Chúa Nhật II TN – A – 2017: Sứ mạng xoá tội trần gian như Chúa Giêsu

Mỗi người chúng ta cũng được tham dự vào sứ mạng làm chiên Thiên Chúa của Chúa Giêsu để cùng với Người mang lại ơn cứu độ cho trần thế khi xoá bỏ tội lỗi cho con người.

 

Sứ mạng xoá tội trần gian như Chúa Giêsu

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Trong những tuần đầu của Mùa Thường Niên, Giáo Hội mời gọi chúng ta nhìn vào Đức Giêsu như là Chiên Thiên Chúa khi Người chịu phép rửa ở sông Jordan để gánh lấy tội lỗi trần gian. Mỗi người chúng ta cũng được tham dự vào sứ mạng làm chiên Thiên Chúa của Người để cùng với Người mang lại ơn cứu độ cho trần thế khi xoá bỏ tội lỗi cho con người. Giáo Hội nhắc nhở chúng ta về sứ mạng này khi ta tham dự thánh lễ và lặp lại tới 4 lần lời giới thiệu: “Đây chiên Thiên Chúa! Đây Đấng xoá tội trần gian“.

Chúng ta hiểu về sứ mạng này thế nào và chúng ta thực hiện sứ mạng ấy ra sao? Đó là một vài điểm chúng ta cùng suy nghĩ hôm nay.

1. Quyền tha tội được Chúa Giêsu ban cho chúng ta

Khi Chúa Giêsu hoà mình dưới dòng nước sông Jordan cùng với biết bao nhiêu tội nhân, nhiều người nghĩ rằng Người là một con người bình thường như mọi người, Người đến chịu phép rửa để chứng tỏ lòng thống hối như Gioan kêu gọi. Nhưng Chúa Cha đã xác định “Người chính là Đấng tuyển chọn” (Ga 1,34) để có thể “xoá bỏ tội trần gian” (Ga 1,29). Khi tiếng Chúa Cha phán từ trời: “Đây là Con yêu dấu của Ta” và khi Chúa Thánh Thần dưới hình chim bồ câu đậu xuống trên Người, Gioan đã thấy và đã chứng thực rằng “Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: “Ngươi thấy Thần Khí ngự trên ai, thì chính người đó là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần. Tôi đã thấy và tôi xin chứng thực rằng Ngài là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn” (Ga 1,33-34).

Gioan đã thấy và hiểu rằng Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa có sứ mạng gánh lấy tất cả tội lỗi của trần thế để xoá bỏ chúng và làm cho trần thế này trở lại với Thiên Chúa để đón nhận ân phúc kỳ diệu của Ngài là trở nên con cái của Thiên Chúa. Nói đến Chiên Thiên Chúa, người Do Thái hiểu ngay rằng đó là con chiên trong lễ Vượt Qua được giết để lấy máu của nó bôi lên cửa nhà để họ được tha thứ tội lỗi và không phải chịu hình phạt của Thiên Chúa, trong cuộc vượt qua để vào Đất Hứa.

Rất nhiều nhà thần học và chúng ta ngày nay vẫn hiểu rằng việc xoá bỏ tội trần thế là chuyện của riêng Chúa Giêsu chứ không phải là của từng người tín hữu chúng ta. Người ta dành quyền tha thứ tội lỗi cho những hàng giáo phẩm, giáo sĩ qua bí tích Giải Tội, chứ không nghĩ rằng mỗi người tín hữu chúng ta, khi được tuyển chọn, chúng ta kết hợp thành một với Chúa Giêsu và cùng thực hiện sứ mạng xoá bỏ tội lỗi trần thế với Người.

