Máy bay săn ngầm Nhật sẽ bao quát Biển Đông

Kể từ năm 2016, máy bay săn ngầm P-3C của Nhật sẽ ưu tiên tiếp nhiên liệu tại căn cứ của một số nước khác xung quanh Biển Đông.

 

Máy bay săn ngầm Nhật sẽ bao quát Biển Đông

 

Kể từ năm 2016, máy bay săn ngầm P-3C của Nhật sẽ ưu tiên tiếp nhiên liệu tại căn cứ của một số nước khác xung quanh Biển Đông.





Máy bay săn ngầm P-3C của Nhật trong một cuộc diễn tập - Ảnh: Reuters

Máy bay săn ngầm P-3C của Nhật trong một cuộc diễn tập – Ảnh: Reuters


Đó là quyết định do Bộ Quốc phòng và Lực lượng phòng vệ của Nhật Bản vừa đưa ra, theo một nguồn tin tiết lộ với tờ Yomiuri Shimbun ngày 10.1.

P-3C là máy bay giám sát thuộc Lực lượng phòng vệ trên biển (MSDF) của Nhật với nhiều khả năng theo dõi tiên tiến. Theo quyết định trên, trong lúc trở về nước sau khi tham gia chống cướp biển ngoài khơi Somalia (mỗi chuyến kéo dài khoảng 3 tháng), P-3C sẽ ưu tiên tiếp nhiên liệu tại căn cứ của những nước xung quanh Biển Đông như Malaysia, Philippines và Việt Nam.
Yomiuri Shimbun dẫn lời giới quan sát cho rằng bằng cách tiếp nhiên liệu tại những căn cứ ở khu vực, P-3C sẽ mở rộng phạm vi bay ở Biển Đông, qua đó có thể góp phần bảo vệ quyền tự do hàng không tại khu vực. Đây cũng có thể được hiểu là cách Nhật ủng hộ cuộc tuần tra của tàu hải quân Mỹ xung quanh những đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp ở Trường Sa và củng cố suy đoán của giới chuyên gia rằng Tokyo sẽ nghiêng về khả năng tăng cường tuần tra trên không hơn là điều tàu tham gia tuần tra chung với Washington.
Trong khi đó, nhà phân tích quốc phòng Dan Katz của chuyên sanAviation Week (Mỹ) cho rằng để ứng phó tham vọng của Trung Quốc tăng cường hiện diện ở Biển Đông, Washington nên tiếp tục thúc đẩy Bắc Kinh thảo luận vấn đề tranh chấp ở diễn đàn khu vực ASEAN, khuyến khích Nhật, Úc và Ấn Độ nâng cao vai trò ở khu vực và hậu thuẫn lập trường của ASEAN. Trong bài bình luận trên tạp chí Forbes, ông Katz còn đề xuất Mỹ cần cải thiện vị thế quân sự ở Biển Đông và tiếp tục kết nối các nền kinh tế ở khu vực châu Á -Thái Bình Dương để có nguồn cung và cầu thay thế trong trường hợp Trung Quốc dùng sức mạnh kinh tế chèn ép những nước đối đầu.
Những lo ngại an ninh xuất phát từ các đảo nhân tạo ở Biển Đông cũng sẽ là chủ đề chính trong chương trình nghị sự giữa bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao hai nước Mỹ và Philippines tại cuộc họp ở Washington vào hôm nay 12.1. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose, nước này sẽ đề nghị Mỹ tiếp tục thực hiện các cuộc tuần tra nhằm bảo đảm quyền tự do hàng hải ở Biển Đông.
Tàu “quái thú” Trung Quốc sẽ tuần tra Biển Đông
Hoàn Cầu thời báo ngày 11.1 đưa tin những hình ảnh được tung lên mạng vừa qua cho thấy chiếc tàu tuần tra siêu lớn mang tên Hải cảnh 3901 của Trung Quốc đã tiến hành chạy thử nhằm chuẩn bị cho việc triển khai hoạt động tại Biển Đông. Tàu này có độ choán nước 12.000 tấn, vận tốc tối đa 46,3 km/giờ, được trang bị 1 hạm pháo siêu tốc 76 mm và 2 pháo phòng không.
Tàu Hải cảnh 3901 còn có bãi đáp trực thăng có thể phục vụ trực thăng vận tải hạng nặng Z-8. Với độ choán nước như trên, Hải cảnh 3901 là tàu tuần tra lớn nhất trên thế giới. Vì vậy, Hải cảnh 3901 còn được truyền thông nước ngoài gọi là tàu “quái thú”. Trước đó, một tàu tương tự là tàu Hải cảnh 2901 có độ choán nước 10.000 tấn đã được biên chế hoạt động ở biển Hoa Đông.
Theo giới chuyên gia, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục đóng thêm nhiều tàu tuần tra lớn như vậy để triển khai ở Biển Đông. “Một chiếc hải cảnh trên 10.000 tấn không đủ cho Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông – NV). Chúng tôi dự đoán sẽ có thêm nhiều chiếc như thế được đóng”, chuyên gia Trung Quốc Tống Trung Bình nhận định với tờ The Straits Times.


 

Văn Khoa