Đức Giêsu Thành Nazareth: VÀO THÀNH GIÊRUSALEM VÀ THANH TẨY ĐỀN THỜ

Đức Giêsu vào thành Giêrusalem trước lễ Vượt qua. Phúc Âm theo thánh Gioan nhắc đến ba lễ Vượt qua diễn ra trong suốt thời gian Đức Giêsu thi hành sứ vụ của Người; các bản Phúc Âm Nhất lãm (Matthêu, Marcô, Luca) chỉ nói đến một lễ Vượt qua – buổi lễ vào tuần cuối cùng trong cuộc đời dương thế của Đức Giêsu. Việc Đức Giêsu “đi lên” từ Galilê (vùng thấp dưới mực nước biển) đến Giêrusalem cũng ngụ ý mức độ “tăng tiến” nội tâm từ sự hy sinh trên Thánh giá đến lúc về trời.

Đức Giêsu Thành Nazareth

VÀO THÀNH GIÊRUSALEM VÀ THANH TẨY ĐỀN THỜ

Đức Bênêđictô XVI

 

1.    VÀO THÀNH GIÊRUSALEM

Phúc Âm theo Thánh Gioan tường thuật ba dịp lễ Vượt Qua trong thời gian Đức Giêsu thi hành sứ vụ công khai của Người: dịp thứ nhất gắn với hành động thanh tẩy Đền thờ (Ga 2:13-25), dịp thứ hai với phép lạ hoá bánh ra nhiều (Ga 6:4) và dịp cuối cùng gắn với cái chết và sự Phục sinh (ví dụ Ga 12:1, 13:1) của Người; đây là lễ Vượt Qua trọng đại “của riêng Người”, làm nền tảng cho lễ mừng Phục sinh của người Kitô hữu – lễ Vượt Qua của người Kitô hữu. Các bản Phúc Âm Nhất Lãm chỉ nói đến một lễ Vượt Qua – lễ gắn với Thánh giá và Phục sinh; thật sự trong bản Tin Mừng theo Thánh Luca, con đường của Đức Giêsu được trình bày như một chuyến hành hương duy nhất đi từ Galilê lên tới Giêrusalem.

Trước tiên, đó là chuyến hành trình “đi lên” theo nghĩa địa lý: Biển hồ Galilê thấp hơn mực nước biển 210 mét, trong khi đó Giêrusalem cao hơn mực nước biển 763 mét. Mỗi tác giả của các bản Phúc Âm Nhất lãm đề cập ba lần tiên báo về cuộc Khổ nạn của Đức Giêsu như những bước trong cuộc hành trình đi lên này, những bước cũng ám chỉ sự thăng tiến nội tâm được hoàn thiện nơi nỗ lực tiến bước bên ngoài: tiến lên Đền thờ nơi Chúa chọn “cho Danh Người ngự” (Dnl 12:11, 14:23).

Điểm đến cuối cùng trong hành trình “tiến lên” của Đức Giêsu là cuộc tự hiến trên Thánh giá – một sự hy sinh thay thế cho các hy tế cũ; Thư gửi tín hữu Do Thái cho rằng cuộc hành trình này không đi đến một điện thờ do tay người phàm xây cất, nhưng đến Thiên quốc – nơi Thiên Chúa ngự trị (Dt 9:24). Nỗ lực leo dốc để có thể trình diện trước mặt Chúa phải băng qua Thánh giá – đó là cuộc leo dốc đầy cam go để vươn tới tình yêu thương “đến cùng” (Ga 13:1), nghĩa là chạm đến được núi thật sự của Thiên Chúa.

Mục tiêu trước mắt của chuyến hành hương dĩ nhiên là Giêrusalem, Thành Thánh với Đền thờ, và “lễ Vượt Qua của người Do Thái” như theo cách nói của Gioan tông đồ (Ga 2:13). Đức Giêsu đã khởi hành chỉ với nhóm Mười Hai, nhưng chẳng mấy chốc số người hành hương cùng gia nhập ngày càng gia tăng đông đảo. Matthêu và Marcô kể cho chúng ta nghe rằng đã có một đám dân đông đúc “lũ lượt đi theo Người” khi Đức Giêsu ra khỏi thành Giêrikhô (Mt 20:29; Mc 10:46).

Một sự kiện diễn ra vào giai đoạn cuối của chuyến đi gia tăng kỳ vọng của đám khách hành hương về Đấng phải đến, khiến họ chú tâm vào Đức Giêsu với một cái nhìn hoàn toàn mới mẻ. Một người hành khất mù tên là Batimê đang ngồi bên vệ đường; biết Đức Giêsu hiện diện trong số những khách hành hương, anh ta kêu lên không ngừng: “Lạy ông Giêsu, Con vua David, xin dủ lòng thương tôi!” (Mc 10:47). Người ta cố ngăn anh ta lại, nhưng vô ích, và cuối cùng Đức Giêsu cho gọi anh lại. Trước lời khẩn cầu của anh, “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được”, Đức Giêsu đáp, “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!”

Batimê nhìn thấy được, và “đi theo Người trên con đường Người đi” (Mc 10:48-52). Vì anh nhìn thấy được, nên anh trở thành người hành hương chung đường đến Giêrusalem. Chủ đề vua David và niềm hy vọng kèm theo về Đấng Messia nay lan rộng trong đám đông: Lẽ nào ông Giêsu mà họ đang đi cùng đó thật sự là vua David mới – Đấng mà họ đã luôn ngóng trông? Vì ngài đang đi vào Thành Thánh, chẳng phải đã đến thời ngài tái lập vương quyền David?

Những công việc chuẩn bị mà Đức Giêsu thực hiện cùng với các tông đồ càng gia tăng niềm hy vọng trên. Đức Giêsu từ làng Bếtphaghê và Bêtani tới núi Ôliu, nơi người ta cho rằng Đấng Messia sẽ ngự đến. Người sai hai môn đệ đi trước, dặn họ rằng họ sẽ thấy một con lừa con chưa ai cỡi, đang cột dây sẵn; họ sẽ phải tháo dây và mang nó về. Nếu có ai hỏi vì sao, thì nói: “Chúa cần đến nó” (Mc 11:3; Lc 19:31). Hai môn đệ tìm thấy con lừa. Như đã được tiên liệu, họ bị chất vấn tại sao lại làm thế, và họ trả lời như Đức Giêsu đã chỉ trước. Thế là họ được phép làm phận sự của mình. Đức Giêsu cưỡi con lừa được vay mượn vào thành, và chẳng bao lâu sau, Ngài sai giao trả con lừa về chủ cũ.

Đối với độc giả thời nay, chuyện này xem ra chẳng có gì đáng quan tâm, nhưng đối với người Do Thái thời đó – thời của chủ đề nước trời và những lời hứa – nó hàm chứa nhiều ẩn ý. Đức Giêsu khẳng định vương quyền khi đưa ra mệnh lệnh trưng dụng phương tiện đi lại, mà thời đó ai cũng biết chỉ vua chúa mới có quyền làm như vậy (x. Pesch, Markusevangelium II, tr. 180). Đáng chú ý hơn cả là những gợi ý từ Cựu Ước giúp hiểu sâu hơn toàn bộ sự kiện này.

Sáng thế 49:10-11 – Những lời chúc phúc của ông Giacóp – kể lại rằng Giuđa được hứa ban vương trượng, gậy chỉ huy, thứ sẽ không rời khỏi đầu gối Giuđa, “cho tới khi người làm chủ vương trượng đến, người mà muôn dân phải vâng phục.” Người này được miêu tả “buộc con lừa của mình vào gốc nho” (St 49:11). Như vậy, hình ảnh con lừa con bị buộc dây là dấu hiệu báo cho biết về Đấng sẽ đến, “người mà muôn dân phải vâng phục”.

Quan trọng hơn là Dacaria 9:9, đoạn mà Matthêu và Gioan trích dẫn nguyên văn để hiểu “Chúa nhật Lễ Lá”: “Hãy bảo thiếu nữ Si-on: Kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi, hiền hậu ngồi trên lưng lừa, lưng lừa con, là con của một con vật chở đồ” (Mt 21:5; Dc 9:9; Ga 12:15). Trong phần chú giải về mối phúc cho người hiền lành ở quyển Một, chúng ta đã xem xét ý nghĩa của những lời tiên tri này nhằm tìm hiểu về Đức Giêsu. Ngài là vị vua đơn sơ, vua của hoà bình, của người nghèo, bẻ gãy những vũ khí khiêu chiến. Ngài cai trị một vương quốc trải dài từ biển nọ đến biển kia. Vương quốc mới của Đức Giêsu bao gồm cả thế giới chính là vương quốc bình an, hiện diện nơi những cộng đoàn bẻ bánh chia sẻ cho nhau ở khắp nơi trong cùng sự hiệp thông với Đức Giêsu Kitô. Vào thời Cựu Ước, chẳng ai có thể hiểu rõ điều đó – điều được ẩn giấu trong thị kiến tiên tri. Đến lúc này, điều bí ẩn mới được giải mã, do được đặt trong sự hồi tưởng, được suy tư từ một khoảng cách xa cần thiết.

Tóm lại, Đức Giêsu thật sự đang đưa ra một khẳng định của bậc vương đế. Người muốn đường lối và hành động của mình phải được hiểu trong ngữ cảnh những lời hứa từ Cựu Ước – những lời đã thành hiện thực nơi chính Người. Cựu Ước nói về Người, và ngược lại, Người hành động và sống trong phạm vi của Lời Chúa, chứ không theo dự tính và mong muốn của mình. Lời khẳng định Người đưa ra cũng chỉ đặt nền trên lòng tuân phục sứ vụ mà Thiên Chúa Cha giao phó. Đường lối của Người hướng thẳng vào trọng tâm của lời Chúa. Đồng thời, qua trích đoạn Dacaria 9:9, kiểu chú giải về Nước Trời mang sắc thái của phái “Quá khích” (“Zealot”) cũng không còn chỗ đứng: Đức Giêsu không dựa vào vũ lực; người không xúi giục bạo loạn chống La Mã. Quyền lực của Người thuộc loại khác: Người xác định quyền lực đến từ sự khiêm hạ và bình an của Thiên Chúa là quyền lực duy nhất có sức mạnh cứu rỗi.

