16/06/2024

Chúa Nhật XIV TN C – 2016: Người xây dựng hoà bình

Chúng ta không thể xây dựng hoà bình cho người khác, nếu chính chúng ta không có bình an. Chúng ta hãy nhớ lại Tám mối Phúc thật: “Phúc cho ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5,9).

 

Người xây dựng hoà bình 

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Chủ đề của Chúa Nhật thứ 14 mùa Thường niên là bình an. Ba bài Thánh Kinh chúng ta vừa nghe đều mời gọi chúng ta suy nghĩ để trở thành những con người xây dựng bình an cho chính mình cũng như cho mọi người, mọi dân tộc. Đó là nhiệm vụ hàng đầu của người tín hữu Kitô, người tông đồ được Chúa sai đi. Vì thế, Chúa Giêsu Kitô nói với các môn đệ: “Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: bình an cho nhà này“. Chúng ta sẽ dành ít phút để tìm hiểu người xây dựng bình an phải làm gí?

1. Ý nghĩa của từ “bình an”

Chúng ta thường nghe nói rất nhiều đến từ “Giêrusalem”, tên của thủ đô của nước Israel và đền thờ Giêrusalem. Từ này được nhắc đến 600 lần trong bộ Cựu Ước. Giêrusalem có nghĩa nguyên thuỷ là Urusalim, “thành của bình an”, được xây dựng vào khoảng năm 1400 trước Công nguyên. Salem nghĩa là bình an. Salom (chúc bình an) là lời chào thường xuyên trên môi miệng của người Do Thái. Đó cũng là lời chào của người Kitô hữu chúng ta trong nhiều thế kỷ mà bây giờ chỉ còn lại trong thánh lễ: “bình an của Chúa hằng ở cùng anh chị em”.

Các từ điển đã định nghĩa: “Bình an là tình trạng không gặp điều gì không hay xảy ra làm ảnh hưởng đến sức khoẻ và đời sống. Hoà bình là tình trạng yên ổn, không có chiến tranh giữa các dân tộc, giữa các quốc gia” (x. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt, NXB Đa Nẵng, 2013). Chúng ta có thể định nghĩa “bình an hay hoà bình là tình trạng yên ổn, hài hoà giữa các yếu tố trong đời sống cá nhân, dẫn đến tình trạng yên ổn, hài hoà trong cộng đồng xã hội cũng như giữa các dân tộc”. Trong phạm vi nhỏ bé của con người, chúng ta nói đến bình an, an bình; trong phạm vi rộng lớn của cộng đồng xã hội, chúng ta nói đến hoà bình, nhưng cả hai đều có ý nghĩa như nhau.

Nếu nhìn vào đời sống cá nhân, chúng ta thấy rằng con người mình có nhiều yếu tố: thể xác-tinh thần. Tinh thần còn có nhiều khả năng như trí nhớ, trí hiểu, ước muốn, trí tưởng tượng, lòng mẫn cảm… Làm sao cho các yếu tố đó được hài hoà, ổn định thì con người mới có bình an. Thí dụ: Một người quá chú ý vào thể xác: ăn thật ngon, uống thật nhiều, chỉ đi tìm thoả mãn những đòi hỏi của dục vọng và coi nhẹ nhu cầu của tinh thần thì người đó thường sống bất an. Về tinh thần cũng vậy, chúng ta cần phải được đào tạo để có một lý trí suy luận tốt, có một ý chí vững mạnh làm chủ được hành động, có một tình cảm quân bình để có thể diễn đạt trong cuộc sống, có một trí tưởng tượng ổn định để không mơ mộng viển vông. Đó là những tài năng của tinh thần giữ cho con người được bình an. Nếu lý trí không ổn định, không suy nghĩ được hành động nào đúng hay sai, hay chỉ chiều theo tình cảm, thích thì làm không thích thì thôi, thì chắc chắn con người sẽ mất bình an, sẽ gây khổ cho mỉnh và cho người khác.

2. Muốn xây dựng bình an, ta phải làm gì?

2.1. Lắng nghe tiếng lương tâm và hành động theo đó

Hành động đầu tiên cần làm để có bình an trong tâm hồn là lắng nghe tiếng lương tâm ngay chính của mình. Tiếng lương tâm cũng là tiếng nói của Thiên Chúa Cha đặt vào lòng con người khi tạo thành nên họ. Trong số 1784 của sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, Giáo Hội nhắc nhở chúng ta rằng: giáo dục lương tâm sẽ tạo nên bình an. Trước một hành vi không tốt đẹp, thí dụ nói dối, trộm cắp, dâm đãng… lương tâm sẽ nhắc nhở chúng ta đừng làm điều đó, nếu không sẽ mất bình an.

Vì thế, bình an được diễn tả trong những ý nghĩ tốt đẹp, những lời nói chân thành, những hành động ngay chính mà chúng ta làm cho mình cũng như cho người khác. Nếu chúng ta cứ giữ mãi những ý nghĩ bi quan, tiêu cực, muốn làm hại người khác; cứ nói những lời vu khống, dối trá, gây bất hoà chia rẽ, la mắng chửi rủa người khác; cứ tham nhũng bất công, buôn gian bán dối, đánh đập, gây khổ cho người khác, thì chúng ta không thể nào cảm nhận được sự bình an.

