06/10/2024

CN XII TN – B – Sinh nhật Thánh Gioan Tẩy Giả: Sứ mạng loan báo Chúa Giêsu Kitô

Đời sống của thánh Gioan Tẩy Giả như gợi ý cho chúng ta những việc cần làm để thực hiện sứ mạng loan báo Đức Kitô cho có hiệu quả.

 

Sứ mạng loan báo Chúa Giêsu Kitô

Hành Khất Kitô

Lời mở

Chủ Nhật tuần này, thay vì đọc các bài Mùa Thường Niên, Giáo Hội đọc các bài Thánh Kinh riêng để kính trọng thể Sinh Nhật thánh Gioan Tẩy Giả như muốn nhắc nhở chúng ta về sứ mạng loan báo Tin Mừng mà Gioan đã thể hiện trong đời ngài. Nhất là vì toàn thể Giáo Hội đang chuẩn bị cho Năm Đức Tin sẽ bắt đầu vào tháng 10 sắp tới, để kỷ niệm 50 năm Công đồng Vaticanô II và 20 năm xuất bản cuốn Giáo lý Hội Thánh Công giáo. Giáo Hội cũng tổ chức Thượng Hội đồng Giám mục dịp này với chủ đề “Tái loan báo Tin Mừng để truyền bá đức tin”. Do đó, trong ít phút này chúng ta sẽ tìm hiểu:

– Sứ mạng loan báo Chúa Giêsu Kitô của Gioan và của chúng ta,

– Ta nên làm gì để hoàn thành sứ mạng ấy như Gioan.

1. Sứ mạng loan báo Chúa Giêsu Kitô của Gioan và của chúng ta

1.1. Sứ mạng của Gioan

Các bài Thánh Kinh đều diễn tả việc Chúa kêu gọi những con người và giao phó cho họ sứ mạng loan báo Đức Giêsu Kitô là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người. Chúa đã chọn Giêrêmia (x. Gr 1,1.4-10), chọn Isaia (x. Is 49,1-6) giống như chọn Gioan Tẩy Giả ngay từ trong lòng mẹ: “Chúa đã kêu gọi tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ”, “Trước khi tạo thành ngươi trong lòng mẹ, Ta đã biết ngươi, và trước khi ngươi ra khỏi lòng mẹ, Ta đã hiến thánh ngươi. Ta đặt ngươi làm tiên tri cho các dân tộc… Đây, Ta đặt Lời ta vào miệng ngươi”.

Thánh Phêrô (x. 1Pr 1,8-12) cũng nói đến sứ mạng cứu rỗi mà từng tín hữu lãnh nhận từ Thiên Chúa để trở thành người rao giảng Tin Mừng như các tiên tri xưa. Sứ mạng cao cả đến độ chính các thiên thần cũng ao ước và nghiêng mình chiêm bái vì Tin Mừng này là chính Đức Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa, và tín hữu chúng ta là sứ giả của Người như Gioan Tẩy Giả.

Sứ mạng đó không phải được giao phó một cách ngẫu nhiên, bất ngờ như sứ mạng của một người trần thế, nhưng được định trước từ muôn thuở, được uỷ thác như Chúa đã chọn lựa và báo tin cho ông Giacaria (x. Lc 1,5-17): “Trẻ này sẽ được đầy Thánh Thần ngay từ lòng mẹ, sẽ đem nhiều người trở về cùng Chúa. Trẻ này sẽ đi trước Người”.

1.2. Sứ mạng của chúng ta

Mỗi người chúng ta hãy dành một phút, nhìn ngược về quá khứ đời mình để thấy được sứ mạng cao cả Chúa trao, khi ta lãnh nhận bí tích Rửa Tội, được xức dầu thánh để làm tiên tri, làm tư tế, làm vương đế cùng với Chúa Giêsu trong quyền năng và ân sủng của Chúa Thánh Thần. Chúng ta còn hạnh phúc và cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả vì không phải chỉ đi trước Chúa để mở lối cho Người, mà còn là hiện thân của Chúa Giêsu, là chính ơn cứu độ Chúa muốn gửi đến cho muôn vật, muôn loài.

