Làm báo dưới sóng thần

Vẫn chưa hết sợ hãi và hoang mang, ba người lãnh đạo tờ báo quyết định mở một cuộc họp trong bóng tối: bàn sẽ phải làm gì cho số báo ngày mai. “Lúc này, người dân thành phố cần thông tin. Nếu chúng ta không làm được một điều gì đó thì sự tồn tại của tờ báo sẽ trở thành vô nghĩa” – chủ tịch Omi khẳng định.

 Làm báo dưới sóng thần

LTS: Theo lời mời của Bộ Ngoại giao Nhật, phóng viên Hiếu Trung đã sang Nhật Bản để tìm hiểu về nỗ lực tái thiết của Nhật sau thảm hoạ động đất – sóng thần – hạt nhân ngày 11-3.

Trong thời gian từ ngày 23 đến 31-10, anh đã đến các vùng bị tàn phá như thành phố Sendai, Ishinomaki (thuộc tỉnh Miyagi) và Iwaki (thuộc tỉnh Fukushima, cách Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi 45km). Dưới đây là những ghi nhận…

Sau bảy tháng, dấu tích của sự tàn phá vẫn còn hiển hiện rõ nét tại thành phố biển Ishinomaki thuộc tỉnh Miyagi. Người ta vẫn chưa quên ngày 11-3 ấy, sau trận động đất, cơn sóng thần cao 10m đã đánh vào Ishinomaki, phá huỷ và làm hư hại 70% nhà cửa. Khoảng 46% diện tích thành phố, trong đó có khu trung tâm, đã bị ngập chìm trong nước. Gần 50.000 trong tổng số hơn 164.000 người dân thành phố rơi vào cảnh mất nhà cửa. 3.235 người thiệt mạng, 717 người mất tích.

Ở quận Kadonowaki và quận Okaido Đông gần biển, nay vẫn còn nguyên cảnh hàng trăm căn nhà xiêu vẹo, đổ nát. Thành phố đã được dọn dẹp sạch sẽ nhưng vẫn còn 6 triệu tấn bùn đất, rác rưởi chưa thể xử lý, được thu gom vào một số địa điểm trong thành phố.

Viết báo dưới ánh đèn pin và bút mực

Nhà báo Hiroyuki Takeuchi, tổng biên tập tờ báo địa phương Ishinomaki Hibi Shimbun, nhớ rất rõ cái ngày định mệnh đó. Lúc 14g46, ông cùng các biên tập viên đang thảo luận về nội dung của số báo ra ngày hôm sau ở toà soạn tại quận Okaido Đông. Bất ngờ đất trời rung chuyển, toà nhà rung bần bật, lắc lư. Mọi thiết bị như máy vi tính, máy in… rơi vỡ, điện mất, Internet đứng. Tiếng loa báo động sóng thần vang lên. Ông Takeuchi lập tức yêu cầu các nhân viên rời toà nhà, di tản đến một quả đồi ngay gần đó. Cha mẹ, vợ con ông cũng chạy tới đó. Riêng ông quyết định ở lại cùng với chủ tịch Koichi Omi và giám đốc bán hàng của tờ báo.

Cả ba chui vào một chiếc xe đậu bên ngoài toà nhà và chờ đợi. Tín hiệu điện thoại di động vẫn còn. Ông Takeuchi mở điện thoại theo dõi truyền hình khẩn cấp về động đất. Họ chẳng phải chờ lâu. Chưa đầy 30 phút sau, một dòng thác đen ngòm, phía trên là nhà cửa, xe cộ, rác rưởi bị cuốn trôi ào ào kéo tới. “Chính mắt tôi thấy một người đàn ông trong ôtô bị cuốn đi, điên cuồng đập cánh cửa để thoát thân nhưng vô hiệu” – ông Takeuchi kể lại với sự bàng hoàng còn chưa phai. Hoảng sợ, cả ba ào ra khỏi xe, chạy vội lên tầng hai toà nhà. May mắn là toà trụ sở cũ kỹ của tờ báo vẫn kiên cường đứng vững trong sóng dữ.

Họ trụ lại ở đó cho đến gần 20g30 và nước bắt đầu rút. Vẫn chưa hết sợ hãi và hoang mang, ba người lãnh đạo tờ báo quyết định mở một cuộc họp trong bóng tối: bàn sẽ phải làm gì cho số báo ngày mai. “Lúc này, người dân thành phố cần thông tin. Nếu chúng ta không làm được một điều gì đó thì sự tồn tại của tờ báo sẽ trở thành vô nghĩa” – chủ tịch Omi khẳng định. Nhưng làm thế nào để ra một tờ báo vào sáng hôm sau khi điện không có, mọi thiết bị đều bị hỏng. “Nhưng chúng tôi vẫn còn giấy và bút mực” – tổng biên tập Takeuchi kể lại.

Cùng nhau, họ dùng đèn pin lấy ánh sáng và cặm cụi viết đầy sáu tờ giấy khổ lớn. Sáng hôm sau, ba người mang sáu “tờ báo” một trang đó đến khu vực người di tản. “Họ ngạc nhiên và mừng rỡ khi gặp chúng tôi và đọc tờ báo. Họ đề nghị chúng tôi quay lại vào hôm sau” – ông Takeuchi nói.

