Lừa hỏi cưới rồi bán sang Trung Quốc

Thời gian vừa qua, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk bị các đối tượng buôn người giả “hỏi cưới” hoặc hứa giới thiệu việc làm lương cao, nhưng sau đó lừa bán sang Trung Quốc.

Lừa hỏi cưới rồi bán sang Trung Quốc

Thời gian vừa qua, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk bị các đối tượng buôn người giả “hỏi cưới” hoặc hứa giới thiệu việc làm lương cao, nhưng sau đó lừa bán sang Trung Quốc.

Chị Giàng Thị Dợ kể câu chuyện mình bị lừa bán sang TQ cho người dân nghe - Ảnh do UBND xã Cư Pui cung cấp 

Chị Giàng Thị Dợ (19 tuổi, thôn Cư Tê, xã Cư Pui, Krông Bông, Đắk Lắk), một nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc, đã may mắn trốn thoát về với gia đình vào đầu tháng 2-2014.

Dợ cho biết khoảng tháng 3-2013, một thanh niên nói tên là Dương Văn Mịch, trú tại tỉnh Đắk Nông, thường đến nhà chị tán tỉnh, ngỏ lời yêu thương. Đêm 21-10-2013, Mịch đến gặp, hỏi cưới và được chị Dợ đồng ý. Đến khoảng 5g sáng hôm sau (ngày 22-10), Dợ đi theo Mịch về “ra mắt” bên chồng rồi từ đó gia đình không liên lạc với chị được nữa.

Đổi 17 chuyến xe

Dợ kể ra tới trung tâm xã, Mịch đón xe buýt đưa chị ra thị trấn Krông Kmar (huyện Krông Bông) để đón xe đò ra Bắc. Tuy nhiên khi xe ra đến TP Buôn Ma Thuột thì lại xuống xe rồi đón xe khác để đi tiếp. Cứ như thế, từ xã Cư Pui cho đến lúc sang bên kia biên giới, Mịch đã đổi tổng cộng 17 chuyến xe. Sau khi qua biên giới Trung Quốc, Mịch bán Dợ cho một người phụ nữ lớn tuổi rồi bỏ đi. Cùng hoàn cảnh với Dợ còn có bảy phụ nữ trẻ khác. Sau đó, Dợ bị bán cho một người đàn ông Trung Quốc để làm vợ. Vào một buổi tối cuối tháng 1-2014, lợi dụng lúc “chồng” đi chơi đêm không về, Dợ bỏ trốn và tìm đến đồn công an phía Trung Quốc để trình báo. Sau đó Dợ được đưa về Việt Nam.

Ông Giàng Seo Khóa, cha của Dợ, kể thêm: ngày 5-2-2014, Công an tỉnh Lào Cai thông báo ra đón con gái về, gia đình ông vô cùng vui mừng. “Hôm cháu đi có gọi điện báo đi ra mắt nhà chồng nên gia đình tôi không nghi ngờ gì, nghĩ mấy hôm sau bên nhà Mịch sẽ xuống nhà làm lễ xin cưới. Thế nhưng mãi không thấy tin tức và cũng không liên lạc được với con nữa nên tôi nghi cháu bị đem bán. Tôi có báo với thôn, xã để họ biết nhưng cũng đành chịu vì không biết cháu đi đâu và không biết Mịch ở đâu mà tìm!” – ông Khóa nói.

Tương tự, em Đ.T.P. (17 tuổi, trú tại thôn Noh Prông, xã Hòa Phong, Krông Bông) cũng bị kẻ xấu lừa “hỏi cưới” rồi bán sang Trung Quốc và may mắn trốn thoát về địa phương.