Chúng ta chưa cảm nhận được sự cao cả và hiệu quả kỳ diệu của sứ mạng ấy nên chưa biết tự hào. Nếu có ai trong chúng ta được Tổng thống Hoa Kỳ đặt làm đại sứ toàn quyền ở Hội đồng Liên Hiệp Quốc hay được Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đặt làm Đặc Sứ Toà Thánh, chắc người đó sẽ rất sung sướng, hãnh diện! Còn hiện nay ta đang được làm tiên tri, làm đại sứ loan báo Đức Giêsu như Gioan, sao ta lại chưa cảm thấy hạnh phúc và tự hào? Hình như có một điều gì đó không ổn trong đời ta!

2. Ta nên làm gì để hoàn thành sứ mạng ấy như Gioan?

2.1. Sứ mạng loan báo Đức Giêsu rất cần thiết

Nhiều người tín hữu Công giáo Việt Nam tuần nào cũng đi dự lễ, rước lễ, cầu nguyện, nhưng lại ít quan tâm đến việc loan báo Chúa Kitô cho người khác. Chúng ta sợ xúc phạm đến “tự do tôn giáo” và để mặc người khác chọn theo tôn giáo họ thích. Nhưng nếu chúng ta không rao giảng Đức Giêsu Kitô thì họ biết chọn lựa ai! Trong khi các tôn giáo khác, nhất là các anh em giáo phái Tin Lành, lại rất tích cực rao giảng. Nhiều tín hữu Công giáo vì thấy đời sống đạo quá hình thức mà không thật sự yêu thương của các tín hữu nên đã bỏ đạo. Vì thế, Giáo Hội phát động Năm Đức tin để “tái loan báo Tin Mừng”.

Thật ra, sau 2000 năm rao giảng Đức Kitô, số người Công giáo chỉ chiếm 17,4% dân số thế giới. Trong số đó, có nhiều người đã bỏ Đức Kitô, cả đời chỉ đến nhà thờ được 2,3 lần: lần đầu để được Rửa Tội, lần giữa để làm lễ cưới, lần cuối để được an táng!

Ở Việt Nam, sau gần 400 năm được chính thức truyền đạo do các cha thừa sai Dòng Tên từ năm 1615 đến nay, mới chỉ có hơn 6 triệu người Công giáo trên tổng số 90 triệu dân, dù chúng ta hiện có hơn 4.200 linh mục, 4.000 chủng sinh, 17.000 tu sĩ, 57.000 giáo lý viên và hàng trăm ngàn hội viên các đoàn thể Công giáo Tiến hành như Legio Mariae, Thiếu nhi Thánh Thể, Giới Trẻ Con Đức Mẹ, Phạt Tạ Thánh Tâm, Các dòng Ba Đa Minh, Phan Sinh, Cát Minh… Mỗi năm có khoảng 30-40 ngàn người lớn theo đạo, và số người bỏ đạo cũng không ít. Thế nên từ 1885 đến nay, tỷ lệ người Công giáo vẫn giữ nguyên 7% dân số. Vì vậy sứ mạng loan báo Chúa Kitô cho 93% đồng bào còn lại vẫn rất cần thiết. Đó cũng là con đường thật sự đem lại cho đất nước Việt Nam hoà bình, sự thật, sự sống, hạnh phúc, tình yêu và sự phát triển bền vững vì Đức Giêsu là tất cả những giá trị tích cực ấy chứ không phải là những thủ đoạn chính trị hay cuộc cách mạng, giải phóng bạo lực nào? Không biết anh chị em có nghĩ như vậy không?