Lúc đó, các phóng viên cũng quay lại toà soạn. Họ vượt qua những đống đổ nát, toả ra khắp thành phố săn tin. Họ quay lại toà soạn vào buổi tối và suốt năm ngày liền sau đó dùng đèn pin và bút mực viết báo. Mãi đến ngày thứ bảy điện mới được phục hồi. Khẩn cấp chạy mua lại máy tính, máy in… và tờ báo tám trang lại xuất hiện. Dù lượng độc giả sau thảm hoạ sụt giảm và báo đã phải giảm giá 500 yen xuống còn 1.280 yen/tháng, nhưng tờ báo vẫn đứng vững.

Sống trên tầng hai, tuần tắm hai lần

Sau thảm hoạ, hàng chục ngàn người dân thành phố Ishinomaki phải sống tạm trong các trung tâm khẩn cấp. Bốn tháng sau, chính quyền thành phố mới có thể xây dựng các căn nhà tạm dành cho các nạn nhân thảm hoạ. Tổng cộng 7.300 căn nhà tạm đã được dựng lên, cộng thêm 7.000 căn hộ cho thuê đã được cung cấp cho những người mất nhà cửa. Nhưng số người mất nhà cửa quá lớn, và hàng ngàn người vẫn phải bám trụ trong các căn nhà đã bị sóng thần phá gần như nát tầng một. Trong số đó có gia đình tổng biên tập Takeuchi.

Hai vợ chồng ông có ba con, cô con gái đầu 24 tuổi, con trai giữa 22 và con gái út 20 tuổi, cộng thêm bố mẹ đều đã trên 80 tuổi. Cùng nhau, họ sống chen chúc trên tầng hai căn nhà của mình, không có phòng bếp, không có phòng tắm, không có nhà vệ sinh, không có nước sạch để sinh hoạt. “Chúng tôi quyết định phải tự lo, bởi rất nhiều gia đình rơi vào cảnh nhà bị tàn phá hoàn toàn, họ phải được ưu tiên – ông Takeuchi nói – Không chỉ có tôi, rất nhiều gia đình khác cũng ở như vậy”.

Hằng ngày, họ phải mang thùng đi lấy nước sạch để giặt giũ, nấu nướng. “Nếu tôi kể chuyện vệ sinh thì có lẽ chẳng ai dám đứng cạnh tôi nữa – ông Takeuchi cười – Vợ chồng con cái tôi phải đi vệ sinh ở cơ quan và trường học, về đến nhà ráng nhịn, bố mẹ thì phải đi xa ra nhà vệ sinh công cộng”. Vì điều kiện vệ sinh thiếu thốn và quá bận công việc, một tuần ông chỉ sắp xếp hai lần đi tắm ở một suối nước nóng cách nhà rất xa, hằng ngày chỉ lấy khăn lau người. Vì vẫn phải nuôi hai con đang học đại học, con gái lớn mới chỉ có việc làm bán thời gian, nên hai vợ chồng ông không dành dụm được nhiều tiền. Họ cố gắng thuê thợ sửa lại tầng một căn nhà, nhưng những người thợ ở thành phố đã quá bận rộn. Họ chỉ có thể ghé nhà ông tuần một lần và việc sửa chữa diễn ra rất chậm chạp.

Dù khó khăn, ông Takeuchi vẫn lạc quan và cảm thấy may mắn. Nhiều người dân thành phố sống bằng ngư nghiệp nay đã mất trắng và không có việc làm. “Tình cảnh hiện tại đầy thách thức, nhưng tôi chứng kiến sức mạnh ý chí của người dân Ishinomaki. Có những người mất sạch giờ đang cố mở lại hoạt động kinh doanh ở những cửa hàng bé tẹo như một chiếc hộp. Thảm hoạ cướp đi của chúng tôi sinh mạng, nhà cửa, của cải, nhưng làm người dân chúng tôi xích lại gần nhau hơn để cùng dìu nhau vượt qua khó khăn” – ông nói.

Những chuyến bay lại nối

Sau bảy tháng, dấu vết của thảm hoạ vẫn còn ở vùng ven biển, gần sân bay: xe cộ hỏng hóc chất đống, một số khu đất còn nham nhở, lầy lội. Sau khi bị sóng thần tấn công, trên sân bay thành phố Senda, thủ phủ tỉnh Miyagi, là hình ảnh những chiếc máy bay, xe hơi, xe buýt trôi lềnh bềnh trên các đường băng. Tầng một của toà nhà sân bay bị hư hại nặng.

Nhưng nay sân bay Sendai đã được sửa chữa, phục hồi hoàn toàn. Các chuyến bay nội địa và nước ngoài đã được khôi phục từ tháng 4 và tháng 6. “Sân bai Sendai là cửa ngõ hàng không quan trọng nhất của vùng Tohoku – ông Junichi Ishimori, giám đốc Công ty sân bay Sendai, cho biết – Chúng tôi muốn thế giới biết rằng Sendai và vùng Tohoku đã phục hồi, sẵn sàng chào đón mọi người khắp thế giới”.