Chúng ta hãy quay lại đoạn trình thuật. Con lừa được mang đến cho Đức Giêsu, và một chuyện bất ngờ xảy ra: các môn đệ trải áo choàng của họ lên lưng lừa. Luca viết: “(Các ông) giúp Người cỡi lên” (Lc 19:35) trong khi Matthêu (21:7) và Marcô ( 11:7) chỉ nói đơn giản: “Người cỡi lên”.. Đây chính là cụm từ được dùng trong quyển thứ nhất sách Các Vua đoạn tường thuật vua cha David đặt Salomon lên ngai của mình. Vua David ra lệnh cho tư tế Xađốc, tiên tri Nathan và ông Bơnagiahu: “(Hãy) để Salomon con ta cỡi con la cái của ta, rồi đưa nó xuống Ghikhôn. Ở đấy tư tế Xađốc và tiên tri Nathan sẽ xức dầu tấn phong nó làm vua Israel” (1 V 1:33-34).

Việc trải áo choàng như thế là theo đúng truyền thống phong vương ở Israel (x. 2 V 9:13). Điều các môn đệ đã làm là cử chỉ tôn phong theo truyền thống phong vương thời vua David, và gợi lên niềm hy vọng về Đấng Messia phát xuất từ truyền thống thời vua David. Khách hành hương đến Giêrusalem với Đức Giêsu cũng vui lây từ thái độ hứng khởi của các môn đệ, nên họ trải áo choàng trên đường Đức Giêsu sắp sửa đi tới và bẻ cành lá để vẫy chào trong lời tung hô từ Thánh  vịnh 118 – những lời chúc tụng dùng trong nghi thức hành hương của Do Thái nay trở thành lời tung hô Đấng Messia: “Hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua David, tổ phụ chúng ta. Hoan hô trên các tầng trời!” (Mc 11:9-10; Tv 118:26).

Cả bốn vị thánh sử đều nhắc đến lời ca tụng đó, dù với chút khác biệt trong chi tiết mà ta không cần phân tích sâu làm gì, dẫu đấy là đối tượng quan trọng của khoa “phê bình truyền thống” và mang khuynh hướng tư tưởng thần học của cá nhân bốn vị. Chúng ta chỉ cố gắng tìm hiểu những điểm thiết yếu, giải thích trong ánh sáng của niềm tin Phục sinh của Hội Thánh, vì phụng vụ Kitô giáo đã sử dụng lời chào mừng ấy.

Đầu tiên là lời chào mừng “Hosanna!” Ban đầu nó là lời khẩn cầu, có nghĩa “Xin cứu giúp!” Vào ngày thứ bảy của Lễ Lều, các tư tế đi bảy vòng quanh bàn tế lễ, lặp đi lặp lại đều đều từ đó, để cầu mưa. Khi Lễ Lều dần dần biến chuyển từ lễ khẩn cầu sang lễ ca ngợi, tiếng kêu cầu cũng từ từ hoá thành tiếng reo vui (Lohse, TDNT IX, tr. 682).

Vào thời Đức Giêsu, từ này đã mang những hàm ý gợi về Đấng Messia. Lời reo mừng Hosanna thể hiện những cung bậc cảm xúc phức tạp của các môn đệ và khách hành hương đi cùng Đức Giêsu: vừa là lời ca ngợi Chúa vào giây phút bước đến lối vào, vừa là niềm hy vọng giờ của Đấng Messia đã đến, vừa là lời nguyện xin vương triều David, nghĩa là sự cai trị của Thiên Chúa ở Israel, được tái lập.

Như đã nói ở trên, đoạn này có gốc từ Thánh vịnh 118: “Nguyện xin Chúa tuôn đổ phúc lành cho người tiến vào đây nhân danh Chúa” – ban đầu nằm trong nghi thức hành hương của Do Thái dùng để chào đón khách hành hương khi họ bước vào thành hay vào Đền thờ. Câu kế thể hiện rõ hơn: “Từ nhà Chúa, chúng tôi chúc lành cho anh em.” Các tư tế xướng lời chúc mừng khách hành hương khi họ đến nơi. Thế nhưng trong tình huống của Đức Giêsu, cụm từ “người tiến vào đây nhân danh Chúa” mang ý nghĩa ám chỉ Đấng Messia. Cụm từ đó đã xác định tước hiệu của người mà Chúa hứa từ xưa. Từ tiếng chào mừng khách hành hương, từ “Hosanna” đã thành tiếng hoan hô Đức Giêsu như người đến nhân danh Chúa, người mà những lời hứa nhắm tới, người được mong chờ đã lâu.

Chỉ bản văn của Thánh Marcô nhắc đến ý nghĩa gắn với truyền thống thời vua David, và sự lưu ý đó của Thánh Marcô thể hiện chính xác những mong đợi thật sự của các khách hành hương lúc ấy. Trái lại, vì viết cho đối tượng Kitô hữu gốc dân ngoại, Thánh Luca lược bỏ từ Hosanna và ý nghĩa liên quan đến vua David. Thay vào đó, ông đưa vào lời cảm thán tương tự như trong lễ Giáng Sinh: “Bình an trên cõi trời cao, vinh quang trên các tầng trời!” (Lc 19:38; 2:14). Cả bốn sách Phúc Âm đều xác định cảnh tôn vinh Đức Giêsu như Đấng Messia diễn ra khi Người tiến vào thành và những người tham gia tôn vinh không phải là cư dân Giêrusalem mà là đám đông đã theo Đức Giêsu và vào Thành Thánh cùng Người.

Trình thuật của Thánh Matthêu nêu điểm trên rõ nhất thông qua đoạn theo sau lời ca tụng Hosanna dành cho Đức Giêsu, Con vua David: “Khi Đức Giêsu vào Giêrusalem, cả thành náo động, và thiên hạ hỏi nhau: “Ông này là ai vậy?” Dân chúng trả lời: “Tiên tri Giêsu, người Nazareth, xứ Galilê đấy” (Mt 21:10-11). Chúng ta dễ nhận ra sự tương đồng với câu chuyện các nhà thông thái từ phương Đông. Người trong thành khi ấy “xôn xao” vì không biết gì về Đức Vua mới sinh của dân Do Thái (Mt 2:3). Bây giờ người trong thành cũng “náo động”: Matthêu dùng từ “náo động” [eseísthẽ(seíõ)] – từ mô tả sự chấn động do một trận động đất gây ra.

Người ta đã nghe danh một tiên tri đến từ Nazareth, nhưng Giêrusalem dường như không hề quan tâm, và người sống ở Giêrusalem không biết vị này. Đám đông tỏ lòng tôn kính Đức Giêsu tại cổng thành không phải là đám đông sau đó đòi đóng đinh Người. Trong đoạn tường thuật hai lần về việc dân thành không nhận biết Đức Giêsu, qua tâm trạng pha lẫn giữa lòng dửng dưng và thái độ dè chừng của họ, chúng ta có thể thoáng thấy bóng dáng bi kịch tương lai của thành mà Đức Giêsu vài lần nhắc tới, đặc biệt với giọng cay đắng xót xa trong diễn từ cánh chung.

Trình thuật theo Thánh Matthêu còn đưa ra một đoạn quan trọng nữa về sự đón tiếp dành cho Đức Giêsu trong Thành Thánh. Sau sự kiện thanh tẩy Đền thờ, trẻ em trong Đền thờ lặp lại lời tôn vinh: “Hoan hô con vua David!” (Mt 21:15). Trước giọng phê phán khó chịu của các thượng tế và kinh sư, Đức Giêsu bênh vực thái độ vui mừng reo hò của các em bằng cách trích dẫn Thánh vịnh 8: “Ngài cho miệng con thơ trẻ nhỏ cất tiếng ngợi khen”. Chúng ta sẽ trở lại cảnh này trong phần thảo luận về việc thanh tẩy Đền thờ. Bây giờ chúng ta chỉ tìm hiểu xem Đức Giêsu muốn nói gì khi viện đến Thánh vịnh 8, từ đó Người muốn mở ra một viễn cảnh rộng hơn về lịch sử cứu độ.

Chúng ta thấy rõ hơn ngụ ý của Người khi nhớ lại câu chuyện mà ba Thánh sử Nhất lãm đều kể lại về những đứa trẻ được đưa đến với Đức Giêsu “để Người đặt tay trên chúng” (Mc 10:13). Mặc cho các môn đệ ngăn cản chúng vì muốn bảo vệ Đức Giêsu khỏi sự phiền nhiễu này, Đức Giêsu vẫn gọi các em lại và đặt tay chúc lành cho chúng. Người giải thích như sau: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng. Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì chẳng được vào” (Mc 10:13-16). Trẻ em được Đức Giêsu lấy làm gương sống đơn sơ bé nhỏ trước mặt Chúa vì đấy là điều kiện để qua được “lỗ kim” (hình ảnh Người dùng trong câu chuyện ngay sau đó về người thanh niên giàu có) mà vào Nước Chúa.

Trong chương trước đó (chương 9) Đức Giêsu phản ứng trước cuộc tranh cãi của các môn đệ về cấp bậc địa vị bằng cách đặt một em nhỏ vào giữa các ông, rồi ôm lấy đứa trẻ và nói: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy” (Mc 9:33-37). Đức Giêsu đồng hoá mình với đứa trẻ – chính Người đã trở nên bé nhỏ khiêm hạ. Là Con Thiên Chúa, nhưng Người chẳng tự ý làm gì, mà luôn hành động theo ý Cha và vì Cha.

