27/07/2024

Chúa Nhật IX TN B 2024 – Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô: Giao ước của tình yêu và sự sống

Chúa Nhật IX TN B 2024 – Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô

Giao ước của tình yêu và sự sống

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Cả ba bài Thánh Kinh hôm nay đều nhắc đến giao ước. Giao ước của Thiên Chúa ký kết với dân Do Thái ở núi Sinai qua trung gian của ông Moisê (x. Xh 24,3-8). Giao ước mới của Thiên Chúa với dân tộc mới của Ngài là toàn thể loài người và vạn vật qua trung gian Đức Giêsu, (x. Dt 9, 11-15). “Giao ước bằng máu Đức Giêsu đổ ra vì muôn người” (Mc 14,24) qua bí tích Thánh Thể. Vậy giao ước có ý nghĩa gì và Bí tích thánh Thể là loại giao ước nào?

1. Ý nghĩa của giao ước

Theo nghĩa chữ, “giao” là có mối quan hệ với nhau, “ước” là những quy định về quyền lợi và trách nhiệm để hai bên chiếu theo đó mà thực hiện. Giao ước là hành động người ta cam kết với nhau về những trách nhiệm và quyền lợi mỗi bên sẽ làm (x. HĐGMVN, Từ điển Công giáo, mục từ “giao ước”, tr.334).

Thi sĩ Tản Đà nhắc đến lời kết ước của những người yêu nhau qua câu thơ: “Nghìn năm giao ước kết đôi, Non non nước nước không nguôi lời thề”. Khi thề hứa yêu nhau mãi mãi, người ta nhắc đến nước non bởi vì người ta muốn tình yêu vững bền như núi đá, bao la như biển cả. “Thệ hải, minh sơn”, “chỉ biển mà thề, chỉ núi mà nguyền” là hiểu theo nghĩa đó. Như thế giao ước luôn hàm ý tình yêu, có yêu nhau mới cần thề hứa với nhau.

Còn người Do Thái, khi ký kết giao ước lại bảo đảm lời thề bằng máu, giống như những anh hùng, liệt nữ trong giới võ lâm “uống máu ăn thề”. Máu tượng trưng cho sự sống, nên dù có nguy hiểm đến tính mạng người ta vẫn phải giữ lời thề, ai phản bội lời thề, người đó không đáng sống. Máu con vật bị giết sẽ được các bên ký kết đón nhận như ông Moisê lấy phân nửa máu rẩy lên bàn thờ tượng trưng cho Chúa và nửa kia rẩy trên dân chúng. Thịt con vật bị giết lấy máu sẽ được nướng chín làm của ăn nuôi sống đôi bên. Như thế, giao ước còn bao hàm ý nghĩa sự sống.

Trong cộng đồng xã hội hiện nay, ngoài giao ước, ta còn thấy nhiều loại cam kết khác thấp hơn như hoà ước giữa các quốc gia, minh ước của các tổ chức quốc tế, khế ước hôn nhân của hai người tuỳ theo mức độ sự sống và tình yêu nhiều hay ít. Thậm chí có khi chẳng cần chút sự sống hay tình yêu nào, mà chỉ cần sòng phẳng theo luật công bình, người ta vẫn cam kết với nhau, như trong các hợp đồng mua bán hàng hoá, trao đổi lao động, kinh tế… Chính vì lẫn lộn giữa giao ước tình yêu và sự sống với hợp đồng công bình mà nhiều người tín hữu không còn hiểu được những gì mình cam kết với Chúa và với nhau trong bí tích Thánh Thể.

2. Ý nghĩa của giao ước trong bữa ăn hằng ngày

Bữa ăn hằng ngày luôn gợi ý về một giao ước thiêng liêng mà mỗi bên cam kết sẽ làm. Khi ăn là ta giao ước với Thiên Chúa: Ngài yêu ta đến nỗi ban trời đất, vũ trụ và cả Con Một Ngài cho ta nên ta phải đáp lại bằng lòng thờ kính, biết ơn. Khi ăn là ta còn kết ước với muôn người vì họ đã hy sinh: máu xương, mồ hôi, nước mắt, trí tuệ và cả mạng sống để giúp ta phát triển sự sống toàn diện, nên ta phải đáp lại bằng đời sống tích cực, tốt đẹp để sự hy sinh của họ không trở thành vô nghĩa.

Ta cũng kết ước với vạn vật về hàng chục ngàn lít khí thở mỗi ngày để biến dòng máu đen thành máu đỏ, về từng bát cơm, miếng thịt, ngọn rau ta dùng mỗi bữa để chúng trở thành xương thịt của ta. Chúng yêu ta nên quảng đại hy sinh sự sống cho ta. Vì thế, ta phải yêu thương vạn vật như chính thân mình, và đáp lại bằng việc hiến thân vô vị lợi cho sự sống. Sống như thế mới thật sự là người con của Trời và là anh em ruột thịt của nhau. Sống như thế ta mới hoàn thành giao ước sự sống và tình yêu.

