Khoảng cách bất bình đẳng giới sẽ nới rộng thêm

“Những khó khăn về kinh tế, mà cụ thể ở đây là việc tăng giá của nhiều nhóm mặt hàng sẽ khiến người phụ nữ phải hy sinh những lợi ích, nhu cầu của mình để đảm bảo nhu cầu của các thành viên khác trong gia đình không bị xáo trộn quá mức.

 

Khoảng cách bất bình đẳng giới sẽ nới rộng thêm

“Những khó khăn về kinh tế, mà cụ thể ở đây là việc tăng giá của nhiều nhóm mặt hàng sẽ khiến người phụ nữ phải hy sinh những lợi ích, nhu cầu của mình để đảm bảo nhu cầu của các thành viên khác trong gia đình không bị xáo trộn quá mức.

Bản thân người đàn ông cũng sẽ bị sức ép đè nặng khi được coi là trụ cột của gia đình. Như vậy, cả hai đều dễ dàng rơi vào tình trạng trầm cảm, lo lắng, khủng hoảng do phải gắng hoàn thiện “thiên chức” của mình. Lúc này, mâu thuẫn trong gia đình nảy sinh là điều dễ hiểu” – TS Khuất Thu Hồng (ảnh) – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội – phân tích.

Nguy cơ tăng bạo hành

Những bất ổn trong gia đình liên quan tới nhiều yếu tố. Nhưng phải thừa nhận yếu tố kinh tế đóng vai trò quan trọng trong đời sống mỗi gia đình cũng như các hoạt động trong xã hội. Người ta luôn nói những sự bất ổn của xã hội có nhiều mối liên hệ chặt chẽ với bất ổn trong kinh tế, đúng như các cụ ta vẫn nói: “Đói ăn vụng, túng làm càn”.

Khi nhiều mặt hàng thiết yếu tăng giá, sự eo hẹp trong ngân sách gia đình làm cho các mối quan hệ trở nên căng thẳng. Cùng với ngân sách không dễ dàng tăng lên, trong khi nhu cầu cuộc sống lại tăng lên (chuyện học hành của con cái, nuôi bố mẹ già, chưa kể những vấn đề đột xuất như đau, ốm…) sẽ khiến một số gia đình dễ rơi vào thảm hoạ hoặc bạo hành dễ xảy ra.

Quan hệ gia đình rất căng thẳng nếu mọi người không khéo léo cùng nhau vượt qua hoàn cảnh khó khăn khi hàng hoá thiết yếu tăng giá. Đa số những người lo việc cơm áo hằng ngày, quản lý chi tiêu trong gia đình là người phụ nữ. Người phụ nữ đang bị đặt trước một bài toán nan giải. Từ đây dễ dẫn đến sự ức chế trong tâm lý và chuyện xung đột xảy ra hoàn toàn dễ lý giải. Họ sẵn sàng bùng nổ để giải toả và khi gặp người chồng không thông cảm thì dễ dẫn đến tình trạng bạo hành.

Từ trước tới nay ở VN, công việc gia đình đều do người phụ nữ đảm nhiệm, thêm vào đó họ vẫn tham gia vào lao động sản xuất để có thêm thu nhập cho gia đình. Tôi rất lo ngại rằng, khi mà hàng hoá cứ tiếp tục tăng giá, cuộc sống của người phụ nữ càng khó khăn hơn. Trong truyền thống của  VN, người mẹ, người vợ luôn phải hy sinh, nhường nhịn. Khi kinh tế gia đình khó khăn, vì đức hy sinh mà xã hội đã thừa nhận và đòi hỏi, người phụ nữ sẽ tự (hoặc buộc phải) cắt giảm các nhu cầu tối thiểu của mình để cho chồng, cho con (như nhu cầu ăn uống, bồi dưỡng, giải trí…), để nhu cầu của các thành viên trong gia đình vẫn được đảm bảo.

Điều này càng làm cho bất bình đẳng giới lớn hơn. Trong khi đó, người đàn ông VN không phải không chịu sức ép lớn vì họ vốn được kỳ vọng là trụ cột của gia đình. Trong thời buổi nhiều nhóm hàng hoá tăng giá, anh ta đôi khi cảm thấy mình có lỗi với gia đình, dằn vặt bản thân khi không hoàn thiện được “thiên chức” đó. Và rồi họ bị rơi vào khủng hoảng tâm lý, từ đó rất dễ nảy sinh mâu thuẫn.

Khi người phụ nữ phải âm thầm hy sinh

Nhìn một cách logic, có thể thấy kinh tế tác động, ảnh hưởng trực tiếp tới các quan hệ vốn có trong gia đình. Mọi việc sẽ trở nên tốt đẹp hơn nếu như sự hy sinh được chia sẻ cho cả người đàn ông. Khó khăn sẽ bớt đi nếu người đàn ông cùng chung vai gánh vác với vợ để vượt qua khó khăn. Nhưng ở VN, đến bây giờ, quan hệ giới vẫn chưa thực sự bình đẳng. Trong gia đình, chỉ có người phụ nữ được trông đợi phải hy sinh và người đàn ông nghiễm nhiên chấp nhận điều này. Nếu thay đổi cách quan niệm thì mọi việc sẽ dễ dàng hơn.

Vậy, người phụ nữ phải làm gì để thay đổi quan hệ này? Thay vì cách nghĩ mình không thể làm gì khác mà tự xoay xở một mình thì người phụ nữ hãy bàn bạc những vấn đề khó khăn cùng các thành viên trong gia đình để tìm sự đồng cảm, sẻ chia từ các thành viên, nhất là từ chồng. Phải công khai và yêu cầu hỗ trợ từ tất cả mọi người trong gia đình. Có như vậy mới giảm bớt gánh nặng cho người phụ nữ, không tạo ra sự bất công, trầm cảm quá mức. Khi đó, gia đình sẽ dễ vượt qua giai đoạn khó khăn.

Bình đẳng giới trong xã hội ở VN chúng ta đạt được có hai lý do: Thứ nhất là do ý chí chính trị. Thứ hai là lý do kinh tế. Nếu như phụ nữ không tham gia vào các hoạt động sản xuất kinh tế thì xã hội sẽ lâm nguy. Thế nhưng, trong nhận thức của đa số mọi người thì vẫn chưa. Thậm chí, chính trong nhận thức của người phụ nữ, họ luôn tự ép mình vào cái khuôn mẫu giới, hy sinh để trở thành “người vợ đảm, dâu hiền” và không tài nào thoát ra khỏi cái khuôn mẫu đó.

Với những gia đình trẻ ban đầu có vẻ như có sự chia sẻ giữa vợ và chồng. Nhưng với thời gian, khi họ đã trở nên có tuổi, việc bất bình đẳng giới lại xảy ra vì cả nền văn hóa đã như vậy rồi. Đã có trong tiềm thức từ xa xưa: Người đàn ông thì gắn với sự nghiệp, còn người phụ nữ gắn với trách nhiệm gia đình. Chính điều này cũng tước đi của người nam giới nhiều khả năng, cơ hội được hưởng những niềm vui từ những điều tưởng chừng rất nhỏ nhặt, nhưng lại rất thú vị trong cuộc sống; làm cho gánh nặng của người đàn ông càng nặng thêm khi đàn ông không thành đạt. 

Các nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới hay, các tổ chức của Liên Hợp Quốc đều cho thấy nước nào mà phát triển được là nhờ có bình đẳng giới, bởi xã hội đó phát huy được năng lực tối đa của người đàn ông và phụ nữ ở cả ngoài xã hội và trong gia đình.

Hải Phong thực hiện