Từ đây chúng ta có thể hiểu đoạn sau đó về “những kẻ bé mọn”. Đức Giêsu không nói đến trẻ em nữa, mà nói về “những kẻ bé mọn” – chỉ những người tin, cộng đoàn các môn đệ của Đức Giêsu Kitô (Mc 9:42). Trong đức tin, họ tìm thấy sự hèn mọn đích thực dẫn nhân loại đến với sự thật về mình.

Từ điễm này, chúng ta xét lại tiếng reo mừng Hosanna của trẻ em: trong ánh sáng soi dẫn của Thánh vịnh 8, tiếng ngợi ca của những trẻ em này dường như là dấu hiệu tiên báo rằng “những kẻ bé mọn” của Đức Giêsu sẽ đồng thanh ca ngợi Người trong tương lai mãi sau này.

Giáo hội sơ khai có lý khi xem cảnh này như điều đáng đưa vào nghi thức Phụng vụ. Ngay cả trong bản phụng vụ hậu Phục sinh cổ xưa nhất mà chúng ta có: tài liệu Huấn giáo của Mười hai Tông đồ – Didachẽ (khoảng năm 100 sau CN), lời ca tụng Hosanna đã có mặt, cùng với lời khẩn cầu Maranatha, trước khi chia sẻ bánh rượu thánh: “Ân sủng sẽ đến và thế gian sẽ qua đi. Hoan hô Thiên Chúa nhà David! Ai thánh thiện, xin hãy bước tới; ai chưa xứng đáng, hãy sám hối. Ma-ra-na-tha (Lạy Chúa, xin hãy đến). Amen” (10:6).

Lời chúc tụng Bênêđictôus cũng đã được đưa vào phụng vụ từ rất sớm. Đối với Giáo hội sơ khai, “Chúa nhật Lễ Lá” không phải là biến cố đã lui vào dĩ vãng. Vào ngày đó, Đức Chúa đã vào Thành Thánh trên lưng lừa, thì Giáo hội non trẻ cũng nhìn thấy Người lại đến hết lần này đến lần khác vô cùng khiêm tốn dưới hình bánh và rượu.

Giáo hội hôm nay chào mừng Đức Chúa trong Bí tích Thánh Thể như Đấng hiện đang đến, Đấng vẫn đang bước vào giữa cộng đồng Giáo hội. Đồng thời, Giáo hội cũng chào đón Người như Đấng sẽ còn tiếp tục đến, Người dẫn đưa chúng ta hướng đến ngày quang lâm của Người. Như khách hành hương, chúng ta tiến lên để tiếp cận Người. Lại cũng như khách hành hương, Người đến với chúng ta và mang chúng ta “lên cao” cùng Người trên Thánh giá và qua Phục sinh, để vươn lên chạm đến thành Giêrusalem vĩnh cửu – Thành Thánh cũng đang lớn mạnh ngay giữa thế giới này rồi nhờ vào tình hiệp thông nối kết chúng ta với nhiệm thể Người.

 

 

2.    THANH TẨY ĐỀN THỜ

Thánh Marcô kể cho chúng ta rằng sau cuộc đón tiếp, Đức Giêsu vào Đền thờ, nhìn thấy đầy đủ thực trạng ở đấy, và vì trời đã tối, Người quay trở lại Bêtani, nơi Người trú ngụ suốt tuần lễ đó. Ngay hôm sau, Người lại vào Đền thờ, và bắt đầu đuổi những kẻ mua bán: “Người lật bàn của những người đổi bạc, và xô ghế của những kẻ bán bồ câu” (Mc 11:15).

Đức Giêsu biện minh cho hành động của Người bằng cách trích dẫn câu nói của tiên tri Isaia kết hợp với một câu của tiên tri Giêrêmia: “’Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện dành cho mọi dân tộc[.]’ Thế mà các người lại biến thành sào huyệt của bọn cướp” (Mc 11:17; x. Is 56:7; Gr 7:4). Đức Giêsu đã làm gì? Người muốn nói điều gì?

Chúng ta cần xem qua ba hướng giải thích chính trong các tài liệu chú giải Kinh Thánh.

Đầu tiên, có luận điểm cho rằng vụ việc là một cuộc tấn công nhắm vào việc lợi dụng Đền thờ cách bất chính, chứ không nhắm vào chính Đền thờ. Suy cho cùng, chính giới thẩm quyền Do Thái đã cho phép đám con buôn vào đây, và họ hưởng mối lợi khổng lồ từ hoạt động buôn bán của đám này. Như thế những tay đổi tiền và buôn thú được xem như kiếm sống hợp pháp theo lề luật hiện hành; thật ra, chuyện đổi những đồng La Mã đang lưu hành rộng rãi (vì đồng tiền mang hình Hoàng đế La Mã nên bị xem là có tính sùng bái ngẫu tượng) sang tiền dùng trong Đền Thờ cũng như chuyện bán thú vật để làm lễ hiến tế nghe có vẻ hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên kiểu trộn lẫn giữa Đền thờ và công việc kinh doanh không hề phù hợp với mục đích ban đầu được dự tính cho phần Sân Dân ngoại này theo như sơ đồ tổng thể của Đền thờ.

Khi hành động như thế, Đức Giêsu tấn công vào thói tục đang tồn tại do giới quý tộc Đền thờ bày ra. Người không vi phạm Lề Luật và các Tiên tri , mà ngược lại, Người áp dụng Luật thánh của Israel – luật đích thực, trái ngược với thứ “lệ” đã mục ruỗng bên trong rồi lại biến thành “luật”. Chỉ điều này mới có thể lý giải vì sao lính cảnh vệ của Đền thờ cũng như cả đội quân La Mã đóng tại đồn Antonia đã không can thiệp. Những người có thẩm quyền trong Đền thờ chỉ đến hỏi Đức Giêsu rằng Người lấy quyền gì mà hành động như vậy.

Điều này củng cố luận điểm mà Vittoria Messori nói riêng đã phân tích đầy đủ, chi tiết. Theo luận điểm này, Đức Giêsu đã hành động phù hợp với Lề Luật và phản đối tệ nạn lợi dụng Đền thờ. Nếu chúng ta chỉ kết luận rằng Đức Giêsu “xuất hiện đơn thuần như một nhà cải tổ đứng ra bảo vệ luật thanh sạch của Do Thái” (theo lời của Eduard Schweizer, được trích dẫn trong Pesch, Markusevangelium II, tr. 200), chúng ta sẽ không đánh giá đúng được ý nghĩa của sự kiện. Những Lời của Đức Giêsu cho thấy sự đòi hỏi của Người có ý nghĩa sâu xa hơn, vì khi hành động như thế là Người đang thực hiện trọn vẹn Lề Luật và theo các Tiên tri.

Bây giờ chúng ta sang cách chú giải thứ hai trái ngược hẳn – lối giải thích mang màu sắc chính trị cách mạng. Ngay từ thời Khai sáng, người ta đã cố khắc hoạ Đức Giêsu như một người khuấy động  chính trị. Thế nhưng bộ sách hai tập Iesous basileus ou basileusas (Heidelberg, 1929/1930) của tác giả Robert Eisler là tác phẩm đầu tiên có sự lập luận nhất quán dựa vào Tân Ước, cho rằng “Đức Giêsu là một nhà cách mạng chính trị mang dấu ấn Khải huyền. Ngài đã tìm cách gây một cuộc khởi loạn tại Giêrusalem, bị bắt và bị quân La Mã hành hình” (theo Hegel, Was Jesus a Revolutionist?, tr. 4). Cuốn sách đã gây xôn xao dư luận, nhưng không để lại dư âm lâu dài, do hoàn cảnh bất ổn ở những năm 30.

Mãi cho đến thập niên 60 của thế kỷ 19 quan điểm trên mới nhận được tiếng vang trong một bầu không khí chính trị và tri thức phù hợp của thời đại đó. Trong quyển Jesus and the Zealots (New York, 1967), Samuel George Frederick Brandon dường như đã chú giải một cách hợp lý trên phương diện học thuật về Đức Giêsu như một nhà cách mạng chính trị. Ông đặt Đức Giêsu đồng hàng với những người theo phong trào Nhiệt thành – một phong trào có nền tảng Kinh Thánh dựa trên tư tế Pinkhat, cháu nội của Aaron. Pinkhat phóng ngọn giáo xuyên qua một người Do Thái đã dám liên hệ mật thiết với một phụ nữ thờ ngẫu tượng. Ông được xem như mẫu gương cho những người “nhiệt tâm” với Lề Luật, tha thiết thờ phượng chỉ một Thiên Chúa mà thôi (x. Ds 25).

Phong trào Nhiệt thành lại có nguồn gốc lịch sử từ người tiên phong là ông Mattathias, cha của các anh em nhà Macabê. Trong những lời sau đây, ông diễn tả sự phản đối trước nỗ lực đồng hoá người Do Thái hoàn toàn vào nền văn hoá Hy Lạp, đồng nghĩa với tước đoạt bản sắc tôn giáo của Israel: “Chúng tôi sẽ không tuân theo lệnh vua mà bỏ việc thờ phượng của chúng tôi để xiêu bên phải, vẹo bên trái” (1 Mcb 2:22). Lời tuyên bố này đưa tới một cuộc khởi nghĩa chống lại chế độ độc tài Hy Lạp. Mattathias không nói suông: ông giết một người Do Thái tuân theo chính quyền Hy Lạp mà công khai tế thần. “Trước cảnh tượng đó, ông Mattathias bừng lửa nhiệt thành…ông nhào tới hạ sát hắn… Ông bừng lửa nhiệt thành đối với Lề Luật” (1 Mcb 2:24-26). Từ giây phút đó, khẩu hiệu “nhiệt thành” (zẽlos trong tiếng Hy Lạp) trở thành ngạn ngữ diễn tả sự sẵn sàng đứng lên bảo vệ đức tin, lề luật và tự do của Israel bằng con đường bạo lực.

