Đơn thuốc có “hàng cấm”

“Họ đã tìm cách đưa hàng “cấm” vào đơn thuốc của bác sĩ với mức hoa hồng không dưới 40%”

 

Đơn thuốc có “hàng cấm”

Quy chế kê đơn thuốc của Bộ Y tế ban hành đã quy định rõ: không kê đơn thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, tại một số bệnh viện, thực phẩm chức năng vẫn được kê tràn lan làm đội giá đơn thuốc.

Hôm 25-3, bà Nguyễn Thị H., 56 tuổi, ở Vĩnh Phúc, đến khám tại khoa thần kinh Bệnh viện Bạch Mai và được chẩn đoán mắc chứng thiểu năng tuần hoàn não. Trong đơn thuốc vỏn vẹn hai loại thuốc, gồm thuốc chữa bệnh Lexo… 6mg, 20 viên, giá chỉ 80.000 đồng/hộp 30 viên, loại thứ 2 là 40 viên thực phẩm chức năng Sinocit, ngày uống hai viên chia hai lần.

Đưa đơn thuốc đến quầy thuốc trên phố Láng Hạ, Hà Nội, bà H. tá hoả khi cô nhân viên cho hay Sinocit có giá tới… 28.000 đồng/viên, tổng cộng đơn thuốc xấp xỉ 1,2 triệu đồng, trong đó thuốc chữa bệnh chiếm chưa đến 1/12 giá trị.

Cấm, cứ làm

“Họ đã tìm cách đưa hàng “cấm” vào đơn thuốc của bác sĩ với mức hoa hồng, theo tiết lộ của một số cán bộ y tế, không dưới 40%”

Một bệnh nhân nữa cũng gặp tình huống “một tiền gà, ba tiền thóc” này là bà Nguyễn Thị T., 71 tuổi, vào viện hôm 29-3 với chẩn đoán nhồi máu não/tăng huyết áp, hen phế quản. Trong đơn thuốc bốn loại gồm ba thuốc chữa bệnh, tính theo mức giá cao nhất cũng mới đến 302.000 đồng/cả ba loại thuốc, nhà bà T. kham được. Nhưng bác sĩ lại kê thực phẩm chức năng Pomilus 0,25, với chứng bệnh của bà T. thì không có cũng chẳng sao, mà giá tới 930.000 đồng/hộp 30 viên, cao gấp ba lần giá thuốc chữa bệnh!

Tại nhà thuốc, bà T. được tư vấn đây là sản phẩm nhằm tăng cường miễn dịch, thị trường có nhiều loại tác dụng tương tự mà giá rẻ hơn nhiều, trong đó có loại chiết xuất từ đông trùng hạ thảo quý hiếm cũng chỉ 650.000 đồng/hộp.

Quy chế kê đơn hiện hành được Bộ Y tế ban hành tháng 4-2008 đã quy định rõ không kê đơn thuốc không nhằm mục đích phòng bệnh, chữa bệnh, kê đơn theo yêu cầu không hợp lý của người bệnh và không kê thực phẩm chức năng vào đơn thuốc. Tuy nhiên, kiểm tra mới đây của Bộ Y tế tại nhiều bệnh viện cho thấy cấm thực phẩm chức năng nhưng bác sĩ vẫn kê!

Tại Bệnh viện Nhi T.Ư, sản phẩm bổ sung vitamin, men vi sinh kích thích trẻ ăn uống, thực phẩm chức năng tăng cường miễn dịch, thậm chí thực phẩm chức năng giúp bổ não… xuất hiện ở hàng loạt đơn thuốc. Trong số này, chúng tôi thấy rất nhiều đơn thuốc kê sản phẩm P, giá 200.000 đồng/lọ.

Tuy chưa tìm thấy đơn, nhưng trong hệ thống máy bán hàng của nhà thuốc bệnh viện, người ta thấy có cả sản phẩm Cold Shield, cũng là sản phẩm giúp tăng cường miễn dịch, giá tới 420.000 đồng/lọ, hay sản phẩm “bổ não, tăng cường nhận thức” PS 100, giá 800.000 đồng/lọ 30 viên. Tất cả đều là thực phẩm chức năng và theo quy định là cấm kê đơn.

Kê đơn vì hoa hồng?

