18/09/2024

Chúa Nhật XXXI TN – A: Ba điều cần để xây dựng cộng đồng xã hội

Hôm nay, chúng ta nghe giới thiệu 3 điều cần để xây dựng cộng đồng xã hội: sự thật, bác ái và Đức Kitô với 3 nguyên tắc hành động: tôn trọng sự thật, yêu thương anh em và theo gương Đức Kitô.

Ba điều cần để xây dựng cộng đồng xã hội

 Hành Khất Kitô

Lời mở

Các bài Kinh Thánh Chúa Nhật 31 TN tập trung vào những người có trách nhiệm trong gia đình hay cộng đồng xã hội như xí nghiệp, công ty, tổ chức, dòng tu, xứ đạo… và mời gọi họ sống gương mẫu trong sự thật và tình bác ái để làm cho gia đình cũng như cộng đồng mình cảm nhận được hạnh phúc, bình an và sự thăng tiến mỗi ngày. Nhưng tại sao Chúa lại mời gọi như thế và ta phải làm gì để đạt được hạnh phúc và tiến bộ?

1. Thực trạng gia đình và xã hội mời gọi

Có lẽ thực trạng gia đình và cộng đồng xã hội đang tha thiết mời gọi chúng ta nhìn lại cách hành xử của mỗi người. Ngày mai, 31/10/2011, gia đình nhân loại đạt con số 7 tỉ người và cứ mỗi giây, có 5 trẻ ra đời. Làm sao cho cộng đồng đông đảo này mỗi ngày một ấm no, hạnh phúc và phát triển? Đó là trách nhiệm của tất cả mọi người chúng ta, đặc biệt là Kitô hữu, vì chúng ta đã nhận được đức tin, tình yêu, ân sủng của Chúa để đóng góp phần lớn lao vào trách nhiệm này.

Mở báo chí, vào các kênh thông tin hằng ngày, chúng ta thấy đầy dẫy những chuyện đâm chém, lừa bịp, trộm cắp, phá hoại nhau… Chỉ cần va chạm xe một chút ngoài đường là người ta có thể đâm chém nhau; chỉ cần nghênh nhìn ở quán nào đó, người ta cũng kéo cả nhóm đánh đập, thậm chí giết hại nhau; đi mua đồ dùng hay thức ăn hằng ngày, chúng ta không biết  mua được hàng thật hay hàng giả, hàng an toàn hay hàng độc hại… Trong cuộc sống, lúc nào chúng ta cũng nơm nớp sợ hãi, không biết người ta có đặt máy theo dõi để làm hại chúng ta không, không biết người ta có thuê bọn xã hội đen để làm khổ ta không?… Cuộc sống bất an, bất công như đang diễn tả thực trạng của xã hội cũng như của gia đình nhân loại, nhưng nhiều người lại chọn thái độ im lặng thụ động để khỏi bị rắc rối, phiền phức! Vì thế rất nhiều người thành tâm, thiện chí đang đặt câu hỏi: làm thế nào để xây dựng hạnh phúc? Làm thế nào để phát triển?

Tuần rồi, từ 24 đến 28-10-2011, Uỷ ban Công l‎ý và Hoà bình thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam đã tổ chức khoá đào tạo cho những người tham vấn tâm l‎ý để giúp những người nghiện chơi trò chơi trực tuyến (game online) vượt qua cơn nghiện. Hiện nay Việt Nam có trên 6 triệu người nghiện loại này. Họ bỏ học hành, làm việc và chơi suốt ngày đêm. Hơn nữa, những trò chơi hiện nay không còn đơn thuần là những loại trò chơi thông minh, hành động kiểu “võ lâm truyền kỳ” mà bị pha trộn với những loại trò chơi độc hại hơn, đó là lồng cảnh đồi truỵ vào trong đó, gọi là “sex game”, vừa thoả mãn tham vọng vừa thoả mãn dục vọng của con người. Trong 25 triệu người truy cập internet ở Việt Nam, mỗi ngày có hơn 5 triệu người truy cập phim sex. Từ tháng 7-2007, Việt Nam đứng đầu thế giới về truy cập sex, cơn nghiện này gây nên biết bao tổn hại trong cuộc sống con người.

