Nhọc nhằn đời phu đá!

Trong ánh nắng trưa gay gắt, tôi đến bãi đá Hảo Sơn (Phú Yên) với mong muốn tìm hiểu về công việc, cuộc đời của những người phu đá. Tiếng chan chát rộ lên ở khắp nơi, bụi mịt mù, muốn nói chuyện phải hét thật to mới mong người đối diện nghe thấy tiếng.

Nhọc nhằn đời phu đá!

Trong ánh nắng trưa gay gắt, tôi đến bãi đá Hảo Sơn (Phú Yên) với mong muốn tìm hiểu về công việc, cuộc đời của những người phu đá. Tiếng chan chát rộ lên ở khắp nơi, bụi mịt mù, muốn nói chuyện phải hét thật to mới mong người đối diện nghe thấy tiếng.

Nghe tôi hỏi, ông Nguyễn Toàn (32 tuổi, 1 vợ – 3 con, ở thôn Bàn Thạch, Hoà Xuân Đông, Đông Hoà) ngẩng mặt lên trả lời: “Tôi làm nghề đá đã hơn 10 năm, anh em con cháu tôi cũng làm, trong làng nhiều người cùng làm… nghề này tuy khổ nhưng không vốn và không phải đợi đến mùa như các nghề khác nên bà con theo đông”. Vậy đấy, làm thợ đá mà cũng… kéo theo cả dòng họ, gia đình. Công việc không đòi hỏi tay nghề chuyên biệt chính là lý do khiến những người này đến với nghề. Thế nhưng, cũng chính vì thế nên nghề chẻ đá không hề dễ dàng, chén cơm trong nghề không chỉ pha lẫn mồ hôi mà có đôi khi còn pha cả máu…

Cả làng chẻ đá

Thôn Hảo Sơn, xã Hoà Xuân Nam (huyện Đông Hoà – Phú Yên) nằm bên cung đường đèo Cả nối hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hoà, được nhiều người mệnh danh là một “làng chẻ đá” nổi tiếng ở Phú Yên. Những năm gần đây, lượng người theo nghề chẻ đá ngày càng nhiều và nghề chẻ đá được xem như “làm ăn được” vì thị trường xây dựng đang tiếp tục phát triển. Tại bãi đá Hảo Sơn, mỗi ngày có hơn 30 phu đá trong làng và từ nơi khác đến miệt mài khom lưng đục đẽo, đối mặt với hiểm nguy, đương đầu với tiếng chan chát, bán mặt cho đá bán lưng cho trời.

Theo ông Toàn, hơn nửa số này là người thôn Hảo Sơn và thôn Bàn Thạch, ngoài ra cũng có một số người từ huyện Tuy An đến, trong đó có nhiều người anh em họ hàng dính líu với nhau. Mỗi ngày một phu đá chẻ từ mờ sáng đến chiều tối được 20-30 viên đá xây dựng cỡ 20x40cm (đá đôi), giá hiện tại là 5.500 đồng/viên. Ông Toàn giải thích: “Trước kia đá nhiều, nổi trên mặt đất nên dễ làm, nay phải đào lấy đá âm sâu dưới đất nên rất khó khăn, người khoẻ mới làm được như vậy. Sáng làm, chiều có trên 100.000 đồng ấm túi nên ai cũng lao vào, từ đó cả làng đổ xô đi chẻ đá”.


Tự rèn đồ nghề trong rừng để tiếp tục công việc ngày mai

Ngoài làng đá Hảo Sơn, xã An Dân (huyện Tuy An) cũng có nhiều thôn có người mưu sinh bằng nghề chẻ đá. Ông Nguyễn Ngọc Chính (37 tuổi, 1 vợ-3 con) từ An Dân khăn gói vào đèo Cả ở trọ để hành nghề chẻ đá đang cặm cụi đục đẽo “bốp bốp, chát chát chát” dưới hố sâu mồ hôi nhễ nhại. Thấy chúng tôi, ông ngừng tay vớ vội bầu nước ực từng hơi rồi ngồi đốt thuốc trong căn chòi che tạm bằng bạt. Ông tâm sự: “Tôi vào đây 5 năm rồi, tranh thủ làm kiếm tiền, lâu lâu mới chạy về thăm nhà rồi gửi tiền cho vợ nuôi con đi học”. Cùng đi với ông có nhiều bầu bạn nhưng hôm nay mưa, họ nghỉ trọ trong xóm lai rai giải mỏi, đợi mai trời nắng sẽ tiếp tục làm. Ông Chính cũng cho biết: “Ở quê tôi, những người không đi đèo Cả thì đi xã miền núi An Xuân, trên đó cũng có bãi đá, ai quen đâu làm đó…”.

 

“Mùa mưa 2010, trong lúc núi lở liên miên, những thợ đá vẫn… thản nhiên đứng ngồi dưới những tảng đá “khủng” để đục chẻ từng viên đá, bán cho ngành vật liệu xây dựng, kiếm cơm qua ngày”

 

 

Về vùng khai thác đá chẻ ở xã An Xuân (huyện Tuy An), chúng tôi gặp phu đá Lê Xuân Hân (50 tuổi, thôn Bình Hoà, xã An Dân), một “trưởng nhóm” trong số hơn 10 người chẻ đá từ An Dân lên đây. Ông Hân kể: “Tôi được anh em trong xã gọi lên đây làm từ tháng 3.2010. Chúng tôi chẻ đá rồi bán lại cho bà Nguyễn Thị Lý (người cùng xã An Dân lên đây lập trại kinh doanh đá) với giá 1.500 đồng viên cỡ 20x20cm”. Ông Hân và bầu bạn phải ở lại lán trại bà Lý dựng sẵn trong rừng, tự túc nấu ăn rồi làm từ sớm đến chiều, ai giỏi thì có thu nhập cao. Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi vận chuyển được về đồng bằng, mỗi viên đá như thế này có giá trên 5.000 đồng.

