Mũ bảo hiểm từ nhựa ve

Nhựa tái sinh từ ve chai; khoá mũ, quai mũ, vải bọc đều là hàng giá rẻ; thậm chí các bộ phận chỉ đặt vào nhau mà không có đinh, ốc vít gắn lại… Đó là những phác thảo sơ bộ về nguyên liệu và công nghệ sản xuất mũ bảo hiểm dỏm đang xuất hiện tràn lan tại TP.HCM và nhiều tỉnh.

Mũ bảo hiểm từ nhựa ve

Báo Tuổi Trẻ, ngày 20/10/2010

Nhựa tái sinh từ ve chai; khoá mũ, quai mũ, vải bọc đều là hàng giá rẻ; thậm chí các bộ phận chỉ đặt vào nhau mà không có đinh, ốc vít gắn lại…

Đó là những phác thảo sơ bộ về nguyên liệu và công nghệ sản xuất mũ bảo hiểm dỏm đang xuất hiện tràn lan tại TP.HCM và nhiều tỉnh.

Chỉ cần một chiếc đe, chiếc búa, vài cuộn băng keo… mỗi ngày người ta vẫn làm ra hàng ngàn chiếc mũ bảo hiểm. Các cơ sở lắp ráp mũ bảo hiểm tại TP.HCM đặt mua vỏ mũ, mút xốp, đinh, ốc, vải lót, khoá mũ… tại nhiều cơ sở làm chuyên từng bộ phận, rồi ráp lại thủ công, dán thêm tem CR giả (tem chứng nhận hợp quy chuẩn kỹ thuật).

2.000 đồng một cái gáo mũ

Đã từng làm mỗi ngày hàng ngàn chiếc mũ bảo hiểm, nhưng sau khi bị lực lượng quản lý thị trường TP.HCM bắt giữ hơn 4.000 chiếc mũ bảo hiểm giả, dỏm hồi đầu năm nay, một công ty có trụ sở tại Q.Tân Phú (TP.HCM) giờ đây chuyển sang chuyên làm gáo mũ, cung cấp cho các cơ sở lắp ráp thành phẩm.

Vị giám đốc công ty cho biết làm mặt hàng này không lo phạm luật, bởi hiện không có quy định nào về chất lượng gáo mũ. “Công ty sản xuất theo đặt hàng. Khi có người đặt hàng tốt thì làm tốt, đặt giá rẻ thì chất lượng thấp, chủ yếu dùng nhựa phế liệu” – ông giám đốc cho hay. Gáo mũ là mặt hàng có thể “biến hoá” về chất lượng và giá cả.

Với loại giá cao, công ty sử dụng nguyên liệu tốt. Loại giá thấp, gáo sẽ mỏng và nguyên liệu sử dụng là nhựa phế phẩm. Hiện nay hạt nhựa làm gáo mũ bảo hiểm có ba loại ABS: loại tốt giá 45-50 triệu đồng/tấn, loại 2 giá trên 20 triệu đồng/tấn và loại rẻ giá khoảng 10 triệu đồng/tấn.

Mũ bảo hiểm sẽ thuộc diện hàng kinh doanh có điều kiện

Bộ Công thương đang hoàn thiện nghị định sửa đổi nghị định 59/2006NĐ-CP quy định chi tiết Luật thương mại về hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện. Theo dự thảo mới này, Bộ Công thương đã bổ sung mặt hàng mũ bảo hiểm vào danh sách các mặt hàng kinh doanh có điều kiện nhưng không cần cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Lê Minh Hoài, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương – đơn vị trực tiếp soạn thảo nghị định chuẩn bị trình Chính phủ, cho biết mặt hàng mũ bảo hiểm liên quan thiết yếu đến khả năng bảo vệ an toàn con người nên đã được Bộ Khoa học – công nghệ đề nghị Bộ Công thương bổ sung, đưa vào diện kinh doanh có điều kiện.

Và quan điểm của Bộ Khoa học – công nghệ cũng đề nghị việc sản xuất mũ bảo hiểm không chỉ thuộc diện kinh doanh có điều kiện không cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh mà phải thuộc diện kinh doanh có điều kiện. Nghĩa là doanh nghiệp phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh mới được làm. Bà Hoài cho biết hiện cơ quan soạn thảo nghị định đang hoàn thiện bản dự thảo để trình Chính phủ thông qua trong quý 4-2010 này.

C.V.KÌNH

Tại xưởng công ty này, máy móc chạy ầm ầm, liên tục. Những chiếc gáo mũ mới liên tục ra lò. Từng chồng gáo mũ còn nóng được xếp cao vút, hoặc đóng trong bao tải chờ chở đi giao cho khách. Hạt nhựa cũng có nhiều loại để trong các bao lớn, trong đó có cả loại hạt nhựa màu đen, màu xám… Người mua hàng có thể đặt với giá 2.000 đồng/chiếc gáo mũ.