Theo luận đề của Eisler và Brandon, một đề tài gây ra làn sóng thần học chính trị và thần học cách mạng vào thập niên 60, thì Đức Giêsu thuộc về kiểu “zẽlos” nói trên của nhóm Nhiệt thành. Đề tài này lấy việc thanh tẩy Đền thờ làm chứng cứ chủ chốt, vì đó rõ ràng là một hành vi dùng vũ lực, không dùng bạo lực thì không thể hoàn thành, dù các Thánh sử đã cố gắng làm giảm nhẹ tình tiết này. Ngoài ra, theo luận đề này, sự kiện người ta gọi Đức Giêsu là Con vua David và Đấng báo hiệu vương triều David được hiểu như một kiểu tuyên xưng mang tính chính trị, và việc người La Mã đóng đinh Đức Giêsu dưới bản án là “Vua dân Do Thái” được xem là bằng chứng quyết định cho thấy Người là một nhà cách mạng – một người Nhiệt thành (Zealot) – và đấy cũng là lý do khiến Người bị hành hình như thế.

Từ đó về sau, phong trào thần học cách mạng cố biện minh cho bạo lực như phương tiện xây dựng đời sống tốt đẹp hơn – gầy dựng “Nước Trời” – bằng cách lý giải Đức Giêsu như một người “Nhiệt thành”, dần dần tàn lụi. Tất cả chúng ta đều thấy những hậu quả nặng nề của thứ bạo lực nhân danh tôn giáo. Vũ lực không thể tạo dựng Nước Trời, vương quốc nhân ái. Trái lại, nó là công cụ ưa thích của tên Phản Kitô, cho dù động cơ tôn giáo của nó nghe có vẻ lý tưởng lắm. Bạo lực không phục vụ cho lòng nhân đạo, mà cho tính vô nhân đạo.

Còn về Đức Giêsu thì sao? Người có phải là một người Nhiệt thành không? Hành động thanh tẩy Đền thờ là tín hiệu triệu tập cho một cuộc cách mạng chăng? Như chúng ta đã thấy trong quyển Đức Giêsu Thành Nazareth, Phần Một, toàn bộ sứ vụ và thông điệp của Đức Giêsu – từ những cơn cám dỗ trong sa mạc, phép Rửa tại sông Jordan, Bài giảng trên Núi, tới dụ ngôn về ngày Phán xét Cuối cùng (Mt 25) và câu trả lời của Người trước lời tuyên xưng của ông Phêrô – đều chỉ về một hướng hoàn toàn trái ngược với quan điểm vừa phân tích ở trên.

Đường lối của Đức Giêsu không phải là bạo động, giết người nhân danh Chúa. Sự “nhiệt thành” của Người vì Nước Trời mang một dạng thức hoàn toàn khác. Chúng ta không biết chính xác các khách hành hương nghĩ gì khi họ nói tới “vương quốc của David cha chúng ta đang đến” khi họ “phong vương” Đức Giêsu. Thế nhưng Đức Giêsu đã bày tỏ rất rõ những gì chính Người nghĩ và dự định qua những hành vi và qua những lời tiên tri làm nền cho những hành động của Người.

Vào thời vua David, con lừa biểu trưng cho quyền của vua; vì thế, dựa trên truyền thống này, tiên tri Dacaria miêu tả vị vua mới như một ông vua của hoà bình vào Thành Thánh trên lưng lừa. Thế nhưng ngay cả vào thời tiên tri Dacaria, và còn hơn thế vào thời của Đức Giêsu, con ngựa đã là dấu hiệu quyền lực của người quyền thế, trong khi đó, con lừa lại trở thành con vật của người nghèo, và như thế, nó được dùng để diễn tả một hình ảnh hoàn toàn khác về vương quyền.

Tiên tri Dacaria loan báo một vương quốc mở rộng “từ biển nọ đến biển kia”, như thế ông vượt ra ngoài giới hạn quốc gia và hướng đến tính phổ quát mới mẻ, trong đó thế giới tìm thấy bình an của Thiên Chúa và liên kết lại với nhau để thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất, vượt qua mọi biên cương, ranh giới. Các vũ khí gây chiến bị phá huỷ trong vương quốc mà ông nói đến. Thị kiến bí ẩn mà ông nhìn thấy trong lúc suy tư, nhưng không thể xác định rõ nét, về một Đấng đến từ đàng xa – thị kiến ấy dần trở nên dễ hiểu hơn qua dòng diễn tiến trong sứ vụ của Đức Giêsu. Dù vậy, chỉ sau mầu nhiệm Phục sinh, khi Phúc Âm được loan báo cho Dân ngoại, thì thị kiến đó mới được xác định rõ nét. Tuy nhiên, ngay vào lúc Đức Giêsu vào thành Giêrusalem, mối liên hệ với lời tiên báo của tiên tri Dacaria – dựa vào đó Đức Giêsu biện giải hành động của mình – đã định hướng hành vi đó theo chiều hoàn toàn đối nghịch với lối giải thích “Nhiệt thành” (“Zealot”).

Nơi lời tiên tri của tiên tri Dacaria, Đức Giêsu không chỉ tìm thấy hình ảnh vị vua hoà bình đến trên lưng lừa, mà còn hình ảnh người mục tử bị sát hại, nhờ cái chết của mình lại cứu nhiều người khác, cũng như hình ảnh Đấng bị đâm thâu với bao nhiêu đôi mắt trông lên Ngài. Một khung tham chiếu nữa trong đó Đức Giêsu định vị sứ vụ của Người là hình ảnh người Tôi tớ Đau khổ hy sinh mạng sống cho muôn người để đem lại ơn cứu độ (x. Is 52:13 – 53:12). Lời tiên tri này là chìa khoá Đức Giêsu dùng để mở cánh cổng Cựu Ước. Sau Phục sinh, chính Người sẽ trở thành chìa khoá để đọc hiểu Lề Luật và các Tiên tri theo cách tiếp cận mới.

Bây giờ chúng ta xem xét chính lời giải thích của Đức Giêsu về hành động thanh tẩy đền thờ. Chúng ta bắt đầu với bản văn trình thuật của Thánh Marcô, cũng tương tự như của Thánh Matthêu và Luca, trừ một hai chi tiết khác biệt không đáng kể. Sau vụ việc thanh tẩy Đền thờ, Thánh Marcô nói rằng: “Người [Đức Giêsu] giảng dạy”. Nội dung của lời “giảng dạy” được diễn tả súc tích như sau: “Nào đã chẳng có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc sao? Thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!” (Mc 11:17). Như chúng ta đã thấy trước đó, hai lời tiên tri khác nhau được kết hợp trong lời “giảng dạy” tổng hợp của Đức Giêsu về Đền thờ.

Lời đầu tiên là là thị kiến mang tính phổ quát của Tiên tri Isaia (Is 56:7) về một viễn tượng trong đó tất cả mọi dân tộc đoàn tụ trong Nhà Chúa để thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất. Trong sơ đồ bố trí của Đền thờ, sân Dân ngoại rộng mênh mông, nơi diễn ra vụ việc, là khoảng không gian mà toàn thế giới được mời gọi đến để cầu nguyện hướng tới một Thiên Chúa duy nhất. Hành động của Đức Giêsu nhấn mạnh đến sự khai mở sâu xa cho mọi niềm hy vọng này, nhờ đó đức tin của Israel thêm sống động. Dù Đức Giêsu cố ý giới hạn sứ vụ của mình ở đất nước Israel, Người cũng vẫn ấp ủ ý hướng phổ quát: khai mở Israel cho mọi người có thể nhận biết Thiên Chúa của Israel là Thiên Chúa duy nhất của mọi dân tộc. Để trả lời câu hỏi Đức Giêsu thật sự mang gì đến cho nhân loại, trong Phần Một của cuốn sách Đức Giêsu Thành Nazareth, chúng ta đã lập luận rằng Người mang Thiên Chúa đến cho các dân tộc. Theo như chính Người tuyên bố, ẩn sau hành động thanh tẩy Đền thờ là ý định cơ bản này: loại bỏ bất kỳ cản trở nào gây tác hại đến việc nhận biết và thờ phượng Thiên Chúa -  và từ đó mở ra một không gian thờ phượng chung cho mọi người.

Chúng ta cũng có thể rút ra kết luận tương tự từ một phân cảnh ngắn ngủi mà Thánh Gioan diễn tả liên quan đến “Chủ nhật Lễ Lá”. Dĩ nhiên chúng ta cần nhớ rằng trong bản trình thuật của Thánh Gioan, việc thanh tẩy Đền thờ diễn ra trong lễ Vượt Qua thứ nhất của Đức Giêsu, vào đầu sứ vụ của Người. Trái lại, như chúng ta đã thấy, các bản Phúc Âm Nhất Lãm chỉ nói tới một lễ Vượt Qua, vì thế, việc thanh tẩy Đền thờ tất yếu phải diễn ra vào những ngày cuối cùng trong sứ vụ của Đức Giêsu. Trong khi các nhà chú giải mãi tới gần đây vẫn cho rằng thời biểu của Thánh Gioan “mang tính thần học” chứ không chính xác về lịch sử, bây giờ xuất hiện những lý do thuyết phục chúng ta nhìn nhận bản của Thánh Gioan cũng đúng về mặt thời gian – ở đây, cũng như ở phần khác, Thánh Gioan chứng tỏ ngài cũng biết rõ các thời điểm, nơi chốn, và diễn tiến của các sự kiện, dù đúng là bản văn của ngài mang đậm chất thần học sâu sắc. Tuy nhiên, chúng ta không cần đào sâu vào cuộc thảo luận suy cho cùng cũng chỉ là phụ thuộc này, mà đơn giản chỉ cần xem xét một phân cảnh nhỏ, dù nó không khớp về thời gian với vụ việc thanh tẩy, nhưng cũng làm rõ thêm ý nghĩa của hành động thanh tẩy Đền thờ.