Theo thông tin của chúng tôi, cơ quan chức năng đang kiểm tra nguồn gốc của một loạt thực phẩm chức năng giá cao đang được tuồn vào bệnh viện. Trong số này nhiều sản phẩm đang được kê rất phổ biến ở các bệnh viện tuyến T.Ư tại Hà Nội, và đã có bệnh nhân được kê cùng lúc 10 hộp thực phẩm chức năng, mỗi hộp giá trên 1 triệu đồng!

Theo một chuyên gia ở Bộ Y tế, nghi vấn lớn nhất ở nhóm thực phẩm chức năng khai xuất xứ Los Angeles (Mỹ), Đức…, trên phiếu công bố chất lượng theo quy định phải ghi rõ nguồn gốc, nhưng nhà nhập khẩu đã bỏ qua quy định này.

“Chúng tôi đang yêu cầu xuất trình hồ sơ gốc, tờ khai hải quan gốc, nếu không sẽ đề nghị Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cung cấp hồ sơ gốc, xem xuất xứ thật của sản phẩm ở đâu. Chúng tôi đang nghi ngờ sản phẩm được thuê sản xuất tại Trung Quốc và đem về đóng gói tại VN” – chuyên gia này cho hay.

So với thuốc, giá bán thực phẩm chức năng hoàn toàn không có ai quản, cũng không ai khống chế thặng số lãi trần như đang được đề nghị với dược phẩm, vì thế muốn mua bán thực phẩm chức năng qua bao nhiêu tầng nấc, đẩy giá bán lên bao nhiêu… hoàn toàn thoải mái.

Một lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng hàm lượng hoạt chất có tác dụng với sức khoẻ trong thực phẩm chức năng thấp hơn so với dược phẩm. Vì thế nếu để cạnh tranh công khai ngoài thị trường, nhiều loại thực phẩm chức năng giá hàng triệu đồng/lọ sẽ khó có khả năng tồn tại. Và để tồn tại, họ đã tìm cách đưa hàng “cấm” vào đơn thuốc của bác sĩ với mức hoa hồng, theo tiết lộ của một số cán bộ y tế, không dưới 40%.

Theo sau nhiều loại thuốc chất lượng vừa phải nhưng giá đã bị đẩy lên cao để dành chi hoa hồng, giờ đến lượt thực phẩm chức năng áp dụng chiêu bài này. Từ năm 2008, Bộ Y tế đã cấm kê thực phẩm chức năng vào đơn thuốc, nhưng thực tế cho thấy cấm vẫn cấm mà kê vẫn kê, người bệnh hoàn toàn không có khả năng tự vệ vì họ không biết đâu là thực phẩm chức năng, đâu là thuốc, chưa kể tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương”.

Chắc chắn không bác sĩ nào lại vi phạm lệnh cấm mà không có lợi, mức hoa hồng kể trên có thể lý giải cho tình trạng vi phạm quy định này. Còn Bộ Y tế, chẳng lẽ lại để lệnh cấm chỉ có tác dụng trên giấy mà thôi.

Đắt hơn thuốc tây

Khảo sát của Tuổi Trẻ trên thị trường cho thấy nhóm thực phẩm chức năng kê đơn bị nghi ngờ đều có giá 1-2 triệu đồng/hộp, đắt hơn nhiều so với thuốc chữa bệnh vốn đã bị kêu là giá trên trời.

Kê thực phẩm chức năng đã trái quy định, nhưng bác sĩ còn chọn loại giá cao mà kê. Trong đơn thuốc của bệnh nhi Ngô Thành V., ở Định Công, Hà Nội, bác sĩ Bệnh viện Nhi T.Ư đã kê thực phẩm chức năng H, do một công ty dược phẩm trong nước sản xuất. Thành phần sản phẩm này có vitamin D3, vitamin B1 và lysine, giá tới 94.000 đồng/lọ, trong khi sản phẩm tương tự nhập khẩu từ Indonesia giá chỉ 16.000 đồng/lọ.

“Xem thành phần, tôi cho rằng giá thành sản xuất sản phẩm này không quá 10.000 đồng/lọ, giá đội đến mức này chắc chắn đã bị mua đi bán lại qua nhiều tầng nấc trung gian, đẩy giá lên cao” – một chuyên gia về dược cho hay.