Pháp – Trung Quốc đẩy mạnh quan hệ

Nhiều diễn biến gần đây cho thấy Paris đang tích cực “hâm nóng” quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh sau một số hục hặc năm 2008.

 Pháp – Trung Quốc đẩy mạnh quan hệ

Nhiều diễn biến gần đây cho thấy Paris đang tích cực “hâm nóng” quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh sau một số hục hặc năm 2008.

Hợp tác hạt nhân

Nhân chuyến công du Trung Quốc vào trung tuần tháng 9, Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé đã khánh thành Học viện Năng lượng hạt nhân Pháp – Trung (IFCEN) ở thành phố Châu Hải, tỉnh Quảng Đông. Trả lời PV Thanh Niên qua thư điện tử, Cố vấn về hạt nhân của Đại sứ quán Pháp tại Bắc Kinh Alain Tournyol du Clos cho biết IFCEN là sự hợp tác giữa Đại học Tôn Dật Tiên ở Quảng Đông và 5 trường đào tạo kỹ sư (chuyên ngành hoá học, năng lượng…) hàng đầu của Pháp nhằm đào tạo khoảng 100 sinh viên Trung Quốc mỗi năm. Paris hiện được xem là đối tác quan trọng hàng đầu của Bắc Kinh trong lĩnh vực hạt nhân dân sự và đang ra sức củng cố vị trí này. Ông Tournyol khẳng định đây là quan hệ đôi bên cùng có lợi và những kỹ thuật Pháp xuất sang Trung Quốc đều là hạt nhân dân sự.

Nhân chuyến công du Trung Quốc của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cuối năm 2007, Tập đoàn năng lượng AREVA (Pháp) đã ký hợp đồng kỷ lục 8 tỉ euro với Tập đoàn điện hạt nhân Quảng Đông (CGNPC). AREVA sẽ xây 2 lò phản ứng EPR thế hệ mới và cung cấp nguyên liệu hoạt động tại thành phố Đài Sơn. Gần đây hơn, trong chuyến thăm Pháp của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, các “đại gia” ngành năng lượng nước chủ nhà đã rất hỉ hả với những hợp đồng lớn: cung cấp 20.000 tấn uranium cho Trung Quốc trong vòng 10 năm (trị giá 3,5 tỉ euro), hợp tác trong việc xử lý, tái chế các thanh nhiên liệu nhiễm xạ, thành lập công ty liên doanh Pháp – Trung chuyên sản xuất zirconium để lắp ráp thanh nhiên liệu hạt nhân…

Trung Quốc là thị trường quan trọng nhất của ngành hạt nhân dân sự trên thế giới hiện nay. Với ít nhất 27 lò phản ứng đang được xây dựng, nước này chiếm đến 45% số cơ sở hạt nhân mới trên toàn cầu từ đây đến năm 2030. Chính vì thế, chưa đến 3 tuần sau sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 của Nhật Bản, Pháp đã không ngần ngại tiếp tục bàn về việc hợp tác trong lãnh vực này với Trung Quốc, theo tờ Le Figaro. Về phía Trung Quốc, tờ Les Echos dẫn lời Phó giám đốc Tập đoàn CGNPC Trịnh Đông Sơn nhận định: “Nếu Pháp và Trung Quốc cùng phối hợp thì sẽ có khả năng cạnh tranh rất lớn trên thị trường năng lượng hạt nhân thế giới. Đặc biệt khi chúng ta có những đối thủ chung”.

Lo ngại

Vụ nhiều người phản đối trong quá trình rước đuốc Olympic Bắc Kinh tại Pháp vào tháng 4.2008 và việc Tổng thống Sarkozy gặp gỡ nhà sư Tây Tạng Đạt Lai Lạt Ma vào tháng 12 cùng năm khiến quan hệ ngoại giao giữa hai nước trở nên lạnh nhạt. Nhiều tháng sau đó, việc cấp thị thực cho công dân Pháp vào Trung Quốc bị kiểm tra gắt gao hơn, đồng thời các nhà lãnh đạo nước này khi công du sang châu Âu đã nhiều lần “bỏ quên” Paris. Nhưng sau chuyến thăm chính thức Trung Quốc của ông Sarkozy vào tháng 4.2009, tình hình đã được cải thiện rõ rệt. Đến chuyến công du Pháp vào tháng 11.2010 của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào thì hai bên hoàn toàn “làm lành” qua hàng loạt hợp đồng thương mại trị giá khoảng 20 tỉ USD, theo Le Figaro.

Kể từ cột mốc này, các nhà lãnh đạo cấp cao của Pháp liên tục có những phát biểu nhằm thể hiện tình “hữu nghị” với Trung Quốc. Trong chuyến thăm “chớp nhoáng” Bắc Kinh kéo dài 4 giờ đồng hồ cuối tháng 8, ông Sarkozy nhận định “hai nước đồng quan điểm về tình hình quốc tế”. Mới đây nhất, Bloomberg ngày 22.9 dẫn lời Tổng thống Pháp tuyên bố ủng hộ việc đồng nhân dân tệ của Trung Quốc có vị trí quan trọng hơn trong nền tài chính – tiền tệ thế giới.

Giới quan sát đánh giá những diễn biến trên cho thấy Pháp đang trở thành một cửa ngõ quan trọng trong chiến lược tiến sang châu Âu của Trung Quốc. Khủng hoảng nợ ở châu Âu cũng là cơ hội lớn để Bắc Kinh tăng cường ảnh hưởng của mình ở khu vực. Năm vừa qua, Trung Quốc đã đề nghị mua hàng tỉ USD trái phiếu để hỗ trợ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hy Lạp. Đổi lại, các công ty Trung Quốc đã đạt được những thoả thuận quan trọng trong các ngành chiến lược ở những nước này.

Quá trình “Tây tiến” của Trung Quốc đang gây nhiều lo ngại trong khu vực. Reuters dẫn lời một số chuyên gia cho rằng các dự án của Trung Quốc ở châu Âu không chỉ đơn thuần phục vụ mục đích kinh doanh hay giúp đỡ các nước gặp khó. “Vấn đề là các nhà quản lý có cách nhìn thiển cận về Trung Quốc. Họ xem nước này là nguồn đầu tư tốt và quên đi các vấn đề có tính lâu dài”, chuyên gia Alan Mendoza thuộc Tổ chức Nghiên cứu an ninh Henry Jackson Society ở Anh nói.