Chúa Nhật XXIII TN – B: Người khuyết tật ở Việt Nam

Các bài Thánh Kinh hôm nay nói nhiều đến một dạng người nghèo khổ khá đông ở Việt Nam. Đó là những người khuyết tật đủ loại trong xã hội. Họ thường là những người nghèo không chỉ về vật chất mà còn về tinh thần vì bị gia đình và xã hội đối xử tàn tệ, khinh miệt như thánh Giacôbê nhắc nhở. Nhưng Chúa Giêsu lại rất yêu thương, nâng đỡ và luôn chữa lành họ.

 

Người khuyết tật ở Việt Nam

Hành Khất Kitô

Lời mở

Các bài Thánh Kinh hôm nay nói nhiều đến một dạng người nghèo khổ khá đông ở Việt Nam. Đó là những người khuyết tật (NKT) đủ loại trong xã hội: người nhát gan không tin vào mình, người mù, què, câm, điếc (x. Is 35,4-7). Họ thường là những người nghèo không chỉ về vật chất mà còn về tinh thần vì bị gia đình và xã hội đối xử tàn tệ, khinh miệt như thánh Giacôbê nhắc nhở (x. Gc 2,1-5). Nhưng Chúa Giêsu lại rất yêu thương, nâng đỡ và luôn chữa lành họ (x. Mc 7,31-37).

Vì thế, trong ít phút này, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về tình trạng người khuyết tật ở Việt Nam, về thái độ của cộng đồng đối xử với họ để thấy mình có thể làm gì giúp họ trong quyền năng và ân sủng của Chúa Giêsu Kitô.

1.  Tình trạng người khuyết tật

1.1.Từ ngữ sử dụng. Đối với đa số người Việt Nam, “khuyết tật” và “tàn tật” là hai từ chỉ cùng một khái niệm. Nhưng tngày 17-6-2010, Quốc hội Việt Nam đã chính thức sử dụng cụm từ người khuyết tật thay cho người tàn tật trong bộ Luật Người Khuyết Tật cũng như trong các bộ luật ban hành có liên quan.

Thông thường từ khuyết tật gợi lên tình cảm nhẹ nhàng, tôn trọng giá trị con người, vì từ “khuyếtnghĩa suy giảm chức năng nhưng vẫn có khả năng phục hồi, vẫn còn hy vọng. Còn từ tàn tật gợi đến hình ảnh tàn tạ, tiêu cực, không còn khả năng gì, không còn tương lai và điều đó ảnh hưởng không tốt đến nỗ lực phấn đấu, vượt khó của chính con người. Vì thế từ nay chúng ta nên sử dụng từ khuyết tật cho quen.  

1.2. Định nghĩa. Ta có thể nói rằng: Người khuyết tật là người có một hoặc nhiều khiếm khuyết về thể chất hoặc tinh thần, do đó gây ra sự suy giảm đáng kể và lâu dài đến khả năng thực hiện các hoạt động, sinh hoạt hằng ngày.

Chúng ta đã biết 5 dạng khuyết tật thông thường: què quặt, đui mù, câm điếc, đần độn, điên khùng. Ngày này, người ta đã phân loại thành 6 dạng khuyết tật như sau: vận động; nhìn; nghe-nói; trí tuệ; thần kinh hay tâm thần và các dạng khuyết tật khác.

1.3. Số liệu. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2009, Việt Nam có khoảng 6,7 triệu người khuyết tật trên tổng số 85,5 triệu dân, tương đương 7,8% dân số. Số NKT và tỷ lệ người khuyết tật trên đây căn cứ theo các tiêu chí cũ cho 3 dạng tật đầu (vận động, khiếm thính, khiếm thị) và một phần của chậm phát triển trí não.

