Thứ Năm Tuần Thánh 2014 – Thánh Lễ Tiệc Ly: Bàn tiệc Thánh thể và bữa ăn gia đình

Trong năm Phúc Âm hoá gia đình, các bài đọc Thánh Kinh hôm nay như mời gọi chúng ta suy nghĩ về bữa ăn của gia đình dân tộc, gia đình Giáo Hội và gia đình của mỗi người chúng ta để ta biến bữa ăn ấy thành giờ phút gặp gỡ Chúa và gặp gỡ nhau cũng như để chia sẻ sự sống kỳ diệu, phi thường của Thiên Chúa cho nhau.

Bàn tiệc Thánh thể và bữa ăn gia đình

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Chúng ta đang ở trong năm Phúc Âm hoá gia đình, các bài đọc Thánh Kinh hôm nay như mời gọi chúng ta suy nghĩ về bữa ăn của gia đình dân tộc, gia đình Giáo Hội và gia đình của mỗi người chúng ta để ta biến bữa ăn ấy thành giờ phút gặp gỡ Chúa và gặp gỡ nhau cũng như để chia sẻ sự sống kỳ diệu, phi thường của Thiên Chúa cho nhau.

1. Bữa ăn của gia đình dân tộc

Bài đọc I (x. Xh 12,1-8.11-14) diễn tả bữa ăn của dân tộc Do Thái, bữa ăn Vượt Qua. Dân tộc Israel sau khi được Chúa cứu thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập, họ đã ăn mừng bằng bữa tiệc “Chiên Vượt Qua”. Cứ 1 hay 2 gia đình ăn chung một con chiên tuỳ số người ít hay nhiều trong gia đình, lấy máu chiên bôi lên cửa làm dấu hiệu cho thiên thần vượt qua không sát hại họ. Thịt chiên nướng ăn với rau đắng và phải ăn vội vã vì ngay tối hôm đó Chúa đã cứu thoát họ. Họ được giải phóng, được tự do đi vào sa mạc thờ phượng Chúa và thành một dân tộc mới. Người Do Thái ngày nay vẫn tổ chức bữa ăn dân tộc Vượt Qua đó như thế.

Nhìn lại dân tộc VN, hình như chúng ta chưa có bữa ăn dân tộc. Chúng ta vừa mới kỷ niệm Giỗ tổ Hùng Vương ngày 10 tháng 3 âm lịch. Chúng ta cũng làm bánh dày, bánh chưng nhưng đó chỉ là một vài hình thức bên ngoài. Còn cả dân tộc có thương yêu nhau để ăn chung một bữa ăn thật sự, để chia sẻ niềm vui, bình an, hạnh phúc và cuộc sống cho nhau không, thì có thể nói chúng ta chưa có bữa ăn nào như vậy.

Mỗi gia đình dân Do Thái, dù giàu hay nghèo, đều được cung cấp một con chiên. Gia đình nào đông thì ăn 1 con, gia đình nào ít người thì 2,3 gia đình ăn chung 1 con. Nhìn vào lịch sử dân tộc VN, chỉ những lúc khốn cùng, bị kẻ thù ngoại xâm áp bức, dân tộc ta mới biết chia sẻ cơm áo, sự sống cho nhau. Còn hiện nay, chúng ta thấy người giàu vẫn ăn uống thoả thuê những bữa tiệc giá cả triệu đồng mỗi người mà không để ý đến nước mình đang có hàng ngàn người bới moi thùng rác hằng đêm; không nhớ đến 18 triệu người không kiếm nổi 20.000đồng mỗi ngày.