Với loại này, nguyên liệu là nhựa ABS phế phẩm, tái chế từ nhựa phế liệu, như vỏ tivi, tủ lạnh, quạt điện, vỏ xe máy… Đây là nguyên liệu nhựa có giá rẻ nhất đang được các cơ sở làm mũ bảo hiểm giá rẻ sử dụng phổ biến. Loại này khi ra sản phẩm gáo mũ có màu đen, hoặc nhựa loại 2 có màu xám.

Tìm đến một trong những cơ sở tái chế hạt nhựa cung cấp cho công ty sản xuất mũ bảo hiểm trên tại đường Bùi Tư Toàn, P.An Lạc, Q.Bình Tân, chúng tôi nhận thấy nơi này còn cung cấp hạt nhựa ABS đen cho một số cơ sở làm mũ bảo hiểm khác.

Tại đây có một xưởng chứa hạt nhựa thành phẩm, một xưởng chứa ve chai. Hàng trăm bao ve chai được chất đống khắp các lối đi. Toàn bộ sẽ được phân loại, rồi đưa vào tái sinh tạo ra nhiều loại nhựa khác nhau, trong đó có nhựa ABS đen và xám. Sử dụng hạt nhựa này có thể làm ra những chiếc gáo mũ chỉ 1.500-2.000 đồng/chiếc, hoặc 3.500-4.000 đồng/chiếc.

Nhái mẫu hàng Thái, hàng Singapore

Tương tự, tại một điểm chuyên cung cấp các loại nhựa phế phẩm ở số 845 Kinh Dương Vương (Q.Bình Tân), có hàng trăm bao nhựa phế thải đã được giập nát nằm ngổn ngang trước và trong kho mái tôn.

Ông Diêm Bô, chủ cơ sở, cho chúng tôi xem cuốn sổ ghi chép, theo đó chỉ trong một buổi sáng hàng chục tấn nhựa phế thải loại ABS đen được bán cho các điểm chế biến hạt nhựa. Theo ông Bô, hạt nhựa được làm từ nhựa phế thải sẽ được dùng đúc các loại ly tách, một số phụ tùng nhựa xe máy và làm gáo mũ bảo hiểm…

Các cơ sở tái chế hạt nhựa cho biết nhựa ABS đen xưa nay vẫn sử dụng nguyên liệu là nhựa phế thải, ve chai. Sau khi tái chế có thể dùng làm nguyên liệu sản xuất nhiều đồ nhựa, mục đích ban đầu không phải nhằm sản xuất gáo mũ bảo hiểm. Tuy nhiên, vì loại nhựa này giá rẻ nên các cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm dỏm mua về, thay cho hạt nhựa ABS chính phẩm giá cao gấp 4-5 lần.

Tại cơ sở chuyên phân phối hạt nhựa ở hương lộ 2, khu phố 4, P.Bình Trị Đông A, Q.Bình Tân, hạt nhựa cũng được tái chế từ các loại nhựa phế thải. “Dân làm gáo lấy hạt nhựa của tôi nhiều lắm. Mỗi ngày chúng tôi làm vài tấn hạt nhựa mà vẫn không đủ để cung cấp. Ở đây có đủ loại hạt ABS: đen, xám, sữa nhưng chủ yếu họ lấy loại ABS đen. Làm gáo hàng chợ phải rẻ mới có lời!” – ông Tài, chủ cơ sở, cho biết. Tại đây, giá các loại hạt nhựa làm từ nhựa phế thải có giá 10.000-13.000 đồng/kg.

Một trong những khách ruột của ông Tài là một xưởng làm gáo mũ nhựa tại khu phố 1, đường Mã Lò, P.Bình Hưng Hoà A, Q.Bình Tân. Xưởng này có bốn máy ép mũ đang hoạt động. Anh Vinh – chủ xưởng – cho biết số lượng mũ ép mỗi ngày tùy thuộc lượng đặt hàng, trung bình mỗi ngày cơ sở ép khoảng 500 chiếc gáo mũ.

Nếu khách đặt hàng với số lượng lớn từ 1.000-2.000 chiếc cứ báo trước một ngày là có hàng đúng theo mẫu yêu cầu. Cứ khoảng năm phút lại có một chiếc gáo mũ ra lò với đủ kiểu dáng, màu đen hoặc xám tùy thuộc loại hạt nhựa tái chế. Trong xưởng tiếng máy giập ầm ầm, gần chục nhân công nam nữ người đổ hạt nhựa, người đẽo gọt vành mũ, người đóng bọc để chuyển qua xe ba gác chờ sẵn để giao hàng.

Anh Vinh khoe: “Chúng tôi có khoảng chục mẫu, nhưng đây là những mẫu hàng Thái, Singapore đang “hot” nhất hiện nay. Chỉ cần bọc vải lót trong ngoài, gắn dây đeo là bán được rồi”. Đây là loại mũ đang được bán phổ biến, không có mút xốp mà chỉ có hai lớp vỏ nhựa và vải bọc, hoàn toàn không có chức năng bảo hiểm dù có dán tem của mũ bảo hiểm.

