Phẫn nộ không biên giới

Khởi đầu từ Tây Ban Nha, thu hút nhiều sự chú ý ở Mỹ, phong trào biểu tình phản đối bất công đến nay đã lan rộng trên thế giới.

 Phẫn nộ không biên giới

Khởi đầu từ Tây Ban Nha, thu hút nhiều sự chú ý ở Mỹ, phong trào biểu tình phản đối bất công đến nay đã lan rộng trên thế giới.

Website 15october.net thống kê các cuộc biểu tình đã diễn ra tại 951 thành phố thuộc 82 quốc gia từ ngày 15.10 đến hôm qua sau lời kêu gọi của các nhà tổ chức phong trào Mỹ và châu Âu. Từ những “điểm nóng” ở Tây Ban Nha, Ý, Anh, Mỹ đến New Zealand, Úc, Nhật Bản, Đài Loan…, hàng trăm ngàn người xuống đường ở những đại lộ, quảng trường danh tiếng. Phần lớn các cuộc biểu tình đều diễn ra ôn hoà nhưng vẫn xảy ra một số vụ đụng độ. Theo AFP, cảnh sát New York, Mỹ đã bắt ít nhất 88 người vì “gây rối” tại Quảng trường Thời Đại và trụ sở Ngân hàng Citibank. Hôm qua, cảnh sát Chicago cũng bắt giữ 175 người biểu tình vì “chiếm giữ Công viên Grant Park sau giờ đóng cửa”. Tình hình ở thủ đô Rome của Ý trong ngày 15.10 có phần căng thẳng hơn. Một số nhóm cực đoan trà trộn vào đoàn biểu tình ném chai lọ, bom xăng vào cảnh sát, làm lực lượng an ninh phải dùng hơi cay và vòi rồng để lập lại trật tự. Ít nhất 135 người bị thương, nhiều khu vực công cộng bị đập phá và một phần trụ sở Bộ Quốc phòng Ý bị cháy.

Bắt đầu tại Tây Ban Nha ngày 15.5, phong trào biểu tình “dài hạn” đã lan sang Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Pháp, Ý… trong những tháng sau đó. Với khẩu hiệu “không nhà cửa, không việc làm, không lương hưu, không sợ hãi”, người biểu tình tự nhận đại diện cho một “thế hệ phẫn nộ”. Làn sóng phản đối lan đến Israel vào giữa tháng 7 và đạt đến đỉnh điểm với cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử nước này, quy tụ gần nửa triệu người tại Tel Aviv vào ngày 3.9.

Đến ngày 17.9, phong trào phản đối bất công xã hội nổ ra ở Mỹ với tên gọi “Chiếm Phố Wall” cùng khẩu hiệu: “Chúng tôi là 99%”. Khẩu hiệu này dựa vào thống kê cho thấy nhóm người giàu nhất nước Mỹ chỉ chiếm 1% dân số nhưng tích cóp đến 23,5% lợi tức quốc gia, theo tờ Le Monde. Chưa kể, tỉ phú Warren Buffett nhận định nhóm 1% này đóng thuế thấp hơn mặt bằng chung của người Mỹ.

Từ “Thế hệ phẫn nộ” đến “Chiếm Phố Wall”, các làn sóng phản đối có cùng chất xúc tác là khủng hoảng kinh tế. Với các kế hoạch cắt giảm ngân sách tấn công trực tiếp vào tiền lương, phúc lợi xã hội hay dịch vụ công cộng thì tình trạng bất công xã hội, chênh lệch giàu nghèo càng thêm nhức nhối. Thêm vào đó là tỷ lệ thất nghiệp, đặc biệt ở giới trẻ, không ngừng tăng lên. Nhóm 99% cho rằng họ đang phải trả giá cho những chính sách sai lầm của chính phủ hoặc cho sự hám lợi của các tập đoàn tài chính.

Tuy đã trở nên “không biên giới” sau ngày 15.10 nhưng phong trào vẫn mang bản sắc riêng của các nước. Chẳng hạn, ở châu Âu, những người biểu tình chủ yếu phản đối chính phủ còn ở Mỹ, nhóm 99% lại tập trung đả kích các tập đoàn tài chính và điểm nóng vẫn nằm ở New York chứ không phải thủ đô Washington.