Nhưng tại sao người ta hay chơi game? Đó là vì tại cha mẹ, thầy cô luôn ép con trẻ học hành, các em lúc nào cũng căng thẳng nên chúng phải tìm cách giải thoát bằng những trò chơi ấy. Có thể vì áp lực công việc và những căng thẳng ở ngoài xã hội luôn gây khổ cho con người nên nhiều người lớn phải chạy trốn bằng các trò chơi! Tại sao người ta xem những phim đồi truỵ? Vì người ta thất vọng về cuộc sống gia đình, căng thẳng trong xã hội nên tìm quên trong những dòng phim như vậy! Người Kitô hữu chúng ta được mời gọi gắn bó với Thiên Chúa, với quyền năng, sự thật, tình yêu để giúp cho rất nhiều anh chị em của chúng ta đang bị xáo trộn trong đời sống cá nhân, gia đình, xã hội tìm được bình an. Chúng ta thừa sức để nói lên một tình yêu trong sáng, một sức mạnh phi thường và sự phát triển toàn diện của con người nhờ chúng ta gắn bó với Chúa Giêsu, với Cha Trên Trời, với Thánh Thần Sự Thật được ban cho chúng ta (x. Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, số 61).

2. Ý nghĩa Lời Chúa

Các bài Kinh Thánh hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại cách sống của mình để dám nhận lãnh trách nhiệm ấy.

Malakhi trong bài đọc I (x. Mlk 1,14-2,2.8-10) là một tiên tri rao giảng cho dân Do Thái trong thời kỳ từ sau khi vương quốc Samari phía Bắc thất thủ vào năm 721 TCN cho đến cuộc xâm lăng của vua Xankhêrip vào năm 701 TCN. Ông kêu gọi người Do Thái hãy nhìn lại và thay đổi cách sống, nhất là các tư tế – những người mang trách nhiệm trong dân – nếu không, người Do Thái sẽ bị phân tán, chịu nhục nhã giữa các dân tộc vì họ chối bỏ giao ước với Thiên Chúa. Giao ước là Mười Điều Răn, những luật tự nhiên mà Chúa đặt vào trong tâm hồn con người như: tôn thờ Thiên Chúa, thảo kính cha mẹ, không giết người, không trộm cắp, nói dối, dâm đãng, tham lam… Một khi những người có trách nhiệm không còn tuân giữ luật tự nhiên ấy, phản bội giao ước Thiên Chúa đặt trong lòng mình, họ sẽ sống bất an, nhục nhã giữa xã hội, họ còn lôi kéo những người khác bắt chước họ. Họ quên sứ mạng Thiên Chúa đã giao phó là dân tộc Do Thái phải sống gương mẫu, trở thành huynh trưởng trong việc hướng dẫn các dân tộc khác tôn thờ Thiên Chúa để tạo nên bình an và hạnh phúc cho toàn thể nhân loại.

Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm (x. Mt 23,1-12) hôm nay cũng nhắc bảo dân chúng đừng bắt chước cách sống của các kinh sư, vì họ nói mà không làm, họ chất lên vai người ta những gánh nặng mà họ thì không chịu đụng ngón tay vào, thích được tôn vinh ngoài đường phố, cầu nguyện chỉ cốt cho người ta thấy… Đó là xã hội Do Thái thời Chúa Giêsu.

