10/09/2024

Chúa Nhật X TN B -2024: Xua trừ ma quỷ nhân danh Chúa Giêsu

Cuộc chiến giữa con người với quỷ ma bắt đầu ngay khi con người xuất hiện trên trái đất như bài sách Sáng Thế diễn tả (x. St 3,9-15). Ma quỷ cám dỗ con người để họ cắt đứt mối thông hiệp với Thiên Chúa là nguồn của tình yêu, sự thật, sự sống và mọi ân huệ cao quý khiến họ trở thành trần truồng, khốn khổ như chúng.

Chúa Nhật X TN B -2024

Xua trừ ma quỷ nhân danh Chúa Giêsu

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Cuộc chiến giữa con người với quỷ ma bắt đầu ngay khi con người xuất hiện trên trái đất như bài sách Sáng Thế diễn tả (x. St 3,9-15). Ma quỷ cám dỗ con người để họ cắt đứt mối thông hiệp với Thiên Chúa là nguồn của tình yêu, sự thật, sự sống và mọi ân huệ cao quý khiến họ trở thành trần truồng, khốn khổ như chúng. Nhưng Chúa Cha đã sai Con của Người là Chúa Giêsu đến giải thoát và cứu độ con người khi “làm cho Chúa Giêsu trỗi dậy từ cõi chết” (2Cr 4,14). Trong suốt 3 năm giảng đạo, Chúa Giêsu hằng ngày xua trừ ma quỷ ra khỏi con người, khiến cho các kinh sư Do Thái xuyên tạc rằng: “Người bị quỷ vương Bêendêbun ám và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ” (Mc 3,22). Vì thế chúng ta muốn dành ít phút để suy niệm về vấn đề này.

Suy niệm Tin Mừng – Thứ Hai Tuần III Mùa Thường Niên (22.01.2018): Tội ngoan cố | Trung Tâm Mục Vụ Dòng Chúa Cứu Thế

1. Vấn đề đáng ta quan tâm

Nói đến ma quỷ, nhiều người thời nay cho là mê tín, phản khoa học. Nhưng quả thật: ma quỷ là một hiện tượng cần được ta tìm hiểu rõ ràng để khỏi rơi vào lầm lạc, dẫn tới những nguy hiểm và tai hại khôn lường. Nếu theo dõi thời sự Giáo hội Việt Nam, chúng ta biết có Nhóm Trừ quỷ ở Bảo Lộc đã đưa lên mạng YouTube hàng trăm băng video khiến cho Uỷ ban Giáo lý Đức tin của Hội đồng Giám mục Việt Nam, ngày 30/5/2022, phải ra văn thư hướng dẫn để tránh sai lạc.

Trên mạng truyền thông xã hội hiện nay, chúng ta gặp thấy nhiều phim kinh dị kể về những chuyện ma ám quỷ nhập. Văn chương, nghệ thuật, sách báo, phim ảnh trên các phương tiện truyền thông vẫn khai thác đề tài ma quỷ và cuốn hút nhiều người vào những chuyện hoang đường, tạo nên cảm giác sợ hãi, âu lo, hiểu lầm, mê tín.

Trên mạng xã hội người ta rao bán đủ loại bùa và những con búp bê “Kuman Thong”. Đi du lịch sang một số nước châu Á như Đài Loan, Nhật Bản, Tây Tạng, chúng ta thấy bày bán những con “tỳ hưu” bằng đá cẩm thạch hay những dây ngũ sắc đeo ở cổ tay, cổ chân có yểm bùa để cầu may. Còn trong nước ta, không tỉnh thành nào là không có các thầy pháp, thầy bùa, thầy mo, thầy phong thuỷ, nhà ngoại cảm, thậm chí có cả tín đồ tôn giáo, đã lợi dụng mối quan hệ với quỷ dữ, tà ma để tạo nên đủ loại bùa ngải, tà thuật gây nguy hại cho con người.

Vì vậy, hiện tượng ma quỷ rất đáng cho ta quan tâm để cùng với Đức Giêsu và nhân danh Người, chúng ta cứu độ thế giới. Người nói với ta: “Thầy đã thấy Satan như một tia chớp từ trời sa xuống. Đây, Thầy đã ban cho anh em quyền năng để đạp lên rắn rết, bọ cạp và mọi thế lực kẻ thù, mà chẳng có gì hại được anh em” (Lc 10,19).

2. Ma quỷ trong đời sống con người

Ma quỷ là những thực thể được hầu hết các tôn giáo nhắc đến, riêng phái Mật tông của Phật giáo còn nghiên cứu sâu xa với những lễ nghi và bùa phép trừ tà đuổi quỷ. Hiện nay, tại Việt Nam, rất nhiều người bị bùa ngải, bị ma ám, quỷ nhập. Một Đại đức ở phái Mật tông đến gặp tôi và cho biết rằng: ở chùa của ông tại Tp.HCM mỗi ngày chữa vài chục người, trong đó có nhiều người Công giáo.

