Chúa Nhật Phục Sinh – B: Cuộc sống lại của Đức Giêsu

Cuộc sống lại của Đức Giêsu là một sự kiện có thật trong lịch sử mà chúng ta cần phải dùng l‎ý trí để tìm hiểu, nhưng cũng là một mầu nhiệm cao cả phải dùng đức tin để khám phá ra hết ý nghĩa của sự kiện này

 

Cuộc sống lại của Đức Giêsu
và lòng tin của con người thời nay
Hành Khất Kitô
Lời mở
Trong Mùa Phục sinh, chúng ta được mời gọi suy niệm về cuộc sống lại của Đức Giêsu. Đây là một sự kiện có thật trong lịch sử mà chúng ta cần phải dùng l‎ý trí để tìm hiểu, nhưng cũng là một mầu nhiệm cao cả phải dùng đức tin để khám phá ra hết ý nghĩa của sự kiện này.
Ngày nay người tín hữu có đức tin mà quên dùng l‎ý trí, còn nhiều người khác lại chỉ sử dụng l‎ý trí mà không có lòng tin. Chính vì thế, cả hai bên không phát huy được sức sống kỳ diệu của Đức Giêsu Kitô trong con người mình.
Hôm nay Chúa mời gọi chúng ta nên phối hợp cả l‎ý trí lẫn đức tin để cảm nghiệm được Đức Giêsu Phục Sinh trong đời mình khi tìm hiểu:
1.Tại sao người ta không còn tin Đức Giêsu sống lại?
Ngày nay người ta chối bỏ sự kiện sống lại của Đức Giêsu vì nhiều lý do.
1.1. Lý do đầu tiên: con người thời nay chuộng khoa học kỹ thuật, bị ảnh hưởng bởi ý   thức hệ duy lý, duy vật, duy thực, duy nghiệm, nên họ muốn cái gì cũng phải được giải thích rõ ràng bằng l‎ý trí, cái gì cũng phải được kiểm nghiệm bằng thực tế, phải cân đo đong đếm cẩn thận thì mới chấp nhận. Nhưng cuộc phục sinh của Đức Giêsu lại không phải một sự kiện xảy ra thường xuyên trong đời sống tự nhiên để có thể giải thích hoàn toàn bằng l‎ý trí, cũng không thể cân đo đong đếm rõ ràng như hàng hoá trong đời sống của chúng ta.
Giả như chúng ta sống trong thời Giáo Hội sơ khai, khi mà các tín hữu tin mạnh mẽ vào Đấng Phục Sinh và cảm nghiệm được Người, thì có lẽ chứng minh dễ dàng hơn. Thời đó, các tông đồ hoặc tín hữu đi đến đâu là làm phép lạ đến đó, họ chữa lành người bệnh, giải thoát người bị ma quỷ kiềm chế; thậm chí cho người chết sống lại như chị Tabitha (x. Cv 9,36-42), cậu bé Eutiches (x. Cv 20,7-11). Những điều đó người ta có thể kiểm chứng, đo đếm được phần nào. Còn bây giờ phép lạ hình như là những thứ hoạ hiếm trong đời tín hữu!
1.2. Lý do thứ hai là ảnh hưởng của các nhà thần học Tin Lành, nhất là ông Bultman, với chủ trương giải trừ huyền thoại Tin Mừng. Ông nghĩ rằng muốn cho những người chuộng khoa học kỹ thuật dễ dàng đón nhận Tin Mừng thì tốt hơn hết là loại bỏ những gì khó tin như những phép lạ và cuộc sống lại của Chúa Giêsu, bởi vì ông cho đó là những huyền thoại chỉ mang ý nghĩa thiêng liêng chứ không phải là những sự kiện có thật trong lịch sử. Chủ trương của ông được nhiều nhà thần học Công giáo đón nhận và vẫn đang được giảng dạy trong các đại học, thậm chí trong các chủng viện.
1.3. Lý do thứ ba liên quan đến việc giải thích hợp lý những đoạn Tin Mừng kể về cái chết và cuộc sống lại của Chúa Giêsu. Ngay cả các nhà Kinh Thánh Công giáo cũng gặp nhiều khó khăn trong khi giải thích chúng. Khi nghe những đoạn Tin Mừng ngắn của từng thánh sử riêng lẻ, chúng ta dường như không gặp khó khăn. Nhưng khi đọc chung các thánh sử và so sánh các sự kiện xảy ra trong cái chết và cuộc sống lại của Chúa Giêsu, người ta gặp nhiều vấn nạn khó giải đáp nên không còn tin vào sự kiện sống lại của Chúa Giêsu trong lịch sử. Nhiều anh em Tin Lành thắc mắc với người Công giáo chúng ta một số điều về Kinh Thánh sau đây, không biết chúng ta sẽ trả lời như thế nào, nếu không dùng lý trí để học hỏi Tin Mừng:
– Tin Mừng theo thánh Matthêu kể 2 phụ nữ đến mộ Chúa Giêsu (x. Mt 28,1), còn theo thánh Marcô có 3 phụ nữ (x. Mc 16,1-2) trong khi theo thánh Gioan lại chỉ có một mình Maria Mađalena (x. Ga 20,1). Vậy vị nào kể đúng, vị nào thêm thắt? Mà nếu thêm vào hay bớt đi đều làm sai sự thật, vậy Tin Mừng có còn đáng tin nữa hay không?
