáo nước lạnh khi cáo buộc Ukraine và phương Tây tìm cách hủy diệt Nga, tuyên bố Kyiv phải đáp ứng các điều kiện của Moscow, nếu không quân đội Nga sẽ “quyết định” tình hình.

Nga ra tối hậu thư, Ukraine trông chờ LHQ - ảnh 1
Một người Nga chiến đấu cho Ukraine đứng trước đống đổ nát ở Dolyna, miền đông Ukraine, ngày 26.12 AFP

“Các đề xuất của chúng tôi về phi quân sự hóa và phi hạt nhân hóa những vùng lãnh thổ do chế độ (Ukraine – NV) kiểm soát, loại trừ các mối đe dọa đối với an ninh của Nga bắt nguồn từ đó, bao gồm những vùng đất mới của chúng ta, đã được đối phương biết rõ”, Hãng tin TASS dẫn lời ông Lavrov nói vào cuối ngày 26.12. Ông tuyên bố: “Vấn đề rất đơn giản: Thực hiện những việc đó vì lợi ích của chính các vị. Nếu không, vấn đề sẽ do quân đội Nga quyết định”.

Theo ông Lavrov, mục tiêu chiến lược của Mỹ và các đồng minh NATO là đánh bại Nga trên chiến trường nhằm làm suy yếu đáng kể hoặc thậm chí hủy diệt Nga, và đây “không phải là chuyện gì bí mật”. Ông cũng quy trách nhiệm cho chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc Moscow và Washington không thể duy trì liên lạc bình thường.

Hôm 25.12, khi trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình nhà nước Rossiya 1, Tổng thống Putin nói Nga sẵn sàng đàm phán với tất cả các bên liên quan đến chiến sự ở Ukraine để tìm ra “các giải pháp có thể chấp nhận được”. Song ông Putin cũng cho rằng việc này phụ thuộc vào ý chí của Kyiv và phương Tây vì họ mới là bên “từ chối đàm phán”.

Nga ra tối hậu thư, Ukraine trông chờ LHQ - ảnh 2
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov

Hy vọng của Ukraine

Trong khi đó, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba ngày 26.12 cho biết nước này đang nhắm đến việc tổ chức một “hội nghị hòa bình” vào tháng 2.2023 tại LHQ và Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres có thể trở thành trung gian hòa giải. “LHQ có thể là nơi tốt nhất để tổ chức hội nghị này, bởi vì đây không phải chuyện ủng hộ một quốc gia nào đó. Thực tế, đây là chuyện làm sao để mọi người cùng tham gia”, ông Kuleba nói trong cuộc phỏng vấn với Hãng tin AP.

 

Vai trò của Ấn Độ

Reuters đưa tin Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã điện đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 26.12 để tìm kiếm sự hỗ trợ của New Delhi trong việc triển khai “công thức hòa bình” do Kyiv đề xuất. Tại hội nghị G20 ở Bali tháng trước, ông Zelensky đã kêu gọi các nước thành viên nhóm này chấp nhận kế hoạch hòa bình gồm 10 điểm của Ukraine và giúp chấm dứt xung đột. Ấn Độ hiện là nước chủ tịch G20. Theo chính phủ Ấn Độ, trong cuộc trao đổi với ông Zelensky, ông Modi đã “mạnh mẽ nhắc lại” lời kêu gọi lập tức chấm dứt xung đột ở Ukraine và cho biết New Delhi ủng hộ bất cứ nỗ lực nào nhằm đạt được hòa bình.

Theo nhà ngoại giao này, chính phủ Ukraine muốn hội nghị hòa bình này diễn ra trong tháng 2.2023, quanh dịp đánh dấu một năm tròn từ khi xung đột bùng nổ. “Mọi cuộc chiến đều kết thúc bằng con đường ngoại giao. Mọi cuộc chiến đều kết thúc bởi các hành động được thực hiện trên chiến trường cũng như trên bàn đàm phán”, ông Kuleba nói.

Nga ra tối hậu thư, Ukraine trông chờ LHQ - ảnh 3
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba REUTERS

Khi được hỏi về việc liệu Nga có được mời tham dự hội nghị hay không, Ngoại trưởng Ukraine nói rằng Moscow trước hết sẽ phải đối mặt với một tòa án quốc tế về “tội ác chiến tranh”. “Họ chỉ có thể được mời đến hội nghị theo cách này”, ông Kuleba cho hay. Ông cũng bác bỏ tuyên bố của Nga rằng nước này sẵn sàng đàm phán, nói “mọi thứ họ làm trên chiến trường chứng tỏ điều ngược lại”.

Về vai trò của ông Guterres, Ngoại trưởng Ukraine bình luận: “Ông ấy đã chứng tỏ mình là một người hòa giải, một nhà đàm phán hiệu quả và quan trọng nhất là một người có nguyên tắc và chính trực. Vì vậy, chúng tôi hoan nghênh sự tham gia tích cực của ông ấy”.

 

LAM VŨ

TNO