Chúa Nhật XV TN C – 2016: Con đường thần hoá

Ai trong chúng ta cũng mong muốn được sống mãi mãi, quyền năng và hạnh phúc vô tận như Thiên Chúa. Câu trả lời của Chúa Giêsu cho thầy thông luật và dụ ngôn người Samari đã mở ra cho ta con đường thần hoá, con đường biến đổi chúng ta thành Thiên Chúa để được sống đời đời.

Con đường thần hoá 

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Ai trong chúng ta cũng mong muốn được sống mãi mãi, quyền năng và hạnh phúc vô tận như Thiên Chúa. Câu trả lời của Chúa Giêsu cho thầy thông luật và dụ ngôn người Samari đã mở ra cho ta con đường thần hoá, con đường biến đổi chúng ta thành Thiên Chúa để được sống đời đời. Ta thử tìm hiểu xem việc thần hoá này được thực hiện như thế nào?

1. Con đường thần hoá: mở ra với siêu việt và hướng tới vô biên

Nhờ khoa học phát triển, con người khám phá ra biết bao điều kỳ diệu lạ lùng trong chính con người mình và sự vật chung quanh. Cơ thể một người bình thường có khoảng 75 ngàn tỉ tế bào và mỗi ngày có hàng triệu trong số các tế bào này được thay thế. Có khoảng 200 loại tế bào khác nhau trong cơ thể người, phần lớn tổ chức thành nhiều nhóm để tạo nên các mô như mô xương, mô sụn, mô da, mô thịt, mô gân…. Việc khám phá ra tế bào gốc phôi có khả năng trở thành bất cứ loại tế bào nào trong cơ thể, đang mở ra những hướng mới để thay thế các bộ phận già yếu, bệnh tật trong cơ thể và kéo dài tuổi thọ cho con người (x. BS Alice Roberts, Atlas giải phẫu cơ thể người, NXB, Y học- Đông Á, 2011, tr.022). Vì thế, nhiều người mơ đến việc sống thọ với 120 năm hoặc 200 năm trong vài thập kỷ nữa.

Nhưng ngay từ thời Chúa Giêsu, và trước cả Chúa Giêsu với hoàng đế Trung Hoa – Tần Thuỷ Hoàng (259-210 TCN), người ta đã tìm nhiều cách để được sống đời đời. Thật ra, mỗi con người được cấu tạo bởi hai thành phần: thể xác và tinh thần. Thể xác vì được hình thành bởi vật chất, nên bị giới hạn trong không gian và thời gian. Vì thế, những ai sống quá gắn bó với thể xác vật chất, cố tìm thoả mãn những đòi hỏi của bản năng với tham vọng và dục vọng, họ khó có thể cảm nghiệm được sự sống vĩnh hằng, kỳ diệu, phi thường đang luân chuyển trong thể xác mình.

Nhờ tinh thần không bị lệ thuộc vào vật chất, không gian, thời gian, nên mỗi người chúng ta đều có khả năng mở ra với siêu việt và hướng tới vô biên. Thí dụ ta ngồi trong nhà thờ này nhưng tâm trí vẫn có thể bay bổng để nhớ về cha mẹ đang sống ở ngoài miền Bắc bốn mươi năm về trước.

Nhờ tinh thần, ta có thể tiếp xúc, thông hiệp với Thiên Chúa là tinh thần tuyệt đối. Ngài là nguồn của chân thiện mỹ, của sự sống vĩnh hằng để soi sáng cho ta biết được sự thật về con người, về vật chất, làm cho ta cảm nhận được sự sống kỳ diệu như thánh Phaolô được đưa lên tầng trời thứ ba. Ngài ban cho ta quyền năng lạ lùng để ta có thể xua trừ ma quỷ, tiếp xúc với linh hồn của những người đã chết. Những điểm này được Giáo Hội công bố ở số 130 của sách Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, xuất bản năm 2004, do Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình biên soạn, nhưng nhiều tín hữu lại chưa biết điều này.

Sáng Chúa Nhật, ngày 10/7/2016, khi giúp chữa bệnh cho một phụ nữ tên là Vũ Thị Kim Khánh, ở số 93/73, KP 8, Phường  Tân Phong, Biên Hoà, Đồng Nai, tôi cảm nghiệm được việc mở ra với siêu việt này. Chị là một giáo viên, rất đạo đức, siêng năng cầu nguyện cho các linh hồn, nên sáng đó có tới 8 linh hồn nhập vào chị và xin chúng tôi giúp để được Chúa cho siêu thoát. Mỗi hồn kể ra mình là ai và muốn gì. Có thể nhiều người cho rằng chị là người bị bệnh tâm thần hoang tưởng hay phân liệt nhưng chúng tôi đã khám nghiệm và thấy rằng đầu óc chị hoàn toàn bình thường.

Như thế, câu hỏi của vị luật sĩ quả thực diễn tả niềm mơ ước, hy vọng của mọi người thiết tha với sự sống vĩnh hằng, dù là người sống hay người chết.

2. Con người thật sự được thần hoá

2.1. Câu trả lời của Chúa Giêsu

Câu trả lời của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng (x. Lc 10,25-37) có vẻ đơn giản: “Hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, hết trí khôn và yêu người thân cận như chính mình, thì sẽ đạt được sự sống vĩnh hằng“.

