Chúa Nhật trong tuần bát nhật Giáng Sinh-Lễ Thánh Gia Thất-B: Người Con trong gia đình Thiên Chúa

Suy niệm về vị trí của Chúa Giêsu như người con trong gia đình Nazareth chúng ta được mời gọi để thay đổi cách đối xử với con cái của mình trong gia đình cũng như giữ thái độ thảo kính đối với cha mẹ.

 Chúa Nhật trong tuần bát nhật Giáng Sinh-Lễ Thánh Gia Thất-B

Người Con trong gia đình Thiên Chúa

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn,HKK

Lời mở

Các bài Thánh Kinh hôm nay đặc biệt nhấn mạnh đến việc gia đình mong chờ 1 người con vì đó là quà tặng quý giá nhất của Thiên Chúa dành cho gia đình như gia đình Abraham trong bài đọc I (x. St 15,1-6;21,1-3). Rồi những cha mẹ lành thánh lại sẵn sàng hiến dâng đứa con ấy cho Thiên Chúa như Abraham trong bài đọc II (x.Dt, 11,8.11-12.17-19), như cha mẹ Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm (x. Lc 2,22-40).

Trong ít phút này, chúng ta cùng suy niệm về vị trí của người con trong gia đình hiện nay và trong gia đình Thiên Chúa, nhất là trong Năm Gia đình này.

1. Vị trí của người con trong gia đình hiện nay

Giáo hội toàn cầu đang tập trung sự quan tâm vào gia đình vì đó là nền tảng của xã hội. Nếu gia đình bền vững, ổn định thì xã hội sẽ thăng tiến, bình an và hạnh phúc. Đây cũng là chủ đề lớn của 2 Thượng Hội đồng Giám mục thế giới lên tiếp vào tháng 10/2014 và 10/2015 ở Rôma. Chúng ta cũng nên ghi nhớ từ 22đến 27/9/2015 ở Philadelphia, Hoa Kỳ, Đại hội Kỳ 8 Các Gia đình Công giáo Thế giới sẽ được tổ chức với chủ đề “Tình yêu là sứ mạng của chúng ta. Gia đình hoàn toàn sinh động”.

Có một thực tế đau lòng mà chúng ta cần phải can đảm nhìn thẳng vào nó để tìm cách giải quyết. Đó là tình trạng gia đình càng ngày bất an, con cái càng khó dạy và các thành viên của gia đình thường xuyên cảm thấy bất hạnh và đau khổ hơn là hạnh phúc, an vui.

Một trong những nguyên nhân chính gây nên thực tế đó là gia đình không có con cái, hoặc có con nhưng lại loại trừ vì không nhận ra giá trị quà tặng của Chúa hoặc có con nhưng không biết dạy con nên người tốt đẹp để hiến dâng cho Chúa. Vậy chúng ta sẽ giải quyết những vấn đề này như thế nào?

2. Gia đình không có con cái có phải là bất hạnh?

Theo quan niệm cũ của dân tộc Việt, người phụ nữ nào không sinh cho gia đình chồng một đứa con trai thì đó là một tội lớn. Tuy nhiên, ngày nay y học khám phá ra rằng việc hiếm muộn không phải hoàn toàn do người vợ nhưng có thể do phía người  chồng. Dân số Việt Nam hiện nay là 90,5 triệu người (12/2014), 51% là nữ giới và 10% người nữ hiếm muộn ở độ tuổi sinh sản. Theo bà giám đốc Sở Y tế TP.HCM, 51%  hiếm muộn do nữ giới, 33% do nam giới, 8% do cả hai và 8% không rõ nguyên nhân (x. Báo Tuổi Trẻ, ngày 7/8/2011). Tình trạng hiếm muộn của bà Sara trong bài đọc I cũng đã làm buồn lòng ông Abraham không ít.