Vì không nhận ra giá trị của sự sống và tình yêu trong giao ước qua bữa ăn hằng ngày nên ta không trân trọng vạn vật, mọi người quanh mình và cả Thiên Chúa trong lòng mình. Chúng ta đánh giá những quà tặng sự sống theo những đồng bạc bỏ ra ở chợ đời, nên không cảm nhận được tình yêu được trao gửi cho ta. Chúng ta quen với những loại “thức ăn nhanh”, “bánh tráng trộn”, và các món ăn ở cửa tiệm, nhà hàng và quên dần những món ăn đơn giản ở nhà với cơm canh dưa muối, nên không còn đọc được dấu hiệu của tình yêu và sự sống chứa đựng trong chúng.

3. Ý nghĩa của giao ước trong bí tích Thánh Thể

Ông Môsê đã cùng với dân Do Thái ký kết một giao ước với Thiên Chúa. Người Do Thái cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa không phải chỉ qua bữa tiệc rượu thịt trong ngày ký kết, mà hằng ngày qua manna rơi xuống từ trời, qua nước uống chảy ra từ tảng đá, qua cột mây che nắng ban ngày, cột lửa soi đường ban đêm trong sa mạc suốt 40 năm. Họ đã cam kết giữ đúng giao ước: “Tất cả những gì Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và tuân theo”. Nhưng rồi sau đó, giao ước này bị chính dân Do Thái phá vỡ. Họ đã tôn thờ thần linh của các dân tộc chung quanh, cuối cùng, họ đánh mất chính Thiên Chúa là nguồn sống và tình yêu.

Chúa Giêsu là “trung gian của một giao ước mới, lấy cái chết của mình mà chuộc tội lỗi người ta đã phạm trong thời giao ước cũ. Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Người đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống”. Khi dâng mình chịu chết cho ta, lấy máu mình rẩy trên ta, biến thịt Người thành của ăn nuôi sống ta, là Người đã hình thành nên giao ước mới. Giao ước này Người thực hiện chỉ một lần trên thập giá và làm sống lại hằng ngày trong thánh lễ qua bí tích Thánh Thể để nhắc nhở ta giao ước mới của sự sống và tình yêu mà chúng ta với muôn loài đang kết ước với Thiên Chúa.

CÓ PHẢI BÍ TÍCH THÁNH THỂ CHỈ ĐƠN THUẦN LÀ MỘT BỮA ĂN? - Tu Hội Nữ Sống Thánh  Thể

Chúa Giêsu ban chính thân mình để trở thành lương thực hằng ngày cho ta, để ta đón nhận được sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi, thì được sống muôn đời… Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời” (Ga 6,54.58).

Tuy nhiên, nhiều người tham dự thánh lễ và rước lễ thường xuyên, nhưng không phát huy được sự sống kỳ diệu trong bí tích Mình Máu Thánh Chúa. Nhiều người còn không muốn rước lễ vì thấy mình chẳng thay đổi được gì! Họ chỉ đón nhận dấu hiệu bên ngoài là tấm bánh, chén rượu mà không cảm nhận được tình yêu của Chúa cũng chẳng giữ giao ước mới của tình yêu. Họ giống như dân Do Thái cứng lòng tin nên tất cả đều đã chết trong sa mạc và không vào được Đất Hứa. Họ giống như những người ngồi ăn bữa cơm cho đầy bụng, mà không cảm nhận được tình yêu và sự sống của cha mẹ và muôn loài.

Công đồng Vaticanô II đã nhắc nhở rằng: “Luật để kiện toàn con người và xã hội chính là điều răn mới về tình yêu và tất cả những ai tin vào tình yêu Thiên Chúa thì họ sẽ đi vào con đường tình yêu mở rộng ra cho tất cả mọi người. Tình yêu ấy không phải diễn tả trong hành động lớn lao, nhưng thực hiện trong những việc rất bình thường của cuộc sống” (x. Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, số 38). Chính khi đón nhận Mình Máu Chúa với tình yêu, ta sẽ thấy sự sống phi thường của Thiên Chúa chuyển thông vào con người yếu đuối để ta tiếp tục làm những phép lạ hoá bánh ra nhiều, chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, làm cho kẻ chết sống lại như Chúa Giêsu đã làm xưa.

Lời kết

Hôm nay, tìm hiểu ý nghĩa của giao ước, chúng ta hãy tìm đến bí tích Thánh Thể và thánh lễ thường xuyên hơn để cảm nghiệm được sự sống và tình yêu của Chúa Giêsu. Amen.