Câu trả lời này trước tiên chính xác, vì Thiên Chúa là Đấng Hằng sống và cũng là Tình yêu (x. 1Ga 3,8.16) nên ai yêu Ngài thì sẽ được kết hợp với Ngài và được Ngài cho thông hiệp vào sự sống đời đời. Hơn nữa vì con người được dựng nên theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa nên phải yêu thương người khác như chính mình nếu muốn được sống vĩnh hằng. Người nào không yêu Thiên Chúa và không yêu anh em mình thì ở ngoài Thiên Chúa, ngoài sự sống thần linh nên họ chắc chắn sẽ bị bất hạnh và đau khổ tột cùng. Đó là luật yêu thương và kết quả của yêu thương (x. 1Ga 3-4).

Luật yêu thương này không hề xa lạ với con người. Nó ở ngay trên môi miệng con người khi người ta nói lời yêu thương cho nhau. Nó ở ngay trong lòng con người (x. Đnl 30,10-14) nên chỉ cần mở cánh cửa tâm hồn là con người cảm nhận ngay được hạnh phúc của tình yêu, cảm nghiệm được sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa ban cho con người.

Tuy nhiên, câu trả lời này chưa xác định rõ ràng nếu chỉ nói về một “Thiên Chúa vô hình” (x. Cl 1,15) và những con người chung chung trong một đám đông hỗn độn nào đó. Đối với Thiên Chúa và con người chưa xác định, ai cũng có thể nói được rằng mình yêu Chúa, yêu người: ” vì kẻ thù ta đâu có phải là người, giết người đi thì ta ở với ai!” như lời hát trong một bài Tâm Ca của nhạc sĩ Phạm Duy. Nhưng khi đối mặt với một Thiên Chúa cụ thể là Đức Giêsu đòi ta phải yêu như Người, đối mặt với những người cụ thể là cha mẹ, vợ con, bạn bè…có đủ những tính tốt, tật xấu, khác biệt mà họ phải chịu đựng, thì tình yêu trở nên khó khăn vì đòi ta phải trong sáng, quảng đại, kiên nhẫn, bao dung…Vì thế thay vì yêu thương thì người ta lại chối bỏ, đóng đinh Giêsu, giết vợ, đốt chồng, đâm chém bạn bè chỉ vì một chút lợi chút danh. Do đó, Đức Giêsu làm rõ câu trả lời “Ai là người thân cận?” bằng dụ ngôn người Samari để giúp ta hiểu phải yêu thương như thế nào, phải trở thành người thân cận của mọi người như thế nào.

2.2. Yêu thương như người Samari

 Đức Giêsu mời gọi chúng ta hãy yêu thương như người Samari: yêu một cách trong sáng, quảng đại và vô vị lợi, hay đúng hơn, yêu thương như Đức Giêsu trong bài đọc II (x. Cl 1,15-20) hôm nay: “yêu cho đến cùng” cho đến độ “đổ máu trên thập giá để hoà giải và đem lại bình an cho muôn vật muôn loài”. Có thể nói Đức Giêsu chính là người Samari: vì từ Giêrusalem thiên quốc Người đi xuống Giêricô trần thế và thấy con người bị nạn mà không ai cứu chữa nên đã động lòng yêu thương và làm hết sức để cứu giúp họ.

Dụ ngôn kể rằng khi một người Do Thái bị bọn cướp hành hạ, bóc lột bỏ nằm bên vệ đường, một vị tư tế người Do Thái đi ngang qua đã không đếm xỉa đến người đồng hương của mình; vị trợ tế Lêvi, người Do Thái, cũng bỏ đi qua. Chỉ có người Samari, là kẻ thù của người Do Thái, đã đón nhận, săn sóc, đưa về quán trọ và trả chi phí cho người bị nạn. Tình thương trong ông đã xoá hận thù, xoá bỏ mọi nghi ngại, ngăn cách và chấp nhận tất cả những phí tổn mà không mong được đền trả hay bù đắp. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy yêu thương như người Samari: “Ông hãy đi và làm như vậy sẽ được sống đời đời“.

Trong cuộc sống hiện nay, rất nhiều khi chúng ta có thái độ của người tư tế: chúng ta tập trung cho việc phụng tự, cầu nguyện, bí tích, thánh lễ, cho những chuyến hành hương kết hợp với du lịch… như thể dành mọi sự cho Chúa đến nỗi quên những người đau khổ, hoạn nạn ở ngay trước mắt mình.

Vị trợ tế Lêvi tượng trưng cho thái độ của những người chỉ lo các việc liên quan tới Chúa, phục vụ đền thờ, xây dựng nhà thờ, nhà xứ, tổ chức lễ nghi, quyên tiền cho những hoạt động đạo đức dù chính họ không phải là tư tế thuộc dòng Aaron để có quyền trực tiếp dâng lễ vật. Những người này để cho công việc cuốn hút đến độ quên cả những con người bằng xương, bằng thịt, đang đau đớn vì bệnh tật, nghèo đói sống ngay bên cạnh họ. Họ vẫn hãnh diện nói rằng mình yêu Chúa, thương người, nhưng Thánh Gioan đã vạch trần sự giả dối đó “vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4,20).

Lời kết

Chính khi chúng ta đi vào tình yêu cốt lõi như vậy, chúng ta mới cảm nghiệm được Thiên Chúa là tình yêu; lúc bấy giờ chúng ta mới thấy sự sống kỳ diệu, vĩnh hằng, phi thường của Thiên Chúa thể hiện ở trong con người tầm thường, yếu đuối của mình ngay trong cuộc sống thường ngày