Quả thực, khi rơi vào tình trạng hiếm muộn, cả 2 vợ chồng thường rất buồn vì sợ về già không có ai săn sóc. Đây là nỗi lo rất chính đáng ở Việt Nam. Ở Hoa Kỳ những người già có nhiều dạng trợ cấp an sinh xã hội nên cũng không phải lo nhiều về đời sống vật chất, tuy nhiên cũng còn nhiều nỗi lo về mặt tâm lý như cảm thấy cô đơn, trống vắng… Đối với người ngoài Công giáo, họ cho rằng mình chỉ sống một đời và chết là hết nên mới thấy cần phải lập gia đình, cần có con cháu nối dõi tông đường. Còn người Công giáo chúng ta tin rằng mỗi người đều sống mãi mãi với Thiên Chúa nên việc nối dõi tông đường chẳng cần phải đặt ra.

Việc lập gia đình và có con để bảo tồn sự sống cho gia đình nhân loại là một ơn gọi mà Chúa kêu mỗi người bước theo. Nếu Chúa định cho ai không có khả năng sinh con, chúng ta cần nhận ra rằng Chúa đang mời gọi ta dành trọn đời sống và nguồn lực cho chương trình cứu độ của Ngài bằng việc nghiên cứu khoa học, phục vụ con người trong các công tác xã hội hay từ thiện, hoặc lo công việc của Giáo Hội như các linh mục, tu sĩ… để chúng ta trở thành những “người cha, người mẹ tinh thần” của gia đình nhân loại. Chúng ta đừng tốn tiền đi tìm những phương pháp sinh sản nhân tạo bị Giáo Hội ngăn cấm như thụ tinh nhân tạo, thụ tinh trong ống nghiệm… để có con bằng bất cứ giá nào.

Chúng ta hãy bắt chước Abraham trong bài đọc II để “nhờ đức tin, ông trở nên người cha của một dòng dõi nhiều như sao trời, cát biển” mà “Isaac chỉ là một biểu tượng” khi ông dám hiến tế đứa con độc nhất cho Chúa. Nhất là chúng ta hãy bắt chước thánh Giuse dám hy sinh gia đình riêng tư với những đứa con ruột thịt có thể có với Maria để dành trọn vẹn cuộc đời cho sứ mạng cứu độ của Thiên Chúa. Như thế, gia đình không có con cái chẳng phải là bất hạnh, nhưng là ơn gọi cho một gia đình rộng lớn hơn.

3. Gia đình có con nhưng lại bỏ bê, loại trừ

Việt Nam hiện nay có cả triệu trẻ em mồ côi không cảm nhận được tình thương của gia đình, hàng trăm ngàn trẻ bỏ gia đình ra đi dù còn cha, còn mẹ. Riêng Tp.HCM có 20.000 trẻ mồ côi cần nuôi dưỡng. Mỗi năm nuớc ta có khoảng 1,7 triệu phụ nữ sinh con nhưng lại có khoảng 2 triệu ca phá thai, trong số đó có 300.000 ca của trẻ vị thành niên.

Thực tế này bắt nguồn từ việc những người trẻ được giáo dục theo ý thức hệ vô thần, duy vật. Họ tìm đến nhau để thoả mãn những đòi hỏi của bản năng tình dục chứ không phải vì một tình yêu trong sáng, cao thượng. Họ không nhận ra con cái là quà tặng quý giá nhất của Chúa ban cho gia đình mà mình phải hết sức bảo vệ như Thánh Giuse và Mẹ Maria trong mầu nhiệm Giáng Sinh. Giuse hết lòng lo lắng cho Bé Giêsu dù Giêsu không phải là con ruột của ngài.

Sự việc này còn dẫn đến hậu quả là 30% các bà mẹ phá thai rơi vào tình trạng trầm cảm vì lúc nào cũng áy náy, ray rứt vì tội ác giết con. Mỗi năm như thế có khoảng 600.000 phụ nữ cần được chữa trị về mặt tâm thần, tâm lý và cả tâm linh. Chưa kể những bà mẹ bị khủng hoảng tâm lý này lại sinh ra những đứa con bị chứng tự kỷ vì ở Việt Nam, cứ 110 trẻ sinh ra có 1 trẻ bị tự kỷ so với Hoa Kỳ là 88 trẻ sinh ra, và tỷ lệ trẻ tự kỷ ở VN là rất cao so với các nước châu Á.

