TIẾNG TRỐNG KÊU OAN

Uỷ ban Công lý và Hoà bình mong tạo nên một địa chỉ để người bị oan ức muốn khiếu nại, tố cáo có một nơi để đánh lên tiếng trống giữa lòng xã hội và Giáo Hội hôm nay nhằm cảnh tỉnh những người có trách nhiệm thể hiện công lý và tạo nên bình yên cho con người.

 

TIẾNG TRỐNG KÊU OAN

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

Trang web của Uỷ ban Công lý và Hoà bình thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam mở mục Tiếng trống Kêu oan như một địa chỉ để người dân hoặc tín hữu có thể nói lên những khiếu nại, tố cáo, oan sai nhằm đạt được công lý và hoà bình, ngoài những phương cách đang có như trình bày thẳng với chính quyền, giáo quyền hoặc qua đoàn thể, cộng đồng, tổ chức xã hội trong nước hay ngoài nước. Để độc giả hiểu rõ hơn mục này, chúng tôi xin trình bày thêm vài điểm sau đây:

1. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ

1.1. Từ tiếng chuông kêu oan

Đã là con người, không ai mà không có lúc lầm lỡ, người nắm giữ quyền hành không thể không có lúc gây oan ức, bất công. Vì thế, trong lịch sử văn minh nhân loại, những chính quyền hay giáo quyền thật sự biết lo cho dân, trọng công lý và nhân nghĩa, đều đặt ra nhiều phương cách để người dân hoặc tín hữu có thể khiếu nại, tố cáo, trình bày nỗi oan sai của mình. Các vị vua hiền ở đất nước ta rất quan tâm đến việc này.

Năm 1040, vua Lý Thái Tông giao việc xét xử, kiện tụng của dân cho chính thái tử Khai Hoàng Nhật Tôn, dùng điện Quảng Vũ của thái tử làm nơi xử kiện. Năm 1042, vua cho xây dựng Bộ luật Hình thư đầu tiên của nước ta, quy định phân minh các việc xử phạt, tránh việc làm tuỳ tiện, những lạm dụng của các quan lại gây ra oan trái cho dân. Bộ luật này đã thất truyền, chỉ còn Bộ luật Hồng Đức, thời nhà Lê sau này (x. Minh Tuấn, Đầu năm nghĩ về tiếng chuông kêu oan, Việt Báo, thứ Năm, 4-1-2007).

Trong cuốn Đại Việt Sử ký Toàn thư có kể Lý Thái Tông Hoàng đế là vị vua đầu tiên đặt ra tiếng chuông kêu oan (chung Đăng Văn) vào năm 1052. Trên nền điện Càn Nguyên, nhà vua đã cho xây điện Thiên An, thềm trước điện gọi là Long trì (thềm rồng) “phía Đông thềm rồng đặt điện Văn Minh, phía Tây thềm rồng đặt điện Quảng Vũ, hai bên tả hữu thềm rồng đặt lầu chuông đối nhau để dân chúng ai có việc kiện tụng oan uổng thì đánh chuông lên” (Trì chi Đông trí Văn Minh điện, Tây chí Quảng Vũ điện, trì chi tả hữu đối lập chung lâu để đăng văn, tiểu dân thứ mục oan uổng trì chi) (x. tr.19b, cột 8).

殿 西 殿   . [19b*8*1]
Trì chi đông trí Văn Minh điện, tây trí Quảng Vũ điện, trì chi tả hữu đối lập chung lâu dĩ đăng văn, tiểu dân thứ ngục oan uổng trì chi.

Năm 1158, vua Lý Thần Tông cũng “cho đặt cái hòm đồng ở giữa sân chầu để ai có việc gì thì bỏ thư vào hòm ấy”. Hình thức này cũng giống như người dân có oan sai được quyền gửi thư khiếu nại lên chủ tịch nước hay văn phòng chính phủ để xin giải oan cho mình.

1.2. Tới tiếng trống kêu oan

Tiếng trống kêu oan (Đăng Văn Cổ) có từ thời vua Lê Thái Tông. Trong Đại Việt Sử ký Toàn thư (tr.7, cột 8) có nhắc đến vụ tri huyện Dặc Khiêm bào chữa cho Phạm Luận, cả hai đều bị oan sai, bị giải về Yên Kinh. Nhờ có người anh của Khiêm đánh trống Đăng Văn khiếu oan nên mới được miễn tội (Khiêm kỷ hãm tội, Khiêm huynh kích đăng văn cổ đắc miễn).

. [7b*8*12]
Khiêm kỷ    hãm    tội,   Khiêm huynh kích đăng   văn    cổ     đắc    miễn.

Đến đời vua Tự Đức, triều Nguyễn, trống Đăng Văn là biểu hiện nghiêm minh của công lý, vừa thể hiện tính dân chủ vì kêu trực tiếp tới vua. Trống Đăng Văn treo ở Ty Tam Pháp, ở đoạn giữa cửa Thượng Tứ và cửa Ngăn tại kinh thành Huế. Vua ra lệnh trong thành nội không ai được đánh trống để khỏi lầm với tiếng trống Đăng Văn.

