Đường hướng của Giáo hội Công giáo và mục tiêu của Caritas Việt Nam về Bảo vệ sự sống

Chủ đề “Bảo vệ sự sống để phát triển toàn diện con người” Lời mở Đức Giêsu là con đường không phải chỉ dẫn ta đến sự thật toàn diện để ta hiểu biết đúng về Thiên Chúa, con người, vạn vật nhưng còn đưa ta đến sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và hoà hợp với muôn loài để cùng chia sẻ sự sống diệu kỳ của Thiên Chúa cho nhau (x. Ga 14,6). Đó là ý nghĩa con đường mới mở dẫn đến cuộc thần hoá lạ lùng. Người đã nói với Matha trước khi làm phép lạ cho Lazarô em cô sống lại: “Tôi là sự sống lại và là sự sống” (Ga 11,1-44). Sự sống này không phải chỉ kéo dài trong một đời người, cũng không phải chỉ là sự sống tự nhiên, nhưng là sự sống siêu việt của Thiên Chúa.

ĐƯỜNG HƯỚNG CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VÀ MỤC TIÊU CỦA CARITAS VIỆT NAM VỀ BẢO VỆ SỰ SỐNG

Lm. Antnôn Nguyễn Ngọc Sơn

 

Chủ đề “Bảo vệ sự sống để phát triển toàn diện con người”

Lời mở

Đức Giêsu là con đường không phải chỉ dẫn ta đến sự thật toàn diện để ta hiểu biết đúng về Thiên Chúa, con người, vạn vật nhưng còn đưa ta đến sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và hoà hợp với muôn loài để cùng chia sẻ sự sống diệu kỳ của Thiên Chúa cho nhau (x. Ga 14,6). Đó là ý nghĩa con đường mới mở dẫn đến cuộc thần hoá lạ lùng.

Người đã nói với Matha trước khi làm phép lạ cho Lazarô em cô sống lại: “Tôi là sự sống lại và là sự sống” (Ga 11,1-44). Sự sống này không phải chỉ kéo dài trong một đời người, cũng không phải chỉ là sự sống tự nhiên, nhưng là sự sống siêu việt của Thiên Chúa.

1. NHỮNG LẦM TƯỞNG VÀ ƯU TƯ

v   Nói đến phong trào bảo vệ sự sống, không phải chỉ có ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, người ta nghĩ ngay đến những người biểu tình cầm các bảng hô hào chống phá thai và cả các cuộc xung đột với những người ủng hộ phá thai. Từ đó gây nên những căng thẳng và chia rẽ trong cộng đồng xã hội.

v   Nói đến việc chống phá thai thì người ta lại liên tưởng đến chính sách kiềm hãm việc gia tăng dân số ở các nước đang phát triển và lầm tưởng những người theo phong trào bảo vệ sự sống đang chống đối chính sách Dân số của Nhà Nước, và không thiết tha với việc xây dựng đất nước.

v   Nói đến việc giúp đỡ các thai phụ sinh con thay vì phá thai, người ta lại cho rằng việc cứu vớt một vài ngàn thai nhi này chẳng đi đến đâu so với số phá thai mỗi năm hàng triệu ca ở Việt Nam và hàng chục triệu ca ở Trung Quốc.

v   Cần phải tìm ra những biện pháp hiệu quả hơn, giải quyết tận gốc vấn đề như đề cao giá trị của nhân phẩm con người, giá trị của tình yêu, tình dục, những nguy hại vô sinh và cả tổn thương tâm lý nặng nề sau khi phá thai…

v   Nói đến chôn táng các thai nhi người ta lại cho việc này nặng màu sắc tôn giáo và tâm linh, không kể những tốn kém vật chất, tạo ra những kỷ niệm u buồn cho những phụ nữ và cả những người liên hệ, tạo nên những mặc cảm không lành mạnh cho những người liên quan thay vì cảm giác nhẹ nhõm, an lành cần có trong xã hội hôm nay.

v   Nói đến vấn đề bảo vệ sự sống, người ta thường chỉ nghĩ đến sự sống tự nhiên, riêng tư của con người nơi trần thế (thai nhi và đứa con sinh ra sẽ cản trở việc học hành, làm việc của tôi lúc này, đứa con không cha hoặc chưa có hôn nhân là một tủi nhục cho mình, cho gia đình, dòng họ…).

