ASEAN tăng cường khả năng giải quyết tranh chấp

ASEAN có thể bắt đầu chuyển sang giai đoạn thành lập cộng đồng an ninh nhằm góp phần đảm bảo châu Á – Thái Bình Dương vẫn là khu vực an ninh, ổn định và hoà bình.

 ASEAN tăng cường khả năng giải quyết tranh chấp

ASEAN đang nỗ lực cải thiện khả năng xử lý tranh chấp trong khu vực và hướng đến một vị thế vững vàng hơn trên trường quốc tế.

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trong khu vực, trọng tâm là vấn đề biển Đông, bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN đang tìm cách củng cố khả năng của khối trong việc ngăn chặn, kiểm soát và giải quyết bất đồng. Theo tờ Jakarta Post, trong Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 44 (AMM 44) diễn ra tuần này tại Bali, Indonesia, đại diện các nước sẽ cùng thống nhất những mục tiêu quan trọng hướng đến hợp tác chặt chẽ hơn về an ninh và quốc phòng để tránh nghi ngờ và bất hoà trong nội bộ. Tờ báo dẫn lời Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cho hay ASEAN có thể bắt đầu chuyển sang giai đoạn thành lập cộng đồng an ninh nhằm góp phần đảm bảo châu Á – Thái Bình Dương vẫn là khu vực an ninh, ổn định và hoà bình.

Về vấn đề biển Đông, các ngoại trưởng ASEAN dự kiến sẽ thuyết phục Trung Quốc đồng ý thiết lập một cơ chế quản lý mạnh mẽ hơn, cụ thể là Bộ Quy tắc ứng xử về biển Đông (COC). “Chúng tôi đã bắt đầu thảo luận về vấn đề này và hy vọng sẽ hoàn tất trước Hội nghị thượng đỉnh ASEAN thứ 19 vào cuối năm nay”, Jakarta Post dẫn dự thảo thông cáo chung của AMM 44 viết.

Ngoài ra, có nhiều ý kiến lo ngại rằng những đề nghị viện trợ phát triển cơ sở hạ tầng của Trung Quốc cho các thành viên ASEAN có thể nhằm đổi lại ảnh hưởng về chính trị và kinh tế. Vì thế, Indonesia, nước Chủ tịch ASEAN 2011, và một số nước khác yêu cầu mọi viện trợ và giúp đỡ từ bên ngoài phải phù hợp với kế hoạch tổng thể của cộng đồng ASEAN, thay vì chỉ xoáy vào lợi ích của vài thành viên riêng lẻ.

Trong một diễn biến khác, Đài ABS-CBN News ngày 17.7 dẫn lời Chính phủ Philippines hoan nghênh sự ủng hộ của Mỹ đối với ASEAN về vấn đề biển Đông, thể hiện qua một dự thảo nghị quyết được đệ trình lên Hạ viện Mỹ hồi cuối tuần. Nội dung dự thảo kêu gọi giải pháp hoà bình và hợp tác cho tranh chấp tại eo biển Đài Loan, biển Đông, Hoàng Hải và Hoa Đông. Dự thảo do Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Ileana Ros-Lehtinen bảo trợ và nhận được sự ủng hộ của 27 nghị sĩ thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hoà.

Philippines sắm tàu chiến lớn nhất

Theo báo Manila Standard Today, Philippines sắp có tàu chiến lớn nhất lịch sử nước này. Đây vốn là một tàu cũ của Lực lượng giám sát bờ biển Mỹ có tên USCGC Hamilton (WHEC-715) và được chuyển giao cho Manila với giá khoảng hơn 10 triệu USD. Tàu này, nay được đổi tên thành BRP Gregorio del Pilar (PF-15), dài hơn 115m và có thể hoạt động trên biển suốt 30 ngày không cần tiếp liệu. Dự kiến tàu sẽ được trang bị súng đại bác, 2 khẩu pháo Mk38 Bushmaster và Hệ thống vũ khí chống tiếp cận đối không và chống tên lửa. BRP Gregorio del Pilar (PF-15) rời cảng San Francisco vào ngày 18.7, dự kiến về Philippines sau khoảng 3 tuần và có thể sẽ được triển khai tuần tra tại các khu vực Manila tuyên bố chủ quyền ở biển Đông.