Cấm lừa dối người tiêu dùng

Theo luật này, Bộ Công thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Luật cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ…

Cấm lừa dối người tiêu dùng

Chiều 17-11, Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với tỉ lệ 82,35% đại biểu tán thành.

Theo luật này, Bộ Công thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Luật cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ…

Luật cũng cấm tổ chức, cá nhân lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người tiêu dùng hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để cung cấp hàng hoá, dịch vụ không đảm bảo chất lượng.

Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ có trách nhiệm niêm yết công khai giá hàng hoá, dịch vụ tại địa điểm kinh doanh, văn phòng dịch vụ.

Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ cung cấp thông tin cho người tiêu dùng thông qua các phương tiện truyền thông thì chủ phương tiện truyền thông, nhà cung cấp dịch vụ truyền thông có trách nhiệm xây dựng, phát triển giải pháp kỹ thuật ngăn chặn việc phương tiện, dịch vụ do mình quản lý bị sử dụng vào mục đích quấy rối người tiêu dùng…

Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có thể đại diện người tiêu dùng khởi kiện hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng. Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực từ ngày 1-7-2011.

Xoá bỏ xin cho trong hoạt động khoáng sản

Dự thảo Luật khoáng sản (sửa đổi) được Quốc hội biểu quyết thông qua với tỉ lệ 79,31% đại biểu tán thành. Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Hà Văn Hiền cho biết luật này quy định nguyên tắc về việc Nhà nước điều tiết khoản thu từ hoạt động khai thác khoáng sản cho địa phương để hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội.

Trong quá trình điều hành, Chính phủ sẽ căn cứ vào quy định của luật và các luật có liên quan để quy định cụ thể phù hợp với Luật ngân sách nhà nước và phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, từng dự án khai thác khoáng sản.

Dự thảo luật được thông qua đã có sự thay đổi cơ bản so với luật hiện hành là thực hiện cơ chế quản lý nhà nước về khoáng sản phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Theo đó, việc cấp quyền khai thác khoáng sản phải được thực hiện trên cơ sở đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Tuy nhiên, trong thực tế có một số khu vực khoáng sản, loại khoáng sản quý hiếm có tính chiến lược của nền kinh tế hoặc những khoáng sản ở khu vực nhạy cảm về môi trường, về bảo đảm quốc phòng, an ninh thì không thông qua đấu giá quyền khai thác…

Dự thảo Luật HTX: còn nhiều vấn đề phải làm rõ

Sáng 17-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật hợp tác xã (HTX). Nhiều đại biểu đề nghị cần tránh mập mờ trong việc đăng ký thành lập HTX nhưng hoạt động dưới dạng doanh nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Văn Vượng (Thái Nguyên) phân tích vướng  mắc nhất của HTX hiện nay chính là nội dung hoạt động, là nội dung kinh tế. Ông Vượng nói: “Động lực của HTX phải là lợi ích của người lao động, nếu không sẽ rất lỏng lẻo”. Đại biểu Nguyễn Văn Phát (Thanh Hoá) cho rằng muốn xây dựng nông thôn mới cần quan tâm ưu tiên chính sách cho HTX trong lĩnh vực nông nghiệp.

Ông Hà Văn Hiền cho biết sẽ cần phải có nhiều hội thảo nữa để đưa những vấn đề rất khó vào dự thảo Luật HTX, như có cho HTX cung cấp sản phẩm ra bên ngoài hay chỉ phục vụ xã viên, HTX có được mở công ty để kinh doanh…

Quan điểm của Uỷ ban Kinh tế, ông Hiền cho biết, nên cho HTX được cung cấp sản phẩm ra ngoài với tỉ lệ nhất định. Do cần thay đổi mô hình quản trị hiện tại nên HTX cũng cần có giám đốc, tổng giám đốc.

Cùng ngày, Quốc hội đã thông qua dự thảo nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2011 với tỉ lệ 83,16% đại biểu tán thành.

87 đại biểu chất vấn hơn 200 câu hỏi

Theo tờ trình mới nhất của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (QH) gửi đến các trưởng đoàn đại biểu QH, đã có 203 câu hỏi chất vấn của 87 đại biểu QH gửi đến Chủ tịch nước, Thủ tướng, phó thủ tướng, các bộ trưởng.

Dẫn đầu là bộ trưởng Bộ Công thương với 37 chất vấn, Thủ tướng 21 chất vấn, bộ trưởng Bộ Tài chính 18 chất vấn, bộ trưởng Bộ Y tế 15 chất vấn, bộ trưởng Bộ Giáo dục – đào tạo 14 chất vấn… Chủ tịch nước, Uỷ ban Thường vụ QH, tổng Kiểm toán Nhà nước lần này cũng được chất vấn nhưng chỉ với một câu hỏi cho mỗi địa chỉ.

Về các chất vấn của các đại biểu, theo tổng hợp, có nhiều câu hỏi rất “nóng”, truy vấn trách nhiệm cả Thủ tướng và các bộ trưởng. Như đại biểu Đặng Văn Khanh, viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội, chất vấn trực tiếp trách nhiệm của Thủ tướng trong vụ Vinashin.

Ông Khanh đề nghị Thủ tướng khẳng định trước QH và cử tri về việc triển khai dự án bôxit Tây nguyên, nếu tiếp tục thực hiện thì hiệu quả tổng hợp cả về kinh tế, môi trường, an ninh ra sao?

Vấn đề Vinashin cũng được đại biểu Huỳnh Nghĩa, phó đoàn đại biểu QH Đà Nẵng, chất vấn: báo cáo đã nêu rõ trách nhiệm của lãnh đạo Vinashin, lãnh đạo tập đoàn này đã bị bắt, việc xử lý các cơ quan quản lý sẽ thế nào?

Trước thông tin đã có 11 đoàn thanh tra, kiểm tra Vinashin, ông Nghĩa đề nghị phải nêu rõ danh tính những người đứng đầu các cuộc thanh tra, kiểm tra đó trước QH để toàn dân biết…

Về vấn đề thiếu điện, cắt điện không báo trước, nhất là dư luận cho rằng thủy điện xả lũ góp phần gây ngập lụt ở hạ du, nhiều đại biểu đã chất vấn trực tiếp bộ trưởng Bộ Công thương và cả Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải.

 Ông Huỳnh Nghĩa cũng cho biết đã nhận được văn bản trả lời của Bộ Công thương liên quan đến trách nhiệm trong việc để xảy ra thiếu điện, cắt điện nhưng bộ trưởng Bộ Công thương trả lời một cách chung chung như “thả gà qua đám giỗ”, chưa rõ trách nhiệm, giải pháp.

Theo ông Nghĩa, ông sẽ cân nhắc chất vấn lại bộ trưởng Bộ Công thương trên diễn đàn QH.

CẦM VĂN KÌNH