“Đường lưỡi bò” tiếp tục bị phản đối

Dù vấp phải nhiều phản đối nhưng lâu nay Trung Quốc vẫn tìm mọi cách tuyên truyền về “đường lưỡi bò” và nó đã xuất hiện trên những ấn phẩm được nhiều người biết đến

 “Đường lưỡi bò” tiếp tục bị phản đối

Giới nghiên cứu khẳng định yêu sách chủ quyền “đường lưỡi bò” trên biển Đông của Trung Quốc rất mơ hồ và thiếu chứng cứ.

Ngày 17.10, Hội thảo quốc tế về biển Đông diễn ra tại thủ đô Manila của Philippines. Sự kiện này do Quỹ Carlos P.Romulo vì Hoà bình và Phát triển đồng tổ chức cùng Viện Nghiên cứu Đông Á của Singapore. Theo website của Quỹ Carlos P.Romulo vì Hoà bình và Phát triển, tham dự hội thảo có nhiều chuyên gia cùng 23 cựu quan chức cấp cao các nước thuộc khối ASEAN, Trung Quốc, Úc, Ấn Độ, Canada, Mỹ và châu Âu.

Trong phiên trao đổi không chính thức vào ngày 16.10, các đại biểu đã thảo luận kỹ về yêu sách “đường lưỡi bò” gần như ôm trọn biển Đông của Trung Quốc và có nhiều ý kiến phản đối, vạch ra những điểm vô lý của nó. BBC dẫn lời một số học giả nhận định nếu Trung Quốc vẫn một mực dùng “đường lưỡi bò” để đánh dấu ranh giới biển thì nước này “sẽ trở thành địch thủ của nhiều quốc gia”.

 

Philippines kêu gọi không hành động đơn phương

Sau thông tin Đài Loan có kế hoạch đưa tên lửa đến đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và quần đảo Đông Sa đang tranh chấp với Trung Quốc, Philippines cho rằng hành động này có thể gây lo ngại cho các bên trong khu vực. Tờ Inquirer ngày 16.10 dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines Zosimo Jesus Paredes nói các bên tham gia tranh chấp trên biển Đông không nên hành động đơn phương mà cần thông báo rõ ý định và đối thoại với nhau để tránh làm tình hình thêm căng thẳng.

Trong một diễn biến khác, đúng theo kế hoạch, khoảng 3.000 lính thuỷ đánh bộ của Mỹ và Philippines ngày 17.10 bắt đầu cuộc tập trận kéo dài 2 tuần gần Trường Sa, theo AP.

 

Đến phiên họp chính thức ngày 17.10, cựu Đại sứ Trung Quốc ở LHQ Trần Sỹ Cầu vẫn khăng khăng rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của nước này. Đáp lại, tiến sĩ Trần Trường Thuỷ, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu biển Đông tại Học viện Ngoại giao Việt Nam, mạnh mẽ bác bỏ ý kiến trên. Ông Trần Trường Thuỷ nói rằng nếu Trung quốc chứng minh được chủ quyền thì tại sao không chấp nhận nhờ bên thứ ba giải quyết hay ra Toà án Công lý Quốc tế. Ngoài ra, ông Trần Sỹ Cầu còn nhận được nhiều chất vấn về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, nhưng những câu trả lời của ông bị cho là một sự “nhập nhằng chiến lược” và không thuyết phục được giới học giả.

Những tuyên truyền sai lệch

Dù vấp phải nhiều phản đối nhưng lâu nay Trung Quốc vẫn tìm mọi cách tuyên truyền về “đường lưỡi bò” và nó đã xuất hiện trên những ấn phẩm được nhiều người biết đến như trên bản đồ của Google Maps bản tiếng Hoa mà Thanh Niên đã phản ánh.

Theo thông tin từ một số trí thức người Việt ở nước ngoài, đã được Thanh Niên thẩm tra thì vẫn còn nhiều tài liệu đăng bản đồ “đường lưỡi bò” được lồng vào những bài viết khoa học không liên quan đến tranh chấp trên biển Đông. Trong đó, có một tài liệu khoa học được nhà xuất bản Elsevier của Hà Lan xuất bản vào năm 1981. Đây là bằng chứng cho thấy việc tuyên truyền “đường lưỡi bò” đã được thực hiện từ lâu.

Hồi tháng 6, tờ Journal of Petroleum Science and Engineering cũng mắc sai lầm khi để “đường lưỡi bò” lọt vào một bài nghiên cứu đăng trên chuyên san này. Ngoài ra, 2 tên tuổi lớn của làng báo chí khoa học thế giới là chuyên sang Nature và tạp chí Science cũng đăng bài viết nghiên cứu của tác giả Trung Quốc có kèm bản đồ “đường lưỡi bò”. Trước đây, Hội Địa lý quốc gia (NGS) ở Mỹ từng đăng bản đồ phương hại đến chủ quyền Việt Nam trên biển Đông. Với sự phản ánh mạnh mẽ của báo chí, các cơ quan chính quyền và người dân Việt Nam, NGS và Science đã có một số động thái sửa sai. Riêng Google Maps đến tối 17.10 vẫn chưa có thay đổi gì đối với tấm bản đồ sai lệch trên phiên bản tiếng Hoa.