Nhìn chung, các phu đá đa phần là những người nghèo, ruộng đất ít, không có việc làm ổn định nên thường xuyên vắng nhà, chấp nhận suốt đời “liều mạng” với đá để nuôi vợ con.

Hiểm nguy rình rập

Chẻ đá là một nghề nặng nhọc và hiểm nguy. Lao động chân tay 100%, nên sức lực là điều kiện số một để hành nghề. Ông Nguyễn Toàn than thở: “Không có nghề ổn định nên phải theo nghề này chứ tôi biết rất nguy hiểm. Chuyện tai nạn lặt vặt thì… lủ khủ! Bóc móng, dập tét tay, mảnh đá văng trúng mắt,… như cơm bữa, quen rồi, xức thuốc hoặc đi bệnh viện vài bữa là “chiến đấu” tiếp!”. Còn phu đá Chính thì quen nghề hơn, ông bắt chuyện: “Làm lâu có kinh nghiệm, thấy chỗ nào nhiều tầng đá nguy hiểm thì… biết đường né chứ mùa mưa này, núi lở, đá đổ ở khu đèo Cả là chuyện thường!  Đục hết đá dưới thấp, anh em thợ còn tìm cách lăn đá trên núi cao xuống, phải canh “vừa tầm” nếu không thì đá lăn ra đường, đụng xe, đụng người thì “toi” cả đám”.


Phu đá Lê Xuân Hân cặm cụi đục những tảng đá âm sâu duới đất

Trước đó, nghề chẻ đá dưới chân đèo Cả đã từng xảy ra bao tai nạn, do đá lăn đè. Thương tâm nhất, dư luận vẫn chưa quên cái chết thê thảm do hàng chục tảng đá tấn đã đột ngột nối nhau đổ ập xuống đè cùng lúc của 3 thợ đá tại một điểm khai thác trên khu vực đèo Cả vào ngày 6.1.2008. Vậy mà, mùa mưa 2010, trong lúc núi lở liên miên, những thợ đá vẫn… thản nhiên đứng ngồi dưới những tảng đá “khủng” để đục chẻ từng viên đá, bán cho ngành vật liệu xây dựng, kiếm cơm qua ngày.

Không hề có bảo hiểm, mùa mưa, núi lở triền miên, tắc đường, sập hầm tàu liên tục… vẫn không ngăn được những thợ đá liều thân. Công cuộc mưu sinh của những thợ đá tưởng chừng như “không chết thằng Tây nào” ngoài chính bản thân họ, thế nhưng nhìn kỹ lại không phải như vậy…

Ảnh hưởng môi trường và sản xuất nông nghiệp

Ông Đặng Thanh Sơn, Chủ tịch UBND xã An Xuân, huyện Tuy An cho biết: “Tình trạng khai thác đá chẻ trái phép trên địa bàn xã An Xuân đã diễn ra rầm rộ từ tháng 3.2010. Địa phương đã thành lập ban vận động, xử phạt hành chính nhiều lần nhưng vẫn tái diễn. Địa phương cũng đã báo với Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Tuy An nhưng các ngành chức năng không phối hợp đồng bộ nên khó giải quyết”. Ông Sơn cho biết thêm: “Điểm khai thác thuộc khu vực suối Lượng, thôn Xuân Trung (xã An Xuân) nằm khu vực đầu nguồn, nếu tiếp tục khai thác sẽ ảnh hưởng đến sản xuất cho đồng ruộng vùng hạ lưu”.

Trao đổi với chính quyền xã Hoà Xuân Nam (huyện Đông Hoà) thì chúng tôi được biết: đây là vấn đề “muôn thuở” ở nơi này. Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch UBND xã Hoà Xuân Nam, cho biết: “Việc quy hoạch khai thác đá, chuyển đổi lao động chẻ đá vẫn đang nằm ngoài tầm với của chính quyền địa phương. Chính quyền xã đã thành lập tổ vận động tuyên truyền anh em nghỉ chẻ đá và cấm không cho khai thác trong mùa mưa, khi nào nắng lên mới làm, nhưng không được, việc hành nghề tự phát vẫn tiếp tục”.

Điều đáng nói là các bãi đá này đều nằm trong khu vực rừng đặc dụng quốc gia đèo Cả – Vũng Rô. Ngoài việc bảo vệ môi trường, cảnh quan nơi đây cũng cần được duy tu và bảo tồn bền vững. Thanh tra Sở Tài nguyên – Môi trường Phú Yên cho biết đã nhiều lần cùng huyện Đông Hoà lập đoàn kiểm tra, xử phạt nhiều chủ thầu tổ chức khai thác đá trái phép tại khu vực đèo Cả nhưng tình trạng này vẫn không khống chế được. Và cứ thế, bài toán áp lực mưu sinh và sự quản lý nửa vời của nhà chức trách mãi là vấn đề nhức nhối.