Chúa Nhật XXV TN – B: Những nỗi sợ và giải pháp

Chìa khoá giải trừ sợ hãi được Đức Giêsu trao gửi: đó là hành động như trẻ thơ đối với cha mình để hoàn toàn phó thác cho Chúa Cha toàn bộ cuộc sống như Đức Giêsu trên thánh giá: “Lạy Cha, con phó thác hồn con trong tay Cha”.

 

Những nỗi sợ và giải pháp

Hành Khất Kitô

Lời mở

Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy thái độ của các môn đệ Đức Giêsu khi nghe Người báo trước về mầu nhiệm Vượt Qua: “Các ông không hiểu lời đó và các ông sợ không dám hỏi lại Người”. Sợ hãi là một loại cảm xúc về những đau đớn hay thiệt hại mình sẽ chịu hay nguy hiểm mình sẽ gặp. Có người còn sợ cả những thứ không thật sự gây đau khổ hay nguy hiểm như sợ chuột, sợ gián, sợ nhện, sợ bóng tối… Cảm xúc này thường làm ta co rúm hay thu nhỏ mình lại, không dám làm gì. Các bài Thánh Kinh hôm nay nói đến 3 loại sợ hãi cơ bản của người Kitô hữu: sợ thế gian bách hại (Bài đọc I), sợ anh em đồng đạo gây khổ (Bài đọc II) và sợ Thiên Chúa bỏ quên công trạng của mình (Tin Mừng).

Vì thế, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu để có giải pháp vượt qua những nỗi sợ hãi này.

1. Sợ thế gian bách hại

Nỗi sợ hãi thường gặp nhất trong đời sống đến từ “thế gian”. Thế gian ở đây hiểu theo nghĩa là những con người, tổ chức, kể cả chính quyền đối nghịch với Thiên Chúa và Đức Giêsu Kitô, mà sách Khôn Ngoan gọi chung là “phường vô đạo” (Kn 2,12). Người môn đệ Chúa Kitô sợ bị thế gian này gây cho mình những đau đớn về thể xác, khổ sở về tinh thần, mất mát về vật chất vì “phường vô đạo lên tiếng nói: Ta hãy gài bẫy hại người công chính… hãy hạ nhục và tra tấn nó…, kết án cho nó chết nhục nhã” (x. Kn 12,17-20).

Chính vì sợ thế gian bách hại mà nhiều tín hữu đã tỏ vẻ như mình chẳng hề có đạo trước mặt người đời, nói chi đến việc loan báo Tin Mừng Chúa Kitô. Họ ngại ngùng làm dấu, đọc kinh tạ ơn khi ăn ở ngoài hàng quán hay khi có mặt người khác. Họ chẳng dám treo ảnh tượng trong phòng khách nhà mình, hay trên bàn làm việc. Khi đi dự lễ ngày Chúa Nhật, họ lén lút sợ người khác đoán ra nên mặc quần áo như có vẻ đi chơi hay đi chợ. Họ muốn hoà mình vào đám đông quanh họ để cùng làm việc, vui chơi, thậm chí sống buông thả, để không ai nhận ra họ là Kitô hữu chỉ vì sợ.

Tuy nhiên, người tín hữu cần ý thức rằng những bất công, đau khổ, thiệt thòi mà thế gian gây ra cho họ là chuyện đương nhiên phải xảy ra trong cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối, giữa sự thật và dối trá, giữa điều thiện và cái ác, giữa cái đẹp và cái xấu, giữa tình thương và hận thù. Họ bó buộc phải chọn những giá trị tích cực, vì Thiên Chúa và Chúa Giêsu Kitô chính là những giá trị đó. Chỉ có Chúa mới tồn tại muôn đời trong khi những khổ đau, mất mát, thiệt thòi rồi sẽ qua đi.

Cuộc chiến đấu này hết sức ác liệt. Để chiến thắng, người môn đệ phải chấp nhận gian khổ, hy sinh, thậm chí chấp nhận cả cái chết như Chúa Giêsu dạy các môn đệ về cuộc chiến đấu giải phóng của Người: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người và 3 ngày sau khi bị giết Người sẽ sống lại” (Mc 9,31). Đức Giêsu nhắc nhở các môn đệ: “Đừng sợ những kẻ chỉ giết được thân xác chứ không làm hại được linh hồn, nhưng hãy sợ Đấng có thể đưa cả hồn xác con người vào hoả ngục”. Người còn khích lệ: “Khi người đời đưa các con ra toà án, các con đừng sợ phải nói gì, thưa gì vì chính Thánh Thần của Chúa Cha sẽ nói thay cho các con”.

Trong vườn Cây Dầu, Đức Giêsu cũng đã lo sợ cực điểm đến nỗi những mạch máu li ti vỡ ra, trộn lẫn với mồ hôi nhỏ xuống đất vì thấy trước những sỉ nhục, bất công, đau đớn và cả cái chết Người sẽ phải trải qua. Nhưng Người đã tự nguyện đón nhận tất cả dù Người dư sức thoát khỏi bằng quyền năng của Ngôi Lời Thiên Chúa. Rồi Người đã sống lại. Vì thế, cuộc sống lại của Người chính là giải đáp cho nỗi lo sợ đối với sự bách hại của thế gian để thúc đẩy người môn đệ can đảm đón nhận những thử thách ấy trong đời sống. Chỉ có như vậy chúng ta mới nêu cao ngọn cờ chính nghĩa của chân thiện mỹ, của tự do và hạnh phúc, của tình yêu và ơn cứu độ.

