Nhiều nghề “đắt hàng”, lương cao

Trong khi các sinh viên tốt nghiệp ĐH chật vật tìm việc hoặc làm trái nghề thì nhiều học sinh (HS) nghề chưa ra trường đã có các doanh nghiệp đến đăng ký “xin” tuyển.

Nhiều nghề “đắt hàng”, lương cao

 

Báo Thanh Niên, ngày 23/09/2010

 

Trong khi các sinh viên tốt nghiệp ĐH chật vật tìm việc hoặc làm trái nghề thì nhiều học sinh (HS) nghề chưa ra trường đã có các doanh nghiệp đến đăng ký “xin” tuyển.

Theo dự báo của các chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo nghề, nhu cầu nhân lực kỹ thuật trong ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ sẽ tăng mạnh trong những năm tới. Ông Dương Đức Lân, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB-XH) cho rằng: “Lập nghiệp không nhất thiết bằng con đường học ĐH. Nếu biết tính toán, các bạn trẻ có thể đi tắt bằng cách chọn học nghề vì học ngắn, lương cao, dễ kiếm việc”.

Theo đánh giá của Bộ LĐ – TB – XH, tỷ lệ HS nghề có việc làm chiếm trên 70%, trong đó, một số cơ sở dạy nghề đạt tới 95%. Cả nước có 240.000 doanh nghiệp và các đơn vị đang thiếu khoảng từ 1,4 đến 1,7 triệu người đã qua đào tạo nghề. 

Nghề hàn: trong và ngoài nước đều cần

 “Đắt hàng” và lương cao nhất phải kể đến nghề hàn. Theo ông Vũ Minh Nhiên, Trưởng phòng đào tạo trường CĐ nghề Lilama 1 (Ninh Bình), HS khoa Hàn ra trường bao giờ cũng có việc làm ngay với mức lương trung bình 4-5 triệu đồng/tháng. Với những HS có chứng chỉ hàn 6G (hàn kỹ thuật cao theo tiêu chuẩn quốc tế) ra trường lương ít nhất hơn 10 triệu đồng/tháng. “Trung bình mỗi năm có khoảng 2.000 HS hệ trung cấp và CĐ ra trường, tuy nhiên lượng cung không đủ cung cấp cho các đơn vị trong ngành, chứ chưa nói đến ngoài ngành” – ông Nhiên nói. Theo Bộ LĐ-TB-XH, không chỉ có doanh nghiệp trong nước thiếu lao động biết nghề hàn, thị trường xuất khẩu lao động tại Trung Đông cũng rất cần những lao động này và sẵn sàng trả mức lương trên 1.000 USD/tháng.

Cơ điện tử: chưa ra trường đã có việc

Một trong những nghề hiện đại còn khá mới mẻ ở Việt Nam, mới được một số trường nghề đưa vào giảng dạy vài năm gần đây là nghề cơ điện tử. Thực chất của nghề này là tích hợp cả 3 lĩnh vực: cơ khí-điện tử-tin học. Đặc điểm của nghề này là ít sử dụng kỹ năng chân tay, chủ yếu sử dụng trí tuệ vận hành, sửa chữa, bảo trì máy móc tự động. Hiện nay, các nhà máy sản xuất thép, xi măng, gạch ceramic, đường, chế biến cao su, sản xuất và chế biến thức ăn gia súc, sản xuất nước giải khát; chế biến thủy hải sản… đều có nhu cầu tuyển nhân viên kỹ thuật vận hành các dây chuyền sản xuất tự động hóa. Ông Trần Văn Hải, Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề Hùng Vương (TP.HCM) cho hay: “Học nghề này thu nhập đâu có kém người có bằng ĐH. 100% HS  ngành  này được doanh nghiệp đăng ký nhận khi đi thực tập. Có những HS ra trường mở công ty bảo trì máy móc doanh thu vài trăm triệu đồng/tháng; còn nếu đi làm cho các doanh nghiệp, kiếm 4-5 triệu đồng/tháng không khó”.

Nhà hàng – khách sạn: cung không đủ cầu

Bà Phạm Thị Vy, Hiệu trưởng trường Trung cấp Kinh tế-Du lịch Hoa Sữa (Hà Nội) cho biết: mỗi năm, trường tuyển 500 chỉ tiêu hệ đào tạo nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn và 500 chỉ tiêu cho hệ đào tạo theo yêu cầu. Thế nhưng, 1.000 người tốt nghiệp/năm vẫn không đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp khối nhà hàng – khách sạn. 100% HS tốt nghiệp được giới thiệu sắp xếp việc làm. Hiện có khoảng hơn 40 cựu học sinh trở thành chủ doanh nghiệp. Có những HS làm chủ 3-4 cửa hàng bánh lớn ở Hà Nội và rất nhiều HS có vị trí tốt trong các khách sạn 5 sao. Các địa phương như Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Vũng Tàu… cũng rất thiếu nhân lực trong ngành nhà hàng – khách sạn.

Ngoài những nghề kể trên, còn có nhiều ngành nghề đào tạo không kịp cung cấp cho các doanh nghiệp như: may và thiết kế thời trang, kỹ thuật điện lạnh, sửa chữa ô tô, lập trình – thiết kế đồ hoạ, khai thác mỏ…

Hải Bình