Trong truyền thống Công giáo, Công đồng Vaticanô II (1965) qua các văn kiện chính thức như Hiến chế Lumen Gentium, số 16,17,35,48,55; Hiến chế Gaudium et Spes số 13,22,37; Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân Ad Gentes số 3,9 đã nhiều lần nhắc đến việc ma quỷ cám dỗ con người làm điều dữ. Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo, xuất bản năm 1992, cũng nhắc nhở chúng ta về sự hiện diện thật sự của ma quỷ với những công việc ác đức của chúng trong 42 số khác nhau (x. GLHTCG, số 391-392, 414, 2891, 1237, 394-395, 398, 2851-2852…). Sách Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, xuất bản năm 2004, số 130, nói đến con người, nhờ tinh thần mở ra đến vô biên, có thể tiếp xúc với Thiên Chúa, với các thiên thần, quỷ dữ, hồn ma và mọi loài hiện hữu. Như thế, Giáo Hội dạy chúng ta ma quỷ có thật và yêu cầu ta phải khôn ngoan và tích cực đối phó với chúng. Tiếc rằng điểm mới này ít được các tín hữu quan tâm.

Như thế, ma quỷ không phải là một điều tưởng tượng của con người, nhưng là một thực tế của đời sống. Chúng có thật và chúng ta phải biết rõ chúng là ai, chúng tác động như thế nào, chiến thuật của chúng ra sao (x. Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Hội nhập văn hoá để loan báo Tin Mừng, bài 8 “Xua trừ ma quỷ”, NXB Đồng Nai, 2024) để không bị những câu chuyện hoang đường, phim ảnh kinh dị làm ta sợ hãi, cũng như những xác định của khoa học làm ta nghi ngờ, rồi xem thường ma lực tác hại của chúng.

3. Sứ mệnh xua trừ ma quỷ thuộc về ai?

Nhiều linh mục rất ngại ngùng với việc xua trừ ma quỷ vì Giáo Luật ban hành năm 1983, ở điều 1172, đã quy định rất rõ: “Không ai có thể trừ tà hợp pháp cho những người bị quỷ ám, trừ khi có phép đặc biệt và minh nhiên của Đấng Bản quyền địa phương. Đấng Bản quyền địa phương chỉ được ban phép trừ tà cho một linh mục đạo đức, sáng suốt, khôn ngoan và có đời sống vẹn toàn”.

Do yêu cầu cao như thế, nên nhiều giáo phận hiện nay vẫn chưa tìm ra được linh mục xứng đáng để ban phép trừ tà. Nếu cấp thẩm quyền chỉ định một linh mục làm công việc này thì linh mục đó thường thoái thác vì tự nghĩ mình chưa đủ điều kiện như Giáo Luật đòi hỏi. Do đó trong 27 giáo phận Việt Nam hiện nay, hình như chưa có giáo phận nào công bố công khai người nhận lãnh nhiệm vụ này.

Chúng tôi biết rằng nhiều giáo dân khi rơi vào các trường hợp tâm linh, tìm đến các linh mục để xin làm phép trừ tà, nhưng lại bị từ chối vì nhiều lý do và được khuyên nên tìm đến các bác sĩ hay chuyên viên tâm lý. Do đó, họ đã tìm đến các nhà sư phái Mật tông hoặc thầy bùa, thầy pháp của các tôn giáo khác.

Chúng ta thử tưởng tượng xem nếu những người đó xua trừ được ma quỷ, các tín hữu khỏi bệnh sẽ tin vào ai? Họ sẽ gặp nguy hiểm về đức tin vì nghĩ rằng Công giáo không xua trừ được ma quỷ trong khi các tôn giáo khác lại trừ được chúng. Thật ra, Chúa Giêsu đã yêu cầu tất cả các môn đệ của Người hãy đi rao giảng khắp nơi, đặt tay chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ với quyền năng Người ban (x. Mc 16,14-20).

Tuy nhiên, chúng ta nên phân biệt sứ vụ trừ quỷ chính thức của Giáo Hội nơi vị linh mục nhận lãnh từ Đấng Bản quyền kèm thêm ơn hiện sủng của Chúa Thánh Thần, theo điều khoản Giáo Luật trên đây, khác với sứ vụ xua trừ ma quỷ của người môn đệ Đức Giêsu, khi họ biết gắn bó mật thiết với Người để nhận được đặc sủng hay đoàn sủng của Chúa Thánh Thần. Hai sứ vụ này đều bắt nguồn từ Chúa Giêsu Kitô và đều phục vụ công trình cứu độ của Người, nên chúng không đối chọi hay xung đột lẫn nhau và có thể phối hợp với nhau. Ví dụ trong trường hợp thông thường, người môn đệ đến giúp nạn nhân trước, rồi nếu thấy không hiệu quả, vị trừ tà chính thức của Giáo Hội sẽ giúp đỡ.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng ở số 49 rằng: “Chúng ta hãy đi ra, đi ra để cống hiến cho mọi người sự sống của Chúa Giêsu Kitô. Ở đây tôi lặp lại cho toàn thể Hội Thánh rằng tôi thà có một Hội Thánh bị bầm dập, mang thương tích và nhơ nhuốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội Thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình”.

Lời kết

Lời nhắn nhủ của Đức Thánh Cha không phải chỉ dành riêng cho các vị lãnh đạo trong Giáo Hội, mà cho mọi Kitô hữu. Ngài thôi thúc chúng ta, vì lòng thương xót của Chúa Cha, hãy gắn bó với Chúa Giêsu và thực hiện ơn trừ tà cho tất cả những anh chị em khốn khổ quanh mình bằng việc cầu nguyện, chay tịnh, bác ái và ân sủng của Chúa Thánh Thần. Amen.