Nói lên điều này để thấy rằng chúng ta cần phải làm rất nhiều điều cho dân tộc có bữa ăn chung. Chưa ăn chung được vì chúng ta chưa cảm nghiệm được sự sống mình đang có phải được bảo vệ cho an toàn, phải được nâng cao bằng đạo đức, phải được phát triển bền vững bằng những hành động tích cực dù chúng ta đều là con cháu của vua Hùng, của Mẹ Việt Nam. Nếu chúng ta chỉ đi tìm lợi lộc bằng buôn bán bất chính, sản xuất những lương thực và nông sản độc hại để rồi chính chúng ta lại ăn vào những lương thực độc hại đó, nếu chúng ta cứ tham nhũng tràn lan từ chuyện nhỏ tới chuyện lớn, cứ lừa dối nhau từ trong nhà ra ngoài ngõ và chẳng biết xấu hổ vì những hành vi xấu xa, thì không bao giờ có được bữa tiệc dân tộc như người Do Thái.  Rồi dân tộc chúng ta mỗi ngày một suy đồi, lòng người mỗi ngày thêm tàn bạo với nhau hơn, đến ngày nào đó nước Việt Nam ta biến mất như dân tộc Chiêm Thành, Thuỷ Chân Lạp, mà chúng ta đang ngồi trên đất nước của họ.

2. Bữa tiệc của gia đình giáo xứ

Điều này gợi ý cho chúng ta nghĩ đến bữa tiệc của gia đình giáo xứ. Chúng ta đến với Chúa Giêsu nơi bàn tiệc Thánh Thể và Chúa Giêsu dọn tiệc cho tất cả mọi người, không phải với thịt chiên, với rau đắng, với những đồ ăn thức uống của con người, mà Người dọn bằng chính con người của mình: “Đây là Mình Thầy hiến dâng vì anh em, đây là Máu Thầy…”. Thánh Phaolô mời gọi chúng ta: mỗi khi chúng ta đến dự bữa tiệc này là chúng ta loan truyền rắng Chúa Giêsu là Thiên Chúa đã chịu chết để đền tội cho ta, để cứu độ ta, để biểu lộ tình yêu vô bờ của Người đối với chúng ta. Chúa Giêsu cũng nhắc chúng ta rằng:“Mỗi khi anh em ăn, anh em uống, anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (x. 1Cr 11,23-26).

Bữa ăn giáo xứ mà chúng ta chia sẻ chung quanh bàn tiệc thánh như mời gọi mỗi người chúng ta quên mình đi để lo lắng cho nhau, cộng tác với nhau trong chương trình của giáo xứ. Làm sao cho bữa tiệc mà chúng ta cùng chia sẻ được tràn đầy niềm vui, bình an và sự sống kỳ diệu Chúa ban, từ đó chúng ta chia sẻ cho nhau ân phúc, phương tiện để những người nghèo trong giáo xứ cảm nghiệm được tình yêu thương của Chúa, cảm nghiệm được lòng bác ái của chúng ta với họ.

Chính vì thế, trước khi chia sẻ bàn tiệc, Chúa Giêsu đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ: “Anh em gọi ta là Thầy, là Chúa mà ta còn cúi xuống rửa chân cho anh em thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13,14). Chúa thúc đẩy chúng ta không phải đi rửa chân cho một người nào đó, đây là một hành động tượng trưng để nhắc nhở chúng ta hãy phục vụ nhau trong tinh thần yêu thương vì ai biết “yêu thương đến cùng” (Ga 13,1) như Chúa, yêu đến chết trên thập giá và sống lại cho muôn người muôn vật thì phải diễn tả tình yêu cho mọi người mọi vật đến cùng như thế.

3. Bữa ăn gia đình

Bữa Tiệc Ly của Chúa cũng dẫn chúng ta đến bữa ăn mỗi ngày trong gia đình. Đời sống của nhiều người chúng ta hình như khó khăn hơn về mặt kinh tế nhưng đồng thời cũng về đủ mọi mặt khiến chúng ta coi thường bữa ăn trong gia đình.

Bây giờ do hoàn cảnh đi làm, đi học khác giờ nhau nên nhiều gia đình hầu như không ăn cơm chung với nhau: con cái ăn sớm để đi học, cha mẹ ăn sau vì đi làm. Nhiều khi cùng ăn chung với nhau nhưng lại không quan tâm đến nhau: bật tivi lên, mọi đôi mắt dồn vào theo dõi những tin tức, phim ảnh…chẳng quan tâm nhiều đến câu chuyện kể cho nhau nghe, chẳng để ý gì đến món ăn người nhà vất vả nấu nướng. Nhiều người còn có thói quen ăn ở tiệm cho tiện, vừa ngon hơn ở nhà, vừa bớt phải tốn công tốn sức chuẩn bị. Một số gia đình còn giữ thói quen gia trưởng: ông bố hay con trai chẳng mấy khi cộng tác vào việc chuẩn bị bữa ăn hay dọn dẹp bàn ăn, mọi việc phó mặc cho bà vợ và con gái.