Tuy nhiên, dựa trên Bảng phân loại Quốc tế về chức năng, khuyết tật và sức khoẻ (International Classification of Functioning, Disability and Health-ICF) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2010, Tổng cục Thống kê Việt Nam đã tiến hành khảo sát và thấy rằng tỷ lệ người khuyết tật chung cả nước là 15,3%. Vùng có tỷ lệ khuyết tật cao nhất là Đông Nam Bộ, thấp nhất là Tây Bắc. Tỷ lệ người khuyết tật khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn (17,8% so với 14,4%). Hiện nay số người khuyết tật trong cả nước khoảng 15 triệu người trên tổng số 90 triệu dân. Đây là một con số khá lớn, đáng cho mọi người chúng ta phải quan tâm.

2. Thái độ của cộng đồng đối với NKT

Năm 2007, Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) đã tiến hành khảo sát 4 tỉnh thành ở Việt Nam và đưa ra một vài con số thống kê sau đây về quan điểm của cộng đồng đối với người khuyết tật – qua đó cho thấy sự phân biệt đối xử là khá lớn, các con số biến thiên chỉ sự khác biệt giữa các tỉnh:

Thái độ của cộng đồng với người khuyết tật

Tỉ lệ quan    điểm đồng ý

Đáng thương

98% đến 99%

Người khuyết tật là người ỷ lại

18% đến 32%

Người khuyết tật không thể có cuộc sống bình thường

40% đến 59,4%

Người khuyết tật bị như vậy là do số phận

56% đến 65%

Người khuyết tật đáng phải gánh chịu số kiếp khuyết tật như vậy vì họ phải trả giá cho việc làm xấu xa ở kiếp trước

14% đến 21%

Gặp phải người khuyết tật là gặp vận đen

17%

 

Hơn nữa, người khuyết tật còn bị phân biệt đối xử bởi chính gia đình mình: bị coi thường (16%); bị coi là gánh nặng suốt cuộc đời (40%); bị coi là vô dụng (20,7%); bị thường xuyên lăng mạ (14,2%); bị bỏ mặc không chăm sóc (8,5%); bị bỏ rơi (7,1%); không cho ăn (4,3%); bị khoá/xích trong nhà (10,2%); bị bắt đi ăn xin (1,5%). Câu hỏi đặt ra cho chúng ta hôm nay là ta đang có thái độ đối xử nào với người khuyết tật?

3. Chúng ta làm gì để giúp đỡ họ?

Đứng trước số người khuyết tật lớn lao hiện nay, chúng ta nên học lại bài học đầy tình yêu thương của Chúa Giêsu để giúp đỡ, chia sẻ và an ủi những anh chị em thiệt thòi về nhiều mặt của ta.

Trước hết, “Đức Giêsu kéo người câm điếc ra khỏi đám đông” như dạy bảo ta đừng coi thường NKT như đám đông quen làm, đừng để NKT ẩn mình trong đám đông với nỗi tủi nhục và mặc cảm tự ti. Tiếp theo, “Đức Giêsu đặt ngón tay vào lỗ tai anh và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh”. Công việc chữa lành lần này có vẻ phức tạp chứ không đơn giản như mọi lần khác khi Người chỉ cần phán 1 lời. Điều này như muốn dạy ta cần phải lao động vất vả, phải tích cực làm những việc cụ thể cho NKT, chứ không phải chỉ yêu thương xuông ngoài môi miệng hay bố thí vài đồng bạc cách dễ dãi như vẫn quen làm trước đây.

Ta hãy trở thành cánh tay và đôi chân nối dài cho người què cụt để nâng đỡ họ trong cơn hoạn nạn, túng nghèo. Ta hãy trở thành đôi mắt cho người đui mù khi dẫn dắt họ qua đường hay góp tiền để in những cuốn sách học bằng chữ Braille cho họ. Ta hãy chữa lành đôi tai và miệng lưỡi cho người câm điếc khi góp tiền mua giúp họ chiếc máy trợ thính, gửi cho NKT những sách vở, quần áo, lương thực họ cần trong hoàn cảnh kinh tế hết sức khó khăn hiện nay. Họ không đòi ta phải nhịn ăn, nhịn uống, nhịn tiêu những thứ cần thiết nhưng chỉ xin ta bớt đi vài điếu thuốc lá, vài chai rượu bia, vài cuộc cá độ bóng đá, số đuôi, số đề là dư sức cứu vớt họ.

