Chúa Nhật 26 TN – C: Thiên đường và hoả ngục

Sau khi chết, người ta chỉ có 3 chỗ có thể đi vào, đó là thiên đường, luyện ngục hay hoả ngục, chứ không thể đi lang thang như các nhà ngoại cảm mô tả hoặc nhập vào người này hay người kia trong các chuyện ma quỷ hay lên đồng, nhập cốt. Có đúng như thế không? Vì vậy có lẽ ta nên dành ít phút để tìm hiểu vấn đề cho kỹ lưỡng hơn.

 

Thiên đường và hoả ngục

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

Lời mở

Qua dụ ngôn của bài Tin Mừng hôm nay (x. Lc 16, 19-31), Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta về cách sống ở trần thế để có thể hưởng hạnh phúc mãi mãi với Thiên Chúa. Sống ích kỷ hưởng thụ như ông nhà giàu thì sau khi chết sẽ phải chịu cực hình muôn thuở trong hoả ngục. Còn sống phó thác vào Chúa trong sự nghèo khổ như Lazarô thì sẽ được hưởng hạnh phúc trên thiên đường.

Dù thiên đường được diễn tả là nơi có hạnh phúc mãi mãi nhưng nhiều người chúng ta không muốn lên thiên đường ngay bây giờ và cũng chẳng muốn xuống hoả ngục! Nghĩ như vậy là vì chúng ta chưa hiểu thiên đường hay hoả ngục là gì? Chúng thật sự ở chỗ nào?

Có nhiều người nói với tôi: “Sau khi chết, người ta chỉ có 3 chỗ có thể đi vào, đó là thiên đường, luyện ngục hay hoả ngục, chứ không thể đi lang thang như các nhà ngoại cảm mô tả hoặc nhập vào người này hay người kia trong các chuyện ma quỷ hay lên đồng, nhập cốt”. Vì thế có lẽ ta nên dành ít phút để tìm hiểu vấn đề cho kỹ lưỡng hơn.

1. Những tình trạng sống chứ không phải nơi chốn thực sự

Trong nhiều thế kỷ, người ta vẫn cho rằng thiên đường hay hoả ngục là những nơi chốn thực sự, riêng biệt để Chúa thưởng hay phạt con người (x. Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ Học trong các mục từ thiên đường, hoả ngục; x. J.A. Hardon, S.J., Từ điển Công giáo,mục từ thiên đường, hoả ngục, XB. 1985, Bản dịch tiếng Việt 2008, NXB. Phương Đông). Chỉ từ ít năm gần đây, người ta mới bắt đầu hiểu thiên đường, hoả ngục là những tình trạng sống chứ không phải là một nơi chốn, không gian thật sự. Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, biên soạn năm 1992 – (nhưng mãi đến năm 2010 này, chúng ta mới có bản dịch Việt ngữ) – giải thích cho chúng ta hiểu rõ điều đó ở các số 1023-1029 về thiên đường, số 1033-1037 về hoả ngục.

Trong dụ ngôn hôm nay chúng ta thấy người phú hộ giàu có, ông Abraham và Lazarô hình như ở chung một nơi chốn và có thể nói chuyện với nhau, nếu ở xa và riêng lẻ thì làm sao nói chuyện được, dù giữa họ có một vực thẳm vô hình ngăn cách (x. Lc 16,26). Đó là cách diễn tả những tình trạng sống khác nhau trong cùng một không gian mầu nhiệm.

Giáo lý của Hội Thánh Công giáo dạy chúng ta rằng: thiên đường là tình trạng sống của những con người hay các thiên thần đã sống kết hợp trọn vẹn với Thiên Chúa trong cuộc sống muôn thuở. Hoả ngục là tình trạng sống của những con người hay các thiên thần đã tự cắt đứt vĩnh viễn mối liên lạc với Thiên Chúa, để nhận sự bất hạnh tột cùng và mãi mãi.

Có lẽ, chúng ta cũng nên biết thêm một tí về tình trạng thứ ba, đó là luyện ngục. Luyện ngục là tình trạng của những người đang chịu những đau khổ để thanh luyện mình và vẫn giữ niềm hy vọng sau khi thanh luyện sẽ được kết hợp trọn vẹn với Thiên Chúa (x. Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo, số 1030-1032).