Giáo Hội nhắc nhở chúng ta rằng bình an trước tiên là ân phúc của Thiên Chúa. Trong bài đọc I (x. Is 66,10-14), Chúa nói với dân thành Giêrusalem: “Này Ta tuôn xuống cho thành đô ơn thái bình tựa dòng sông cả”. Gắn bó với Thiên Chúa, con người cũng như nhân loại sẽ cảm nghiệm được sự bình an, vì đây là ơn phúc tuyệt vời của Thiên Chúa. Một khi chối bỏ Thiên Chúa, không còn cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống, con người mất bình an và gây khổ cho nhau. Đi ra đường, chúng ta thấy chỉ cần 1 va chạm nhỏ, người ta cũng nhảy xuống xe, la lối, chửi rủa và chém giết nhau. Trong gia đình, chỉ cần một quyền lợi nào đó mất đi là cha mẹ, anh em, con cái chửi bới nhau, thậm chí lôi nhau ra toà, không còn nhìn mặt nhau nữa. Người ta đánh mất bình an vì không cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng quan phòng mọi sự và ban cho chúng ta tất cả.

2.2. Hành động tiếp theo là lắng nghe lời mời gọi của Đức Giêsu

Chúng ta không phải chỉ thụ hưởng bình an mà còn phải trở thành những con người xây dựng hoà bình. Chúa Giêsu sai chúng ta đi trở thành những người xây dựng bình an: “Này, Thầy sai anh em đi. Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: bình an cho nhà này!” (Lc 10,5). Yêu cầu đầu tiên không phải là rao giảng Tin Mừng với những bài giáo lý, những tín điều phải tin, những luật lệ phải giữ… nhưng là biểu lộ cho người ta thấy sự bình an của Chúa Giêsu Kitô nơi mỗi người môn đệ. Muốn thế, chúng ta cần phải thể hiện được sự hài hoà, ổn định trong con người mình trước. Chúng ta không thể xây dựng hoà bình cho người khác, nếu chính chúng ta không có bình an. Chúng ta hãy nhớ lại Tám mối Phúc thật: “Phúc cho ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5,9).

Đứng trước những căng thẳng, những tranh chấp, Chúa Giêsu hôm nay mời gọi chúng ta hãy hành động giống “như chiên con đi vào giữa bầy sói” (Lc 10,3). Những con sói có thể đuổi bắt, gây tổn hại, ăn thịt con chiên trong khi con chiên vẫn hiền hoà đối mặt với sói dữ. Giống như Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa, chúng ta sẵn sàng đón nhận những thiệt thòi, thất bại, khổ đau, bách hại mà người khác gây nên cho mình. Chúng ta giữ được sự bình an và bình tĩnh vì hiểu rằng những thiệt thòi, bất công ấy chỉ là những hy sinh rất nhỏ và mau chóng qua đi so với cuộc sống vĩnh hằng và sự giàu sang vô tận của Thiên Chúa sẽ bù đắp và ban thưởng cho ta.

Vì thế, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy bắt chước Người, giống như con chiên sẵn sàng đổ máu mình ra để hoà giải anh em với Cha của mình, chúng ta cũng đóng góp vào công trình cứu độ bằng thái độ bất bạo động để có thể mang lại hoà bình cho gia đình nhân loại cũng như cho cả vũ trụ. Thái độ bất bạo động này có thể bị cho là hèn nhát, nhu nhược đối với những kẻ chủ trương dùng bạo lực để giải quyết những tranh chấp hiện nay, nhưng Giáo hội mời gọi chúng ta: “việc khước từ hành động bạo lực và đổ máu, sử dụng những phương tiện tự vệ vừa tầm những kẻ khá yếu đuối để bảo vệ quyển lợi của con người, là làm chứng cho đức mến của Tin Mừng” (x. GLHTCG, số 2306).

2.3. Hành động thứ ba là lắng nghe Chúa Thánh Thần

Bình an là hoa trái của Chúa Thánh Thần (x. Gl 5,22-23; GLHTCG, số 736), là một trong mười hai ơn phúc đặc biệt mà Chúa Thánh Thần ban cho người tín hữu (x. GLHTCG, số 1832). “Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,8.16), tình yêu là hồng ân đầu tiên, chứa đựng tất cả mọi sự khác” (x. GLHTCG, số 733), và bình an chính là hoa trái của tình yêu (x. GLHTCG, số 1829) mà Thiên Chúa đổ vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Ngài ban cho chúng ta (x. Rm 5,5; x. GLHTCG, số 733). Vì thế, muốn xây dựng hoà bình, ta cần phải biết yêu thương con người và mọi vật quanh ta.

Khi gắn bó với Chúa Thánh Thần, thở hít được Thần Khí của Người, chúng ta mới nói được lời bình an, lời cứu độ, lời chữa lành cho người khác như Chúa Giêsu dặn dò chúng ta: “Hãy chữa lành những người đau yếu trong thành và nói với họ rằng: Nước Thiên Chúa đã đến gần các người” (Lc 10,9). Việc chữa lành vừa là hành động đem lại bình an vừa chứng minh Nước Thiên Chúa là sự bình an, nhưng nhiều tín hữu ngày nay xem thường việc chữa lành và đẩy việc này cho các bác sĩ, các nhà chữa trị tâm lý.

Tóm lại, muốn xây dựng hoà bình phải sống gắn bó mật thiết với Chúa Ba Ngôi. Vì thế, Thánh Phaolô “chúc cho tất cả những ai sống theo quy tắc ấy được hưởng bình an và lòng thương xót của Thiên Chúa” (Gl 6,16).

Lời kết

Hôm nay chúng ta được mời gọi nhìn vào tâm hồn mình xem ta đã thật sự bình an chưa? Có yếu tố nào, những tham vọng và dục vọng nào đang khuấy động làm mất đi sự bình an đó? Chúng ta nhìn vào gia đình hay cộng đồng mình sống xem mình đã thật sự trở thành người xây dựng bình an chưa? Ta cần đổi mới nhận thức, cử chỉ, lời nói, thái độ, hành động nào để trở thành người xây dựng bình an? Xin  Mẹ Maria, Nữ vương ban sự bình an, chuyển cầu cho chúng con.