Chúa Nhật 18 TN – C – 2013: Tinh thần nghèo khó trong thực tế giàu sang

Suy nghĩ về vấn đề giàu nghèo trong thế giới và đất nước Việt Nam hiện nay, chúng ta đang được mời gọi ra khơi cùng với Đức Giêsu Kitô để làm sao cho mỗi người chúng ta sống sung túc và phát triển trọn vẹn trong tinh thần nghèo khó và thực tế giàu sang.

 

Tinh thần nghèo khó trong thực tế giàu sang

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn-HKK

 

Lời mở

Các bài Thánh Kinh hôm nay nói về tình trạng giàu nghèo mà mỗi người chúng ta phải đối mặt trong cuộc sống ở trần thế này.

Bài đọc I (x. Gv 1,2; 2,21-23) diễn tả tình trạng người giàu lo lắng, vất vả làm việc để kiếm cho thật nhiều tiền. Nhưng đó chỉ là phù vân, là hư không vì chết đi rồi chẳng mang theo được gì. Bài đọc II (x. Cl 3,1-5.9-11) lại nhắc chúng ta “hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa” và cố gắng để trở nên “một con người mới”. Bài Tin Mừng (x. Lc 12,13-21) mời gọi chúng ta phải “lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa”. Vì thế, trong ít phút này chúng ta suy nghĩ xem mình nên giàu hay là nghèo.

1. Vấn đề giàu nghèo

Trong suốt dòng lịch sử nhân loại, nhất là đối với Giáo Hội, người ta luôn tự hỏi mình nên giàu hay nên nghèo vì đây là một vấn đề thiết thân trong cuộc sống?

Vào những thế kỷ đầu tiên từ thời Chúa Giêsu, người ta nghĩ nên nghèo về vật chất. Chúa Giêsu nói với anh thanh niên: “Hãy về bán hết tài sản của anh…” (x. Mt 19,21; Mc 10,21; Lc 18,22. Thánh Luca còn nói: “Vô phúc cho kẻ giàu (x. Lc 6,24-26) và hạnh phúc cho người nghèo” (x. Lc 6,20-21)! Các tín hữu thời xưa cũng bán tất cả của cải và đặt tiền dưới chân các tông đồ (x. Cv 2,45; 4,34). Người ta bắt đầu đi theo hướng nghèo về vật chất: các tu sĩ vào những nơi hẻo lánh, dựng những ngôi nhà nho nhỏ để cầu nguyện và lao động. Các tín hữu còn nghĩ rằng phải nghèo cả về tinh thần vì bấy giờ triết học Hy Lạp, các khoa học về cuộc sống và cả khoa chiêm tinh luôn gắn với những ngẫu tượng nên phải loại bỏ để sống gắn bó với Chúa Giêsu.

Vào thế kỷ 12-13, thời của thánh Phanxicô, người ta lại chủ trương chỉ nên nghèo về vật chất, nhưng giàu về tinh thần vì Chúa là tinh thần nên phải phát huy trọn vẹn các mặt về tinh thần. Vì thế các tu sĩ dòng Phanxicô và Đaminh ban ngày đi ăn xin, tối về học các khoa học tinh thần như triết học, thần học, các khoa học khác. Ở châu Âu các đại học ra đời từ đó.

Khi đời sống xã hội trần thế trước đây đặt nền tảng trên nông nghiệp và thủ công mỹ nghệ trong những ngôi làng nhỏ để tiến tới công nghiệp, kỹ nghệ trong các đô thị lớn, thì sự phân hoá giàu nghèo mỗi ngày một lớn. Người nghèo không có phương tiện sống sẽ thiếu sức khoẻ, kém học thức, bị khinh miệt, bị gạt ra ngoài lề xã hội, nhiều khi không thể sống xứng đáng với phẩm giá con người (Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Mục vụ (MV) Gaudium et Spes, số 63). Vì thế nghèo về vật chất là một tai hoạ không ai muốn có, và giàu về vật chất lẫn tinh thần là mục đích phấn đấu của mọi dân tộc (Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, số 131, 133, 172, 175, 177, 197, 245, 373, 374, 446, 449, 494).