2.2. Loan báo Đức Kitô như thế nào cho hiệu quả?

Đời sống của thánh Gioan Tẩy Giả như gợi ý cho chúng ta những việc cần làm để thực hiện sứ mạng loan báo Đức Kitô cho có hiệu quả. Điểm chính yếu cần nhớ chính là gắn bó với Đức Giêsu Kitô và quy hướng toàn bộ đời sống vào Người. Ngay từ lúc còn nằm trong lòng bà Elizabeth, Gioan đã nhận biết Đức Kitô và nhảy lên vui sướng để đón nhận Thánh Thần (x. Lc 1,44). Từ đó, Gioan gắn bó với Đức Kitô vì nhận ra Người là ông chủ đích thực mà mình phải phục vụ và là Thiên Chúa mà mình phải tôn thờ. Gioan giới thiệu Đức Kitô cho các môn đệ để họ đến gặp và đi theo Người. Ông công bố rõ ràng với những kẻ đang ngưỡng mộ ông rằng mình không phải là Đức Kitô (x. Cv 13,25) và Đức Giêsu mới chính là Chiên Thiên Chúa đến xoá bỏ tội trần gian (x. Ga 1,29).

Để chuẩn bị cho sứ mạng, Gioan đã “vào trong hoang địa” (Lc 1,80), sống đời khổ hạnh, nghèo khó. Cuối cùng, ông đã dám chết cho sự thật, cho đạo lý chính trực khi chống lại cường quyền và khuyên bảo vua Hêrôđê không được lấy vợ của em ruột mình (x. Mt 14,3-12) để “làm cho kẻ ngỗ nghịch về lại với lương tri của người công chính” (Lc 1,17). Ông đã chết cho Đức Kitô vì Người chính là sự thật, sự sống, tình yêu, đạo lý mà ông rao giảng và làm chứng.

Đời sống chứng nhân của chúng ta ngày nay cũng phải thay đổi, đi vào những lĩnh vực tích cực và cụ thể như vậy thì việc loan báo Tin Mừng mới hiệu quả. Trước hết, ta cần ý thức rằng: Tin Mừng không phải chỉ là cuốn sách được long trọng rước từ cuối nhà thờ đi lên, giơ cao cho mọi người thấy và hôn kính khi đọc xong, nhưng là một người sống động, đó là Đức Giêsu Kitô, Lời của Thiên Chúa đã làm người. Bản Đề cương Thượng Hội đồng Giám mục 2012 nhắc bảo ta như thế (số 11).

Chúng ta cần gắn bó với Đức Giêsu trong đời sống thường ngày để cùng học hành, làm việc, ăn uống, ngủ nghỉ, giải trí, tiếp xúc với con người và vạn vật cùng với Giêsu thay vì quên ngay Người khi vừa rời khỏi nhà thờ. Có gắn bó với Người ta mới tránh được những hành động tiêu cực như lừa dối, làm hại, chống phá lẫn nhau để thu lợi cho cá nhân mình, bất chấp sự thật, đạo lý, lương tâm đến nỗi thánh Gandhi của Ấn Độ phải thốt lên rằng: “Nếu người Công giáo sống đúng đạo lý của Đức Kitô, thì cả nước Ấn Độ chúng tôi đã theo Người từ lâu rồi”!

Chúng ta được mời gọi hy sinh vì đại nghĩa cho Chúa Giêsu như Gioan qua đời sống thanh bần, khổ hạnh, bỏ đi những giờ lướt các trang web đồi truỵ hay vô ích, những thú vui tầm thường để thay vào đó bằng những giờ thăm hỏi người hàng xóm ốm đau, bạn đồng nghiệp gặp nạn và cứu giúp những kẻ nghèo khổ, tàn tật. Những đồ ăn dư thừa của nước Mỹ này có thể nuôi cả thế giới chứ không riêng 15 triệu người khuyết tật, nghèo khổ ở Việt Nam! Thế nhưng những đứa trẻ mồ côi, khuyết tật ở nước tôi vẫn phải ăn những cơm thừa, canh cặn hằng ngày thải ra từ nhà hàng, xí nghiệp! Người Việt chúng ta vẫn nuôi lòng hận thù, căm ghét nhau sau biến cố 1975 có lẽ vì chúng ta chưa nhìn ra sứ mạng cao cả Chúa muốn dùng dân tộc Việt Nam để loan báo Chúa Kitô cho toàn thế giới.

Lời kết

Hôm nay, suy nghĩ về gương sống của thánh Gioan Tẩy Giả, chúng ta hãy xin thánh nhân chuyển cầu cho chúng ta trở nên những Tin Mừng sống động của Chúa Giêsu để truyền bá đức tin cho mọi người.