Vị Tông đồ Thánh sử kể rằng trong các khách hành hương có một số người Hy Lạp “lên Giêrusalem để thờ phượng Thiên Chúa” (Ga 12:20). Những người Hy Lạp này đến gặp “ông Philipphê, người Bethsaiđa, miền Galilê” với lời thỉnh cầu: “Thưa ông, chúng tôi muốn được gặp ông Giêsu” (Ga 12:21). Họ thấy nơi người đàn ông mang cái tên Hy Lạp tại vùng Galilê bán ngoại giáo một cầu nối trung gian dẫn đưa họ đến với Đức Giêsu. Chúng ta có thể thấy được sự tương ứng giữa yêu cầu của người Hy Lạp: “Thưa ông, chúng tôi muốn được gặp ông Giêsu” với thị kiến về một người miền Makêđônia nói với Thánh Phaolô: “Xin ông sang Makêđônia giúp chúng tôi” (Cv 16:9). Theo Phúc Âm, Thánh Gioan tiếp tục kể rằng Philipphê bàn thảo với Anrê, rồi cả hai đến thưa với Đức Giêsu. Người trả lời rất khó hiểu – như kiểu thường thấy trong Phúc Âm Gioan: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh! Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12:22-23). Đức Giêsu trả lời cho yêu cầu của nhóm người Hy Lạp xin gặp Người bằng một lời tiên tri về cuộc Khổ nạn, trong đó Người nói về cái chết như “một sự tôn vinh” – tôn vinh được biểu lộ qua kết quả dồi dào mỹ mãn. Điều đó có nghĩa gì?

Cuộc gặp gỡ bề ngoài ngắn ngủi giữa Đức Giêsu và những người Hy Lạp không mấy quan trọng, mà trọng tâm chính là một cuộc gặp gỡ khác, sâu xa hơn nhiều. Những người Hy Lạp sẽ thật sự “gặp” Đức Giêsu khi Người đến với họ qua Thánh giá. Người đến như hạt lúa mì tan rã, và giữa họ, Người sẽ sinh hoa trái. Họ sẽ nhìn thấy “vinh quang” của Người: nơi Đức Giêsu chịu đóng đinh, họ sẽ tìm thấy Thiên Chúa thật – Đấng mà họ đã ra sức tìm hiểu trong những thần thoại và triết lý của họ. Tính phổ quát trong lời tiên tri của Tiên tri Isaia (Is 56:7) được tỏ hiện trong ánh sáng của Thánh giá: từ Thánh giá, Thiên Chúa duy nhất hiển hiện trước mọi dân tộc; nơi Người Con họ sẽ nhận biết Thiên Chúa Cha, Đấng đã mặc khải chính Ngài trong bụi gai cháy sáng.

Chúng ta hãy quay trở lại với sự việc thanh tẩy Đền Thờ. Ở đây lời hứa mang tính phổ quát của Isaia kết hợp với lời tiên tri từ sách Giêrêmia: “Phải chăng các ngươi coi nhà này là hang trộm cướp sao?” (Gr 7:11). Chúng ta sẽ trở lại cuộc tranh đấu của Tiên tri Giêrêmia liên quan tới Đền thờ trong phần chú giải của chúng ta về diễn từ cánh chung của Đức Giêsu, nhưng ngay đây chúng ta hãy đề cập tới lý lẽ quan trọng này. Giêrêmia nồng nhiệt ủng hộ tính thống nhất giữa thờ phượng và đời sống đặt trên nền tảng sự công chính của Thiên Chúa. Ông chống lại ý đồ chính trị hoá đức tin – trong đó xem việc Thiên Chúa bảo vệ Đền Thờ là đương nhiên nhằm duy trì việc tế tự. Thế nhưng Thiên Chúa chẳng bảo vệ một Đền thờ đã bị biến thành “hang trộm cướp”.

Đức Giêsu nhìn thấy tình trạng thời Giêrêmia được tái hiện nơi chuyện kết hợp giữa thờ phượng và mua bán mà Người lên án. Theo hướng này, lời nói và hành động của Người trở thành lời cảnh báo, đi kèm với cách Người ám chỉ về nguy cơ Đền thờ bị phá huỷ, có thể khiến người ta liên tưởng đến Giêrêmia. Nhưng không phải Đức Giêsu hay Tiên tri Giêrêmia phải chịu trách nhiệm về sự tàn phá Đền thờ. Cả hai người, với lòng nhiệt tâm, cho thấy ai và thứ gì huỷ diệt Đền thờ.

Hành động thanh tẩy Đền thờ càng được chú giải rõ ràng hơn theo hướng này với một câu nói của Đức Giêsu mà chỉ một mình Thánh Gioan trích ra ngay trong chính ngữ cảnh của vụ việc, còn Matthêu và Marcô thuật lại cũng lời đó nhưng do tên nguỵ nhân chứng trong vụ xử án Đức Giêsu đưa ra, nên bị bóp méo ít nhiều trên môi miệng của hắn. Không nghi ngờ gì nữa, Đức Giêsu đã nói như thế, và câu nói thuộc về ngữ cảnh của việc thanh tẩy Đền thờ.

Trong Phúc Âm theo Thánh Marcô, tên nguỵ nhân chứng buộc Đức Giêsu cái tội đã dám nói thế này: “Tôi sẽ phá Đền thờ này do tay người phàm xây dựng, và nội ba ngày, tôi sẽ xây một Đền thờ khác, không phải do tay người phàm!” (Mc 14:58). Tên “nhân chứng” hẳn cũng lặp lại gần đúng câu chữ trong lời Đức Giêsu đã nói, nhưng hắn đã lầm ở một điểm quan trọng: Đức Giêsu không phá huỷ Đền thờ, mà đó là chính những kẻ biến Đền thờ thành hang trộm cướp và bỏ mặc Đền thờ bị cướp phá, như thời của Tiên tri Giêrêmia.

Phúc Âm theo Thánh Gioan tường thuật chính xác lời nói thật sự của Đức Giêsu: “Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại” (Ga 2:19). Khi các viên chức Do Thái đòi dấu lạ chứng tỏ Người lấy quyền nào mà làm như thế, Đức Giêsu đã trả lời như vậy. “Dấu lạ” của Người là Thánh giá và Phục sinh. Thánh giá và Phục sinh trao cho Người thẩm quyền của một Đấng mở ra nền phượng tự đích thực. Đức Giêsu minh chứng cho bản thân qua cuộc Khổ nạn – cuộc Khổ nạn là dấu lạ Giô-na Người tỏ ra cho Israel và cho thế giới.

Thế nhưng câu nói ấy có một ý nghĩa còn sâu xa hơn nữa. Thánh Gioan có lý: chỉ sau sự kiện Phục sinh, các môn đệ mới hiểu được đầy đủ về lời ấy trong ký ức của họ – trong ký ức chung của cộng đồng các môn đệ, nghĩa là Hội Thánh, được Chúa Thánh Thần khai sáng.

Thái độ chối bỏ và hành vi giết Đức Giêsu trên thập giá đồng thời cũng đặt dấu chấm hết cho Đền thờ. Thời của Đền thờ đã qua rồi. Một nền phượng tự mới được đưa vào một đền thờ không do bàn tay con người xây cất. Đền thờ này là thân thể Đấng Phục sinh – Đấng tập hợp các dân tộc và nối kết mọi người trong bí tích Mình Máu Thánh Người. Chính Người là Đền thờ mới của nhân loại. Việc đóng đinh Đức Giêsu đồng thời là sự phá huỷ Đền thờ cũ. Với mầu nhiệm Phục sinh, một đường lối mới thờ phượng Thiên Chúa khởi sự, không ở núi này hay núi nọ, mà “trong thần khí và sự thật” (Ga 4:23).

Vậy chúng ta có thể nói gì về lòng nhiệt thành – “zẽlos” của Đức Giêsu? Thánh Gioan đưa ra một câu hữu ích, trong ngữ cảnh của vụ việc thanh tẩy Đền Thờ, trả lời cho câu hỏi này một cách chính xác và thấu đáo. Thánh Gioan kể rằng các môn đệ nhớ lời đã chép trong “Thánh Vịnh Khổ nạn” 69: “Vì nhiệt tâm lo việc Nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân” (Ga 2:17). Vì sống theo Lời Chúa, tác giả thánh vịnh bị cách ly; sự ruồng bỏ đó là nguồn cơn đau khổ đè nặng thêm do kẻ thù tư bề. “Lạy Chúa Trời, xin cứu vớt con, vì nước đã dâng lên tới cổ…. Âu cũng vì Ngài, mà con bị người đời thoá mạ, chịu nhuốc nhơ phủ lấp mặt mày…. Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà con phải thiệt thân” (Tv 69:1, 7, 9).

Khi nhớ lại, các môn đệ nhận ra Đức Giêsu nơi người công chính đau khổ nói trên: lòng nhiệt tâm đối với Nhà Chúa đưa dẫn Đức Giêsu đến Khổ nạn và Thánh giá. Đức Giêsu đã biến đổi tận căn đề tài Nhiệt thành – zẽlos. Người chuyển đổi sự “nhiệt tình” phục vụ Chúa qua phương tiện vũ lực sang sự nhiệt thành của Thánh giá. Như vậy, Người thiết lập tiêu chuẩn cho lòng nhiệt thành đích thực – lòng nhiệt tâm của tình yêu hy sinh. Lòng nhiệt thành như thế phải trở thành mục tiêu của người Kitô hữu. Lòng nhiệt tâm đó là câu trả lời xác đáng, có cơ sở cho câu hỏi về mối liên hệ của Đức Giêsu với phong trào Nhiệt thành.