Trong dụ ngôn hôm nay chúng ta thấy thiên đường không được miêu tả như chúng ta đã quen tưởng tượng: trên các tầng mây đó bày ra những hàng ghế có Chúa Cha, Chúa Con ngồi, rồi có Chúa Thánh Thần dưới hình chim bồ câu, Đức Mẹ, các thánh tông đồ, các thiên thần đàn ca…theo những hình ảnh mô tả trong sách Khải Huyền. Thiên đường kiểu ấy cũng giống như triều đình của Ngọc Hoàng Thượng Đế hay Hội Bàn Đào của Tây Vương Mẫu trong các bộ phim Tây Du Ký.

Nói đến hoả ngục, chúng ta thường tưởng tượng có một cái ngục thiệt to với những song sắt, có lửa đốt cháy và các quỷ dữ chuyên cắt lưỡi, cắt chân tay và làm đủ cách hành hạ tội nhân. Đó là vì chúng ta bị ảnh hưởng bởi các tầng địa ngục (Naraka hay Niraya-Bất lạc) của anh em Phật giáo và các tôn giáo khác. Các tôn giáo đó diễn tả địa ngục có nhiều tầng: 8, 16 hay 18. Địa ngục đó cũng không chỉ có lửa mà còn có băng giá với 8 tầng gọi là bát hàn địa ngục, lạnh giá đến cắt da, nứt thịt (x. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Từ điển Phật học Hán Việt, Hà Nội 1982; Đoàn Trung Côn, Phật học Từ điển, NXB, TP.HCM, 1992). Đến khu giải trí Suối Tiên, ta cũng có thể tham quan các cảnh tượng địa ngục này.

Thật ra, thiên đường, luyện ngục hay hoả ngục là những tình trạng sống khác nhau của các thiên thần, con người đã chết hay của quỷ dữ ma tà. Các tình trạng này thể hiện ở khắp mọi nơi và ở ngay trong lòng  chúng ta. Vì thế, khi dâng lễ, Giáo Hội kết hợp với mọi thành phần ở các tình trạng sống khác nhau: các thiên thần và các thánh ở trên thiên đường, các linh hồn ở luyện ngục và các người trên trần thế để cùng ca tụng Thiên Chúa và chia sẻ công phúc cho nhau. Điều này được nhắc đến trong lời Kinh Tiền Tụng trước khi đọc kinh “Thánh, Thánh, Thánh”. Ta có ý thức về “mầu nhiệm các Thánh cùng thông công” trong mỗi thánh lễ không?

2. Lửa tinh thần chứ không phải lửa vật chất

Điểm sai lạc hay lầm tưởng tiếp theo cần sửa đổi đó là chúng ta thường tưởng tượng Chúa phạt con người trong hoả ngục hay luyện ngục. Trong dụ ngôn hôm nay ông nhà giàu xin Abraham “sai anh Lazarô nhúng đầu ngón tay để làm mát lưỡi mình” (x. Lc 16,24). Cách diễn tả theo văn chương khải huyền này làm ta tưởng tượng ra Chúa đốt một lò lửa thật lớn nhét tất cả những người bị phạt vào đó, họ bị nướng nhưng không chín, bị đốt cháy nhưng không tiêu tan nên luôn đau khổ vì bỏng rát, nóng bức kinh khủng. Chúng ta cần vượt qua cách diễn tả bằng hình ảnh để hiểu được ý nghĩa thật sự của Tin Mừng.

Quả thật, Chúa Giêsu nhiều lần nói đến lửa trong hoả ngục như một thứ hình phạt, nhưng cũng nói đến những thứ lửa khác. Người nói: “Ta mang lửa xuống thế gian và mong muốn ngọn lửa đó cháy lên” (x. Lc 12,49) hoặc những lưỡi lửa của Chúa Thánh Thần đậu trên đầu các tông đồ trong ngày Lễ Hiện Xuống (x. Cv 2,3-4). Như thế, đây là những ngọn lửa tinh thần chứ không phải lửa vật chất.

Có người còn cho rằng trong hoả ngục và luyện ngục không có Chúa nên gnười ta mới đau khổ tột cùng. Thật sự, Chúa ở khắp mọi nơi, trên thiên đường, trong luyện ngục cũng như hoả ngục!

