Chúa Nhật XXV TN – C: Trung tín trong việc nhỏ để hình thành nhân cách lớn

Đức Giêsu qua bài Tin Mừng hôm nay (x. Lc 16,10-13) mời gọi chúng ta hãy “trung tín trong việc rất nhỏ” để Thiên Chúa có thể trao phó cho chúng ta những công việc lớn lao. Khi nói điều đó, Người muốn gợi ý cho chúng ta về cấu trúc của đời sống.

 

Trung tín trong việc nhỏ để hình thành nhân cách lớn

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Đức Giêsu qua bài Tin Mừng hôm nay (x. Lc 16,10-13) mời gọi chúng ta hãy “trung tín trong việc rất nhỏ” để Thiên Chúa có thể trao phó cho chúng ta những công việc lớn lao. Khi nói điều đó, Người muốn gợi ý cho chúng ta về cấu trúc của đời sống.

1. Đời sống hình thành từ những việc nhỏ mọn thường ngày

Nhiều người quên rằng đời mình được hình thành từ những công việc nhỏ bé tầm thường, lặp đi lặp lại nhiều lần. Dù sống 60 năm hay 100 năm, mỗi sáng thức dậy, ta thường đánh răng, rửa mặt, tập thể dục, ăn sáng, đi làm hay đi học; buổi trưa cũng ăn trưa, nghỉ trưa, đi học hay đi làm; buổi tối về nhà cũng ăn, xem ti vi, giải trí rồi ngủ đêm. Ngày hôm sau, hôm sau nữa cũng thường giống như vậy. Thỉnh thoảng mới có ngày lễ, ngày nghỉ để chúng ta đi du lịch, nghỉ ngơi, không phải làm việc hay học hành.

Cấu trúc đời sống của chúng ta là những công việc nhỏ bé tầm thường như thế và Đức Giêsu mời gọi chúng ta hãy trung tín trong những công việc rất nhỏ. Nhưng có người nghĩ rằng nếu bỏ bớt những công việc nhỏ, có thể làm được nhiều việc lớn lao khác. Thí dụ bớt đánh răng mỗi ngày 5 phút, nếu sống được 100 năm, ta sẽ có thêm 125 ngày vui chơi, nghỉ ngơi, xem ti vi… Nếu bớt 4 giờ ngủ đi, thay vì 8 tiếng, chúng ta có thêm 6.000 ngày vui chơi hay làm việc.

Nhưng chúng ta thử hỏi xem, nếu bỏ đi những việc nhỏ mọn tầm thường ấy, thực sự chúng ta có sống được lâu hơn, làm được nhiều việc hơn không? Răng mà không chịu đánh, bợn bám vào kẽ răng có những con vi trùng H P (Helicobacter Pylori) có thể gây ra bệnh ung thư dạ dày theo khám phá mới đây của Y khoa. Do đó, không đánh răng hay đánh răng không thường xuyên, chúng ta không sống lâu hơn mà còn sống ngắn hơn. Ngủ ít tưởng rằng sẽ có thêm giờ vui chơi/làm việc hơn nhưng lại chóng chết hơn vì thần kinh căng thẳng, không đủ thư giãn nghỉ ngơi.

Jean Paul Sartre, ông tổ của thuyết Hiện Sinh vô thần, khi suy nghĩ về cấu trúc của đời sống, thấy ngày nào cũng phải thức dậy, đánh răng, rửa mặt, làm việc, ngủ nghỉ, rồi cuối cùng chết như một con chó thì thật là vô nghĩa. Tội gì mà sống như vậy! Ông chủ trương sống theo những sở thích và chọn lựa của mình trong giây phút hiện tại, đó mới là con người hiện sinh! Thậm chí ông coi giải Nobel văn chương người ta dành cho ông là vô nghĩa nên ông không nhận.

Nhiều bạn trẻ hiện nay hình như cũng không chấp nhận kiểu sống thường nhật buồn tẻ ấy. Nhiều bạn chủ trương sống để khẳng định mình: “Thà một phút huy hoàng chợt tắt, còn hơn le lói suốt trăm năm!”. Các bạn ấy tìm phút huy hoàng qua việc chạy đua xe bạt mạng để nghe được tiếng vỗ tay khen ngợi hoặc bỏ nhiều tiền sắm bộ quần áo hàng hiệu để nhận được ánh mắt ngạc nhiên nào đó. Tiếng vỗ tay hay ánh mắt qua đi rất nhanh và các bạn trẻ lại chìm vào bóng tối.

