Nên điều tra chống bán phá giá

Trước tình trạng nông sản ngoại nhập đang tiếp tục tăng đột biến, có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến hàng trong nước, nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc VN cần áp dụng các biện pháp để bảo vệ. Trong đó, cần áp dụng biện pháp điều tra chống bán phá giá.

Vụ “Nhập cả bắp cải, hành lá…”:

Nên điều tra chống bán phá giá

Trước tình trạng nông sản ngoại nhập đang tiếp tục tăng đột biến, có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến hàng trong nước, nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc VN cần áp dụng các biện pháp để bảo vệ. Trong đó, cần áp dụng biện pháp điều tra chống bán phá giá.

Tuổi Trẻ xin giới thiệu ý kiến một số chuyên gia.

* Luật sư Trần Hữu Huỳnh (Trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp VN):

Nên điều tra chống bán phá giá

Tôi thường xuyên theo dõi về tình hình nhập khẩu hàng nông sản từ Trung Quốc về. Ở đây rõ ràng có vấn đề quản lý lỏng lẻo về vệ sinh an toàn thực phẩm. Chưa cần nói đến hàng vào nhiều hay ít, nhưng đáng lý ra nếu là hàng nông sản nhập khẩu thì phải kiểm tra chặt chẽ hai vấn đề: an toàn vệ sinh thực phẩm và ngăn chặn các sản phẩm có khả năng gây dịch bệnh. Hầu hết các nước trên thế giới đều siết chặt vấn đề này. Ở nước ta, nhiệm vụ của cơ quan quản lý lúc này cần phải đưa ra tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm hàng đạt đúng tiêu chuẩn mới cho vào.

Trong khuôn khổ của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các hiệp định thương mại, chúng ta có quyền áp dụng hai biện pháp để bảo vệ hàng trong nước là dùng hàng rào thuế quan và phi thuế quan. Với mặt hàng nông sản, cần phải xem xét lại còn mặt hàng nào đang phải chịu thuế thì áp thuế cho đúng, cơ quan hải quan cần có dữ liệu giá cả thị trường để tránh tình trạng khai gian giá, trốn thuế. Với những mặt hàng có mức thuế 0%, luật pháp thương mại quốc tế cũng cho phép chúng ta sử dụng nhiều biện pháp để bảo vệ hàng trong nước.

Trong các biện pháp phòng vệ thương mại gồm chống bán phá giá, tự vệ, điều tra hành vi bảo hộ…, biện pháp điều tra chống bán phá giá là cần thiết và phù hợp nhất hiện nay. Điều tra chống bán phá giá với hàng nông sản tương đối khó khăn, mất nhiều thời gian nhưng cần phải làm. Người làm phải là những tổ chức, doanh nghiệp có đủ kinh phí, chuyên môn và quyết tâm bảo vệ hàng trong nước. Ở góc độ quản lý, đây là trách nhiệm của Cục Quản lý cạnh tranh.

* TS Vũ Thị Bạch Nga (Trưởng ban bảo vệ người tiêu dùng Cục Quản lý cạnh tranh):

Phải xem lại quy trình kiểm soát hàng nhập

Theo tôi được biết, việc kiểm soát chất lượng mặt hàng rau củ quả nhập khẩu đang được các cơ quan chức năng thực hiện bằng hình thức hậu kiểm, nghĩa là không thực hiện kiểm tra, kiểm soát ngay từ cảng nhập và cửa khẩu, mà chỉ kiểm soát sau khi hàng đã được đưa ra thị trường.

Tuy nhiên, hoạt động kiểm tra này không được thực hiện thường xuyên, chỉ lấy mẫu ngẫu nhiên đem kiểm nghiệm đánh giá tình hình. Trong khi hàng nông sản nhập khẩu vẫn được nhập vào VN với số lượng lớn. Ở đây có lỗ hổng pháp lý. Đáng lẽ đối với các mặt hàng này, để bảo vệ người tiêu dùng cần phải quản lý thật chặt, ngăn chặn hàng không đảm bảo chất lượng nhập khẩu vào VN.

