“Ngồi viện” chứ không phải nằm viện

Dù không phải lần đầu đến Bệnh viện Ung bướu TP, nhưng bà bộ trưởng liên tục hỏi vì sao hành lang bệnh viện, ngoài sân lại có quá nhiều người nằm ngồi với chăn, mùng, giỏ xách như vậy…

 

“Ngồi viện” chứ không phải nằm viện

 

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến – bộ trưởng Bộ Y tế – sau khi xem xét tình trạng quá tải tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM vào sáng qua 14-1 đã phải kêu lên: “Không thể để bệnh viện nhếch nhác mãi thế này”.
 
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm và tặng quà cho bệnh nhi ung thư Bệnh viện Ung bướu TP.HCM sáng 14-1 – Ảnh: H.Th.Vân

 

Bà bộ trưởng đã đến khu khám bệnh, khu phát thuốc đặc trị, khoa chẩn đoán hình ảnh, khu điều trị nội trú bệnh nhân… để tận mắt chứng kiến cảnh bệnh nhân vất vả, chờ đợi khám bệnh, chen chúc nhau trong phòng bệnh nội trú, hành lang bệnh viện. Thấy nơi nào tổ chức chưa hợp lý, chưa thuận tiện cho bệnh nhân đi khám bệnh, lãnh thuốc…, bà lại hỏi lãnh đạo bệnh viện: “Sao lại làm thế này?”.
Câu hỏi “lạ” của bà bộ trưởng

 

“Tôi thấy nhà hàng, trung tâm thương mại, cầu, đường cao tốc được xây dựng mới rất hiện đại mà để một bệnh viện thế này, rất tội bệnh nhân”
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

Dù không phải lần đầu đến Bệnh viện Ung bướu TP, nhưng bà bộ trưởng liên tục hỏi vì sao hành lang bệnh viện, ngoài sân lại có quá nhiều người nằm ngồi với chăn, mùng, giỏ xách như vậy… Một lãnh đạo bệnh viện giải thích hầu hết đó là người nhà bệnh nhân và bệnh nhân ngoại trú.

 