Nhìn vào xã hội ngày nay, chúng ta cũng thấy nhiều điểm tương tự. Chúng ta đang nhận trách nhiệm đối với xã hội Việt Nam như những kinh sư, người Pharisêu trong xã hội Do Thái thời trước vì Chúa  ban cho chúng ta đức tin, hiểu biết đường lối sự thật của Thiên Chúa để làm cho dân tộc này hạnh phúc, bình an và phát triển. Mỗi người chúng ta chịu trách nhiệm về những bất an, bất toàn đang xảy ra trong xã hội này. Người ta nói dối, lừa bịp nhau nhưng người Công giáo có nói thật, mua thật, bán thật, sống thật không? Người ta đâm chém, giết hại nhau nhưng người Công giáo có diễn tả tình yêu thương để tha thứ, đón nhận, giúp đỡ nhau không? 

Vì thế, các bài Kinh Thánh hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại gia đình mình, gia đình nhân loại để chúng ta thăng tiến hơn chứ không phải để bi quan, tiêu cực, thụ động, ngồi hận người chửi đời mà không thay đổi được gì cả. Tuy nhiên, muốn xây dựng và đổi mới cộng đồng ta phải dựa trên những nền tảng hay hành động theo những nguyên tắc nào?

3. Vài nguyên tắc xây dựng và đổi mới xã hội

Chúa Giêsu đưa ra 3 nguyên tắc rất đơn giản đồng thời cũng là 3 chất liệu làm nền tảng (Sự thật, Bác ái, Đức Kitô) để xây dựng toà nhà gia đình nhân loại bền vững và phát triển cộng đồng tốt đẹp:

Tôn trọng sự thật: “Anh em đừng để ai gọi mình là thầy vì anh em chỉ có một thầy, còn tất cả là anh em” (Mt 23,8). Nói như vậy, Đức Giêsu không ‎có ‎‎‎ý chối bỏ ‎‎tước hiệu thầy dạy của ta hay của bất cứ ai, nhưng người mời gọi chúng ta xây dựng đời sống cá nhân và cộng đồng trên sự thật vì người thầy có bổn phận dạy sự thật. Trong cuộc sống, chúng ta học với rất nhiều thầy. Những người thầy đó dạy cho chúng ta sự thật về con người, về vạn vật, về Thiên Chúa qua các bộ môn khoa học tự nhiên và siêu nhiên. Khi chúng ta tin Thiên Chúa nhìn thấy lòng dạ của con người và ban thưởng cho chúng ta theo sự thật mà chúng ta đối xử với con người, lúc bấy giờ chúng ta mới nói thật, sống thật, hành động thật sự tốt đẹp cho người khác.

Hơn nữa, tất cả sự thật đó được đặt nền tảng trên Đức Giêsu Kitô là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người. Người chính là sự thật (Ga 14,6) cụ thể của Thiên Chúa và ban Thần Khí Sự Thật cho ta (Ga 15,26).

Yêu thương anh em: vì tất cả chúng ta đều bắt nguồn từ Thiên Chúa là Cha chung của mọi người: “Anh em đừng gọi ai dưới đất là cha vì anh em chỉ có một Cha Trên Trời” (Mt 23,9). Malakhi trong bài đọc I hôm nay cũng nhắc nhở: “Tất cả chúng ta chẳng có cùng một Cha sao? Chẳng phải cùng một Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta sao? Thế mà tại sao chúng ta lại bội phản nhau?” (Ml 2,10). Chúa Giêsu mời gọi chúng ta nhìn lại vì tất cả mọi sự hiện hữu hay sở hữu, những ân sủng mà chúng ta đang có đều bắt nguồn từ Thiên Chúa Cha, Ngài sinh ra chúng ta, tạo dựng nên vũ trụ và ban tất cả cho chúng ta (x. Ep 3,9; 4,11). Khi tin thật Thiên Chúa là Cha chung của tất cả mọi người, chúng ta mới đón nhận nhau là anh em. Có đón nhận nhau là anh em, chúng ta mới không lừa bịp nhau, giết hại nhau, mới yêu thương tha thứ cho nhau.

