Bạo lực trong giới trẻ, do đâu? – Bài 3: Đi tìm lời giải

Không học cách giải quyết mâu thuẫn, thiếu kiềm chế bản thân, nóng nảy, hành động bồng bột muốn chứng tỏ bản thân… là những nguyên nhân dẫn đến hành vi bạo lực trong giới trẻ.

Bạo lực trong giới trẻ, do đâu? – Bài 3: Đi tìm lời giải

Báo Thanh Niên, ngày 26/09/2010

Không học cách giải quyết mâu thuẫn, thiếu kiềm chế bản thân, nóng nảy, hành động bồng bột muốn chứng tỏ bản thân… là những nguyên nhân dẫn đến hành vi bạo lực trong giới trẻ.

Tội phạm ngày càng trẻ hoá

Theo số liệu thống kê của Công an TP.HCM, 6 tháng đầu năm 2010, trên địa bàn xảy ra 2.730 vụ phạm pháp hình sự; công an khám phá 1.626 vụ, bắt giữ 2.216 đối tượng. Đáng chú ý, độ tuổi từ 18 – 30 có đến 1.239 đối tượng gây án, chiếm tỷ lệ cao nhất (55,9%); kế đến là từ 18 tuổi trở xuống với 525 đối tượng (23,7%) và cuối cùng là trên 30 tuổi: 452 đối tượng (20,4%). Trước đó, trong thống kê của hai năm 2008 và 2009, giới trẻ gây án cũng chiếm vị trí “top ten”. Cụ thể: năm 2009, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 6.343 vụ phạm pháp hình sự (năm 2008: 6.974 vụ); khám phá 3.761 vụ (2008: 4.236 vụ) và bắt 4.801 tên tội phạm (2008: 5.763 tên). Trong đó, độ tuổi gây án dưới 18 tuổi là 1.112 đối tượng, chiếm tỷ lệ 23,2%; từ 18 – 30 tuổi: 2.766 đối tượng, chiếm tỷ lệ 57,6%.

Đáng lưu ý, nhiều vụ án giết người hoặc cố ý gây thương tích nguyên nhân chính là do mâu thuẫn trong cuộc sống hằng ngày. Theo thống kê từ cơ quan công an, 6 tháng đầu năm 2010 trong 77 vụ giết người thì có đến 42 vụ xuất phát từ mâu thuẫn trong cuộc sống hằng ngày, có khi chỉ vì một xích mích nhỏ… Năm 2009 cũng vậy: 104 vụ giết người có 57 vụ do mâu thuẫn trong cuộc sống hằng ngày – chiếm tỷ lệ cao nhất (năm 2008 tỷ lệ này cũng cao nhất: 87/168 vụ). Cơ quan CSĐT, Công an TP.HCM nhìn nhận: “Ngày càng nổi lên những nhóm thanh thiếu niên, học sinh lêu lổng chỉ vì xích mích hay va chạm nhỏ là dẫn đến chém giết lẫn nhau… Mức độ vi phạm của giới trẻ phạm tội rất nghiêm trọng, bất chấp tính mạng, sức khỏe của người khác chỉ vì xích mích nhỏ; các em cấu kết thành băng nhóm để thanh toán nhau hoặc không có tiền tiêu xài thì rủ nhau đi cướp, trộm cắp…”. Một lãnh đạo Công an TP.HCM, trong một số cuộc họp báo cũng từng cảnh báo: “Đối tượng gây án thanh thiếu niên bột phát, manh động có chiều hướng gia tăng nên rất nguy hiểm cho xã hội”.

Cái tôi quá lớn

Trao đổi về thực trạng nhiều người trẻ gây án chỉ vì những nguyên nhân… “lãng xẹt”, đại tá Mai Văn Tấn, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC14), Công an TP.HCM nhìn nhận: “Nguyên nhân dẫn đến các vụ trọng án xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ như: lời qua tiếng lại, nhất thời nông nổi, bột phát không kiểm soát được hành động của mình… thực sự đã trở thành mối nguy hiểm cho người xung quanh. Vì sao lời qua tiếng lại trở nên căng thẳng hoặc chỉ va chạm nhau đã dẫn đến xô xát… rồi gây án? Các vụ án này đều có liên quan đến rượu bia, bị kích động mạnh, cái tôi “anh hùng”, lòng tự ái của tuổi trẻ… Các vụ án như trên mang tính chất bột phát nên gây khó khăn nhất định cho công tác phòng ngừa”.