Công đồng Vaticanô II (1962-1965) trong rất nhiều văn kiện của mình, nhất là  Hiến chế tín lý về Giáo Hội (GH số 8, 38, 41, 42, 43, 46) Lumen Gentium và Hiến chế Mục vụ (MV 1, 10, 27, 31, 31, 37, 88), đã đề cập đến người nghèo và cổ vũ tín hữu sống tinh thần nghèo khó của Đức Giêsu cũng như phê chuẩn đức khó nghèo của tu sĩ nam nữ ( x. GH 42, Sắc lệnh về Dòng tu Perfectae Caritatis, sổ 13). Vậy Chúa Giêsu đã sống nghèo khó như thế nào?

2. Bắt chước Chúa Giêsu sống tinh thần nghèo khó

Nói đến nghèo là chúng ta thường nghĩ đến thánh Phanxicô Assisi với cách sống nghèo khó của ngài. Thế nhưng, những khám phá mới lại mời gọi chúng ta không nên nhìn vấn đề nghèo theo quan niệm của Phanxicô Assisi. Chúng ta phải xuất phát lại từ Đức Giêsu và nhìn vào cuộc sống của Người, Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự nguyện trở nên nghèo khó vì chúng ta, để lấy cái nghèo của mình, mà làm cho chúng ta  trở nên giàu có” (2Cr 8,9). Vì thế, Giáo Hội mời gọi chúng ta khám phá tinh thần nghèo khó và sống theo Chúa Giêsu (x. GH số 38, MV 72).

Tinh thần nghèo khó (x. Mt 5,3) trong Tám Mối Phúc phải được hiểu trong bối cảnh đối trọng với Mười Điều Răn để diễn tả người kính mến Chúa trên hết mọi sự là người có tâm hồn nghèo khó, không cậy dựa vào bất cứ sự vật hay con người nào vì chỉ có Chúa là tất cả cho cuộc đời mình. Khi hiểu được mọi của cải, tiền bạc, danh vọng, tài năng, ân phúc và ngay cả sự sống của mình đều bởi Chúa ban cho, con người sẽ cảm thấy mình thật sự nghèo khó tột cùng trước một Thiên Chúa giàu sang vô tận và sẽ đặt tất cả hy vọng vào Ngài. Vị Chúa đó không muốn con người cứ mãi quỳ lạy van xin mình từng ân phúc như một tên nô lệ thấp hèn van xin người chủ, nhưng muốn nâng con người trở thành ngang hàng với mình, giàu sang vô tận như mình, nên đã cho Con một Ngài trở thành con người nghèo khó giống như chúng ta, để giúp ta trở thành Thiên Chúa nếu ta sống theo gương Chúa Giêsu. Như thế tinh thần nghèo khó là để ta giàu có tột cùng.

Hơn nữa, xét về phương diện vật chất, Chúa Giêsu thật sự không sống nghèo. Vào thời Chúa Giêsu, có nghề thợ mộc như thánh Giuse là thuộc giai cấp trung lưu, có của ăn của để, sống đầy đủ và còn dư thừa để chia sẻ cho người khác. Chúng ta thường hát bài Giuse trong xóm nhỏ điêu tàn thuở xưa…và nghĩ gia đình Chúa Giêsu “nghèo rớt mồng tơi” là sai với thực tế thời đó!

Trong những năm rao giảng công khai, Chúa Giêsu lên án người giàu vì họ bóc lột người nghèo và sống vô luân. Người chúc phúc cho người nghèo và loan báo Tin Mừng cho họ (x. Mt 11,5; Lc 4,18, 7,22) nhưng không hô hào người ta sống nghèo khổ. Người cứu giúp người nghèo đói, tật bệnh bằng những phép lạ là muốn cứu họ thoát khỏi tình trạng nghèo khổ để phát triển trọn vẹn cả thể xác lẫn tinh thần. Người đón nhận sự giúp đỡ của các bạn hữu giàu có (x. Lc Lc 8,1-3, 10,38-42; Ga 11,5; 12,1-9). Người không bảo chúng ta xin Chúa Cha ban ơn giàu có nhưng xin ơn sung túc “với lương thực hằng ngày” (Mt 6,11). Trong bài tin Mừng hôm nay, Người còn nhắc nhở con người phải lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa (Lc 12,21).

Như thế chúng ta có thể thấy “tinh thần nghèo khó trong thực tế sung túc” là lý tưởng của người tín hữu thời nay. Và nếu người tín hữu tìm kiếm sự giàu sang để có nhiều phương tiện phát triển sự hiện hữu của mình thì đó cũng là một điều đáng làm trong cuộc sống khó khăn hiện nay.