Theo những gì báo chí thông tin, với cách làm chỉ kiểm tra dịch bệnh, bỏ qua khâu kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, đánh giá tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản…, rõ ràng quy trình kiểm soát hàng nhập khẩu vào VN có lỗ hổng lớn. Các cơ quan chức năng cần phải xem xét lại vấn đề này.

Trước thực trạng hàng nông sản Trung Quốc nhập khẩu ồ ạt và có giá quá rẻ, lấn át hàng trong nước thì cần có sự điều tra cụ thể về giá cả, số lượng, tác động đến hàng trong nước như thế nào, mất thị phần ra sao… để cơ quan chức năng vào cuộc. Các tổ chức, hiệp hội ngành hàng, cá nhân có liên quan hay bị ảnh hưởng bởi hàng nông sản nhập khẩu đều có thể tự thu thập thông tin, gửi yêu cầu điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại lên Cục Quản lý cạnh tranh. Cục sẽ dựa trên các cơ sở thông tin ấy để tiến hành các bước tiếp theo.

* Ông Nguyễn Văn Tủi (Phó phòng kinh tế xã hội Hội Nông dân TP.HCM):

Đang thu thập số liệu

Thời gian gần đây chúng tôi đã nghe nhiều ý kiến lo ngại của người dân liên quan đến hàng nông sản Trung Quốc. Hiện Hội Nông dân TP.HCM đang tiến hành thu thập số liệu và ý kiến các bên liên quan để đánh giá tác động của nông sản ngoại ảnh hưởng đến hàng trong nước. Từ đó chúng tôi đưa ra các biện pháp đối phó và kiến nghị lên cấp trên để có những chính sách hỗ trợ nông dân trong nước.

Thật ra, với quy mô sản xuất lớn, hàng Trung Quốc có giá thành thấp hơn nhiều so với hàng VN, vốn chủ yếu sản xuất quy mô nhỏ lẻ. Tuy nhiên, qua những nghiên cứu của chúng tôi thì chất lượng nông sản nhập không bằng trong nước. Với lợi thế giá rẻ hơn nhiều so với hàng sản xuất trong nước, nông sản Trung Quốc vào VN nói chung và thị trường TP.HCM nói riêng ngày một nhiều. Nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời để hạn chế nhập khẩu và hỗ trợ người sản xuất trong nước, nông sản ngoại sẽ dần “bóp chết” nông sản trong nước.

* TS Võ Mai (Chủ tịch Hội Trang trại và làm vườn VN):

Tổ chức lại sản xuất và tiêu thụ nông sản trong nước

Không phải dễ dàng mà người tiêu dùng nội địa dùng hàng nông sản Trung Quốc nói riêng và nông sản nhập khẩu nói chung ngày một nhiều. Rau quả ngoại nhập dần chiếm lĩnh thị trường trong nước bởi các yếu tố ngon, đẹp và rẻ. Dù độ an toàn của hàng ngoại nhập chưa được cơ quan nào trong nước kiểm định, nhưng một khi đã được lưu thông trên thị trường thì yếu tố đẹp và rẻ sẽ thu hút người tiêu dùng.

Trong khi đó, sản xuất trong nước hiện nay vẫn chủ yếu là nhỏ lẻ. Mấy chục ngàn hợp tác xã trên toàn quốc chỉ trên danh nghĩa, có mấy hợp tác xã hoạt động thật sự hiệu quả. Dù Nhà nước đã có những chính sách để khuyến khích sản xuất nông sản theo hướng hàng hoá, giảm giá thành nhưng ở khâu thực hiện không đúng, kém hiệu quả nên người dân vẫn tự xoay xở trong canh tác.