Giáo Hội Việt Nam cũng đang tích cực dấn thân cho phong trào bảo vệ sự sống, tích cực giúp đỡ các bà mẹ đơn thân trong các mái ấm và điều trị cho các phụ nữ phá thai được ổn định tinh thần.

4. Gia đình cần tránh nuông chiều con và biết hiến dâng con cho Chúa

Thực tế phổ biến hiện nay trên khắp thế giới, nhất là trong các dân tộc phát triển, đó là số con trong mỗi gia đình thường chỉ 1 hay 2 người. Vì thế mọi quan tâm của cha mẹ đều dành hết cho đứa con. Họ nuông chiều đứa con thái quá, muốn gì được nấy, nên đứa trẻ trở thành vị chúa tể trong gia đình. Trẻ em thường sống theo bản năng ích kỷ của tuổi thơ nên nếu không được dạy dỗ đúng đắn, lớn lên chúng bắt người khác phải chiều chuộng mình, không biết nhẫn nại, nhường nhịn người khác. Với những phương tiện truyền thông hiện đại, chúng suốt ngày chỉ biết chơi với những máy móc như máy tính bảng, ipad, iphone, thiếu giáo tiếp với xã hội và với cả người thân trong gia đình nên càng đóng kín vào mình hơn nữa.

Thánh Giuse và Mẹ Maria không giữ đứa con Giêsu cho riêng mình, nhưng dạy con đừng đóng kín vào mình, mở ra cho xã hội và cho Thiên Chúa khi trao con cho ông Simêon, bà Anna và hiến dâng con cho Thiên Chúa là nguồn chân thiện mỹ. Giuse dạy cho Giêsu biết đóng bàn ghế và chịu đựng khách hàng khó tính trong cuộc mưu sinh hàng ngày. Maria lo lắng những bữa ăn hàng ngày, đem những vò nước kín từ giếng nước đầu làng cho cả nhà dùng, giục giã con học hành mỗi ngày, dạy con cả những kinh nguyện người Do Thái thường đọc qua lời kinh gia đình…Nhất là hai ông bà dạy cho Giêsu luôn biết mở lòng cho điều tốt, điều đúng, điều đẹp để cư xử tốt đẹp với mọi người, mọi vật quanh mình mà chúng ta sẽ thấy phản ánh trong những lời rao giảng của Người sau này.

Ở Nazareth không có những phép lạ như bình dầu không vơi, hũ bột luôn đầy, chụm nước không cạn vì Cha Trên Trời muốn Người Con Một của Ngài “giống chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi”. Con trẻ Giêsu vẫn phải học hành hằng ngày với thầy giáo làng cho biết chữ Aram, cho biết ý nghĩa từng câu Thánh Kinh, học cách cư xử trong xã hội chứ không sinh ra là biết ngay mọi sự (x. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 474-477), vẫn trải qua các cuộc khủng hoảng tâm lý cho tới tuổi trưởng thành. Mỗi bước tiến bộ, mỗi cuộc phát triển trong đời Người đều được ghi dấu bằng những cố gắng, đau khổ, thất bại pha lẫn mồ hôi, nước mắt để cuối cùng mới đạt được tình yêu cứu độ trọn vẹn trong cái chết trên đồi Canvê. Thánh Kinh ghi nhận: “Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa” (Lc 2,40).

Lời kết

Suy niệm về vị trí của Chúa Giêsu như người con trong gia đình Nazareth chúng ta được mời gọi để thay đổi cách đối xử với con cái của mình trong gia đình cũng như giữ thái độ thảo kính đối với cha mẹ. Xin Thánh Gia Thất chúc lành cho gia đình chúng ta để cho mỗi thành viên trong gia đình luôn cảm nghiệm được sự hiện diện sống động của Chúa Giêsu và hành động như người con thảo hiếu của Cha Trên Trời.