Xã hội chúng ta hiện nay chưa nhận ra bài học này dù chúng ta gọi nhau là đồng bào, cùng một mẹ Việt Nam sinh ra, hay gọi nhau là anh em vì “tứ hải giai huynh đệ”. Càng chối bỏ thần linh, gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời, con người càng đánh mất khả năng yêu thương và càng không nhận ra nhau thật sự là con cái của cùng một Cha Trên Trời, và vì thế mới sẵn sàng lừa dối và làm tất cả những gì xấu xa nhất, miễn là không bị người khác phát hiện để khỏi bị luật pháp trừng trị. Người Công giáo chúng ta nhận lãnh nhiệm vụ giới thiệu Thiên Chúa là cha cho người khác bằng việc thể hiện tình yêu thương, tha thứ, đón nhận nhau.

Theo gương Đức Kitô. “Anh em chỉ có một người chỉ đạo, đó là Đức Kitô” (Mt 23,10). Người là Thiên Chúa vô cùng giàu sang, quyền năng, tốt đẹp nhưng đã tự nguyện từ bỏ tất cả vinh quang Thiên Chúa để sống kiếp người như chúng ta, vâng lời, khiêm tốn đến nỗi chịu chết nhục nhã và sống lại vì chúng ta. Do đó, Người trở thành gương mẫu sống duy nhất cho tất cả những ai muốn xây dựng và đổi mới thật sự cộng đồng xã hội. Như thế, chúng ta được mời gọi để sống lại mẫu gương của Đức Giêsu Kitô và giúp người khác sống như Đức Giêsu để đem lại bình an, hạnh phúc, phát triển cho gia đình mình cũng như gia đình nhân loại.

Công đồng Vaticanô II đã tóm tắt 3 nguyên tắc sống này trong số 78 của Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes bàn về hoà bình: “Hoà bình không chỉ là không có chiến tranh, không chỉ giản lược vào thế quân bình giữa các lực lượng đối nghịch… Nhưng hiểu cách đúng đắn và chính xác, thì hoà bình là sự nghiệp của đức công bình. Hoà bình là thành quả của trật tự đã được chính Thiên Chúa là Đấng sáng lập ghi khắc trong xã hội loài người. Trật tự này phải được những ai luôn khao khát một nền công l‎ý hoàn hảo hơn đem ra thực hành… Hoà bình cũng là kết quả của tình thương, thứ tình thương vượt quá những lợi ích do đức công bình đem lại. Nhưng trên trần gian này, hoà bình bắt nguồn từ lòng yêu mến tha nhân, lại chính là hình ảnh và kết quả của sự bình an xuất phát từ Chúa Cha, do Đức Kitô đem đến… Nơi chính thân xác mình, Người đã tiêu diệt hận thù, và sau khi phục sinh vinh hiển, Người đã tuôn đổ Thánh Thần tình yêu vào tâm hồn mọi người. Vì thế, mọi Kitô hữu được khẩn thiết kêu mời sống theo sự thật và trong tình bác ái, để liên kết với mọi người thật sự yêu chuộng hoà bình mà cầu khẩn và kiến tạo hoà bình”.

Kết luận

Hôm nay, chúng ta nghe giới thiệu 3 điều cần để xây dựng cộng đồng xã hội: sự thật, bác ái và Đức Kitô với 3 nguyên tắc hành động: tôn trọng sự thật, yêu thương anh em và theo gương Đức Kitô. Chúng ta đang được mời gọi sống như thánh Phaolô viết trong thư hôm nay: “Chúng tôi đã qu‎ý mến anh em, đến nỗi sẵn sàng hiến cho anh em, không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà cả mạng sống của chúng tôi nữa, vì anh em đã trở nên những người thân yêu của chúng tôi” (1Ts 2,8). Tình yêu thể hiện thành hành động cao cả như thế mới có thể đổi mới cộng đồng xã hội hiện nay.