Nhưng người ta ít khi nghĩ đến một sự sống toàn diện của con người và xét đến việc phá thai ảnh hưởng thế nào:

§        Đến thể xác con người: coi thường sự sống của mình và của người khác, những tai biến sớm hay muộn để lại hậu quả vô sinh…

§        đến nội tâm con người qua tiếng lương tâm ngay chính: mặc cảm giết một mạng người;

§        đến tinh thần con người với những tác động tâm lý: trầm cảm, u uất, lãnh cảm;

§        đến xã hội con người với mối liên hệ bị thương tổn sau khi phá thai;

§        đến cả tâm linh con người trong mối liên hệ về tinh thần với Đấng Tối Cao hay Thiên Chúa như tinh thần tuyệt đối, cũng như với chính đứa con bị loại bỏ như một tinh thần tương đối.

2. ĐƯỜNG HƯỚNG CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VỀ BẢO VỆ SỰ SỐNG

2.1. Giáo Hội mời gọi con người khám phá sự sống là gì?

Quan sát vạn vật và con người đang sống quanh ta, chúng ta cảm nhận sự sống là một cái gì lạ lùng, quý báu, thiêng liêng nhưng lại mong manh, tạm thời thậm chí có vẻ như vô lý và vô nghĩa nữa.

Lạ lùng vì dù chỉ là con ruồi, cánh bướm, cành hoa nhưng cấu trúc kỳ diệu của hàng tỷ tế bào chuyển động không ngừng làm ngây ngất bao nhiêu nhà bác học.

Quý báu vì giá trị sự sống vượt lên trên các giá trị khác. Người ta sẵn sàng đánh đổi mọi sự để bảo vệ sự sống.

Thiêng liêng vì dù hiểu được cấu trúc của các chất vô cơ, hữu cơ nhưng cho đến nay các nhà bác học vẫn chưa tự mình làm nên một con ruồi, một cành hoa sống động. Sự sống bắt nguồn từ đâu đó, từ một ai đó, từ một Đấng nào đó đòi hỏi ta phải khám phá nếu ta muốn sống dồi dào và trọn vẹn.

Mong manh vì chỉ cần một vài thay đổi nhỏ của những chất liệu cũng dẫn đến nguy cơ làm mất sự sống.

Tạm thời vì dù có muốn kéo dài đời sống nhưng những bông hoa xinh đẹp kia vẫn héo tàn, những con người tài giỏi kia vẫn chết như mọi loài, mọi vật.

Phi lý vì có nhiều người muốn tìm ra ý nghĩa đời sống nhưng họ không tìm được (Jean Paul Sartre, ông tổ của thuyết hiện sinh vô thần) nếu chỉ tìm hiểu những gì hiện thấy trước mắt. Thí dụ về cái rễ cây trong tác phẩm Buồn nôn.

Tuỳ theo mức độ nhận thức về giá trị sự sống mà con người có những thái độ sống khác nhau: trân trọng, ngưỡng mộ, bảo vệ, hững hờ, phung phí, tàn phá.

Mỗi ý thức hệ có những định nghĩa khác nhau về sự sống (như duy tâm, duy vật, duy tín, duy cảm, duy lý, duy danh, hiện sinh…) khiến cho con người càng ngày càng không hiểu sự sống mình đang có thật sự là gì, do đâu phát sinh, tiến triển thế nào và cuối cùng sẽ dẫn đến đâu.

Sự sống là một mầu nhiệm vượt quá sự suy luận và kiểm chứng của con người.

Các nhà khoa học đang cố gắng giải đáp những bí ẩn trong cấu trúc gen của một số sinh vật và ngay cả con người. Họ kinh ngạc trước hàng tỷ mật mã về sự sống của các nhiễm sắc thể đó.