Người ta thực hiện tiếng trống này như sau: bất cứ ai bị xử oan ức thì đến lầu đặt trống, đánh 3 tiếng dõng dạc và 1 hồi vang vọng. Viện Đô Sát và Đại Lý Sự cử người trực ở chòi trống vào các ngày 6,16,26 mỗi tháng. Hễ thấy ai đánh trống kêu oan thì nhận đơn rồi đưa thẳng lên nhà vua. Vua đọc xong sẽ phê ngay trên đơn và đưa xuống Ty Tam Pháp xét xử ngay. Nếu đúng, vua sẽ ra lệnh phán quyết.

Để đề phòng người ta tự tiện đánh trống về những chuyện vớ vẩn, người đánh trống tự trói tay chân mình để xác định mình sẵn sàng chịu mọi hậu quả về việc kêu oan và chịu trách nhiệm về tiếng trống mình đánh (x. www.google.com, Nguyễn Quang Hà, Trống Đăng Văn: Một biểu tượng công lý, ngày 21-2-2011).

2. TIẾNG TRỐNG KÊU OAN NGÀY NAY

2.1. Quyền kêu oan của người dân

Hiến pháp 1992 đã quy định việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân tại Điều 74, nhưng 6 năm sau, luật khiếu nại mới được Quốc hội thông qua, ngày 2-12-1998, và phải thêm gần 5 năm nữa Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mới ban hành nghị quyết số 388/NQ, ngày 17-3-2003, về việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan. Ngày 25-3-2004, các ngành liên quan mới ban hành Thông tư Liên tịch, số 01/2004/TTLT để hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị quyết 388 nói trên. Luật khiếu nại, tố cáo của Quốc hội năm 1998 đã được sửa đổi bổ sung vào những năm 2004,2005 và gần đây nhất là 1-6-2006: xác định quyền và nghĩ vụ của người khiếu nại, tố cáo cũng như trách nhiệm của cơ quan giải quyết khiếu nại.

Luật này yêu cầu cơ quan giải quyết trong thời hạn 30 ngày sau khi nhận đơn bằng văn bản rõ ràng, nếu không sẽ bị xem xét kỷ luật. Còn người khiếu nại phải trình bày trung thực sự việc và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trình bày và các chứng cứ, tài liệu đã cung cấp.

2.2. Tình trạng kêu oan ở Việt Nam

Tình trạng khiếu nại oan sai tại nước ta rất cần những tiếng trống kêu oan. Chính phủ đã báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2009 gửi Quốc hội. Theo đó, trong năm 2009, các cơ quan hành chính Nhà nước tiếp 307.797 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo và tiếp nhận 206.105 đơn thư tố cáo. Như thế, có tới hơn nửa triệu lần tiếng trống kêu oan được đánh lên, nhưng thử hỏi ai có trách nhiệm giải quyết và giải quyết như thế nào?

Báo cáo phân tích kết quả giải quyết 29.741 vụ việc khiếu nại, cho thấy tỷ lệ công dân khiếu nại, tố cáo đúng và đúng một phần vẫn còn cao. Điều này chứng tỏ công tác quản lý Nhà nước và việc giải quyết các quyền lợi của công dân nơi các cấp chính quyền vẫn còn nhiều thiếu sót, bất cập, cần phải có biện pháp để chấn chỉnh (x. V.V. Thành, Báo điện tử Tuổi Trẻ, thứ Năm, 22-10-2009).

Ông Trần Thế Vượng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân nguyện Quốc hội, đã chia sẻ băn khoăn như sau: “Theo báo cáo của Toà án Nhân dân Tối cao, khoảng 10% số án bị khiếu tố được xem là có dấu hiệu oan sai. Nếu cộng thêm cả những đơn khiếu nại của Viện Kiểm sát, tỷ lệ oan sai chắc chắn sẽ nhiều hơn 10%. Đây là một vấn đề đáng chúng ta quan tâm vì nếu tỷ lệ vượt 10% thì chất lượng xét xử ở các toà án sơ thẩm tại Việt Nam quả thật cần nhiều tiếng trống kêu oan” (x. Báo điện tử Tuổi Trẻ, thứ Bảy, 25-10-2008).

Trong lĩnh vực xã hội dân sự, ngoài những vụ oan sai trong quá trình bắt, giam, xử tù oan uổng còn biết bao vụ tranh chấp dân sự, kinh tế như các vụ tranh chấp đất đai, bồi thường đất, mua nhà đã trả tiền nhưng chủ lại không chịu giao nhà, những vụ án về lao động, kinh tế… Hàng trăm ngàn hồ sơ về những vụ việc này đang tồn đọng tạo nên những bức xúc, uất ức vì bị thiệt thòi quyền lợi, bị xúc phạm đến danh dự và nhân phẩm đã khiến nhiều người rơi vào tình trạng hỗn loạn tâm thần, có người liều mình tìm đến cái chết hoặc nhờ nhóm xã hội đen giải quyết bằng bạo lực.