Cách chú giải này còn được xác nhận thêm nữa qua hai tình tiết vào cuối đoạn trình thuật của Thánh Matthêu về việc thanh tẩy Đền thờ.

“Có những kẻ mù loà, què quặt đến với Người trong Đền thờ, và Người đã chữa lành họ” (Mt 21:14). Trái ngược với những thương vụ buôn bán thú vật và đổi tiền, Đức Giêsu mang đến sự chữa lành tốt đẹp. Đây mới là sự thanh tẩy Đền thờ thật sự. Người không đến như một kẻ huỷ diệt. Người chẳng mang theo vũ khí của người làm cách mạng. Người đến với ân huệ chữa lành. Người hướng tới những người bị đẩy ra bên lề xã hội và đời sống vì những tật nguyền của họ. Người tỏ bày Thiên Chúa như Đấng yêu thương, và quyền lực của Người là quyền lực của tình yêu.

Tất cả điều này được minh hoạ thêm nữa bởi lời tung hô Hosanna của con trẻ mà người lớn lại phủ nhận (Mt 21:15). Người sẽ luôn nhận được lời ca ngợi Hosanna từ những “người bé mọn” này (x. Tv 8:2) – từ những ai có thể nhìn thấy với trái tim trong sáng và trọn vẹn, những ai mở lòng trước sự tốt lành của Người.

Hai tình tiết này loan báo Đền thờ mới đã đến – Đền thờ mà chính Đức Giêsu đến trần gian để xây dựng nên.

 

Hướng dẫn học hành

VÀO THÀNH GIÊRUSALEM VÀ THANH TẨY ĐỀN THỜ

Tóm lược

Đức Giêsu vào thành Giêrusalem trước lễ Vượt qua. Phúc Âm theo thánh Gioan nhắc đến ba lễ Vượt qua diễn ra trong suốt thời gian Đức Giêsu thi hành sứ vụ của Người; các bản Phúc Âm Nhất lãm (Matthêu, Marcô, Luca) chỉ nói đến một lễ Vượt qua – buổi lễ vào tuần cuối cùng trong cuộc đời dương thế của Đức Giêsu. Việc Đức Giêsu “đi lên” từ Galilê (vùng thấp dưới mực nước biển) đến Giêrusalem cũng ngụ ý mức độ “tăng tiến” nội tâm từ sự hy sinh trên Thánh giá đến lúc về trời.

Trên đường đi, Đức Giêsu chữa lành người mù Batimê, người này cũng đã hoà vào đám đông theo Chúa với hy vọng Đức Giêsu chính là Đấng Messia, là “Con Vua David”. Cũng như vua Salômôn, con trai vua David đã làm (1 V 1:33), Đức Giêsu đòi phải có một con lừa để vào thành. Điều này có nghĩa là Người khẳng định cương vị của một ông hoàng hoà bình và khiêm tốn, chứ không phải của một chiến binh bách chiến bách thắng (Dcr 9:9). Lời tung hô Hosanna của đám đông cho thấy sự kỳ vọng của họ vào Đức Giêsu, khi ấy được xem như Đấng Messia.

Lời ca ngợi Hosanna của đám đông khi Đức Giêsu tiến vào thành Giêrusalem như tiên báo lời ngợi ca Hosanna trong nghi thức phụng vụ. Lời chúc tụng trong phụng vụ (“Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa”) gợi nhắc tính khiêm hạ của Đức Giêsu khi nghi thức phụng tự đi đến thời điểm Chúa ngự đến dưới hình bánh và rượu đầy khiêm tốn.

Chỉ một ngày sau khi vào thành Giêrusalem, Đức Giêsu đuổi những kẻ đổi tiền và buôn bán ra khỏi Đền thờ. Hành động ấy có thể được lý giải theo ba cách: (1) Đức Giêsu muốn cải tổ lề thói của Đền thờ; (2) Đức Giêsu như một người Nhiệt thành (Zealot), một nhà đấu tranh cách mạng; (3) Đức Giêsu muốn khôi phục ý nghĩa của Đền thờ như một nơi cầu nguyện cho mọi người đến từ muôn nơi, và loại bỏ kiểu kết hợp giữa thờ phượng và buôn bán trong Đền thờ, theo như chính lời Người giải thích cho hành động của mình. Quan điểm cuối cùng là chính xác, vì Đức Giêsu đâu đơn giản chỉ muốn cải tổ Đền thờ; ngoài ra, Người không chấp nhận bạo lực như phương tiện thiết lập Nước Trời.

Sự nhiệt thành của Đức Giêsu không như bầu nhiệt huyết của người hoạt động cách mạng, mà là lòng nhiệt tâm của một người yêu mến Nhà Chúa. Người trích dẫn lời của tiên tri Giêrêmia để cho thấy rằng Đền Thờ thời này rồi cũng sẽ chịu chung số phận như đền thờ ở thời của Giêrêmia. Qua cái chết và Phục sinh, Đức Giêsu sẽ trở thành Đền thờ mới nơi đó mọi người hợp nhất trong Bí tích Thánh Thể – mình máu Chúa Kitô; như vậy, Đức Giêsu sẽ vượt trên và kiện toàn hệ thống hy tế thời Cựu Ước, làm cho Đền thờ cũ hoá ra lỗi thời. Mầu nhiệm Phục sinh của Đức Giêsu mang đến đường lối thờ phượng mới mẻ, không bị giới hạn ở một ngọn núi cụ thể nào – đấy là sự thờ phượng Thiên Chúa trong Thần khí và Sự thật (Ga 4:23).

Hai sự kiện sau chứng minh việc thanh tẩy Đền thờ không mang động cơ chính trị: (1) Đức Giêsu chữa lành người mù và người què trong Đền thờ sau khi Người thanh tẩy Đền thờ (Mt 21:14) và (2) trẻ em tung hô Hosanna trong Đền thờ (Mt 21:15-16). Không sự kiện nào khớp với ý tưởng Đức Giêsu là một nhà cách mạng chính trị cả.

 

Dàn ý

I.              Vào thành Giêrusalem

A.   Cơ sở cho cuộc thảo luận về việc Đức Giêsu vào thành Giêrusalem trong lễ Vượt qua cuối cùng của Người

1.    Ba lễ Vượt qua trong quãng đời sứ vụ của Đức Giêsu được tường trình trong Phúc Âm Gioan cô đọng lại chỉ còn một lễ Vượt qua trong các bản Phúc Âm Nhất lãm

2.    Cuộc hành hương của Đức Giêsu từ Galilê “lên” Giêrusalem cũng tương tự như  sự “vươn lên” về tinh thần khởi đi từ Đền thờ, đến Thánh giá, vào Thiên đàng hiện diện trước Thánh nhan Thiên Chúa Cha

3.    Theo Đức Giêsu vào Giêrusalem là một đám đông các môn đồ và người hành hương

4.    Đức Giêsu chữa lành ông Batimê mù càng làm đám đông thêm hy vọng Người chính là Đấng Messia thuộc dòng dõi vua David

B.   Cách Đức Giêsu chuẩn bị cho chuyến đi vào Giêrusalem củng cố niềm hy vọng của các môn đệ rằng Người chính là Đấng Messia

1.    Mệnh lệnh trưng dụng con lừa làm phương tiện đi lại và việc Đức Giêsu vào thành Giêrusalem trên lưng lừa

a.    Trưng thu động vật chuyên chở là đặc quyền của vua chúa

b.    Đức Giêsu vào thành trên lưng lừa đã được ám chỉ trong Cựu Ước

1)    Sáng thế ký 49: 10

2)    Dacaria 9:9

a)    Đức Giêsu như là vị vua hoà bình, chứ không phải một ông vua ưa chinh chiến; vương quốc của vị vua này trải rộng khắp thế giới

b)    Giải thích viễn tượng mang tính tiên tri này từ điểm nhìn trong dĩ vãng

c)    Đức Giêsu đưa ra “mệnh lệnh hoàng gia” trưng dụng con lừa nhưng Người loại bỏ cách lý giải mang sắc thái của nhóm Quá khích  (“Zealot” – Nhiệt thành) cho rằng Nước Chúa phải được giành lấy bằng phương tiện bạo lực cách mạng

2.    Đức Giêsu ngồi trên lưng lừa khiến người ta liên tưởng đến vua Salômôn (1 V 1:33)

3.    Việc các môn đệ và đám đông trải áo trước lối vào của Đức Giêsu gợi nhắc ý nghĩa về Đấng Messia (dựa trên 2 V 9:13)

C.   Đám đông khách hành hương tung hô Hosanna

1.    Ý nghĩa của lời ca tụng Hosanna (Tv 118)

2.    Ý nghĩa của lời ca tụng Hosanna dành cho Đức Giêsu

a.    Các ngầm ý về Đấng Messia của từ “Hosanna” trong thời của Đức Giêsu

b.    Đám đông theo Đức Giêsu vào Giêrusalem không phải là đám đông từ Giêrusalem kết án Người

3.    Tiếng hò reo Hosanna của con trẻ trong Đền thờ

a.    Đức Giêsu dùng Thánh vịnh 8 để bênh vực những lời tung hô của các trẻ em

b.    Là cơ sở của những lần gặp gỡ khác nữa giữa Đức Giêsu và trẻ em cũng như với những kẻ bé mọn trước mắt Chúa, mà tinh thần đơn sơ ngay thật của họ là điều các môn đệ của Đức Giêsu cần phải có

c.    Tiếng hoan hô ca tụng của trẻ em cũng ngầm chỉ đến những người môn đệ khiêm tốn của Đức Giêsu