Tuy nhiên, họ mới chỉ làm công tác của người thợ sửa đồng hồ, nghiên cứu từng trăm bộ phận rồi lắp ráp lại theo trật tự mà người phát minh ra chiếc đồng hồ đã quy định, chứ họ không biết đến người chủ làm nên chiếc đồng hồ ấy. Sự sống của sinh vật và con người cũng y như vậy và còn kỳ diệu hơn gấp bội.

2.2. Cấu trúc sự sống toàn diện

Khi nói đến bảo vệ sự sống, người ta chưa chú ý đến cấu trúc toàn diện của sự sống con người. Đây là một cấu trúc phức tạp vì sự sống của con người là kết quả của một quá trình tiến hoá, hình thành lâu dài suốt 8 tỷ năm qua, từ khi trái đất thành hình.

Sự sống với tế bào đầu tiên xuất hiện cách đây 1 tỷ năm, các nhà khoa học thấy các tế bào sống có sự trao đổi chất với môi trường bên ngoài, có sinh sản rồi chết đi.

Sự sống phát triển không ngừng: từ những đơn bào đến những đa bào như tảo, rong ở biển, rồi đến các loài động vật như tôm cá. Một số cá bỏ môi trường nước lên sống trên mặt đất hình thành những loài thú; tiếp đến là loài khỉ và sau cùng là loài người biết suy tư (Homo sapiens) xuất hiện trước chúng ta khoảng 40.000 năm.

Khả năng suy tư của con người bắt nguồn từ tinh thần vượt lên trên những giới hạn của vật chất, không gian và thời gian để giúp con người làm chủ vật chất, làm chủ chính mình, giao tiếp với người khác và mở ra để gặp gỡ được các tinh thần khác. Tinh thần của con người mở ra đến vô biên (x. Tóm lược HTXHCG, số 130).

Người ta thường chia ra các bậc sống sau đây:

Sự sống của loài thực vật lệ thuộc vào vật chất, bị cố định trong không gian và thời gian.

Sự sống của loài động vật bớt lệ thuộc vào vật chất tại chỗ, có thể di chuyển để kiếm ăn, thích nghi nhiều hơn với môi trường sống.

Sự sống của loài người có thể xác và tinh thần. Cả hai phần làm nên một con người duy nhất (x. CĐ. Vaticanô II, HC Vui mừng và Hy vọng, số 3,14). Cấu trúc sự sống con người gồm có cả các chất vô cơ, hữu cơ, trong thể xác có hoạt động của đời sống thực vật và động vật, trong tinh thần có hoạt động của lý trí, ý chí, lương tâm giúp con người làm chủ mọi hoạt động của mình để trở thành con người tự do với những khát vọng sâu xa của tâm hồn. Vì thế, sự sống con người gồm 3 lĩnh vực: thể lý, tâm lý và tâm linh. Người ta cần bảo vệ sự sống với toàn bộ cấu trúc thì mới có thể phát triển toàn diện con người.

Sự sống của thần linh: từ những hoạt động tinh thần, con người khám phá ra nguồn sống vô biên, vĩnh hằng, đồng thời cũng là nguồn của chân thiện mỹ và hạnh phúc. Đó là chính Đấng Tối Cao, Đấng Tạo Hoá được gọi bằng nhiều danh xưng khác nhau: Thiên Chúa, Trời, Đức Cao Đài, Đức Thánh Allah…

Sự sống của loài thần thiêng: Nguồn sống thần linh có thể chia sẻ sự sống diệu kỳ của mình cho các loài thụ tạo không có thể xác mà chỉ có tinh thần tinh ròng được gọi là các thiên thần (x. Tóm lược HTXHCG, số 130). Còn một dạng sống của loài có tinh thần và có cả thể xác trước đây, nhưng thể xác đã tiêu tan sau khi chết, ta gọi là sự sống của các vong hồn.

2.3. Bảo vệ sự sống toàn diện cho con người

Trong quan hệ với Thiên Chúa, con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa. Sự sống của con người là linh thiêng và bất khả xâm phạm (GLHTCG, số 2258) vì chỉ có Thiên Chúa mới là chủ tể sự sống và sự chết (Gaudium et Spes, số 27; GLHTCG, số 2259, 2261); “Ngươi không được giết người”, đó là giới răn thứ Năm trong Thập Giới (Xh 20,13; Đnl 5,17) Ta sẽ đòi con người phải đền nợ máu, Ta sẽ đời con người phải đền mạng sống của người anh em mình (St 9,5).