3. Hành động thực tế đối với vấn đề giàu nghèo

Tháng 10 năm 2012, Giáo Hội mở Năm Thánh Đức Tin mời gọi chúng ta Tân Phúc Âm Hóa để truyền bá đức tin. Chúng ta đang được mời gọi đối mặt với những vấn đề xã hội: “người giàu càng giàu hơn, người nghèo càng nghèo đi”. Chúng ta không phải chỉ góp một ít tiền, tổ chức một vài công việc bác ái, từ thiện là đủ. Giáo Hội thôi thúc chúng ta gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu để Người chuyển thông cho ta sức mạnh, quyền năng của Người để ta tiếp tục thực hiện phép lạ hoá bánh ra nhiều, tiếp tục chữa lành bệnh nhân, giúp con người phát triển toàn diện. Có làm như vậy người ta mới khám phá ra hình ảnh Đức Giêsu nơi người tín hữu (x. Tài liệu Làm việc, số 56, 71).

Công đồng Vaticanô II nhắc nhở các giám mục (x. Sắc lệnh Christus Dominus (GM), số 13, 30),  linh mục (x. Sắc lệnh Presbyterorun Ordinis (LM), số 6, 20) hãy yêu thương và trợ giúp người nghèo, nhưng Giáo Hội có gì để trợ giúp họ nếu Giáo Hội cũng nghèo đói, thiếu thốn và ngửa tay xin ăn như họ?

Đức Thánh Cha Phanxicô trong ngày Giới trẻ Thế giới 2013 ở Rio de Janeiro mời gọi tất cả những Kitô hữu, thậm chí ngay cả linh mục, tu sĩ hãy rời bỏ pháo đài, cơ sở như buộc trói mình trong đó để thoát ra ngoài, trở thành hình ảnh của Chúa Giêsu lo lắng cho những con người nghèo khổ, yếu đuối, tật nguyền, rách rưới đang sống quanh mình. Đối mặt với khoảng 16 triệu người đói khổ cùng cực ở Việt Nam, 6,7 triệu người khuyết tật thể lý và hơn 10 triệu người khuyết tật tinh thần, chúng ta làm gì để giúp đỡ những anh chị em đó? 1/3 dân tộc chúng ta đang bị bệnh tật, chúng ta chữa lành họ như thế nào?

Không lẽ gần 30.000 linh mục, chủng sinh, tu sĩ Việt Nam cứ ở mãi trong xứ đạo, tu viện, bằng lòng với thánh lễ, buổi chầu, giờ kinh hay nên đi ra ngoài như ĐTC đề nghị? Chẳng hạn, trong xứ đạo, các linh mục có dám khuyến khích những người làm bún, làm bánh phở hay đồ ăn đừng bỏ những hóa chất độc hại vào để bảo vệ sức khoẻ cho dân chúng, có nhắc nhở tín hữu trồng rau, chăn nuôi tuân thủ các biện pháp an toàn thực phẩm? Là Kitô hữu, chúng ta có sản xuất với tinh thần liêm chính của người Công giáo để không làm hại anh chị em, “không giết người”  như giới luật thứ Năm cấm đoán không?

Ở Hàn Quốc, những người Công giáo liên kết lại lập thành những siêu thị riêng và ai cũng muốn mua hàng của người Công giáo vì không có chất độc hại. Nông sản của người Công giáo ở nông thôn được trợ giá, góp về những siêu thị Công giáo nên vừa bán rẻ vừa có chất lượng. Các kỹ sư Công giáo về nông thôn hướng dẫn kỹ thuật nâng cao năng suất và an toàn cho nông dân. Vì thế, Giáo hội Công giáo Hàn quốc có thể nói rất giàu. Dù chỉ có khoảng 5 triệu người tín hữu nhưng Giáo hội này tài trợ cho Giáo Hội toàn cầu chỉ thua Giáo hội Hoa Kỳ và Đức.

Lời kết

Suy nghĩ về vấn đề giàu nghèo trong thế giới và đất nước Việt Nam hiện nay, người tín hữu chúng ta đang được mời gọi ra khơi cùng với Đức Giêsu Kitô để làm sao cho mỗi người chúng ta sống sung túc và phát triển trọn vẹn con người mình trong tinh thần nghèo khó và thực tế giàu sang.