2. Giá trị của những điều nhỏ mọn thường ngày

Chúng ta được mời gọi để nhìn lại đời sống mình và nhận ra rằng: chính những công việc thường ngày ấy tạo cho chúng ta sức khoẻ, sắc đẹp, tài năng, có nhiều khả năng để đón nhận trách nhiệm lớn lao Chúa giao phó. Nếu trung thành đánh răng 5 phút sau các bữa ăn mỗi ngày, chúng ta sẽ có hàm răng đẹp, nụ cười tươi, hơi thở thơm tho, khoẻ mạnh và tạo nên những gì tốt đẹp trong cuộc sống. Nếu mỗi ngày dành 5 phút đọc sách, chúng ta sẽ thu tích biết bao nhiêu kiến thức để từ đó giúp cho mình và cho đời.

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy trung thành trong những việc nhỏ mọn. Chính cách ăn nói, ngủ nghỉ, làm việc sẽ hình thành trong chúng ta một cấu trúc tốt đẹp, tạo nên một nhân cách cao quý, có nhiều tài năng và có thể đảm nhận lãnh trách nhiệm lớn lao. Nhiều người muốn ăn nói dịu dàng mà không chịu tập nói nhẹ nhàng, muốn nét mặt tươi tỉnh mà không tập cười vui mỗi ngày thì làm sao trở thành người hoà nhã thu hút người khác được!

Tuy nhiên, trung tín trong việc thường ngày lại đòi hỏi ta phải xét xem cấu trúc đó có hoàn chỉnh không? Cách đánh răng, rửa mặt, ăn uống, hít thở, học hành, làm việc… đó có đúng, có tốt không? Nếu đánh răng không đúng, càng đánh lợi càng bung ra làm hư răng; ăn không đúng cách, càng ăn càng làm hư ruột; học không đúng cách, càng học càng thất bại.

Vì thế, chúng ta phải học hỏi về cách làm tốt những công việc thường ngày ấy: đó là những kỹ năng sống. Phải học và tập những kỹ năng sống đúng, sống đẹp, sống cao thượng, sống hào hùng rồi mới cần trung tín giữ những thói quen ấy.

Trung tín có nghĩa là trước sau một lòng một dạ, giữ trọn niềm tin, giữ trọn tình cảm đã gắn bó, giữ trọn cam kết với một điều gì đó, với một ai đó, với một Đấng nào đó. Chúng ta có thật sự làm cho những hoạt động thường ngày của chúng ta có ý nghĩa để theo đúng cam kết giữa con người với Chúa không?

Vừa rồi, tôi chào: “Chúa ở cùng anh chị em”, và thử nhìn xem anh chị em có đáp lại không. Tôi thấy vài người im lặng không thưa “và ở cùng cha”. Tôi cầu chúc Chúa ở cùng anh chị em để Ngài mang lại ân phúc cho anh chị em, nhưng có lẽ vì không thích lời cầu chúc của tôi, không muốn nhận ân phúc của Chúa nên họ không thưa, không đáp, cũng chẳng muốn cầu chúc lại cho tôi. Giả sử được một người cầu chúc điều tốt lành mà ta im lặng bỏ đi, có lẽ sẽ bị chê trách là bất lịch sự. Thế mà ta đang làm trong thánh lễ đấy!

Khi linh mục đọc lời cầu nguyện, một số anh chị em không thưa “Amen”. Amen có nghĩa là “ước gì được như vậy, xin Chúa thực hiện như vậy!”. Không đáp lại có nghĩa là chúng ta không cần Chúa, không cần Giáo Hội, không cần ai cả. Có lẽ chúng ta nên ý thức hơn để trung thành trong những việc nhỏ mọn đó khi tham dự thánh lễ, chúng ta sẽ cảm nghiệm được nhiều ân phúc và hiệu quả hơn.

3. Hiệu quả lớn lao từ những công việc nhỏ

Chúng ta nên nhớ rằng chính những công việc nhỏ mọn tầm thường ấy tạo nên nhân cách của chúng ta và của cả dân tộc. Để hình thành nên nhân cách của một con người, người ta đi từ nhận thức (nhận thức điều đó là đúng, là tốt, là nên làm), từ nhận thức dẫn đến thái độ, từ thái độ dẫn đến hành động, từ những hành động lặp đi lặp lại trong đời sống hằng ngày sẽ thành thói quen, tập quán.