Tất cả những hình thức phá thai có chủ ý để chấm dứt thai trong lòng người mẹ là một hành động bất hợp pháp đối với phẩm giá cao quý của con người (x. Tóm lược HTXHCG, số 155) vừa là một tội ác ghê tởm đối với Thiên Chúa (Sđd, số 233). Tuy nhiên, chúng ta cần phân biệt những hình thức dùng phương thức phá thai để trị liệu nhằm cứu lấy sinh mạng của người mẹ hoặc để tránh cho người phụ nữ khỏi bị thiệt hại đến sức khoẻ cách nghiêm trọng như trong trường hợp thai ngoài tử cung, sản kinh hay tiền sản giật, ung thư tử cung hoặc sẩy thai tự nhiên… (x. Dionigi Tettamanzi và Guy Durand, Lm. Antôn Nguyễn Văn Tuyến biên dịch, Tân Đạo đức Sinh học Kitô, tr. 347-368).

Lòng kính trọng đối với sự sống là bất khả xâm phạm và toàn diện đạt tới điểm cao trong điều răn tích cực này: “Ngươi phải yêu thương người thân cận như chính mình ngươi” (Lv 19,18). Qua đó Đức Giêsu ràng buộc thêm bổn phận chăm lo cho các nhu cầu của người khác (x. Mt 22,37-40; Mc 12,29-31; Lc 10,27-28; x. Tóm lược HTXHCG, số 112)

Thiên Chúa tạo dựng con người có nam có nữ (St 1,27), cả hai có cùng một xương thịt như nhau. Trong mối quan hệ hiệp thông với nhau, cả hai tham gia vào hành động sáng tạo của Thiên Chúa làm nên sự sống mới: “Thiên Chúa chúc lành cho họ và nói với họ: hãy sinh sôi và nảy nở cho đầy mặt đất và hãy thống trị trái đất” (St 1,28).

Chính với ơn gọi đặc biệt này đối với sự sống mà người nam và người nữ thấy mình hiện diện với tất cả thụ tạo khác. Họ có khả năng và bổn phận lấy các thụ tạo khác phục vụ mình và hưởng dùng chúng, nhưng việc chế ngự thế giới đòi hỏi con người phải thi hành trách nhiệm chứ không được tự do khai thác cách tuỳ tiện và ích kỷ (x. Tóm lược HTXHCG, số 113) họ giống như người anh cả đối với các đứa em vạn vật của mình vì tất cả đều là con cái của Cha Trên Trời.

Như thế, để bảo vệ sự sống bậc cao của chính mình, con người được quyền sử dụng những thụ tạo ở bậc thấp hơn (như thực vật và động vật) “Ta ban cho các ngươi mọi thứ …… trên mặt đất” (x. St 1,29-30) để hướng sự sống mình tới bậc sống cao hơn, và được mời gọi để đạt tới bậc sống cao nhất là trở nên giống Thiên Chúa.

2.4. Đi tìm sự sống vĩnh hằng

Trong cuốn truyện Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân, chúng ta thấy bao nhiêu loài vật cố gắng tu luyện, thậm chí ăn thịt và uống máu nhiều người để mong được trường sinh bất tử. Chúng trở thành những yêu quái. Chúng nói lên ước vọng của muôn loài là mong được sống và sống mãi. Một con giun, dù bị đạp đứt đôi thân mình, cũng cố gắng ngoi về vùng đất ẩm để sống. Một thân cây, dù bị chặt ngang, cũng cố gắng mọc ra những cành non để sống.

Huống chi con người. Trong suốt dòng lịch sử con người đã tìm mọi cách để kéo dài sự sống bằng đủ loại thuốc, kể cả tìm cách luyện linh đan để được trường sinh bất tử. Con người cố gắng tìm ra những loại lương thực để ăn sao cho khoẻ hơn, chế ra các mỹ phẩm để cho mình được đẹp hơn, trẻ hơn, thay đổi gen hy vọng để kéo dài tuổi thọ thêm được một vài chục năm.

Thất vọng vì những giải pháp vật chất, con người đi tìm những giải pháp tinh thần: bao nhiêu tôn giáo, đạo pháp, kể cả pháp thuật ra đời để mong đạt được ước vọng cao cả nhất của con người: được trẻ mãi, đẹp mãi, sống mãi nghĩa là được trở thành Thiên Chúa, nguồn của sự sống, của chân – thiện – mỹ và hạnh phúc vô biên.

 

3. CON ĐƯỜNG SỰ SỐNG CỦA ĐỨC GIÊSU

Đức Giêsu không dài lời giải thích về sự sống bằng những ý niệm trừu tượng, nhưng Người dạy ta tôn trọng và bảo vệ sự sống của muôn loài quanh ta vì tất cả đều là con cái của Thiên Chúa hằng sống.

3.1. Đức Giêsu dạy ta con đường sự sống

* Người mời gọi ta hãy nhìn xem hoa huệ ngoài đồng, những chú chim sẻ ríu rít quanh ta để nhận ra quyền năng và tình yêu của Cha Trên Trời đối với tất cả (x. Mt 6,26-32). Người yêu cầu ta thu nhặt từng mẩu bánh nhỏ, dù phép lạ Người làm cho mọi người no nê, để tiết kiệm, dành dụm cho những bữa sau (x. Ga 6,12).

* Người quý trọng sự sống thể lý của con người nên đã chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền (x. Mc 1,32-33; 3,10-12; 6,55-56; Mt 8,16; Lc 4,40…). Người cổ vũ sự sống tâm lý khi nhắc nhở con người giữ tinh thần cho trong sáng, quảng đại vì không phải những đồ ăn đưa vào bụng con người làm cho họ ra nhơ uế, nhưng những gì là tham lam, ghen tuông, giận dữ, dối trá… từ lòng con người xuất ra mới làm cho họ bẩn thỉu, nhuốc nhơ (x. Mt 14,10-20; Mc 7,14-23).

* Người đề cao sự sống tâm linh khi nhắc nhở con người “không phải chỉ sống bằng cơm bánh mà còn sống bằng những lời từ miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4). Người chia sẻ sự sống của Thiên Chúa cho tất cả những ai tin vào Người (x. Ga 1,4; 3,16; 3,36; 5,24.26; 6,47; 10,10; 11,25; 17,3…).

* Người xua đuổi ma quỷ vì đó là những thụ tạo gây hại cho đời sống con người “cả thể xác lẫn tinh thần” nên khi xua đuổi ma quỷ khỏi người câm điếc, thì họ nói được, nghe được, thấy được (x. Mc 1,21-28; 5,1-20; 7,24-30; 9,14-29; Mt 9,32-34; Lc 4,31-37).

3.2. Đức Giêsu là sự sống thần linh

*  Người đã làm nhiều phép lạ cho người chết sống lại để chứng tỏ rằng sự sống ở đời này chỉ là một giai đoạn vô cùng ngắn ngủi so với đời sống vĩnh hằng. Người cho con trai bà goá thành Naim (x. Lc 7,11-17), con gái ông Giairô (x. Mc 5,21-43) và Lazarô chết 4 ngày sống lại (x. Ga 11,1-44) để chứng tỏ Người là chủ sự sống, Người là Sự Sống toàn diện, siêu việt, hoàn hảo “Tôi là Sự Sống…” (x. Ga 14,6): Người ban sự sống đó cho tất cả những ai tin vào Người “Ai tin vào tôi sẽ được sống đời đời” (Ga 11,25-26).

*  Cuối cùng, chính Người đã chết và sống lại để chứng tỏ con người có thể tham dự vào sự sống của Thiên Chúa. Người đã hiện ra với các môn đệ nhiều lần, cùng ăn uống với họ để chứng tỏ Người đang sống và chia sẻ sự sống của chính Thiên Chúa cho họ. Thân thể phục sinh của Đức Giêsu có thể hiện ra ở trong phòng đóng kín cửa (x. Ga 20,19) ở bất cứ nơi nào (bên ngôi mộ, nơi phòng Tiệc Ly), bất cứ lúc nào (trên đường Emmaus (x. Lc 24,13-25). Đó là cuộc sáng tạo mới của Thiên Chúa. 

3.3. Con đường thần hoá

Người còn cho các tông đồ được chia sẻ quyền năng của Người để làm các phép lạ minh chứng con đường sự sống kỳ diệu đó: (x. Mt 10,1-6; Mc 3,13-19; 6,7-13; Lc 9,6). Phêrô chữa người què (x. Cv 3,1-10) hoặc bị tê bại tên Ênê (x. Cv 9,32-35), cho chị Tabitha sống lại (x. Cv 9,36-42). Phaolô chữa lành người bại chân ở Lystra (x. Cv 14,8-18), trừ khử ma quỷ (x. Cv 19,11-20), cho cậu bé Eutichô sống lại (x. Cv 20,7-12). Điều này chứng tỏ con người đã được thần hoá chứ không phải “những vị thần mặc lốt người phàm đã xuống với chúng ta” (Cv 14,11).

Như thế, con đường Giêsu (x. Ga 14, 6) dẫn loài người và vạn vật đến một điểm xa nhất và cũng cao nhất, đó là được thần hoá để chia sẻ chính sự sống của Thiên Chúa, trở thành Thiên Chúa nhờ công trình cứu độ của Đức Giêsu Kitô trong tác động thánh hoá của Chúa Thánh Thần. Ước mơ của con người đã biến thành sự thật!

 

4. CARITAS VIỆT NAM VÀ MỤC TIÊU BẢO VỆ SỰ SỐNG

4.1. Caritas Việt Nam, khi cổ vũ việc bảo vệ sự sống, chỉ muốn mời gọi con người tôn trọng sự sống như một ân huệ vô cùng cao quý mà Thiên Chúa Tình Yêu, là nguồn của sự sống vĩnh hằng, đã chia sẻ cho con người và mong muốn con người phát triển sự sống đó đến mức tột cùng, là được trở nên giống như Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa làm người. Chính trong niềm tin tưởng này, nhiều Kitô hữu tham gia việc an táng các bào thai bị bỏ rơi như những con người thật sự và kêu gọi sự hoà giải giữa những ai liên can đến việc phá thai với bào thai bị mất đi sự sống, sau khi hoà giải với Đấng Tối Cao để em bé được siêu thoát, trở thành thánh nhân cầu phúc cho con người.

4.2. Caritas Việt Nam mời gọi các người làm cha mẹ sử dụng những phương pháp tự nhiên, đặc biệt là phương pháp Billings phối hợp với các phương pháp đã có sẵn trước đây như Ogino-Knaus, để kế hoạch hoá gia đình hầu bảo vệ sức khoẻ sinh sản và an toàn cho người phụ nữ. Thật vậy, các nhà khoa học đã chứng minh rằng không có việc phá thai nào là an toàn mà không để lại những hậu quả tai hại cho cá nhân người mẹ cũng như cho toàn xã hội.

4.3. Khi cổ vũ việc bảo vệ sự sống, Caritas Việt Nam mời gọi và phổ biến cho các hội viên biết chính sách Dân số của Nhà nước qua những Pháp lệnh Dân số của Uỷ ban thường vụ Quốc hội (2003, 2008), Nghị định của Chính phủ (2010) và cả Dự thảo Nghị định Sửa đổi Khoản 6 điều 2 của Nghị định 2010 để mỗi người hiểu biết quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong việc thực hiện cuộc vận động dân số và kế hoạch hoá gia đình, chăm sóc sức khoẻ sinh sản.