Chúa Giêsu thôi thúc chúng ta: “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy”; “Anh em hãy rửa chân cho nhau”. Chúa Giêsu dọn bàn ăn cho chúng ta, phục vụ chúng ta thì chúng ta cũng phải dọn bàn ăn cho nhau vì bữa ăn gia đình là để chúng ta chia sẻ, không phải chỉ có lương thực, mà còn chia sẻ sự sống kỳ diệu được chuyển thông cho ta qua tình yêu thương đến cùng của Chúa Giêsu.

Trước hết, chúng ta được mời gọi để tạ ơn Chúa vì Ngài ban sự sống, tình yêu, sức mạnh và ân sủng cho ta. Ngài cho trời đất mưa thuận gió hoà để tạo cho chúng ta cơm bánh và mọi sự. Tiếp theo là tạ ơn người vì mọi thành viên trong gia đình cùng cố gắng học hành, làm việc và cộng tác với nhau trong bữa ăn hằng ngày. Ta phải cảm nghiệm được tình yêu của cha qua bát canh thấm đẫm mồ hôi hay trong đĩa thịt kho thấm đượm tình yêu mặn mà của mẹ.

Rồi chúng ta phải còn biết ơn mọi người quanh mình. Những bát cơm, con cá, miếng thịt đâu phải chỉ tính theo đồng tiền ta bỏ ra ở chợ đời. Có người nông dân chân lấm tay bùn đã bỏ mình trên ruộng đồng vì rắn độc hay người ngư phủ chết trong cơn bão tố để kéo về cho ta con tôm con cá. Tất cả những đồ ăn ấy mời gọi chúng ta quý trọng sự sống của nhau để tích cực đóng góp cho bàn tiệc sự sống của toàn thể gia đình nhân loại.

Điểm chúng ta vô ơn nhiếu nhất là không quan tâm đến vạn vật đã hy sinh cho ta vì coi chúng là đồ vô tri vô giác thay vì xem chúng là những đứa em nhỏ trong đại gia đình vũ trụ này. Một thân cây bị chặt ngang, vẫn ngoi lên những chồi non để sống; một con giun bị đạp đứt đôi vẫn cố gắng ngoi mình về đất ẩm để sống. Vạn vật yêu quý sự sống không thua con người. Vậy mà trong bữa ăn, bao nhiêu con tôm con cá, bao nhiêu ngọn rau cây giá đã hy sinh sự sống cho con người? Vì được Ngôi Lời dựng nên (x. Ga 1,3) nên chúng bắt chước tình yêu của Chúa Giêsu, Ngôi Lời làm người, để ban chính thân mình cho ta như Người đã ban cho ta Mình và Máu Thánh làm lương thực. Chúng muốn chúng ta sống đúng giá trị làm người và làm con Thiên Chúa để khi chúng ta được chia sẻ sự sống vĩnh hằng của Chúa, chúng cũng được chia sẻ sự sống vĩnh hằng vì làm nên một xương một thịt với ta. Ta có cảm nghiệm được tình yêu của vạn vật trong bữa ăn gia đình không?

Có yêu thương vạn vật ta mới tiết kiệm từng đồng bạc, mới không bỏ rơi vãi hạt cơm, mới không ăn một nửa con cá rồi đổ nửa kia vào thùng rác, mới không uống nửa chai nước rồi bỏ dở trên bàn vì chúng ta có trách nhiệm với muôn vật muôn loài.

Lời kết

Hôm nay nhìn lại bữa tiệc mà Chúa Giêsu gợi ý cho chúng ta trong năm Phúc Âm hoá gia đình, xin Chúa thánh hoá bữa ăn của gia đình chúng ta, của giáo xứ và của dân tộc chúng ta đang thực hiện mỗi ngày.