Bảo hiểm y tế: trên dưới chưa thông

Trả lời báo chí cuối tuần rồi, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng tăng viện phí người dân sẽ có lợi, nhưng bà Tiến hình như chưa tính đến 25 triệu người chưa có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), mà việc mua thẻ gọi là tự nguyện nhưng không dễ dàng.

 

Bảo hiểm y tế: trên dưới chưa thông

 

Trả lời báo chí cuối tuần rồi, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng tăng viện phí người dân sẽ có lợi, nhưng bà Tiến hình như chưa tính đến 25 triệu người chưa có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), mà việc mua thẻ gọi là tự nguyện nhưng không dễ dàng.




Người dân có bảo hiểm y tế đóng tiền khám bệnh và mua thuốc tại Bệnh viện quận Thủ Đức, TP.HCM sáng 5-11 - Ảnh: Hữu Khoa
Người dân có bảo hiểm y tế đóng tiền khám bệnh và mua thuốc tại Bệnh viện quận Thủ Đức, TP.HCM sáng 5-11 – Ảnh: Hữu Khoa

Dự kiến cuối tháng 11 hoặc chậm nhất là đầu tháng 12 tới, viện phí sẽ tăng mạnh và áp dụng trước với nhóm bệnh nhân BHYT.

Muốn giảm khó khăn, người dân chưa có thẻ phải nhanh chóng mua thẻ BHYT, Chính phủ cũng tích cực thực hiện phương án này khi đề ra nhiều hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm. Nhưng tiếc là rất nhiều trong những hỗ trợ ấy chưa đến tay người dân, thủ tục hành chính còn cực kỳ rắc rối khiến người muốn tham gia lại… không dễ mua bảo hiểm.

Việc triển khai bán BHYT tự nguyện theo hộ gia đình đã được triển khai tại các phường, xã từ đầu năm 2015, nhưng cho đến thời điểm này quy định về thủ tục vẫn còn chưa đồng nhất.

Chờ một tháng 
mới mua được

Chị L.Q.L. quê gốc ở Thái Nguyên, hiện đang sống tại Thanh Trì, Hà Nội, có sổ tạm trú dài hạn KT3, cách đây vài ngày đã đến đại lý bán BHYT ở xã chị đang sống để hỏi về thủ tục tham gia BHYT tự nguyện.

Tại đây, người bán bảo hiểm hướng dẫn chị L. phải mua BHYT tự nguyện theo hộ gia đình, phải xuất trình các loại giấy tờ photo có công chứng bao gồm: sổ hộ khẩu, sổ tạm trú KT3, thẻ BHYT của những thành viên trong gia đình đã có BHYT.

Chưa hết, đại lý này còn yêu cầu chị L. phải về Thái Nguyên là nơi chị đăng ký hộ khẩu thường trú để lấy thẻ BHYT của con trai chị hiện hơn 2 tuổi cấp miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi, như vậy thì mới được mua BHYT cho những thành viên còn lại trong gia đình.

“Tôi muốn mua thẻ BHYT trong khi không sắp xếp được thời gian về quê để lấy thẻ của con trai vì quê ở khá xa, tôi đã trình bày hoàn cảnh. Người bán ban đầu vẫn khẳng định tôi phải có thẻ của con thì mới được mua cho các thành viên khác.

Sau một hồi phân trần, thấy tôi thật sự muốn mua nên người này nói là gọi điện cho cơ quan bảo hiểm. Cuối cùng tôi được mua BHYT tự nguyện mà không phải xuất trình thẻ của con, chỉ cần bổ sung giấy khai sinh của cháu” – chị L. kể.

Không thuộc diện mua BHYT “phức tạp” như chị L., nhưng chị Ngọc có hộ khẩu tại quận Hoàng Mai, Hà Nội cũng bức xúc khi lần thứ ba mới có thể hoàn thành hồ sơ mua BHYT tự nguyện: “Họ bán BHYT theo ngày nhưng tôi không biết.

Lần thứ nhất đến đây thì không gặp được ai vì nhân viên của phường đều đi họp và không phải ngày bán bảo hiểm. Lần thứ hai hỏi được thủ tục mua, đến lần thứ ba quay lại mới được điền và nộp xong hồ sơ, rồi phải chờ một tháng mới được cấp”, chị Ngọc phàn nàn.

Nơi dễ, chỗ khó

Chị L.T.T.A. (Q.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết gia đình chị hộ khẩu 7 người. Khi đăng ký mua BHYT tại phường chị đang sinh sống, nhân viên y tế yêu cầu chị phải photo đủ loại giấy tờ từ hộ khẩu, giấy CMND, thẻ BHYT cũ của các thành viên để đủ điều kiện được mua. Mất hai lần lên xuống chị A. mới mua đủ BHYT cho các thành viên trong gia đình.