Ngay sau khi chết, con người, do không còn bị ngăn cách bởi vật chất, không gian và thời gian, nên thấy trực tiếp Thiên Chúa như là nguồn vô tận của hạnh phúc, ân sủng, sự sống, sự thật và cái đẹp. Càng thấy rõ thì những ai trong tình trạng thiên đàng càng sung sướng vì được kết hợp với Người, còn ai trong 2 tình trạng còn lại càng đau khổ, dằn vặt, tiếc xót vì chưa được hay không còn bao giờ được hiệp nhất với Chúa nên đó chính là ngọn lửa tinh thần thiêu đốt họ.

Khi sống ở trần gian, họ chỉ biết có tiền của, chiều theo tham vọng và dục vọng. Họ giống như người giàu hôm nay, đóng kín với tất cả và không nhìn thấy được gì – thậm chí người nghèo ở ngay trước nhà mà họ cũng không nhìn thấy. Tuy nhiên, khi vượt qua cuộc sống ở trần thế, họ thấy Chúa đẹp đẽ, nhân từ, đáng yêu vô cùng mà họ lại từ khước và cắt đứt trọn vẹn với Ngài nên họ bị dằn vặt và đau khổ. Đó là ngọn lửa thiêu đốt lòng con người trong hoả ngục, là hình phạt mà tự họ gây ra cho mình chứ Chúa không phạt hay thiêu đốt ai cả. Chúa bây giờ như một người yêu tuyệt vời mà họ đã tự ý từ bỏ nên họ đau khổ tột cùng.

Những ai trong luyện ngục cũng luôn thấy Chúa ở trước mặt mình, nhưng vì thấy mình bẩn thỉu, bất xứng với Ngài nên họ muốn được thanh tẩy chính mình. Họ ao ước được gắn bó trọn vẹn với Chúa, nhưng lại chưa dám, nên họ đau khổ. Tuy nhiên, họ vẫn giữ niềm hy vọng là đến một lúc nào đó, khi tẩy rửa trọn vẹn con người mình, họ sẽ được kết hợp mật thiết với Chúa.

3. Thiên đường và hoả ngục trong đời sống 

Từ dụ ngôn hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta hiểu được thiên đường và hoả ngục là gì. Hoả ngục là tình trạng sống đóng kín của con người khi còn ở trần thế cũng như lúc đã qua đời. Những con người đã đóng kín để chỉ biết tiền bạc, dục vọng nên vào phút cuối cùng của cuộc đời họ thấy không còn gì hết vì thân xác tiêu tan, tiền bạc thì không mang được một xu nhỏ để đi vào cõi đời đời. Lúc đó họ trở thành trống rỗng. Chính thái độ sống ích kỷ và gắn bó vào những vật chất, dục vọng ấy tạo nên hoả ngục cho họ mà ông nhà giàu là hình ảnh tượng trưng.

Còn người nghèo khó Lazarô, do hoàn cảnh xã hội, không có học thức, kém cỏi, thiếu sức khoẻ phải đi ăn xin nhưng anh không bất mãn với cảnh khổ của mình. Anh luôn mở lòng để đón nhận tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả, tha thứ tất cả. Thiên đường là tình trạng mở ra cho tất cả những gì tốt đẹp, tích cực, trong sáng nên khi anh bước qua ngưỡng của của cái chết anh đón nhận được chính Chúa là nguồn của tất cả những gì anh đã đón nhận và hy vọng. Chính trong tinh thần mở rộng ấy ta tạo nên thiên đường cho mình cũng như cho người khác, vì Chúa là tất cả những gì thiện hảo chia sẻ cách quảng đại cho con người.

Như thế, hoả ngục có thể bắt đầu từ chính đời sống chúng ta hiện nay, khi chúng ta đóng kín cửa lòng, khép chặt đôi tay, không muốn giúp ai mà chỉ sống cho mình. Hoả ngục bắt đầu từ trong lòng mình, trải rộng ra nơi gia đình và cả xã hội. Hoả ngục là nơi không có tình yêu, niềm vui, hạnh phúc, sự thật, sự thiện, công lý và hoà bình… Dù rằng tất cả những thứ tích cực ấy ở ngay trong cộng đồng con người, trong lòng con người chỉ vì họ đóng kín với chúng.

Kết luận

Hôm nay Chúa mời gọi chúng ta nhìn lại cách sống của mình để thấy cách sống đó đang khép kín hay mở ra cho tất cả mọi người, mọi vật. Thiên đường hoả ngục không ở xa ta. Chính ta đã tạo nên chúng cho mình hay cho người khác!