2. Sợ anh em đồng đạo gây khổ

Nỗi sợ hãi tiếp theo bắt nguồn từ trong chính cộng đồng tín hữu. Thánh Giacôbê mô tả: “Vì ghen tương và tranh chấp nhau nên người tín hữu đã gây nên xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa, thậm chí xung đột và chém giết lẫn nhau” (Gc 3,16–4,3). Đức Giêsu biết rõ điều đó khi hỏi các môn đệ: “Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy? Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả” (Mc 9,33-34).

Chính nỗi sợ này, nhất là đối với những người nắm giữ quyền hành trong Giáo Hội, khiến tín hữu thu mình vào đời sống thụ động, không muốn đưa ra sáng kiến, không dám đổi mới suy nghĩ và hành động, nhất là đưa ra những ý kiến phê bình xây dựng người trên, để sống an thân và an hoà với đồng đạo. Do đó, sinh hoạt trong Giáo Hội bên ngoài có vẻ bình ổn, nhưng thực chất bên trong là những căng thẳng, dằn vặt, nhất là đối với những người thích đổi mới, thích hoạt động như những người trẻ và có học thức cao.

Giải pháp được Chúa Giêsu đề nghị chính là những ai nắm giữ quyền hành trong Giáo Hội hãy từ bỏ mọi tham vọng để trở thành người đầy tớ phục vụ anh em đồng đạo nhỏ bé, yếu đuối của mình. Người nói: “Ai muốn làm người đứng đầu phải làm người rốt hết và làm đầy tớ phục vụ mọi người” (Ga 9,35). “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy” (Ga 9,37). Đức Giêsu đã nêu gương khiêm nhường khi cúi mình rửa chân cho các môn đệ.

Giải pháp chiến thắng sợ hãi cũng lại là mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giêsu Kitô. Trong cái nhìn vĩnh cửu của Ngôi Lời, Người thấy trước sự chia rẽ nội bộ, sự phản bội của người này, sự bất trung của người kia. Nhưng Người vẫn thu nhận tất cả, hy vọng tất cả, tha thứ tất cả, yêu thương tất cả để kêu mời tất cả cùng hiệp thông với Người trong mầu nhiệm này vì “nếu ta cùng chịu đau khổ với Đức Kitô, ta sẽ cùng được chia sẻ vinh quang với Người, nếu ta cùng chết với Đức Kitô ta sẽ cùng được sống lại với Người”.

3. Sợ Chúa bỏ quên công trạng

Nỗi sợ hãi kinh khủng nhất chính là người ta sợ Thiên Chúa bỏ quên công trạng của mình, vì như thế là mọi hành động tốt đẹp, mọi hy sinh gian khổ của con người trở thành vô nghĩa và vô ích. Đây là nỗi sợ hãi của Đức Kitô trên thập giá, khi Người gánh lấy tất cả tội lỗi của thế gian, trở thành kẻ tội đồ của chính Thiên Chúa đến nỗi phải thốt lên: “Lạy Chúa tôi, Lạy Chúa tôi, sao Chúa bỏ tôi!?”.

Nỗi sợ hãi này làm tiêu tan mọi sức lực hoạt động, mọi hy vọng, niềm vui trong cuộc sống khiến con người trở nên bất động như bị chôn chặt tay chân vào thập giá của đời mình. Họ như trở thành vật tế thần cho thế gian và vật hy sinh cho đồng đạo để giữ hoà khí cho cộng đồng. Trong tâm thức suy giảm lòng tin vào “sự hiện diện mọi nơi mọi lúc của Thiên Chúa” trong đời sống, người tín hữu hiện nay đang bị nỗi sợ hãi này ám ảnh hơn cả khiến họ không còn tích cực loan báo Tin Mừng và làm chứng nhân cho Chúa Giêsu Kitô.

Chìa khoá giải trừ sợ hãi được Đức Giêsu trao gửi: đó là hành động như trẻ thơ đối với cha mình để hoàn toàn phó thác cho Chúa Cha toàn bộ cuộc sống như Đức Giêsu trên thánh giá: “Lạy Cha, con phó thác hồn con trong tay Cha”. Đó là lý do tại sao Người đặt một em nhỏ vào giữa các môn đệ và mời gọi họ hãy trở thành trẻ thơ. Tin tưởng phó thác như thế thì con người hữu hạn, nhất thời, tương đối sẽ nối kết được với Thiên Chúa vô hạn, vĩnh hằng, tuyệt đối là nguồn chân thiện mỹ, nguồn sống vĩnh hằng và hạnh phúc vô biên để sống lại vinh quang như Chúa Giêsu. Như thế, giải pháp cho sự sợ hãi kinh khủng nhất cuối cùng vẫn là mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giêsu.

Lời kết

Hôm nay, suy nghĩ về những nỗi sợ hãi của người tín hữu và những giải pháp vượt qua sợ hãi, chúng ta thấy giải pháp cơ bản đều quy về mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô. Trong niềm hy vọng, bình an và tích cực hoạt động, chúng ta sẵn sàng đương đầu với mọi nghịch cảnh vì Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Các con hãy tin tưởng, Thầy đã thắng thế gian”.