– Thánh Matthêu (x. 28,2-6) và Marcô (x. 16,5) kể chỉ có một thiên thần hiện ra nơi mộ Chúa, còn thánh Luca (x. 24,4-7) và Gioan (x. 20,11-13) lại kể có 2 thiên thần – “một vị ngồi đằng đầu, một vị ngồi đằng chân”. Ai kể chính xác? Người ta giải thích sự khác biệt về con số thiên thần này cũng như các con số khác, như số người mù được chữa lành, số người ăn bánh trong các phép lạ, bằng “định luật truyền miệng”: càng kể thì số càng tăng. Nhưng thời nay người ta đặt câu hỏi vậy Tin Mừng nào kể thật và Tin Mừng nào phóng đại?
– Nếu so sánh các lần Chúa Giêsu hiện ra, người ta nghĩ rằng Chúa Giêsu phải “phân thân” để hiện ra nhiều lúc, nhiều nơi: ban sáng hiện ra với các phụ nữ (x. Mt 28,9-10; Mc 16,9-11), với Mađalena (x.Ga 20,11-18), với ông Phêrô (x. Lc 24,34), với hai môn đệ trên đường Emmaus (x. Lc 24,18-36); ban tối thì hiện ra với các môn đệ tại nhà tiệc ly trong thành Giêrusalem (x. Mt 28,16-20; Mc 16,14-18; Lc 24,36-49; Ga 20, 19-29). Nếu để ý thêm một chút, chúng ta thấy Chúa Giêsu Phục Sinh nhờ các phụ nữ nói cho các môn đệ rằng Người sẽ gặp họ ở Galilê. Vậy nếu các môn đệ tin lời đó thì ngay từ sáng sớm họ phải đi Galilê, cách Giêrusalem khoảng 155 cây số về phía Bắc và phải đi mất 3 ngày. Nhưng nếu họ đã đi Galilê thì tại sao ngay chiều Chúa Nhật hôm đó, Chúa Giêsu lại hiện ra ở Giêrusalem với họ được?
Vì thế, khi chưa giải thích được những đoạn Tin Mừng trên, người ta cho rằng cuộc sống lại của Chúa Giêsu chỉ có ý nghĩa thiêng liêng chứ không có thật trong lịch sử.
2. Làm sao giải đáp các khó khăn và cảm nghiệm được Chúa Giêsu Phục Sinh?
Hôm nay chúng ta được mời gọi để sống lại kinh nghiệm phục sinh với các môn đệ Chúa Giêsu, nhất là với các thánh sử, bằng tất cả lòng tin và lý trí của mình để tìm ra những giải đáp cho các vấn nạn vừa nêu.
2.1. Giải đáp đầu tiên về việc xức dầu: theo thánh Gioan, Chúa Giêsu được xức dầu ngay chiều thứ Sáu (x. Ga 19,39-40); các thánh sử khác nói các bà định xức dầu cho Chúa Giêsu vào sáng sớm Chúa Nhật (x. Mt 27,57-61; Mc 15,42-47; Lc 23,56-24,1). Nhưng nhờ nghiên cứu môn lịch sử dân tộc học, người ta biết rằng dân tộc Do Thái có phong tục xức dầu tẩm liệm xác chết trong 3 ngày sau khi chết. Vì thế cả 4 thánh sử đều đúng.