2.3. Tình trạng kêu oan trong lĩnh vực tôn giáo

Trong lĩnh vực tôn giáo, nhiều tín hữu tin tưởng rằng các vị lãnh đạo trong Giáo Hội như giám mục, linh mục, bề trên dòng tu thay mặt Chúa để xét xử, phán quyết nên không thể sai lầm. Quả thật, “Chúa không lầm”, nhưng con người rất nhiều khi lầm lẫn.

Sự lầm lẫn này bắt nguồn từ tính cách giới hạn, thiếu hiểu biết của con người, nhưng cũng có khi đến từ những lương tâm sai lạc, từ những con người lạm dụng quyền lực Chúa ban để chiều theo những tính toán riêng tư của cá nhân.

Người tín hữu dưới quyền thường âm thầm chịu đựng mà không dám khiếu nại, tố cáo vì không biết phải làm như thế nào, gửi đơn khiếu nại, tố cáo ở đâu, cho ai… Nhiều người chịu đựng không nổi đâm ra bất mãn, mất đức tin. Nhiều tu sĩ bất mãn đành phải rời bỏ đường tu, dù đã khấn trọn đời. Nhiều linh mục bất mãn rơi vào thái độ sống tiêu cực, buông xuôi, khiến cho công việc truyền giáo bị ngưng trệ và đạo không phát triển. Có người còn lập luận rằng mình là người dưới, thấp cổ bé miệng, có tố cáo khiếu nại thì cũng chẳng đi đến đâu, rồi lại làm hại đức tin của tín hữu giáo dân, nên chọn thái độ im lặng, cầu an, nhân danh bác ái yêu thương. ĐTC Bênêđictô XVI đã nhắc nhở tín hữu cần giữ lòng bác ái để tha thứ, yêu thương nhưng vẫn phải tôn trọng sự thật qua Thông điệp Caritas in Veritate (Bác ái trong Sự thật), ngày 30-6-2009.

2.4. Quyền kêu oan của tín hữu

Giáo Hội toàn cầu đã đề phòng những thiệt thòi cho các tín hữu nên Bộ Giáo luật 1983, quyển 7, về Tố Tụng, đã quy định rất nhiều điều để giúp cho mọi tín hữu trong Giáo Hội được quyền khiếu nại, kháng cáo, kêu oan (x. Điều 1628, 1631, 1460 §3) và nhiệm vụ của người đại diện cho người khiếu nại, kháng cáo (1486 §2). Bộ Giáo luật cũng xác định kháng cáo trước mặt ai (1630, 1632, 1438-1441, 1443, 1444), kỳ hạn kháng cáo, việc kháng cáo tiến hành như thế nào (1630, 1633-1634, 1639-1640), huỷ bỏ kháng cáo (1635, 1641), kháng cáo trong các vụ án hôn nhân (1682-1684, 1693), trong tố tụng hình sự (1727)… Giáo Hội cũng đề cập đến quyền kháng nghị đối với bản án, đối với hôn nhân, đối với phán quyết của trọng tài (1716, §2), đối với lý do và chứng cứ để bãi nhiệm cha sở (1715 §1).

3. ĐIỀU MONG ƯỚC CỦA UỶ BAN CÔNG LÝ VÀ HOÀ BÌNH

Khi mở mục Tiếng trống Kêu oan, UBCLHB trực thuộc HĐGMVN không bao giờ dám nghĩ hay tự phong mình làm “Bao Công xử án” cho dân. Uỷ ban chỉ mong tạo nên một địa chỉ để người bị oan ức muốn khiếu nại, tố cáo có một nơi để đánh lên tiếng trống giữa lòng xã hội và Giáo Hội hôm nay nhằm cảnh tỉnh những người có trách nhiệm thể hiện công lý và tạo nên bình yên cho con người.

Cách thể hiện tiếng trống kêu oan: người trong cuộc cần phải trình bày sự việc một cách trung thực, chính xác, với định hướng tích cực là để giúp mọi người tìm được công lý của Thiên Chúa và công bình xã hội, chứ không nhằm hạ nhục, lên án hay làm mất danh dự của bất cứ ai. Người gióng lên tiếng trống cũng phải chịu trách nhiệm trước Thiên Chúa là Đấng thấu suốt lòng con người cũng như trước pháp luật về nội dung trình bày và tài liệu, chứng cứ mình trưng dẫn. Người ngoài cuộc sẽ học hỏi được kinh nghiệm để tránh những bất công và bất an từ vụ việc được kể.

Chúng tôi đề nghị hồ sơ, tài liệu của mục này xin gửi về địa chỉ của Uỷ ban và chỉ nên gửi bản sao chép, thay vì bản chính, vì Uỷ ban không chịu trách nhiệm lưu trữ hồ sơ để giải quyết vụ việc mà chỉ có tư cách tham vấn. Những hồ sơ này sẽ được các chuyên viên về pháp luật đạo/đời, nhất là các luật sư, nghiên cứu để đóng góp với người có trách nhiệm.

KẾT LUẬN

Điều mong ước cuối cùng của UBCLHB là một đất nước Việt Nam an bình, tĩnh lặng để người dân không còn phải nghe những tiếng trống trận thúc quân hay những tiếng trống kêu oan.