Chúa Giêsu, ngay trong ngày đầu tiên Người sống lại, hiện ra với các tông đồ và các môn đệ. Người thổi hơi trên các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần, anh em tha tội cho ai thì tội người ấy được tha. Anh em cầm giữ ai, thì tội người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,22-23). Chúa Giêsu muốn chúng ta cùng gắn bó với Người để chia sẻ trách nhiệm cao quý nhất, đó là tha thứ tội lỗi cho trần thế bởi vì quyền tha tội là quyền thuộc về một mình Thiên Chúa. Người Do Thái hiểu rằng chỉ Thiên Chúa mới có quyền tha tội, nên khi Chúa Giêsu nói với những người bất toại hay những người mà Người chữa lành rằng: “Tội anh đã được tha”, người Do Thái cho rằng Người đã nói lời phạm thượng. Nhiều nhà thần học cũng như rất nhiều người chúng ta ngày nay vẫn nghĩ rằng chúng ta phạm thượng khi nói “Tôi có quyền tha tội cho anh/chị”. Người ta nghĩ rằng chuyện đó là của Thiên Chúa.

Nhưng khi chúng ta gắn bó thành một với Chúa Giêsu, chúng ta đón nhận quyền này, nên Chúa Giêsu đã nói với chúng ta: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần, anh em tha tội cho ai thì tội người đó được tha”, bởi vì chúng ta đã trở thành con Thiên Chúa như Người. Hơn nữa, qua bí tích Rửa Tội, chúng ta không phải chỉ được rửa bằng nước để tỏ lòng thống hối. Chúng ta được rửa nhân danh Chúa Ba Ngôi. nhân danh Chúa Giêsu trongThánh Thần để đón nhận tất cả những ân huệ cao quý mà Cha Trên Trời muốn ban cho để giúp chúng ta trở thành con Thiên Chúa và có quyền tha tội cho trần thế hôm nay.

Đó là một nhiệm vụ, một sứ mạng hết sức cao quý, vì Chúa đã chọn chúng ta. Như bài đọc I (x.Is 49,3.5-6), Chúa đã nói với dân Israel rằng: “Hỡi Israel, ngươi là tôi trung của Ta, Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng trái đất”. Nếu Israel đã được trao sứ mạng đó, thì chúng ta là những người Israel mới, chúng ta lại càng xứng đáng đón nhận sứ mạng ấy với tất cả những ân huệ cao quý của Người, để chúng ta mang ơn cứu độ của Chúa Giêsu Kitô đến tận cùng thế giới cho nhân loại hôm nay.

2. Vậy chúng ta phải thi hành sứ mạng xoá bỏ tội trần thế như thế nào?

2.1. Thái độ tự nguyện gánh tội của Con chiên

Trước hết, chúng ta nhìn lại hình ảnh của con chiên, của Người Tôi Trung mà Chúa Giêsu đã thực hiện. Con chiên ấy đã bị giết, người tôi trung ấy đã bị đóng đinh vào thập giá để đền tội cho anh em mình. Trong cuộc sống, rất nhiều khi chúng ta chịu những bất công, thiệt thòi: chúng ta sống rất tốt mà người anh em vẫn nói xấu chúng ta, chúng ta buôn bán rất đàng hoàng mà người ta vẫn lừa gạt chúng ta, chúng ta yêu thương một cách chung thuỷ nhưng người chồng/người vợ vẫn phản bội chúng ta, chúng ta đối xử tốt với bạn bè nhưng người ta vẫn đối xử xấu với chúng ta. Tâm hồn của chúng ta như muốn nổi loạn, chúng ta muốn trả thù.

Nhưng, chúng ta hãy nhìn lại hình ảnh của Đức Giêsu là chiên Thiên Chúa gánh tội trần gian, Người đã đón nhận tất cả để đền tội cho những con người xúc phạm đến Thiên Chúa, thì chúng ta cũng được mời gọi để gánh lấy tội lỗi của những anh chị em ấy mà đền tội cho họ, dù ta chưa nói đến đền tội cho chính mình bằng thái độ kiên nhẫn, yêu thương, quảng đại và tha thứ cho những ai xúc phạm đến mình. Lòng chúng ta không bao giờ được khép lại. Chúng ta đừng cầu xin Chúa: “Lạy Chúa mấy đứa mà phản bội chúng ta, xin Chúa để cho nó cũng bị phản bội. Đứa nào lường gạt chúng con, xin Chúa cũng cho nó làm ăn thất bại!”. Chúng ta hãy đón nhận tất cả những thua thiệt với tình yêu thương và cầu nguyện cho những con người tội lỗi ấy trở về với nẻo chính đường ngay. Như thế, thái độ đầu tiên là chúng ta gánh lấy tội lỗi bằng một trái tim quảng đại và luôn luôn mở ra, như Chúa Giêsu trên thập giá: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”.