2.2. Giải đáp tiếp theo về số các thiên thần, số các phụ nữ: chúng ta nên biết rằng mộ của người Do Thái không đào sâu xuống đất giống như nhiều dân tộc khác, mà đục sâu vào núi đá thành một hang có cửa nhỏ đủ cho một người chui vào, và cửa hang là một tảng đá che bên ngoài. Vì thế, nếu một người đứng ở ngoài cửa hang nhìn vào có thể chỉ thấy một thiên thần, còn khi vào hẳn bên trong mới thấy toàn bộ phiến đá đặt xác người chết từ đầu đến chân. Như thế các thánh sử đều tả đúng những gì mình thấy, thấy một thiên thần thì nói một, thấy hai thì nói hai. Số các phụ nữ viếng mộ Chúa khác nhau là do các thánh Sử kể lại theo từng truyền thống của cộng đồng với ảnh hưởng của thánh Phêrô hay Phaolô (Marcô và Luca) hoặc do quan điểm thần học của chính mình muốn để ý nhiều đến một nhân vật nào đó như thánh Gioan chú ý đến bài học của Mađalena. Thực ra, vào buổi sáng hôm đó Chúa Phục Sinh đã hiện ra với nhiều phụ nữ (x. Lc 24, 8-10).
2.3. Giải đáp thứ ba về việc Chúa Giêsu hiện ra ở nhiều nơi, vào nhiều lúc với các môn đệ ở nhiều chỗ khác nhau là chỉ muốn chứng tỏ sự phục sinh là một cuộc sống mới, không bị lệ thuộc vào vật chất, không gian và thời gian. Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ và ở giữa các ông trong khi các cửa căn phòng vẫn đóng kín (x. Ga 20,19). Vì thế, những ai gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu đều cảm nghiệm được sự sống kỳ diệu của Người, không còn bị giới hạn bởi vật chất, không gian, thời gian và Chúa Giêsu có thể hiện diện với họ bất cứ lúc nào, ở bất cứ nơi đâu.
Câu chuyện của thánh Philipphê (x. Cv 8,26-40) chứng tỏ điều đó: thánh nhân đang ở Giêrusalem, Thánh Thần đưa ông đến rao giảng cho quan thái giám và sau khi rửa tội cho ông này, Thánh Thần lại đưa Philipphê đến một thành rất xa. Nhiều vị thánh kết hợp với Chúa Giêsu cũng được những ơn lạ như thánh Antôn Pađôva ở Nam Mỹ nhưng lại sang tận Âu Châu, vào trong nhà tù để chữa lành cho một người bị giam trong đó. Có lần, thánh Antôn dẫn đoàn học sinh đi du ngoạn, thầy trò vui vẻ quên cả giờ về, còn ít phút phải có mặt tại tu viện mà đoàn lại ở xa hàng chục cây số. Thánh Antôn đã bảo tất cả nhắm mắt lại cầu nguyện. Khi mở mắt ra, thầy trò đã đứng trước cổng của tu viện!
2.4. Chúa Giêsu Phục Sinh cũng có thể đã đưa các môn đệ từ Galilê về Giêrusalem và đưa đi bất cứ nơi nào vì đó là sự sống kỳ diệu mà mỗi người chúng ta có thể cảm nghiệm được với Đấng Phục Sinh. Hình như bây giờ chúng ta không tin vào Người, cũng không cảm nghiệm được Người nên bắt đầu giải thích Tin Mừng bằng cách loại bỏ tất cả những phép lạ, và cả cuộc sống lại của Người.
Chúng ta đang được mời gọi để có một niềm tin và tình yêu mãnh liệt như Mađalena, gắn bó với Chúa Giêsu để thấy sự sống kỳ diệu của Người chuyển thông cho chúng ta. Maria Mađalena chỉ mong ước tìm lại được thân xác bất động của Chúa Giêsu. Nhưng chị đã ôm được Đức Giêsu sống động trong vòng tay của mình. Chúng ta có tha thiết yêu những Giêsu bị đóng đinh, bị xỉ nhục, bị giết chết, trở thành những thây ma chôn trong mồ như Mađalena không? Những Giêsu ấy đang đầy dẫy trong xã hội hôm nay. Nếu chúng ta không tin không yêu những Giêsu ấy để lo xức dầu giúp đỡ họ, làm sao chúng ta có thể cảm nghiệm được một Giêsu sống động trong vòng tay của mình?
Thánh Gioan cũng vậy, chỉ nhìn thấy những khăn vải cuộn lại để một nơi, nhưng “ông đã thấy và đã tin” vì nếu có ai lấy cắp xác Chúa Giêsu họ không dại gì tháo ra từng cái khăn, từng dải băng và xếp lại ngăn nắp như vậy. Chúng ta có nhìn thấy được những vật chất xung quanh chúng ta có mối liên hệ đến cái chết và cuộc sống lại của Chúa Giêsu như thánh Gioan?
Lời kết
Một vài gợi ý trên đây để chúng ta yêu Đức Giêsu như Gioan, như Mađalena và cảm nghiệm được sự sống kỳ diệu bắt đầu trong đời của mình cũng như để trở thành chứng nhân cho Chúa Giêsu Phục Sinh như các tông đồ trong bài đọc I hôm nay (x.Cv 10,34.37-43).