Thứ Ba, 01.09.2020
Uy Lực Của Lời Nói Đến Từ Nhân Cách

Người ta bỡ ngỡ về giáo lý của Người, vì lời giảng dạy của Người có uy quyền. (Lc 4,32)

Thứ Ba, 01.09.2020
Uy Lực Của Lời Nói Đến Từ Nhân Cách

Thứ Ba Trong Tuần XXII Mùa Thường Niên

1Cr 2,10b-16 • Tv 144,8-9.10-11.12-13ab.13cd-14 • Lc 4,31-37

Lời Chúa

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu xuống thành Capharnaum, xứ Galilêa, và ở đó Người giảng dạy họ trong các ngày Sabbat. Người ta bỡ ngỡ về giáo lý của Người, vì lời giảng dạy của Người có uy quyền. Bấy giờ trong hội đường, có một người bị quỷ ô uế ám, thét to lên rằng: “Hỡi Giêsu Nadarét, giữa chúng tôi và Ngài có chuyện chi đâu? Ngài đến tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết Ngài là ai rồi, là Ðấng Thánh của Thiên Chúa”. Nhưng Chúa Giêsu trách mắng nó rằng: “Hãy câm đi và ra khỏi người này”. Và quỷ vật ngã người đó giữa hội đường và xuất khỏi nó, mà không làm hại gì nó. Mọi người kinh hãi và bảo nhau rằng: “Lời gì mà lạ lùng vậy? Vì Người dùng quyền năng mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất ra”. Danh tiếng Người đồn ra khắp nơi trong xứ.

Nghe suy niệm Lời Chúa

Nguồn: chanlyviet.net – Đài Chân Lý Á Châu

Sống Lời Chúa:

Người ta bỡ ngỡ về giáo lý của Người, vì lời giảng dạy của Người có uy quyền. (Lc 4,32)

Uy Lực Của Lời Nói Đến Từ Nhân Cách

Thỉnh thoảng chúng ta vẫn nghe than thở từ những người có trách nhiệm trong đoàn thể hay từ các bậc cha mẹ rằng: thời buổi này sao nói chẳng ai nghe, đến như con cái mà chúng chẳng sợ mình, khác xa ngày xưa chúng ta với thầy cô, với cha mẹ v.v… Biết rằng quan niệm về vâng lời mỗi thời mỗi khác, thời nay khó hơn thời trước. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận rằng: vẫn có rất nhiều người người được mến mộ, được chăm chú lắng nghe, và học trò hay con cái của họ rất dễ tuân hành những gì họ hướng dẫn. Hãy nhìn lại cách sống của bản thân.

Nhân cách toả sáng nhiều hay ít là do niềm tin người khác đặt vào. Uy lực của cá nhân có được từ chính sự khả tín, chứ không phải vì bất cứ danh xưng, tước hiệu, bằng cấp hay địa vị xã hội. Lời của Chúa Giêsu có uy quyền vì chính đời sống thánh thiện của Người. Một người nhân ái thì sẽ uy tín hơn người có địa vị cao, chẳng hạn như mẹ Thánh Têrêxa Calcutta. Cha mẹ có uy với con hay không, chắc chắn không phải vì giàu có. Một đời sống nhất quán giữa hành vi và lời nói sẽ đem lại uy lực cho bản thân, và dễ dàng được lắng nghe.

Lm. Phêrô Nguyễn Đức Thắng

Quyết tâm: Tập nói ít nhưng nói đúng, nói thật.

Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam