Nên cổ vũ nam giới “đảm việc nhà”

“Việc phụ nữ phải làm việc nhà là sản phẩm của sự phân công lao động từ thời phong kiến, và người ta đã nhầm lẫn điều này với thiên chức”

 

Nên cổ vũ nam giới “đảm việc nhà”

TS Vũ Mạnh Lợi – Viện Xã hội học – cho rằng không chỉ phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà mà cần phải cổ vũ nam giới để họ giỏi giang tương tự.

 

Ông Lợi nói ở Việt Nam, ngày nay các ông chồng gia trưởng không còn được tự do áp đặt ý muốn cá nhân của mình cho người vợ mà không có sự đồng thuận của họ như trước đây nữa; lãnh đạo các cơ quan/tổ chức cũng không thể không tính đến ý kiến của phụ nữ trong cơ quan khi ra các quyết định quan trọng. Bình đẳng giới đang trở thành chuẩn mực trong xã hội Việt Nam.

* VN có tỉ lệ phụ nữ đi làm rất cao, trên 80%, gần tương đương nam giới, trong khi họ vẫn đảm đương việc nhà, thiên chức làm vợ, làm mẹ, ông nghĩ gì về sự “bình đẳng” này?

TS Vũ Mạnh Lợi: – Dù có đi làm kiếm tiền hay không thì phụ nữ vẫn là người làm chính việc nhà, chăm sóc con nhỏ, chăm sóc người già và các thành viên khác trong gia đình. Chúng tôi đã có nhiều nghiên cứu về đề tài này trong suốt 30 năm qua và thấy có rất ít thay đổi về khía cạnh này mặc dù vai trò của phụ nữ trong các khía cạnh khác của đời sống xã hội đã thay đổi rất nhiều.

“Việc phụ nữ phải làm việc nhà là sản phẩm của sự phân công lao động từ thời phong kiến, và người ta đã nhầm lẫn điều này với thiên chức”

TS VŨ MẠNH LỢI

Người ta hay nói thiên chức của phụ nữ là làm vợ, làm mẹ, làm việc nhà nhưng tôi không nghĩ đó là thiên chức. Thiên chức phải là một cái gì đó có bản chất sinh học mà nam giới không có. Các nghiên cứu trên thế giới đều cho thấy không có “gen” nào quy định phụ nữ phải làm việc nhà cả. Việc phụ nữ phải làm việc nhà là sản phẩm của sự phân công lao động từ thời phong kiến, và người ta đã nhầm lẫn điều này với thiên chức.

Tôi cho rằng hệ thống truyền thông đại chúng của chúng ta cũng có lỗi một phần trong việc duy trì định kiến này. Tôi vẫn thường thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng những thông điệp khuyến khích phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Điều này không sai, nhưng nếu chỉ nhằm vào phụ nữ thì sẽ tiếp tục duy trì cách nghĩ không bình đẳng nam – nữ. Nếu cổ vũ như vậy thì cần cổ vũ nam giới cũng phải “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Thực tế cho thấy nhiều nam giới đã tham gia tích cực làm các việc trong gia đình tốt, song số này còn rất ít. Tôi nghĩ rằng việc nhà không phải vai trò của riêng phụ nữ.

* Ông có nghĩ là không hẳn do truyền thông cổ vũ, mà nếp nghĩ thiên chức của phụ nữ là làm việc nhà đã ăn sâu vào nếp nghĩ của tất cả chúng ta, là nguyên do của bất bình đẳng giới?

– Thực tế hiện nay nhiều nam giới và cả phụ nữ nữa, vẫn cho rằng việc nhà đương nhiên là việc của phụ nữ, và nếu nam giới tham gia thì chỉ “giúp đỡ” vợ con thôi. Định kiến này đã ăn quá sâu vào đầu óc của nhiều người. Trong bối cảnh đó cần tuyên truyền, giáo dục, vận động để nam giới tham gia việc nhà nhiều hơn, rằng nếu không làm như vậy họ đã “ăn không” lao động của người khác dù đó là vợ con họ và họ phải biết hổ thẹn về điều đó.

Giáo dục cho trẻ em trong nhà trường là điều rất quan trọng để thế hệ tương lai không có định kiến này. Đồng thời bản thân phụ nữ cũng phải tỉnh ngộ rằng việc nhà không phải thiên chức của họ, và họ có quyền đòi hỏi người khác, các nam giới khác trong gia đình, chồng, anh em trai, con trai cùng phải đóng góp vào làm việc nhà. Không nên chỉ trông chờ vào lòng tốt của người khác, kể cả khi người đó là chồng hay cha anh mình, mà phải chủ động đòi lại công lý một cách có tình, có lý.

* Các báo cáo luôn cho rằng phụ nữ VN bình đẳng hơn nhiều nước, nhưng thực tế với con mắt của một nam giới, ông thấy nhận định này còn gì khiếm khuyết không?

– Mặc dù so với nhiều nước trong vùng và trên thế giới, quan hệ nam – nữ ở VN bình đẳng hơn rất nhiều, nhưng sự thật vẫn còn rất nhiều bất bình đẳng giới ở VN. Bất công với phụ nữ ở VN không thể hiện rõ như ở các nước Nam Á khác, nơi địa vị phụ nữ rất thấp trong xã hội và trong gia đình. Tuy nhiên, nếu ta đi sâu tìm hiểu thì có thể thấy vẫn còn bất bình đẳng giới ở mọi lĩnh vực với các mức độ khác nhau, cả trong gia đình cũng như ngoài xã hội, chứ không chỉ xảy ra trong gia đình.

Các nghiên cứu thời gian gần đây đều cho thấy phụ nữ có thu nhập thấp hơn nam giới có cùng trình độ và năng lực, phụ nữ ít có cơ hội thăng tiến hơn nam giới, phụ nữ có ít đại diện trong những người lãnh đạo ở mọi cấp hơn nam giới. Trong gia đình, nhiều phụ nữ vẫn đang là nạn nhân của bạo lực gia đình, các bé trai được ưu tiên hơn các bé gái và nhiều biểu hiện bất bình đẳng khác. Đương nhiên không phải gia đình nào cũng vậy và cũng không phải phụ nữ nào cũng chịu thiệt thòi, song số đông thường có thiệt thòi hơn nam giới trong cùng hoàn cảnh.

* Vị trí của phụ nữ ngày nay so với lịch sử rõ ràng có khác. Nhưng ở vị trí một nhà xã hội học, ông thấy cái “khác” đấy đã tốt, đã hỗ trợ cho sự tiến bộ không ngừng của phụ nữ?

– Như trên tôi đã nêu, những thay đổi tiến bộ trong quan hệ nam – nữ trong xã hội và gia đình mà ta đang quan sát thấy ở VN đang diễn ra mạnh mẽ. Người dân, nam và nữ, ngày nay có hiểu biết tốt hơn trước đây, dễ tiếp thu các ý tưởng về bình đẳng giới như một đặc tính quan trọng của xã hội văn minh. Nhà nước cũng đặc biệt quan tâm tới việc nâng cao nhận thức cán bộ và người dân về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình. Đó là những diễn biến rất tốt, đã giúp cải thiện vị trí của VN về bình đẳng giới trong so sánh quốc tế.

Tuy nhiên, một số người có thể có cảm giác lạ lẫm, thậm chí khó chịu khi thấy phụ nữ làm những việc mà trước đây thường chỉ nam giới làm. Điều này cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Trong quá trình tiến bộ, những ý tưởng mới cần thời gian để mọi người lĩnh hội, hiểu và chấp nhận.

LAN ANH thực hiện