Báo cáo với bộ trưởng Bộ Y tế về việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cũng như thực hiện các biện pháp giảm tải trong năm 2012 (theo chỉ thị 05 của Bộ Y tế), bác sĩ Lê Hoàng Minh – giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM – nói cách đây một năm khi bộ trưởng đến thăm, bệnh nhân phải nằm 3-4 người, thậm chí 5 người một giường. Thực tế này cho thấy bệnh nhân đến bệnh viện chỉ được “ngồi viện” chứ không được nằm viện. Còn hiện nay, tình trạng quá tải bệnh nhân nội trú đã giảm được khoảng 20% (từ 1.700-1.800 bệnh nhân nội trú/tháng xuống còn 1.400 bệnh nhân/tháng), bệnh nhân chờ xạ trị giảm từ 1.000 bệnh nhân/tháng xuống còn 800 bệnh nhân/tháng (trung bình một bệnh nhân phải xạ trị từ 5-7 tuần). Riêng bệnh nhân ngoại trú chưa giảm được bao nhiêu.
Theo Bệnh viện Ung bướu TP, năm 2011 bệnh viện tiếp nhận 50-60% bệnh nhân ở các địa phương khác đến khám chữa bệnh, nhưng năm 2012 số bệnh nhân ở địa phương khác đến lên tới 78% (tổng số bệnh nhân khám trong năm 2012 là 372.333 lượt). Trung bình mỗi năm số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại bệnh viện luôn tăng từ 7-10%…
Ông Huỳnh Văn Biết – phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM – báo cáo thêm về giải pháp giảm tải cho Bệnh viện Ung bướu TP. Theo ông Biết, Ban quản lý dự án đầu tư (Sở Y tế TP) đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng khu khám, chẩn đoán kỹ thuật cao cho Bệnh viện Ung bướu TP tại đường Nguyễn Huy Lượng, Q.Bình Thạnh. Dự án này có vốn đầu tư 280 tỉ đồng, dự kiến quý 3 năm nay khởi công và đầu năm 2015 sẽ đi vào hoạt động với tòa nhà 10 tầng, tổng diện tích sàn sử dụng trên 10.000m². Ngoài ra, dự án xây dựng mới Bệnh viện Ung bướu TP 1.000 giường (cơ sở 2) trên diện tích 6ha ở Q.9 cũng đang đang được xúc tiến thực hiện. Công trình này dự kiến hoàn thành cuối năm 2015 đầu 2016 với tổng diện tích sàn sử dụng khoảng 90.000m². Tổng vốn đầu tư xây dựng bệnh viện này lên tới 1.900 tỉ đồng.
“Các anh phải làm nhanh lên”
Kết luận buổi làm việc, bà bộ trưởng tỏ ra rất sốt ruột. Bà nói với ông Huỳnh Văn Biết: “Các anh phải làm nhanh lên. Tiền có rồi, để lâu sốt ruột quá”. Bà Tiến khẳng định chỉ có một giải pháp quan trọng để “hạ hỏa” ngay tình trạng quá tải bệnh nhân là cơ sở 2 của bệnh viện dự kiến xây ở Q.9 đi vào hoạt động. Bà Tiến cũng đề nghị Sở Y tế quan tâm, làm sao để khu khám, chẩn đoán kỹ thuật cao của bệnh viện được xây dựng khang trang, hiện đại, nơi chờ khám bệnh của bệnh nhân phải có máy lạnh, ghế ngồi như phòng chờ ở sân bay…
Bà Tiến cũng chia sẻ những khó khăn, áp lực của bệnh viện khi phải “loay hoay trong diện tích 1.000m²” nhưng phải tiếp nhận khám, chữa bệnh cho bệnh nhân cả khu vực phía Nam và một phần miền Trung. Tuy nhiên, bà Tiến đề nghị bệnh viện cần tuyển thêm bác sĩ vì cả bệnh viện chỉ có 200 bác sĩ là quá ít so với số lượng bệnh nhân và số giường nội trú. Bà Tiến cũng đề nghị mở thêm nhiều bàn khám, phòng khám; bố trí khám vào buổi chiều cho bệnh nhân đăng ký khám bệnh qua điện thoại 1080 để giảm bớt quá tải buổi sáng; sắp xếp sao cho hình thức bệnh viện khang trang hơn; chú ý cải tiến quy trình khám chữa bệnh cho khoa học, không để bệnh nhân phải “khám bệnh ở một nơi, chạy tít đi một nơi để xét nghiệm, rồi chạy tít một nơi để lãnh thuốc, làm chẩn đoán hình ảnh”.
Đặc biệt, bà Tiến rất quan tâm đến việc sắp xếp, bố trí nơi ở cho thân nhân bệnh nhân. Bà đề nghị cần có giải pháp về vấn đề này, chứ không thể để thân nhân người bệnh nằm ngồi nhếch nhác, chiếu chăn ngoài sân, ngoài hè như thế này…

 

Một số việc đã làm để giảm quá tải
Để giảm áp lực quá tải, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã tổ chức lấy số khám bệnh tự động, khám bệnh sớm từ 6g sáng, làm xét nghiệm và cận lâm sàng không nghỉ trưa, tổ chức đăng ký khám bệnh qua tổng đài 1080 (cho bệnh nhân cũ đến tái khám), tăng cường bác sĩ khám bệnh, mở phòng khám vệ tinh (bệnh lý tuyến giáp) tại Bệnh viện Q.Bình Thạnh, khám ngoài giờ thứ bảy và chủ nhật, tổ chức chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối (chiếm 20-30% tổng số bệnh nhân) tại nhà. Ngoài ra, bệnh viện còn hợp tác với Bệnh viện 175 tiếp nhận xạ trị cho bệnh nhân ung thư, sau này sẽ tiến đến hóa trị, phẫu trị và có giường điều trị nội trú cho bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện 175. Bệnh viện cũng sẽ mở khoa vệ tinh với 150 giường nội trú tại Bệnh viện Q.2 (dự kiến tháng 3 sẽ khởi công xây dựng và đi vào hoạt động trong quý 2 năm nay)…