Trung Quốc hành động vô nhân đạo

Đó là ý kiến của các chuyên gia luật pháp nhận định về vụ tàu Trung Quốc rượt đuổi và bắn tàu ngư dân Quảng Ngãi ngay trên vùng biển Hoàng Sa của VN.

Trung Quốc hành động vô nhân đạo

Đó là ý kiến của các chuyên gia luật pháp nhận định về vụ tàu Trung Quốc rượt đuổi và bắn tàu ngư dân Quảng Ngãi ngay trên vùng biển Hoàng Sa của VN.
  • Thuyền trưởng Phạm Quang Thạnh dọn dẹp lại chiếc tàu cá bị bắn cháy – Ảnh: Ph.Long

 

Chiều 26-3, ông Nguyễn Ngọc Đức, chánh văn phòng Trung ương Hội Nghề cá VN, cho biết tổ chức này đã chính thức có công văn kiến nghị đảm bảo an toàn hoạt động sản xuất của ngư dân VN. Hội Nghề cá VN đề nghị các cơ quan chức năng “ngăn chặn ngay những hành động ngang trái của Trung Quốc, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của ngư dân, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo Tổ quốc”.

Đề nghị đảm bảo an toàn cho ngư dân

Theo ông Đức, Trung ương Hội đã nhận được báo cáo của Hội Nghề cá tỉnh Quảng Ngãi, cho biết Trung Quốc gia tăng việc cản trở, xua đuổi tàu cá của ngư dân khi khai thác hải sản trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa của VN. Tuy không bắt giữ tàu như những năm trước nhưng Trung Quốc thường xuyên dùng tàu rượt đuổi, sử dụng vòi rồng phun nước, ném đá, thậm chí bắn thẳng vào tàu của ngư dân VN. Có khi phía Trung Quốc còn cho người lên tàu cướp, phá tài sản, thu máy thông tin liên lạc, ngư cụ, nhiên liệu.

 

“Hành động tấn công ngư dân VN là bước leo thang mới trắng trợn của Trung Quốc. Ngoài việc phản đối bằng con đường ngoại giao, chúng ta cũng cần quan tâm hơn nữa tới việc bảo vệ tính mạng người dân”

Ông DƯƠNG DANH DY 
(nguyên tổng lãnh sự VN tại Quảng Châu, Trung Quốc)

 

Báo cáo của Hội Nghề cá Quảng Ngãi còn nêu rõ: ngày 23-3, tàu QNg 94590TS bị tàu hải giám Trung Quốc vây bắt, thu giữ 21 bóng đèn (dùng để dụ cá), đuổi tàu ra khỏi khu vực Trường Sa. Ngày 17-3, tàu QNg 96399TS bị tàu hải giám và máy bay trực thăng Trung Quốc rượt đuổi ra khỏi khu vực Hoàng Sa. Ngày 13-3, tàu QNg 96417TS và tàu QNg 96382TS bị tàu hải giám Trung Quốc số hiệu 262 và 263 rượt đuổi ra khỏi khu vực Hoàng Sa. Ngày 11-3, tàu QNg 96679TS khi đang khai thác hải sản ở vùng biển Hoàng Sa thì bị tàu Trung Quốc số hiệu 841 cản trở không cho khai thác, rượt đuổi ra khỏi khu vực Hoàng Sa.

Đặc biệt, ngày 28-1 (lúc 11g) tàu QNg 55535TS khi đang khai thác thủy sản gần đảo Đá Lồi đã bị tàu Trung Quốc số hiệu 787 bắn thẳng vào cabin làm vỡ hai tấm kính, cháy một số quần áo của thuyền viên, cướp đi 200m dây câu và đuổi ra khỏi khu vực Hoàng Sa. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, khu vực Hoàng Sa bị Trung Quốc phá sóng nên các máy thông tin liên lạc tầm xa có tích hợp định vị vệ tinh (GPS) không thể liên lạc được với các trạm bờ, nên không báo cáo phản ảnh kịp thời những sự cố xảy ra.

Cố tình không tôn trọng luật pháp quốc tế

Luật sư Hoàng Ngọc Giao – viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách, pháp luật & phát triển – cho biết việc Trung Quốc tấn công tàu cá của ngư dân VN ngày 20-3 tại khu vực quần đảo Hoàng Sa một lần nữa cho thấy Trung Quốc đang cố tình không tôn trọng luật pháp quốc tế được ghi nhận trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc (LHQ)và hành xử thiếu trách nhiệm với phần còn lại của thế giới.

Theo luật sư Giao, Hiến chương LHQ luôn nhấn mạnh đến việc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, không sử dụng vũ lực.Trung Quốc không những chỉ là thành viên của LHQ mà hơn thế còn là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ. Hơn ai hết, Trung Quốc phải có trách nhiệm với hòa bình và an ninh quốc tế, nhưng lại vi phạm bằng các hành động tấn công ngư dân VN. Hành động tấn công đó không phải là cách cư xử được chấp nhận trong văn minh thế giới hiện nay. Nó chỉ càng làm mất uy tín chính trị của Trung Quốc trên trường quốc tế và tỏ rõ họ hành xử vô trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.

Theo tiến sĩ Ngô Hữu Phước – trưởng bộ môn công pháp quốc tế, khoa luật quốc tế Đại học Luật TP.HCM, tàu cá Quảng Ngãi đang đánh cá hợp pháp trên vùng biển thuộc chủ quyền VN nhưng lại bị tàu tuần tra Trung Quốc truy đuổi trong khi toàn bộ thủy thủ đoàn không có bất kỳ biểu hiện hành động hoặc hành động nào liên quan đến việc sử dụng vũ lực hoặc chống trả. Tàu đánh cá là mục tiêu dân sự, mọi hành vi sử dụng vũ lực đối với tàu đánh cá là vi phạm pháp luật quốc tế và các quy tắc nhân đạo quốc tế.

Theo một chuyên gia về công pháp quốc tế của VN, ngoài chuyện vi phạm vùng biển VN, hành vi bắn ngư dân là không thể chấp nhận được. Chuyên gia này cho biết chuyện bắn vào ngư dân nước khác ở các vùng biển tranh chấp là điều đặc biệt hiếm khi xảy ra. “Đối với luật nhân đạo quốc tế thì không bao giờ được sử dụng vũ khí đối với người dân thường cả” – ông nói. Theo ông, “hành động của VN trong những chuyện này rõ ràng là phải cương quyết hơn”.