4.    Lời tung hô khi Đức Giêsu vào thành Giêrusalem tiên báo lời ca tụng Hosanna trong nghi thức Phụng vụ

a.    Lời tụng ca Bênêđictôus trong Phụng vụ gợi nhớ chuyến đi vào thành Giêrusalem của Đức Giêsu và thái độ khiêm tốn của Người khi ngồi trên lưng lừa là điềm báo cho việc Chúa ngự đến trong hình bánh và rượu đầy khiêm hạ

b.    Lời ca tụng Hosanna cũng gợi nhắc đến mầu nhiệm Đức Giêsu đang hiện diện trong tiệc Thánh Thể, nơi đó Người nâng chúng ta lên Thánh giá và Phục sinh để cuối cùng được vào thành Giêrusalem trên Thiên quốc

II.            Thanh tẩy Đền thờ

A.   Hành động của Đức Giêsu và lời biện minh của Người

1.    Đức Giêsu bước vào phần sân dành cho Dân ngoại và lật đổ nhào các bàn đổi tiền và buôn bán

2.    Đức Giêsu giải thích hành động của Người dựa trên sách Isaia 56:7 và Giêrêmia 7:11

B.    Ba kiểu giải thích chính về hành động của Đức Giêsu

1.    Cải tổ thông lệ của Đền thờ

a.    Theo quan điểm này, Đức Giêsu tấn công vào tệ nạn mà giới thống lĩnh Đền thờ gây ra, chứ không tấn công vào chính Đền thờ

b.    Lý luận phản biện của Đức Giáo hoàng Bênêđictô: Lời nói của Đức Giêsu về Đền thờ có ý nghĩa sâu xa hơn là một sự cải tổ đơn thuần các lề thói nơi Đền thờ

2.    Sắc thái cách mạng chính trị

a.    Theo quan điểm này, Đức Giêsu dự định gây ra một cuộc chính biến nên bị bắt giữ và hành quyết

b.    Điểm qua lịch sử gần đây của thuyết này, bao gồm quan điểm của Robert Eisler và Samuel George Frederick Brandon, những người xem Đức Giêsu là một phần tử của phái Nhiệt thành

c.    Lịch sử tóm tắt của phái Nhiệt thành (Zealotry)

d.    Lập luận ủng hộ quan điểm Đức Giêsu là một người Nhiệt thành (Zealot) và sự suy giảm giá trị của quan điểm này gần đây

e.    Lý luận phản bác của Đức Giáo hoàng Bênêđictô

1)    Toàn bộ sứ vụ và thông điệp của Đức Giêsu đều phủ nhận cuộc cách mạng chính trị bằng vũ lực: giết người nhân danh Thượng Đế không phải là đường lối của Đức Giêsu

2)    Lòng nhiệt tâm của Đức Giêsu nhắm đến vương quốc hoà bình; điều này được thể hiện qua việc Người khiêm tốn vào thành Giêrusalem trên lưng lừa như một vị vua hoà bình, và qua hình ảnh người tôi tớ bị sát hại để cứu muôn người được nói đến trong sách Tiên triDacaria (9:9) và Isaia (52:13 – 53:12)

3.    Lời giải thích của chính Đức Giêsu

a.    Marcô 11:17 bao hàm hai lời tiên tri Đức Giêsu áp dụng vào hoàn cảnh của Người: tầm nhìn phổ quát trong Isaia 56:7 và lời tiên báo của tiên tri Giêrêmia (Gr 7:11) về Đền thờ như là “nhà cầu nguyện” hơn là “hang trộm cướp”

1)    Tầm nhìn phổ quát của Đức Giêsu: Nhà Chúa phải là nơi cầu nguyện cho tất cả các dân tộc đến thờ phượng Thiên Chúa của Israel

a)    Hoạt động mua bán đổi chác diễn ra náo loạn tại sân Dân ngoại

b)    Việc thanh tẩy Đền thờ nhằm dỡ bỏ những rào cản chắn ngang khả năng mọi người nhận thức và thờ phượng Thiên Chúa của Israel

c)    Bản miêu tả của tông đồ Gioan về Chủ nhật Lễ Lá: những người Hy Lạp ao ước được gặp Đức Giêsu sẽ “thấy” Người khi Người tiếp cận mọi người thông qua cuộc khổ nạn của Ngài 

2)    Dựa trên lời của tiên tri Giêrêmia, Đức Giêsu lên án kiểu kết hợp giữa thờ cúng và buôn bán trong Đền thờ

a)    Tiên tri Giêrêmia phản đối sự chính trị hoá đức tin, theo đó những người cầm quyền cho rằng sự bảo trợ của Thiên Chúa được bảo đảm nhờ Đền thờ

b)    Gioan 2:19 chỉ ra rằng số phận của Đền thờ gắn với số phận của Đức Giêsu: Đức Giêsu bị loại trừ và chịu đóng đinh vào thập giá dẫn tới Đền thờ bị bỏ hoang vì thân xác Chúa Phục sinh trở thành Đền thờ mới, nơi tập họp và nối kết mọi người trong bí tích Mình và Máu Chúa

b.    Sự nhiệt tình của Đức Giêsu không phải là thái độ quá khích của phái Nhiệt thành, nhưng là lòng nhiệt tâm vì nhà Chúa (Tv 69:2-10) – chính lòng nhiệt tâm này đưa đến cuộc Khổ nạn

c.    Lòng nhiệt tâm đích thực vì Chúa chính là tình yêu tự hiến

d.    Hai sự kiện trong Phúc Âm theo tông đồ Matthêu minh chứng cho lời bình giải Kinh Thánh

1)    Đức Giêsu chữa lành người mù và người què trong Đền Thờ (Mt 21:14); Ngài là Đấng chữa lành, không phải là một nhà cách mạng phá hoại

2)    Trẻ em vang tiếng tung hô Hosanna trong khu vực Đền thờ (Mt 21:15)

Câu hỏi đọc hiểu

1.    Đức Giêsu “đi lên” từ Galilê đến Giêrusalem tương tự như “sự thăng tiến nội tâm” của Đức Giêsu trong chuyến hành hương cuối cùng đến Giêrusalem để chịu khổ nạn. Theo Đức Giáo hoàng Bênêđictô, đâu là “mục tiêu tối thượng” của hành trình “tiến lên” này?

2.    Sự kiện nào khiến đám đông trên con đường đến Giêrusalem thêm hy vọng Đức Giêsu là vua David mới, là Đấng Messia?

3.    Đức Giêsu yêu cầu có một con lừa và cưỡi lừa vào thành Giêrusalem; tại sao việc này biểu thị vương quyền của Người? Bằng cách nào mà những đoạn trong Cựu ước do Đức Bênêđictô trích dẫn cho thấy Đức Giêsu muốn người ta nhìn mình là một vị vua như thế nào?

4.    Lời tung hô “Hosanna” của các khách hành hương cho ta biết gì về quan điểm của họ đối với Đức Giêsu? Lời tung hô “Hosanna” và lời ca tụng “Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa” (Tụng ca Bênêđictôus) trong nghi thức Phụng vụ liên hệ ra sao với cách đám đông dùng những lời đó trong khi Đức Giêsu tiến vào Giêrusalem?

5.    Ba cách giải thích chính về hành động thanh tẩy Đền thờ là gì? Đối với mỗi cách, Đức Bênêđictô đưa ra những lập luận ngắn gọn nào? Đức Bênêđictô đồng ý với cách giải thích nào?

6.    Trên cơ sở nào mà Đức Bênêđictô loại trừ quan điểm cho rằng Đức Giêsu là một nhà cách mạng chính trị?

7.    Đức Giêsu kết hợp hai lời tiên tri nào để giải thích cho hành động của mình tại Đền thờ? Công dụng của sân dành cho Dân ngoại là gì? Đức Bênêđictô nhìn ra mối liên hệ nào giữa hành động thanh tẩy Đền thờ và cuộc hành hình thập tự cùng biến cố Phục sinh sau đó?

8.    Đức Bênêđictô miêu tả sự “nhiệt tâm” của Đức Giêsu ra sao? “Tiêu chí cho lòng nhiệt tâm đích thực” là gì?

9.    Hai tiểu đoạn theo sau trình thuật thanh tẩy Đền thờ trong Phúc Âm theo Matthêu là gì? Chúng “loan báo” điều gì?

 

 

Câu hỏi áp dụng

1.    Đức Giáo hoàng Bênêđictô nói về chuyến đi của Đức Giêsu vào thành Giêrusalem như một sự “tiến lên”. Nhờ vào ánh sáng soi dẫn từ những dòng thảo luận của Đức Bênêđictô, chúng ta có thể xác định làm sao bước vào một cuộc hành trình “tiến lên” Giêrusalem Thiên quốc, tiến đến sự hiện diện của Thiên Chúa qua lối đi của Thánh giá?

2.    Việc Đức Giêsu vào Giêrusalem cho chúng ta nhiều dấu chỉ về vương quyền của Người. Làm sao chúng ta có thể nhận biết rõ hơn và tôn vinh vương quyền của Đức Kitô trong đời sống hàng ngày?

3.    Làm thế nào sự hiểu biết về hoàn cảnh và những ý nghĩa đa dạng của câu cảm thán “Hosanna!” có thể làm phong phú thêm cách tôi vận dụng lời nguyện này, đặc biệt trong nghi thức Phụng vụ?

4.    Làm sao tôi có thể nên giống trẻ nhỏ hơn để có thể dâng “lời ngợi khen hoàn hảo” lên Thiên Chúa?

5.    Làm sao tôi có thể sống với “lòng nhiệt tâm đích thực” theo gương Đức Giêsu, lòng nhiệt tâm mà tất cả mọi Kitô hữu đều được kêu gọi cống hiến đời mình theo đó?

 

Thuật ngữ

 

Benedictus

Từ Latin có nghĩa là “chúc tụng” và được dùng để xác định một bước trong nghi thức Phụng vụ Thánh Lễ Latin, dựa trên một câu mà đám đông kêu lên khi Đức Giêsu vào Giêrusalem: “Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa” (Mt 21:9).