Xốp mũ: chọc nhẹ tay cũng thủng

Bộ phận quan trọng thứ hai của một chiếc mũ bảo hiểm sau gáo nhựa là lớp xốp mũ. Đây là bộ phận hấp thụ xung động khi có va chạm, tản lực ra, chống chấn thương sọ não. Để đáp ứng yêu cầu, bề dày của lớp xốp tối thiểu phải 17-18mm, thậm chí lên tới 30mm. Xốp không mềm nhưng không quá cứng.

Trong khi đó, xốp mũ đang được bán tại các cửa hàng trên đường Hoà Hảo, Q.10 dày chưa tới 10mm, có thể dễ dàng chọc thủng bằng tay, thậm chí bóp nhẹ là bị méo. Gần như toàn bộ loại mũ dỏm đang bán giá 25.000-35.000 đồng/chiếc đều dùng loại xốp giá chỉ 2.000-2.500 đồng/chiếc.

Một người chuyên làm mũ bảo hiểm cho biết giá thành sản xuất một chiếc mũ dỏm chỉ khoảng 10.000 đồng, gồm: vỏ mũ 2.000 đồng, xốp mũ 2.000-3.000 đồng, còn lại là sơn, quai mũ, lưỡi mũ, trang trí, vải lót, in tem…

Theo giới thiệu của “người trong ngành”, chúng tôi tìm đến một điểm lắp ráp thành phẩm nằm trên đường Vườn Lài, Q.Tân Phú. Cửa nhà đóng im ỉm. Khách đến phải bấm chuông, đặt vấn đề mua mũ, chủ nhà mới mở cửa cho xem hàng. Tại đây có 6-7 thùng lớn chất đầy các loại mũ bảo hiểm còn khá mới. Anh Hà, chủ nhân số mũ trên, cho hay toàn bộ mũ do anh ráp và hàng không được chứng nhận hợp quy chuẩn kỹ thuật.

Ở đây có cả mũ nhập khẩu từ Thái Lan dán tem nhập khẩu, mũ còn lại dán tem CR. Lấy tay bóc nhẹ lớp xốp ra chúng tôi thấy phần xốp mũ không được gắn với gáo nhựa. Bên trong gáo có màu đen (dấu hiệu nhận biết nguyên liệu là nhựa ABS đen). Tem dán trên mũ cũng chỉ có thông tin “hàng sản xuất tại VN” và tem của Quatest (Trung tâm Tiêu chuẩn kỹ thuật đo lường chất lượng) mà không nêu rõ Quatest 1, 2 hay 3.

Anh Hà cho biết giá mỗi chiếc mũ khoảng 16.000 đồng. Loại có giá cao nhất ở đây cũng chỉ 18.000-20.000 đồng. Quatest 3 khẳng định chiếc mũ nhãn hiệu Fashion Helmet của cơ sở này dán tem CR giả và chất lượng cực dỏm. Dùng hai tay ép nhẹ, chiếc mũ đã méo mó.

* Đại diện một doanh nghiệp mũ bảo hiểm lớn tại TP.HCM:

Làm ăn chân chính chịu thiệt

Để đạt chất lượng, vỏ mũ phải làm từ nhựa ABS chính phẩm, có màu trắng hơi ngà, nặng hơn 400g. Giá loại nhựa này  40-50 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, mũ giá rẻ sử dụng nhựa ABS phế liệu, giá 10 triệu đồng/tấn, trọng lượng 150-200g/sản phẩm. Do nhựa giòn lại mỏng nên mũ dỏm, lớp xốp cũng mỏng, khi va đập vật cứng, nhọn dễ dàng xuyên qua vỏ và xốp gây chấn thương.

Loại mũ giá xuất xưởng 10.000 đồng/chiếc đang bán nhan nhản trên thị trường, trong khi để đạt chất lượng giá nguyên liệu tối thiểu phải 40.000 đồng/chiếc. Để sản xuất mũ tốt, doanh nghiệp phải đăng ký kiểm định, công bố chất lượng, mất khá nhiều thời gian. Còn mũ dỏm sản xuất xong được đưa ra thị trường ngay.

___________________

* Ông Hoàng Lâm (phó giám đốc Quatest 3):

Siết khâu lắp ráp để nâng chất lượng linh kiện

Theo quy định, tem thật phải ghi rõ cơ sở chứng nhận, không ghi chung chung là “Quatest”, ghi đầy đủ tên, địa chỉ cơ sở sản xuất, ngày tháng sản xuất và hướng dẫn sử dụng. Tuy nhiên, tem giả chỉ ghi “hàng sản xuất tại VN”. Hiện không có quy định nào ràng buộc chất lượng của từng linh kiện.

Vì vậy, các cơ sở này hoàn toàn có thể sản xuất gáo mũ, xốp mũ chất lượng tốt hay không tùy mục đích. Quản lý chất lượng mũ bảo hiểm chỉ có thể siết lại ở những điểm lắp ráp thành phẩm. Khi khâu cuối cùng bị siết lại, các cơ sở làm gáo, xốp cũng sẽ có trách nhiệm liên đới trong việc đảm bảo chất lượng hàng. Gần như toàn bộ các loại mũ bảo hiểm giá rẻ đang lưu thông trên thị trường là hàng dỏm, hàng giả.

BẠCH HOÀN – LÊ SƠN