4.4. Khi cổ vũ việc bảo vệ sự sống, Giáo hội Công giáo luôn ủng hộ chính sách dân số nào biết tôn trọng phẩm giá cao quý và quyền lợi chính đáng của con người. Giáo Hội ý thức về việc gia tăng dân số (x. Tóm lược HTXHCG, số 94, 100, 234, 483), dạy tín hữu đảm nhận trách nhiệm làm cha mẹ, đón nhận và bảo vệ sự sống (x. Sđd., 232, 235, 237) để cộng tác với chính quyền trong việc kế hoạch hoá dân số này. Hội viên Caritas Việt Nam luôn hành động theo giáo huấn của Giáo hội Công giáo.

4.5. Khi cổ vũ việc bảo vệ sự sống để phát triển toàn diện con người, Caritas Việt Nam muốn góp phần nhỏ bé của mình vào việc xây dựng một dân tộc Việt Nam hùng mạnh cùng với mọi người.

Các số liệu về số người phá thai (khoảng 2 triệu ca/năm), bị tâm thần nhẹ và nặng (khoảng 10% dân số), nghiện rượu bia, thuốc lá (khoảng 10 triệu người), nghiện trò chơi trực tuyến (games online, 5 triệu người), khuyết tật (5,4 triệu người), số trẻ chậm phát triển trí não do cha mẹ nghiện ngập, nhất là trẻ bị chứng tự kỷ tăng cao (1/150 em được sinh ra)… thúc đẩy Caritas Việt Nam xây dựng một chương trình phát triển toàn diện con người.

4.6. Caritas Việt Nam, qua các Caritas giáo phận và giáo xứ, tổ chức các khoá đào tạo, tập huấn, truyền thông cho cộng đồng xã hội về những giá trị và kỹ năng sống theo Linh đạo Bác ái của mình, đặc biệt về giá trị của tình yêu, tình dục, giới tính cho các bạn trẻ.

4.7. Caritas Việt Nam mời gọi hội viên tích cực giúp đỡ các bà mẹ đơn hành, nuôi nhận các trẻ thơ côi cút, những người già neo đơn, không phân biệt lương giáo, bằng tình yêu quảng đại của Chúa Giêsu Kitô ngay tại trong xứ đạo của mình, trong gia đình mình thay vì mở những mái ấm riêng biệt vì tất cả đều là con cái của Người Cha Trên Trời và là anh chị em của nhau.

4.8. Caritas Việt Nam mời gọi hội viên không lựa chọn giới tính thai nhi vì nam hay nữ đều là con cái Chúa, không buôn bán lương thực, thực phẩm, hàng hoá độc hại, không sử dụng hoá chất độc hại trong các ngành nông nghiệp, ngư nghiệp, giữ gìn môi trường sống trong sạch, lành mạnh để bảo đảm sự sống an lành cho mọi người. Đây là con đường sự thật và sự sống của Đức Kitô và cũng là dấu hiệu riêng biệt của hội viên Caritas Việt Nam.

 

Kết luận

Con đường sự sống của Đức Giêsu mở ra đến vô tận. Nó giúp ta từ nay nhìn ra muôn loài ẩn chứa một sự sống lạ lùng của Thiên Chúa để ta tôn trọng và yêu quý tất cả. Nó cũng giúp ta luôn sống trong niềm vui và hy vọng vì cánh cửa tử sinh chỉ còn là một bước ngắn ngủi phải qua để đi vào cuộc thần hoá diệu kỳ.

 

Câu hỏi gợi ý:

1. Bạn đang cảm nghiệm gì về cuộc sống của mình: chán chường, mệt mỏi, vô nghĩa, có ích, trân trọng, hối hả, lo sợ, tin tưởng, thích thú?

2. Bạn có coi thường và đánh giá thấp đời sống thể lý với các hoạt động như ăn uống điều độ, ngủ nghỉ, giải trí, vui chơi, thể dục thể thao? Hoặc bạn quá chú tâm đến chúng?

3. Bạn có kinh nghiệm gì về một phép lạ của Chúa, một sự can thiệp lạ lùng của Chúa trong đời bạn? Bạn nghĩ mình có thể làm phép lạ không?

4. Nếu bạn được thần hoá, có quyền năng để chữa bệnh, trừ quỷ và các ân sủng lạ lùng thì bạn sẽ làm gì cho xã hội, cho đất nước, cho nhân loại?