Khâu sản xuất và tiêu thụ bị tách rời nên giá bán trên thị trường rất cao mà người sản xuất lại không được hưởng lợi. Nếu không tổ chức lại sản xuất trên quy mô và trình độ cao hơn thì nông sản VN sẽ bị đẩy lùi trên sân nhà.

—————————————————————-

Và sau đây là ý kiến phản hồi của một số bạn đọc:

Đến giờ này mới làm

Mối quan tâm về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm đâu phải đến bây giờ chúng ta mới biết cần phải quan tâm. Sản phẩm trong nước chưa kiểm soát được thì đã đành. Nhưng tại cửa khẩu mà còn không kiểm soát được nữa nói gì đến điều tra chống bán phá giá. “”Hãy nói và làm, làm nhiều hơn nữa, phải nhìn thấy sự việc, thấy hậu quả trước khi nó diễn ra chứ không phải để cứ khắc phục hoài”.

trung dung

Cà rốt Trung Quốc

Bà xã tôi hay mua cà rốt luộc cho tôi ăn, một hôm ra nhà hàng ăn cơm, tôi gọi món cà rốt, thật bất ngờ, cà rốt rất to, đẹp nhưng ăn vào nhạt nhách sặc mùi dầu hôi hay thuốc xịt rầy, tôi phải bỏ, về nhà hỏi bà xã mới biết đó là cà rốt của Trung Quốc, họ tưới hoá chất để làm cho to và đẹp và đó là thứ cà rốt bà xã tôi không bao giờ mua, của Việt Nam nhỏ hơn, xấu hơn nhưng ăn ngọt hơn nhiều. Tại sao thứ độc hại này tung hoành ở Việt Nam?

ĐẶng như ĐỊnh

Phải có biện pháp bảo vệ

Tại sao chính phủ có thể bảo hộ một số ngành công nghiệp như ô tô chẳng hạn nhưng thực ra nó chỉ bảo vệ cho các liên doanh nước ngoài và vài doanh nghiệp lắp giáp ở Việt Nam. Trong khi rau quả nông sản người nông dân nước ta làm ra bán rẻ như bèo, thậm không buồn thu hoạch vì giá quá tẻ nếu thu hoạch lại mất thêm công, càng lỗ. Vậy mà sao nước ta vẫn cho nhập ồ ạt rau quả Trung Quốc mà rau quả Trung quốc vô cùng độc hại (do họ dùng nhiều hoá chất bảo quản). Bảo vệ cho nền sản xuất nông sản trong nước tức là ta đã bảo vệ lợi ích cho hàng chục triệu nông dân.

Lương văn an

Bảo vệ hàng Việt

Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ cho nông sản VN, tổ chức mạng lưới tiêu thụ dến người tiêu dùng rộng rãi hơn. Tôi nghe nói hàng Trung Quốc nhiều chất bảo quản độc hại nhưng ở chợ thì đầy hàng Trung Quốc, không biết cái nào là rau cải VN để mua. Còn giá cả Trung Quốc rẻ từ khâu nhập nhưng đến tay người tiêu dùng thì giá cả đã nâng lên rồi, lợi nhuận về tay những tư thương thôi.

NguyỄn ngỌc thanh

An toàn thực phẩm?

Rau quả nhập từ TQ, vấn đề là về Vệ sinh an toàn thực phẩm, nếu đảm bảo mà giá bán rẻ hơn hàng trong nước thì sao lại chống. Giá cả tăng liên tục, người hưởng lương, trợ cấp xã hội khổ quá, được mua rau TQ rẻ hơn, đời sống chút ít được cải thiện. Nhà nước phải có chính sách đối với nông dân một cách cơ bản hơn.

NguyỄn Bính

E ngại

Tôi rất e ngại chất lượng và độ an toàn của nông sản Trung Quốc. Tôi muốn mua hàng Việt Nam nhưng làm sao phân biệt?

DẠ Du