 

Brandon, Samuel George Frederic

Học giả nghiên cứu tôn giáo người Anh, mục sư Anh giáo (1907-1971), nổi tiếng nhờ công trình nghiên cứu về tôn giáo so sánh và luận án mang đề tài Đức Giêsu là nhà cách mạng theo nhóm Nhiệt thành.

 

Con vua David

Ban đầu chỉ vua Solomon, con trai và người kế vị vua David, nhưng sau cùng được dùng như tước hiệu để chỉ Đấng Messia, hậu duệ lừng lẫy của vua David.

 

David

Tác giả Thánh vịnh, vị kế nhiệm Vua Saolê, và là vị vua đầu tiên cai trị tất cả các chi tộc Israel (từ 1010 đến 970 tr. CN). Trọng tâm của chủ thuyết Messia theo Do Thái giáo là niềm tin Đấng Messia được xức dầu đến từ Thiên Chúa sẽ là hậu duệ của Vua David (x. Is 9:6-7; Gr 23:5-6; Ed 34:23-24).

 

Didachẽ

Văn bản Kitô giáo cổ, còn gọi là Huấn giáo của Mười Hai Tông đồ, được cho là hình thành vào khoảng từ năm 70 đến 120 sau CN. Tựa đề của quyển sách là từ Hy Lạp mang nghĩa “huấn giáo”.

 

Diễn từ thế mạt

Chỉ diễn từ của Đức Giêsu được ghi lại trong Mt 24:3-24, Mc 13:3-37  và Lc 21:5-36; được gọi là “thế mạt” vì nói đến lời Chúa phán xét thành Giêrusalem bất tuân (bị tàn phá vào năm 70 sau CN) và vì tiên báo cuộc phán xét cuối cùng. Đức Giáo hoàng Bênêđictô nhấn mạnh ba ý chính trong diễn từ của Đức Giêsu: Đền thờ bị phá huỷ, thời của Dân ngoại, và lời tiên tri và huấn giáo cánh chung.

 

Hosanna

Thuật ngữ Do Thái, nghĩa là “Xin thương cứu vớt”. Ban đầu, thuật ngữ được dùng để kêu cầu sự trợ giúp của Thiên Chúa dân Do Thái (Tv 118:25), và phụng vụ Do Thái trong dịp Lễ Lều đã sử dụng thuật ngữ này. Rồi “Hosanna” không chỉ được dùng như lời khẩn cầu Thiên Chúa cứu giúp mà còn như lời ca ngợi và tung hô trong suốt thời mong chờ Đấng Messia. Đám đông dùng thuật ngữ này để chào mừng Đức Giêsu khi Người tiến vào thành Giêrusalem trong tuần cuối cùng của cuộc đời trần thế (Mt 21:9; Mc 11:9-10; Ga 12:13). Từ này cho thấy đám đông hy vọng Đức Giêsu chính là Đấng Messia. Sau khi Đức Giêsu thanh tẩy Đền thờ, trẻ em trong Đền thờ dùng từ này để diễn tả lòng kính trọng Đức Giêsu như Đấng Messia (Mt 21:15).

 

Maranatha

Cụm từ tiếng Aram có nghĩa là “Lạy Chúa, xin hãy đến!” hay cũng có nghĩa là “Đức Chúa của chúng ta đã đến.” Trong 1 Cr 16:22, cụm từ này được chuyển sang tiếng Hy Lạp. Các Kitô hữu tiên khởi dùng cụm từ này trong phụng vụ Thánh Thể để khẳng định sự hiện diện của Đức Giêsu với cộng đoàn của Người. Họ cũng dùng cụm từ này để khẩn cầu hay tiên báo việc Đức Giêsu đến lần thứ hai.

 

Messori, Vittorio

Nhà báo người Ý đương đại và tác giả quyển sách về cuộc Thương khó và cái chết của Đức Giêsu nhan đề Patì sotto Ponzio Pilato? (Người chịu khổ hình dưới thời quan Phôngxiô Philatô?). Đức Giáo hoàng Bênêđictô nói đến luận đề của Messori rằng Đức Giêsu hành động dựa trên Lề Luật khi Người thanh tẩy Đền thờ Giêrusalem.

 

Lễ Lá

Lễ của người Kitô hữu luôn rơi vào Chủ nhật trước lễ Phục sinh. Lễ Lá tưởng niệm sự kiện Đức Giêsu vào thành Giêrusalem (Mt 21:1-11; Mc 11:1-11; Lc 19:28-40; Ga 12:12-19) vào đầu tuần lễ cuối cùng trong cuộc đời trần thế của Người.

 

Lễ Lều

Còn gọi là Feast of Booths, một dịp lễ hành hương theo Kinh Thánh kéo dài bảy ngày. Những người tham gia dựng những nơi tạm trú để tưởng nhớ lều trại mà dân Do Thái cư ngụ tạm thời trong 40 năm tạm cư trong sa mạc sau cuộc Xuất hành (x. Lv 23:33-36; Dnl 16:13-15). Đức Giêsu trình bày diễn từ “nước hằng sống” (Ga 7:38) trong bối cảnh dịp lễ này (Ga 7:2, 37). Đức Bênêđictô cũng liên hệ lời tung hô “Hosanna” mà các thượng tế dùng trong dịp lễ với tiếng reo hò của các khách hành hương theo chân Chúa Giêsu vào Giêrusalem (Mt 21:9; Mc 11:9-10; Ga 12:23).

 

Lễ Vượt qua

Lễ của người Do Thái tưởng nhớ biến cố Xuất hành của dân Do Thái ra khỏi Ai Cập (xem Xh 12:1-20; Lv 23:5; Dnl 16:1-8, 12). Diễn từ bánh hằng sống của Đức Giêsu (Ga 6:1-51), buổi Tiệc ly (Ga 12:1; 13:1-2, 21-28), và cái chết của Người diễn ra trong khoảng hay gần thời điểm lễ Vượt qua. Các học giả tranh cãi liệu Đức Giêsu qua đời vào lễ Vượt qua hay trước lễ Vượt qua, vào ngày chuẩn bị cho dịp lễ. Đức Thánh Cha Bênêđictô ủng hộ lập trường sau như Phúc Âm thánh Gioan trình bày.

 

Nước Trời

Cũng có nghĩa là triều đại của Thiên Chúa. Nước Trời là một chủ đề chính trong lời rao giảng của Đức Giêsu (Mt 6:33; Mc 1:15; Lc 6:20) và bao hàm ý tưởng sự hiện diện của Nước Chúa trong nơi chính con người và sứ vụ của Đức Giêsu (Lc 10:9; 17:21). Nước Trời hiện diện, nhưng còn chờ đến thời được thể hiện viên mãn (Lc 13:29; 22:18) khi Đức Giêsu lên ngôi hiển trị (Mt 25:31, 34, 40; Lc 23:42). Nước Trời nhìn chung được nói đến như Nước Thiên đàng (kingdom of heaven) trong Phúc Âm theo tông đồ Matthêu (Mt 4:17). Một số học giả đối chiếu thông điệp Nước Trời với ý tưởng về sự hy sinh chuộc tội của Đức Giêsu. Họ nhấn mạnh rằng thông điệp Nước Trời là một trong những dấu chỉ thể hiện lòng tha thứ và tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa, điều mà họ cho là trái ngược với ý tưởng về sự hy sinh đền tội. Đức Bênêđictô cho rằng tình yêu của Đức Giêsu thể hiện qua cái chết cứu chuộc chính là biểu hiện của sự tha thứ và tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa. Thiên Chúa nơi Đức Kitô đã trao ban chính mình vì tình yêu mặc cho sự chống báng của con người.

 

Người Tôi tớ đau khổ

Một nhân vật đau thương bị loại trừ và bách hại, được mô tả trong hai thánh thi của Isaia: Thánh thi thứ ba và thứ tư về người Tôi tớ (Is 50:4-11; 52:13 – 53:12). Vì sự đau đớn và cái chết của người này được tiên tri Isaia xác định như hành động chuộc lỗi cho các tội nhân, từ thời Tân Ước đến nay người Tôi tớ đau khổ được lý giải theo quan điểm Kitô giáo như hiện thân của Đức Giêsu Kitô (xem Mt 8:17; Lc 22:37; Cv 8:32-35).

 

Phúc Âm Nhất lãm

Các bản Phúc Âm của Matthêu, Marcô, Luca. Các bản này được gọi là “nhất lãm” vì có cấu trúc tương tự nhau, và gần giống nhau về nội dung tài liệu khi tường thuật các công việc và những lời giảng  dạy của Đức Kitô.

 

Phương pháp phê bình truyền thống

Một phương pháp nghiên cứu Kinh Thánh giải thích cách thức các tác giả Kinh Thánh dùng những truyền thống Kinh Thánh trước đó, và cả những truyền thống phi Kinh Thánh nữa.

 

Phần tử Nhiệt thành

Một thành viên trong phái Do Thái chủ trương dùng sức mạnh bạo lực quân sự chống La Mã. Nhóm này sống và hoạt động từ ít nhất nửa đầu thế kỷ thứ nhất sau CN đến khi bị dập tắt trong thời quân La Mã đánh dẹp công cuộc khởi nghĩa Do Thái, năm 70 sau CN. Ít nhất một trong số mười hai tông đồ, ông Simon, còn được gọi người Nhiệt thành (Zealot), đã từng là một thành viên của phái này (Lc 6:15).

 

Pesch, Rudolf

Học giả Kinh Thánh người Đức, mà công trình nghiên cứu chuyên về các nguồn Do Thái trong Phúc Âm theo tông đồ Gioan.

 

Solomon

Con trai của vua David, người kế vị David làm vua một đất nước Do Thái thống nhất. Triều đại vua Solomon từ 970 đến 930 sau CN là giai đoạn đỉnh cao chính trị trong lịch sử của dân được chọn.

 

(Bản dịch Minh Thuỵ – Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn hiệu đính)