Đồng quan điểm này, luật sư Trần Nguyễn Thái Quân (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng nguyên nhân làm nảy sinh những chuyện bạo lực trên đây là do lớp trẻ hiện nay cái tôi quá lớn, cảm nhận vị trí của mình quá cao, cộng với thiếu tu dưỡng đạo đức nên có những cách hành xử thái quá khi gặp chuyện trái ý. Cái tôi này hiện nay xuất hiện quá nhiều trong phim ảnh và các tạp chí… “Cách đây không lâu, những chuyện bắn giết như bây giờ làm gì có hay một vụ giết người chặt khúc hiếm hoi lắm mới có một vụ. Bây giờ nhiều vụ án mạng xảy ra bất ngờ đến nỗi không ai ngờ vì chỉ cần nhìn thấy cái hình xăm thấy ghét hay một lời nói kích động, một tiếng nẹt pô hoặc tiếng còi xe, một cái nhìn “thấy đểu”… là có thể chém, giết nhau như sát thủ. Thậm chí có cả những vụ giết người mà không thể tìm được động cơ, mục đích như vụ sát hại hai lãnh đạo của Q.Phú Nhuận xảy ra vừa qua…”, luật sư Quân nói.

Luật sư Trần Anh Đoan Nghi (Đoàn luật sư TP.HCM) lại đặt ra vấn đề khác. Theo luật sư Nghi, áp lực cuộc sống ngày nay quá căng đối với cả giới trẻ. Căng từ chuyện học đến việc làm. Căng từ trong gia đình ra đến ngoài xã hội. Khi gặp bức xúc thì lại không có gì giải tỏa, thiếu chỗ vui chơi công cộng lành mạnh. Thời trước, lớp trẻ có cha, mẹ “kìm” lại nên cũng ít có cơ hội chứng tỏ mình. Ngày nay, nhiều cha mẹ buông con cái, không quản lý chặt như xưa, thậm chí chỉ quản lý từ xa bằng điện thoại… vì còn mải lo cơm áo gạo tiền, công danh, sự nghiệp. Vì vậy, giới trẻ thoải mái thể hiện mình, hành xử theo bản năng mà bản năng ấy không được nhà trường, gia đình rèn giũa bản ngã làm người. Lấy một ví dụ đơn giản, ở trường đã thấy học trò được học giết được bao nhiêu quân địch, bắn rơi mấy chiếc máy bay nhưng không thấy “nhồi sọ” sinh viên, học sinh chuyện nhân – lễ – nghĩa, nhân – quả hay gặp người lớn là phải chào hỏi, khi có lỗi thì xin lỗi ra sao, giúp đỡ nhau thế nào. Đó là chưa nói đến nạn bạo hành, bạo lực xảy ra nhan nhản trên đường phố, ở gia đình, trong nhà trường, trên phim ảnh… những điều này tác động đến sự phát triển bình thường của trẻ.

Chặn cái ác từ gốc

Để kéo giảm loại tội phạm này, theo ông Mai Văn Tấn, phải giải quyết từ gốc, đòi hỏi nhiều thời gian, như tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật, tạo sân chơi, gia đình quan tâm chăm sóc (không cho tiếp xúc với phim ảnh, game bạo lực), kết hợp nhà trường đoàn thể xã hội giáo dục… cho giới trẻ.

Theo một chuyên gia tư vấn tâm lý, lời khuyên tốt nhất cho các bạn trẻ là tập trung vào học tập để có tương lai tốt đẹp; tham gia vào các hoạt động xã hội có ích như: thanh niên tình nguyện, học sinh tình nguyện, các hoạt động của đoàn thanh niên. Đặc biệt, nếu nhìn thấy bạn bè mình có biểu hiện sai lệch, hãy lên tiếng và giúp đỡ các bạn.

Còn một kiểm sát viên nhiều năm từng ngồi xử những vụ án chém giết nhau vô cớ cho rằng muốn ngăn chặn chuyện bạo lực trong giới trẻ phải cần có sự đồng thuận của cả xã hội làm từ gốc và mỗi người lớn phải thấy trách nhiệm đó trong từng việc nhỏ. Cụ thể hơn, theo vị công tố này, để tránh phải mang những bản án “vô duyên” đánh mất tuổi trẻ và tương lai, các bạn trẻ đừng bao giờ mang theo hung khí trong người dù chỉ là con dao xếp, với bất cứ mục đích gì. Với những cái đầu nóng, cộng với hung khí có sẵn trong tay, án tù trước mắt là điều không thể tránh.

Lê Nga – Đàm Huy