Ngược lại ít ngày sau đó, chị A. đi đăng ký mua BHYT giùm cha chồng tại P.Hiệp Bình Chánh (Q.Thủ Đức). Chị chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ cần thiết như phường chị đã mua trước đó, nhưng khi đến phường này, nhân viên bán BHYT ở đây không cần thu giấy tờ mà chị vẫn mua được BHYT cho cha một cách nhanh chóng.

“Cùng một quận mà thủ tục mua bảo hiểm mỗi phường mỗi kiểu, dân không biết đâu mà lần”, chị A. thở dài.

Để đơn giản thủ tục tham gia BHYT hộ gia đình, Bảo hiểm xã hội TP.HCM đã có công văn hướng dẫn khi người dân tham gia BHYT theo hộ gia đình chỉ cần thành viên tham gia BHYT mà không phải sao chụp thẻ BHYT của các thành viên đã tham gia, giấy tạm vắng, giấy xác nhận ly hôn hoặc các giấy tờ khác thuộc trách nhiệm quản lý của UBND xã, phường.

Tuy nhiên, việc thực hiện công văn này còn chưa thống nhất giữa các phường.

Tại Q.Thủ Đức, khi đến UBND P.Hiệp Bình Chánh hỏi mua BHYT thì cán bộ đại lý ở đây cho biết người dân chỉ cần kê khai thành viên trong gia đình theo đúng hộ khẩu và ký cam đoan chịu trách nhiệm về lời khai. Các loại giấy tờ khác không cần.

Nhưng tại UBND P.Linh Trung (Q.Thủ Đức), nhân viên vẫn yêu cầu người dân xuất trình bản photo BHYT của thành viên đã tham gia.

Đòi cả chứng nhận 
ly hôn

Theo ông Phạm Lương Sơn – trưởng ban thực hiện chính sách BHYT, Bảo hiểm xã hội VN, chính sách hiện nay đang khuyến khích người dân tham gia BHYT.

“Quy định hiện hành chỉ cần người đại diện gia đình khai và cam kết về số nhân khẩu trong gia đình là có thể tham gia BHYT ở bất kỳ đại lý nào trong cả nước, người có hộ khẩu thường trú ở Hà Nội có thể tham gia BHYT ở Bình Dương hoặc bất kỳ ở đâu mà họ có nhu cầu” – ông Sơn cho biết.

Trong cuộc khảo sát giữa năm nay do Bộ Y tế thực hiện tại 12 tỉnh thành, các sai sót thường gặp tại các đại lý BHYT là yêu cầu người tham gia trình quá nhiều loại hồ sơ giấy tờ, thậm chí cả các giấy tờ không cần thiết như… chứng nhận ly hôn.

Theo ông Sơn, ngay sau đó Bảo hiểm xã hội VN đã có văn bản hướng dẫn các đại lý thực hiện theo hướng đơn giản hoá thủ tục, không yêu cầu nộp giấy tờ và chỉ kê khai các thành viên gia đình theo mẫu. “Chúng tôi rất dị ứng về các thủ tục hành chính như thế này”, ông Sơn nói.

Khó đạt mục tiêu

Theo lộ trình mà Bộ Y tế đã công bố, mục tiêu cuối năm 2015 có 75% dân số tham gia BHYT (đến hết tháng 10, số người tham gia mới đạt mức 73%), và dù viện phí sẽ tăng mạnh trong năm 2016, lộ trình này cũng dự định đến năm 2020 mới có 80% dân số có bảo hiểm.

Tốc độ tăng tỉ lệ bao phủ BHYT như vậy là cực kỳ thấp và với tốc độ này, sẽ có rất nhiều người bệnh gặp khó khăn, không thể thanh toán nổi viện phí khi năm 2016 sẽ áp dụng viện phí mới với nhóm bệnh nhân trả phí trực tiếp.

Còn hai tháng nữa là hết năm 2015 và mục tiêu đặt ra là có thêm xấp xỉ 2 triệu người tham gia BHYT. Với cách làm kể trên, sẽ rất khó thực hiện được mục tiêu.

Và càng chậm trễ mở rộng diện bao phủ thì người nghèo sẽ càng khó khăn vì hiện còn khoảng 25 triệu người chưa có thẻ BHYT, họ đều là người lao động tự do, là nông dân, ngư dân, diêm dân, người làm nghề lâm nghiệp có mức sống trung bình, mà thời gian áp dụng viện phí mới đang đến rất gần rồi.

L.ANH – Q.LIÊN – T.LONG ([email protected])