2.1. Sống tích cực để xoá bỏ tội lỗi

Thái độ thứ hai, đó là chúng ta hãy sống tích cực để xoá bỏ tội lỗi cho những anh chị em sống gần gũi với mình.

Để phạm tội, người ta phải có ý thức về tội lỗi, biết điều đó là điều xấu và ác. Điều kiện thứ hai đó là họ muốn thực hiện tội trong tự do. Tội luôn luôn có hai yếu tố: ý thức và ý chí tự do. Vì thế, để xoá bỏ tội lỗi, chúng ta phải giúp người khác ý thức rằng hành động đó không đúng, cần phải sửa chữa lại, hành động đó gây tác động cho người khác. Vd: một người không giữ luật giao thông, vượt đèn đỏ… chúng ta có thể nhắc nhở họ: nhấn kèn. Người đó nghe tiếng kèn và nhận ra: À, hành động đó là không đúng. Một người nhổ bậy, vứt mẫu thuốc lá, ném con chuột chết ra ngoài đường… chúng ta nhắc nhở họ rằng những hành động đó không tốt, không đúng. Ở Việt Nam chúng ta, người ta không muốn nhắc nhở. Người ta sợ nhắc nhở sẽ bị những người được ta nhắc nhở gây khổ cho mình.

Đó là do chúng ta không có ý thức về đất nước. Người ta gọi đó là tinh thần công dân, ý thức công dân. Ở Singapore, nếu vứt mẫu thuốc ra ngoài đường, dù là người đó đang đi xe nhanh ngoài đường, nếu một em học sinh nhìn thấy biết là họ xả rác, nhớ được số xe và báo cho cảnh sát là người đó sẽ bị phạt rất nặng. Mỗi lần phạt không dưới 100 đô la. Do đó đường phố ở Singapore rất sạch sẽ, đâu cần phải hàng chục  ngàn công nhân vệ sinh đi quét đường như ở Việt Nam. Thánh Thần ban cho chúng ta tài năng để chúng ta viết những bài báo, những cuốn sách nhằm gây được ý thức tốt đẹp, dúng đắn cho mọi người. Đó là hành động xoá bỏ tội lỗi của những cá nhân.

Nhưng, còn có một thứ tội tập thể. Tội tập thể là tội của những tổ chức, những cơ cấu, của cả một cộng đồng xúc phạm đến cuộc sống của con người bằng những tham vọng, dục vọng, cơ chế gian ác. Ví dụ: chúng ta biết nhà máy xả nước thải nguy hiểm ra môi trường, chúng ta phải ngăn chặn và tố cáo. Chúng ta tố cáo bằng thư, bằng điện thoại cho những người có trách nhiệm. Trong cuốn Docat, ĐTC Phanxicô nhắc nhở các bạn trẻ, nhất là những người tín hữu chúng ta hôm nay: hãy hành động để xoá bỏ tội lỗi tập thể. Thậm chí nếu chính quyền, nếu vua phạm tội, làm những điều ác đức, người dân có thể biểu tình phản đối, tổ chức lật đổ chính quyền (x. Docat, câu số 218).

Lời kết

Hôm nay, chúng ta hiểu rằng mình đang được mời gọi xoá bỏ tội lỗi cùng với Chúa Giêsu để làm cho xã hội này tốt đẹp hơn, xứng đáng hơn và mang lại ơn cứu độ cụ thể, ân sủng và bình an  (x. 1Cr 1,3) cho tất cả mọi người