Chúng ta nhớ lại thí nghiệm của Pavlov trên con chó: mỗi lần đánh tiếng chuông và đưa miếng thịt ra, con chó tiết ra dịch vị trong dạ dày khi nhìn thấy miếng thịt. Dần dần người ta bỏ bớt lần đưa miếng thịt ra nhưng vẫn đánh chuông đều, con chó vẫn tiết ra dịch vị. Cuối cùng, chỉ cần đánh tiếng chuông mà không đưa miếng thịt ra, con chó vẫn tiết ra dịch vị. Đó là đã tạo nên thói quen cho con chó, gọi là phản xạ có điều kiện. Người ta ứng dụng thí nghiệm này vào lĩnh vực tâm lý xã hội để tạo thành thói quen cho người: cứ lặp đi lặp lại công việc hằng ngày sẽ thành thói quen. Tạo thói quen tốt sẽ thành nhân cách tốt, cao thượng cho mỗi cá nhân. Từ cá nhân tốt tạo nên cộng đồng với nhiều người có nhân cách tốt, rồi từ cộng đồng tốt sẽ tạo nên bản sắc tốt cho cả dân tộc.

Qua nghiên cứu, các nhà xã hội học quốc tế nhận thấy người Việt Nam có nhiều đức tính tốt như cần cù, chăm chỉ, vui vẻ, năng động… nhưng cũng có nhiều tật xấu như giả dối, tham lam, ăn cắp, làm việc hời hợt. Tại sao lại như thế?

Chúng ta biết rằng những nhân cách ấy hình thành nên sau bao nhiêu thế hệ, nhất là từ khi dân tộc ta bị người Trung Quốc đô hộ hơn ngàn năm (-111 đến 938). Trước mặt những kẻ thù áp bức, chúng ta không dám phản kháng, nhưng khi họ quay lưng đi chúng ta mới dám nói xấu họ; khi họ có mặt, ta làm việc nghiêm túc, vắng mặt họ là ta ngồi chơi, vì tội gì làm việc cho kẻ thù; ta không gìn giữ của chung, lấy cắp được bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu vì đó là công sức ta làm nên và bị kẻ thù bóc lột. Dần dần những cách hành xử ấy hình thành nên cá tính và bản sắc của người Việt Nam. Dù không còn bị đô hộ, chúng ta vẫn giữ những tật xấu đang làm suy yếu đất nước mình.

Hôm nay Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy trung tín trong việc nhỏ để hình thành nên nhân cách tốt, nhờ đó chúng ta mới tạo nên một dân tộc Việt Nam tốt đẹp, cao thượng trong vài thế hệ sau này. Bắt đầu từ ngày hôm nay, nếu chúng ta ý thức để trung thành trong những việc rất nhỏ mọn, chúng ta mới hy vọng dân tộc mình sẽ có nhiều người tài giỏi, cao thượng và phát triển bền vững.

Cuối cùng, chúng ta cũng không nên mơ ước đời sống của chúng ta gồm toàn những việc lớn hoặc được giao phó những trách nhiệm lớn. Trước mặt Chúa, giáo hoàng hay giáo dân, chủ tịch nước hay dân thường đều là con cái Chúa và đều có giá trị như nhau. Chúa không đòi chúng ta làm những việc to tát nhưng đề nghị chúng ta làm những việc nhỏ với tâm hồn lớn, với tình yêu cao cả. Vì chỉ có tình yêu mới làm chúng ta trở thành lớn lao, tuyệt đối trước mặt Thiên Chúa vì Thiên Chúa là tình yêu.

Vì thế, chúng ta cố gắng đưa tình yêu vào những công việc thường ngày: “Lạy Chúa con xin ăn giờ này, ngủ giờ này, học bài này, xem chương trình ti vi này vì yêu mến Chúa”. Những công việc của chúng ta khi được kết hợp với Thiên Chúa tình yêu sẽ biến thành những công việc hết sức lớn lao, có giá trị cao cả và có thể cứu rỗi được nhiều con người.

Kết luận

Hôm nay Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy trung tín trong việc nhỏ để có thể giao phó cho chúng ta những công việc lớn lao là được cộng tác vào chương trình cứu độ thế giới của Người. Chúng ta hãy cố gắng thực hiện những việc làm hằng ngày với tình yêu lớn để hình thành nên một cộng đồng con người có nhiều đức tính tốt đẹp và một dân tộc Việt Nam có bản sắc cao quý trong gia đình nhân loại.