Chị Lý Thị Dợ (39 tuổi, thôn Cư Rang, Cư Pui) thì bị lừa vì lời hứa sang Trung Quốc làm thuê lương rất cao. Do rẫy vườn ít, một mình chị nuôi bốn người con, cuộc sống luôn khó khăn nên ngày 5-2-2014, được rủ đi Trung Quốc làm thuê với mức lương 3-5 triệu đồng/tháng chị đã đồng ý. Khi đặt chân lên đất Trung Quốc, chị Dợ mới biết mình bị lừa bán. Chị may mắn gặp công an Trung Quốc nên đã trình giấy chứng minh nhân dân xin giải cứu và được đưa về nước vào ngày 20-3-2014. Sau khi được giải thoát về nhà, chị Lý Thị Dợ hay tin con gái thứ hai của chị là Thào Thị Chía (19 tuổi) cũng vừa bị lừa bán sang Trung Quốc. Trước đó vào tháng 10-2012, con gái đầu của chị là Thào Thị Phương (22 tuổi) cùng cháu ngoại (4 tháng tuổi) cũng bị lừa bán sang Trung Quốc, đến nay vẫn chưa có tin tức.

Đề nghị lập chuyên án chống nạn buôn người

Theo Công an xã Cư Pui, đến nay trên địa bàn xã còn tám người bị lừa bán sang Trung Quốc chưa được giải thoát gồm: Lý Thị Mỵ (29 tuổi), Sính Thị Chợ (34 tuổi), Dương Thị Dợ (23 tuổi), Thào Thị Phương (22 tuổi) và con gái (4 tháng tuổi), Thào Thị Dua (25 tuổi), Thào Thị Chía (19 tuổi), Thào Thị Xuân (29 tuổi). Ông Nguyễn Văn Tâm, chủ tịch UBND xã Cư Pui, cho biết khoảng hai năm trở lại đây, một số đối tượng lạ mặt thường trà trộn vào các thôn, bản vùng sâu vùng xa tìm cách lôi kéo phụ nữ đi làm thuê lương cao hoặc lừa hỏi cưới, nhưng sau đó đem bán sang Trung Quốc. Việc rà soát, truy bắt các đối tượng này rất khó khăn.

Ông Huỳnh Bài, chủ tịch UBND huyện Krông Bông, cho biết trong thời gian ngắn vừa qua đã có hơn 10 phụ nữ trong huyện bị lừa bán sang Trung Quốc. Huyện đang xin ý kiến công an tỉnh để lập chuyên án chống nạn buôn bán người xảy ra tại địa bàn, đồng thời đề nghị tỉnh nhờ Bộ Công an xác minh một số đối tượng được người dân khai báo đã lừa người thân của họ đem bán.

Theo ông Bài, để ngăn chặn tình trạng phụ nữ bị lừa bán sang Trung Quốc, UBND huyện đã tích cực tổ chức các buổi nói chuyện để thông tin cho người dân biết, tránh bị lừa.

 

 

Bắt đối tượng lừa bán một cô gái sang Trung Quốc

Ngày 16-4, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Sùng A Tính (36 tuổi, trú bản 8 Vành, xã Xuân Thượng, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) về hành vi mua bán người. Theo điều tra ban đầu, vào đầu tháng 3-2014 một đối tượng tên Pàng thường gọi điện cho chị C.T.L. (20 tuổi, trú tại thôn 12, xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk) ngỏ lời muốn cưới chị L. làm vợ. Khi được chị L. đồng ý, Pàng gọi điện nói Sùng A Tính đưa chị L. ra bến xe Lào Cai để Pàng bán chị L. sang Trung Quốc, tiền công 10 triệu đồng.

Sáng 30-3-2014, Tính đón chị L. đến một nhà nghỉ tại chợ Đa Rsal (huyện Đam Rông, Lâm Đồng) để chờ xe khách đi Lào Cai. Đến khoảng 21g45 cùng ngày, tổ công tác Công an huyện Đam Rông phát hiện nên đã bắt giữ Tính, bàn giao cho Công an huyện Krông Pắk. Cơ quan công an đang tiếp tục xác minh về đối tượng tên Pàng.

 

TRUNG TÂN