Cuối cùng, “Đức Giêsu ngước mắt lên trời, thở dài và nói Ephata, nghĩa là “hãy mở ra”. Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng”. Điều này như mời gọi ta gắn bó mật thiết với Đức Giêsu để nhận được quyền năng bởi Cha Trên Trời và ân sủng của Thần Khí thì mới chữa lành cho NKT được. Quả thực nhiều tín hữu Công giáo hiện nay, trong tâm thức chỉ tin vào khoa học và thuốc men vật chất, nên chưa phát huy được quyền năng và ân sủng như Chúa Giêsu.

Hơn 10 triệu người khuyết tật về tinh thần như bị trầm cảm, lo âu, suy kiệt bắt nguồn từ việc phá thai (2 triệu ca/năm), nghiện ngập đủ loại như phim ảnh đồi truỵ (5 triệu người), trò chơi trực tuyến (10 triệu người), rượu bia (23 triệu người uống), thuốc lá (33 triệu người hút), ma tuý (300 ngàn), cờ bạc…, cần được chữa trị một cách toàn diện về thể lý, tâm thần cũng như tâm lý và tâm linh. Điều này chưa có một trung tâm nào thực hiện. Ngay lĩnh vực điều trị tâm lý cũng chỉ vừa mới bắt đầu năm nay với hơn hai chục sinh viên tốt nghiệp Khoa Tâm lý của Đại học Khoa học Xã hội- Nhân văn TP. HCM. Đó cũng là lý do để chúng ta dấn thân cho việc nghiên cứu và mở ra một đường hướng chữa trị con người toàn diện.

Tôi xin chia sẻ 1 trường hợp cụ thể. Cách đây 3 tuần một phụ nữ trung niên dẫn theo người con gái tên Hương, đang có thai hơn 7 tháng, đến xin tôi chữa cho con bà bị câm và điếc trên 2 tuần qua. Đi theo có cả người chồng, anh trai, cô và cậu của cô gái. Cô gái tỏ vẻ rất sợ hãi không muốn vào nhà nguyện, nên tôi đành tiếp tất cả trong phòng làm việc. Người mẹ cho tôi biết tình trạng của con, chạy thầy, chạy thuốc cũng đã nhiều mà bệnh không khỏi. Vì cô gái không nghe được nên tôi giải thích cho tất cả hiểu về sức khoẻ thể chất và tinh thần. Cô Hương cứ nhắm nghiền đôi mắt như ngủ.

Sau đó tôi mời mọi người có mặt vào nhà nguyện để ban bí tích Xức dầu Bệnh nhân và Xức dầu Trừ tà. Trong khi cử hành nghi thức, cô Hương không mở mắt và tỏ ra không biết gì. Nhưng cuối cùng, trước khi cho bệnh nhân rước lễ, tôi hỏi cô Hương; “Con có muốn rước Chúa không?”. Cô trả lời rõ ràng: “Con muốn”. Bà mẹ đứng bên cạnh buột miệng kêu lớn: “Con tôi nghe và nói được rồi!”. Sự kiện này nhắc nhở tôi quyền năng chữa lành kỳ diệu của Chúa Giêsu trong một số trường hợp khuyết tật vì lý do tâm linh.

Lời kết

Hôm nay, suy niệm về hành động cứu chữa đầy tình yêu thương của Chúa Giêsu đối với người câm điếc, chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta có một tấm lòng nhân hậu như Người và tích cực hành động để cứu giúp những người khuyết tật quanh ta.